Bài văn tả một bác sĩ đang chăm sóc người bệnh 1
Một hôm, em bị sốt, em được mẹ đưa vào bệnh viện để khám bệnh, em có dịp biết cô Nga, một bác sĩ giỏi của bệnh viện thành phố.
Cô mặc chiếc áo bờ lu màu trắng, quần trắng, mũ trắng... Trước ngực, cô đeo hàng tên màu xanh đậm, ghi dòng chữ Bác sĩ Nguyễn Phương Nga. Ở cô toát lên vẻ đẹp giản dị, như nhành hoa trắng thanh cao. Người cô mảnh mai, dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt hình trái xoan trông thật hiền hoà. Đặc biệt là đôi mắt của cô đen láy, trông rất đẹp, nhìn kỹ giống đôi mắt cô giáo em. Em mải mê nhìn cô. Cô nhẹ nhàng đến bên từng bệnh nhân, hỏi thăm việc ăn, ngủ. Cô sờ tay lên trán người bệnh. Đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy làm việc nhanh thoăn thoắt. Cô lấy dụng cụ khám bệnh đo tim mạch, do huyết áp cho bệnh nhân. Bàn tay cô nhẹ nhàng xắn tay áo bệnh nhân lên và đặt ống nghe rồi quấn cuộn vải dày vào tay họ. Hai ngón tay bóp đều vào ống cao su, kim đồng hồ nhích dần, nhích dần. Cô ghi kết quả vào số khám bệnh. Sau đó, cô lấy ống nghe đeo trên cố ra đề kiểm tra tim, mạch của từng người. Sau khi khám bệnh xong, cô phát thuốc và tiêm cho người bệnh. Vừa tiêm thuốc, cô vừa động viên người bệnh để họ có thể vơi đi những đau đớn do bệnh tật gây nên. Cô Nga đúng là một “Lương y như từ mẫu”.
Em nhớ mãi hình ảnh cô Nga. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt đế sau này sẽ trở thành bác sĩ như cô.
Bài văn tả bác nông dân đang cày ruộng 2
Bác Hải là một nông dân cần cù, chất phác. Bác là người họ hàng của gia đình em. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại. Gặp bác khi bác đang cày ruộng.
Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng. Xa xa là dãy núi tím ngắt. Con mương nhỏ dẫn nước chạy men theo con đường trải đá răm. Đang vui vẻ nói chuyện cùng bố. Bố em dừng lại chào to: “Chào bác Hải, trưa rồi mà vẫn không nghỉ tay à?”
Bác Hải đang cày ruộng. Bác ngừng trâu. Dừng lại, nở nụ cười thật tươi chào lại bố con em. Năm nay bác chừng ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác rám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi găm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hoà khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhãi mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy quý và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".
Em và bố tiếp tục lên xe vào nhà nội, mỗi lúc một xa, bóng bác Hải khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.
Bài văn tả bác nông dân gặt lúa 3
Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.
Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Ra đồng các bác rẽ theo các hướng khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Dụng cụ đã chuẩn bị xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Đàn bà lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rộn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần. Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.
Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu.
Bài văn tả cô giáo đang giảng bài 4
Đồng hồ đã điểm 12 giờ, cái lạnh đêm nay như cắt da, cắt thịt vậy mà mẹ tôi vẫn ngồi đếm nhẩm từng con số, kiểm tra tài liệu. Cái dáng của mẹ tôi đang ngồi làm việc khiến tôi nhớ đến hình ảnh của cô giáo mình đang ngồi chấm bài cho chúng tôi.
Cả một ngày đứng trên bục giảng bài cho chúng tôi, chắc cô cũng mệt lắm rồi. Gió ngoài trời cứ rít lên từng hồi. Dù có nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra mái tóc xoăn, đen nhánh của cô. Đôi mắt cô chắc đang chăm chú đọc từng dòng, từng chữ, từng câu thật kĩ để chỉnh sửa bài cho chúng tôi. Chồng vở trên bàn cô chắc là chưa vơi được một nửa. Bên cạnh việc giảng dạy, cô còn dành số thời gian còn lại ít ỏi của mình cho gia đình. Chẳng thế mà cô rất đảm đang.
Những lúc trả bài cho học sinh, ánh mắt cô vừa buồn lại vừa vui. Buồn khi cô gặp những bài làm yếu, ý văn vụng về, lủng củng. Vui vì cô thấy một số bạn có tiến bộ, những hình ảnh ngộ nghĩnh khiến cô bật cười.
Nhiều hôm, cô đọc những chi tiết ấy lên, khiến chúng tôi cũng phải bật cười. Trong đêm lạnh, cô vẫn ngồi chấm bài. Cô đọc từng trang, đọc từng dòng, từng chữ. Chắc cô đang đăm chiêu suy nghĩ, có câu cô phải cân nhắc mãi nên thế nào cho đúng hay sai, điểm cao hay điểm thấp.
Đọc từng dòng phê của cô, tôi hiểu đó là biết bao quan tâm, chăm chút, yêu thương của cô dành cho chúng tôi. Nằm trong chăn, tôi cảm nhận được cái lạnh đang hoành hành như thế nào. Chắc hẳn cô đang xoa bàn tay cho ấm hơn. Chồng vở trên bàn cô chắc đã vơi được một nửa.
Nghĩ đến đó, tôi lại càng thương cô nhiều hơn. Cuốn vở của chúng tôi mà nhiều lời phê bình, điểm thấp thì chắc hẳn, cô sẽ buồn và lo lắng lắm. Dù bài làm của chúng tôi có được hay không nhưng tôi tin chắc rằng cô sẽ tìm thấy được niềm vui trong mỗi bài làm của chúng tôi. Bởi cô yêu nghề, yêu tất cả chúng tôi.
Chúng tôi yêu thương cô, yêu những miệt mài từng đêm làm việc, yêu cái nét chữ đầu tiên cô dạy chúng tôi. Mong rằng, các bạn và tôi sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng cô đã tin tưởng.
Bài văn t ả một chú công nhân đang xây nhà 5
Hằng ngày đến trường, em đi qua một công trường đang xây dựng. Em thường bắt gặp ánh mắt vui tươi quen thuộc của chú Hưng làm nghề thợ xây.
Lần đầu tiên quen chú, em có cảm tình ngay với đôi mắt ánh lên niềm tự tin của con người nhiều nghị lực. Với thân hình khá vạm vỡ, chú khoan thai bước lên giàn giáo, bắt tay vào công việc quen thuộc hằng ngày. Chú cúi xuống xúc vữa, trải một lớp lên hàng gạch đã xây. Rồi chú cẩn thận xếp từng viên gạch màu hồng tươi lên trên. Thỉnh thoảng gặp khoảng trống cuối cùng của một hàng gạch, không đặt vừa viên gạch, chú lấy lưỡi bay chặt bớt đi. Chú dùng cán bay gõ nhẹ nhiều lần để gạch được ngay và gắn chặt vào nhau. Chú cẩn thận lấy thêm vữa lấp đầy khe và làm kĩ để vữa không rơi vãi. Đôi bàn tay thô rám của chú làm việc thật dẻo dai đều đặn và chính xác. Chú chăm chỉ làm như quên hết tiếng động ầm ĩ xung quanh. Thỉnh thoảng, chú dừng xây, lấy dây dọi xem bức tường có thẳng đứng không. Khi gạch và vữa đều hết, chú ngồi nghỉ một lát rồi gọi vọng xuống:
– Gạch!
– Vữa!
Thế là gạch được liên tiếp quăng lên. Từ trên cao, chú nhanh nhẹn bắt lấy như một thủ môn lành nghề bắt bóng, vừa bắt chú vừa xếp từng viên một cách gọn gàng ngay ngắn. Một xô vữa nặng được kéo lên và chú tiếp tục làm. Mặt trời ngày một lên cao và bức tường xây cũng mỗi lúc một cao. Chú cởi trần để lộ cái lưng to bè bóng nhẫy và hai cánh tay có bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Chú huýt sáo một điệu nhạc vui như muốn quên đi cái nắng gay gắt.
Nhìn chú làm việc khéo léo và vất vả, em ước nếu mình là họa sĩ mình sẽ vẽ một bức tranh miêu tả sự khó nhọc và nguy hiểm của người thợ đã tạo nên những ngôi nhà chọc trời, vững chãi, thách thức gió bão và thời gian. Chính những ngôi nhà ấy đã tạo nên biết bao nhiêu tổ ấm gia đinh, hạnh phúc cho mọi người, trong đó có cả em nữa. Em thầm biết ơn người thợ ấy và mong sau này có máy móc thay sức người để những chú công nhân đỡ vất vả và đỡ nguy hiểm khi đứng ở tầm cao.
Bài văn mẫu tả người thợ cày 6
Chú Tòng bố bạn Tùng là thợ cày. Tùng người đen, rất khoẻ, đá bóng, đá cầu đều giỏi nên bọn con gái lớp em vẫn gọi Tùng là “quý tử của Võ Tòng đả hổ”.
Thời chống Mĩ, chú Tòng đi thanh niên xung phong. Cuối năm 1975, chú trở về quê, lấy vợ, làm ruộng, vui thú điền viên. Cô chú có ba người con đều học giỏi: anh Chiến học lớp 10, chị Huệ học lớp 6 và cu Tùng học lớp 2B cùng em.
Chú Tòng 45 tuổi, rất khoẻ. Chú cao to như một lực sĩ, nặng trên 60 kg. Trán chú dô, mắt sâu, tóc rễ tre. Tiếng nói ồm ồm như lệnh vỡ. Lúc chú cởi trần, ngực căng ra như một vành cung, lưng đen nhẵn bóng.
Chú vui tính và lao động khoẻ. Hầu như suốt mùa vụ, cùng với con trâu đực, chú cày bừa 6 sào ruộng nhà, rồi đổi công hoặc làm thuê. Ai cần là chú giúp. Ai thuê là chú làm. Có hôm chú vừa cười vừa nói với bố mẹ em: “Hễ đặt lưng xuống giường là tôi đánh một một giấc đến gà gáy sáng. Còn ăn thì nổi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào...”. Chú sống mộc mạc, thích uống nước chè vối, thích hút thuốc lào. Hít một hơi dài rồi chú lim dim mắt, cho khói bay ra từ lỗ mũi, từ lỗ tai, trông thật lạ.
Chú làm hai con diều giấy, một con chú cho em, một con chú cho Tùng. Chú bảo cột diều vào cọc rào ở góc sân cho diều bay mà chơi cho vui.
Bố mẹ em quý chú lắm. Em cũng yêu quý chú như yêu mến thằng Tùng.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc 7
Cậu Tám của em là một thợ mộc giỏi, lành nghề. Em đã có lần được xem cậu bào chuốt gỗ và đóng tủ.
Cậu Tám vừa đúng bốn mươi tuổi, cậu đã có hơn mười lăm năm làm nghề mộc. Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng. Mới bốn mươi tuổi nhưng tóc cậu đã có sợi bạc. Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu. Dưới đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong. Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến. Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ. Cậu có dáng đi hơi khập khiễng, kết quả của một lần bị ngã nặng. Cái lần ngã đó làm sức khoẻ cậu giảm sút. Dù vậy, tay nghề của cậu ngày một nâng cao.
Dưới bàn tay cậu Tám, tủ, bàn, ghế các kiểu ra đời mời gọi khách hàng. Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ. Các thanh gỗ mộc được bào chuốt láng mướt và được đục mộng ghép rất sắc sảo. Cậu Tám bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc. Trên ghế dài có nẹp chân, cậu Tám bào đi bào lại thanh gỗ. Cậu ngắm nghía, ướm thử. Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng. Thanh gỗ nào cần bào lại, cậu đặt lên ghế dài, rồi khom người đẩy cái bào đi tới. Từng phôi gỗ đùn lên sau cái bào, thanh gỗ láng mặt, phổ vân gỗ màu hồng tuyệt đẹp. Xem cậu lắp tủ mới thật thích. Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. Nẹp chỉ viền thanh mảnh rất khó bào được cậu chuốt kĩ lưỡng, chính xác từng ly một. Trong một ngày cái tủ được lắp xong. Cái tủ duyên dáng đứng chờ thợ đánh véc-ni. Chú thợ phụ việc pha véc-ni rồi bắt đầu giai đoạn đánh bóng. Để đóng một cái tủ như thế, cậu Tám phải mất năm, bảy ngày mới làm xong. Sản phẩm của cậu làm theo đơn đặt hàng nên xuất xưởng là đến tay ngay khách hàng. Tủ của cậu làm vừa xinh, vừa chắc bền, không chỉ làm vui lòng khách mà còn đem lại uy tín cho xưởng mộc của cậu.
Em rất thích xem cậu Tám làm việc. Ngoài sự khéo léo của người thợ, cậu Tám còn đặt vào sản phẩm mộc sự say mê nghề nghiệp và kĩ thuật tinh xảo của mình. Nghề mộc không chỉ đòi hỏi tài hoa của người thợ mà còn bắt buộc người thợ phải có tính chịu khó, nhẫn nại mới có thể thành công. Cậu Tám của em là một người như thế.
Bài văn tả một cô (chú) lao công vệ sinh đường phố 8
Trong xã hội có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, mỗi công việc lại đóng góp một phần cho sự phát triển của đất nước.Có một công việc tuy âm thầm và lặng lẽ nhưng hàng ngày đang giúp cho môi trường được xanh – sạch – đẹp hơn, đó là các cô lao công dọn dẹp đường phố.
Cô mặc một bộ quần áo màu xanh tím, đi đôi giày thấp, cô búi tóc cao, đội một chiếc mũ bảo hộ và chiếc khẩu trang chống bụi. Trang phục của cô gọn gàng, phù hợp với công việc lao động vất vả. Nghề của cô không được mặc những bộ quần áo đẹp đẽ, sang trọng nhưng công việc cô đang làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm sạch đẹp thành phố của chúng ta.
Hàng ngày, công việc của cô bắt đầu lúc khoảng 4 giờ chiều, cô lao công đẩy chiếc xe rác tới từng ngõ phố. Tiếng chuông reo của cô nhắc nhở mọi gia đình đem rác thải ra xe thu gom. Mọi người nhanh chóng thu gọn rác sạch sẽ và đổ rác đúng giờ quy định. Những giọt mồ hôi trên khuôn mặt cô hay ướt đẫm lưng áo trong nắng chiều oi ả, khiến em cảm thấy thương cô nhiều cô. Mỗi chiều ra đổ rác, em đều lễ phép chào cô và cô khẽ gật đầu, đôi mắt cô như ánh lên niềm vui với công việc của mình.
Khi đêm đã khuya và màn sương dần che phủ khắp các nẻo đường, mọi người chuẩn bị chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày lao dộng và học tập mệt mỏi, công việc của cô lao công lại tiếp tục. Cô dùng một chiếc chổi dài để quét được nhanh hơn, chiếc chổi tre xào xạc vang lên dù đêm đông giá lạnh hay đêm hè oi bức. Những chiếc lá khô rơi rụng, chiếc vỏ bánh ai vô tâm vứt lại trên đường nhanh chóng được cô thu gom và dùng hót rác bỏ vào thùng. Quét đến đâu, cô đẩy chiếc xe rác tới đó. Khi chiếc xe rác đã đầy, cô sẽ đẩy đến nơi tập kết rác để chiếc xe môi trường chở rác về bãi thải của thành phố. Công việc của cô kết thúc cũng là khi ông mặt trời thức giấc, thả những tia nắng nhỏ xinh xuống con phố sạch sẽ tinh tươm.
Những ngày lễ tết, mọi người đều háo hức với những chuyến đi chơi xa hay bên gia đình sum vầy vui vẻ, em vẫn thấy cô lao công lặng lẽ với công việc quét rác và thu gom rác của mình. Bởi vắng cô một ngày, những con đường ngõ phố sẽ tràn ngập rác thải, bầu không khí sẽ không còn trong lành và sạch sẽ. Vì vậy, em mong mỗi người sẽ cùng có ý thức vứt rác đúng nơi quy định để các cô lao công bớt vất vả và mệt nhọc hơn.
Mỗi ngày trôi qua, các cô lao công vẫn miệt mài làm công việc của mình trên từng con phố. Em luôn thầm cảm ơn các cô đã không quản ngại vất vả gian khó để mang đến cho mọi người môi trường sống sạch đẹp và trong lành hơn.