Bài văn tả em bé bán vé số 1
“Vé số đây, vé số chiều số đây!”
Đang ngồi với ba trong quán giải khát ở ngã tư đường về, nghe tiếng rao, tôi quay nhìn thấy một em bé tay cầm một xấp vé số đang bước vào.
Em bé trạc chừng tám, chín tuổi. Dáng người gầy gầy cao. Em mặc chiếc áo sơ mi màu trắng ngà vì đã cũ. Chiếc quần tây cũng chẳng khác gì hơn, bạc phếch, nhăn nheo, sờn cả hai gối. Gương mặt em thon thả đôi mắt trông lanh lợi, thoáng chút u buồn.
Em mời hết người này đến người kia trong quán. Nhất là những lúc khách vừa trả tiền nước, em chạy đến ngay với hy vọng người ta sẽ dùng số tiền lẻ thối lại để mua ít tờ vé số.
Nhưng em bị từ chối bằng thái độ lạnh lùng, ánh mắt dửng dưng của mọi người. Rồi có bàn gọi em đến. Một ông khách to người, mập phệ ngồi dựa ngửa, xòe vé số ra, nhích nhích từng tờ để dò. Ông ta có vẻ hứng thú như thể sắp được cả ván bài to. Có những vé, chỉ còn cách vài số nữa là trúng độc đắc, ông khách ấy vỗ tay đen đéc vào đùi la lên tiếc rẻ. Những người cùng bàn bu quanh lại nhìn xem, bàn tán xôn xao. Còn em bé thì đứng kế bên đó chờ đợi. Chắc em cũng đang cầu mong cho khách trúng nhiều để em bán đắt hơn. Khi khách mua và trả tiền xong, em liến thoắng bước sang bàn khác, miệng không ngớt rao mời, giới thiệu vé số các tỉnh.
Tôi rút trong cặp ra số tiền sáng nay để dành không ăn bánh, gọi em lại mua một vé. Em gật đầu cám ơn. Tuy biết rằng chẳng dễ gì trúng số nhưng tôi vẫn mua chỉ vì thấy thương em bé kia, mới chừng ấy tuổi đầu mà đá phải lăn lộn với cuộc sống rồi. Ai có biết đâu, chính em đã mang đến những niềm hy vọng, những chờ mong nho nhỏ, thậm chí, những vận may của cuộc đời đến cho mọi người. Riêng em bé, mỗi ngày, em chỉ được chút ít tiền đủ hai bữa cơm qua ngày thôi.
Em bé đi khuất rồi mà tôi vẫn còn suy nghĩ mãi. Cùng lứa tuổi như tôi, có nhiều người kém may mắn, họ phải sớm chịu cực khổ tự lo lấy thân và đi bán vé số như vậy thì thời giờ đâu mà học hành nhỉ?
Bài văn tả em bé bán vé số 2
Màn đêm đang bao trùm lên cảnh vật, phố phường đang chìm dần vào giấc ngủ. Dưới ánh sáng của đèn cao áp bên vệ đường, tôi chợt thấy một om bé bán vé số đang rảo bước trên phố đêm vắng lặng.
Em bó khoảng chừng mười tuổi. Dáng người gầy guộc, ốm yếu. Trôn đôi tay bé nhỏ của em là một xấp vé số và xấp báo khá dày. Em chậm chạp rảo bước trên lề đường. Khuôn mặt thoáng vẻ lo âu, đôi mắt đen lay láy đang đượm một nét buồn khó tả. Chiếc áo mỏng manh màu trắng đục phất phơ trong làn gió thoảng qua. Mái tóc vàng hoe của em lòa xòa xuống trán, trông em thật mệt mỏi. Đôi chân em mốc trắng vì bụi đường bám phải, đôi chân nhỏ nhưng trông thật phong trần, lúc đi chậm chạp như trầm tư, suy nghĩ, lúc bước nhanh như vội vã với thời gian. Thấy rải rác những hàng quán còn mở cửa, em cất tiếng rao. Vé số đây! Báo mới đây! Tiếng rao đêm vang vọng như không ai đáp lại, không một lời hỏi han. Có lẽ ai cũng mệt mỏi sau một ngày lao động nên đã vô tình với tiếng rao và hình ảnh đáng thương ấy. Họ có biết đâu rằng em bé đang thút thít khóc vì buồn tuổi lo âu. Những giọt nước mắt cứ tuôn ra như để làm vơi đi nỗi buồn từ sâu thẳm lòng em. Hình ảnh em bé đi lang thang trên đường phố thật đáng thương. Em vẫn cứ đi. Đi cho đến bao giờ? Tôi đặt ra câu hỏi nhưng chưa có câu trả lời, tôi chỉ biết rằng cuộc đời những em bé bất hạnh chẳng khác nào đám lục bình trôi theo dòng nước mà không biết mình sẽ trôi dạt về đâu. Tương lai các em chỉ một màu xám đơn điệu.
Gió vẫn thổi từng cơn như để xoa dịu nỗi lòng buồn tủi của em. Em đã đi xa nhưng tôi vẫn dồi mắt nhìn theo. Nhà nhà đã say nồng giấc ngủ. Có lẽ em bé chỉ còn biết chia sẻ nỗi buồn với hàng cây bên vệ đường đang rạt rào đổ lá.
Tôi thật cảm động trước mảnh đời cơ cực của em bé đang thương kia. Tôi mong sao tất cả trẻ em đều có mái ấm gia đình, được sống trong vòng tay yêu thương của bốmẹ, được đến trường học tập và đều có tương lai tươi sáng ở ngày mai.
Bài văn tả em bé bán vé số 3
Sáng nào cũng vậy, khi em đi ngang qua tiệm cà phê đầu ngõ là đã nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của cậu bé bán vé số: “Vé số, vé số chiều số đây! Vé trúng đây!”
Cậu bé trạc tuổi em, thân hình của cậu quá bé nhỏ so với tiếng rao lanh lảnh kia. Tay chân cậu ốm tong teo, đen đúa. Lúc nào cậu cũng mặc chiếc quần đùi xanh đã cũ và chiếc áo sơ mi ngắn tay có nhiều chỗ vá. Đối với cậu, đó là lành lặn lắm rồi. Cậu bé đội một cái mũ vải bạc màu để lộ mái tóc rễ tre bờm xờm lâu ngày chưa cắt. Khác với thân hình gầy nhom, khuôn mặt cậu tròn trĩnh, sáng sủa hơn. Vốn là một cậu bé có nước da trắng nhưng do dầm sương dãi nắng nên biến thành màu nâu sạm. Đặc biệt đôi mắt cậu rất sáng và lanh lợi. Mỗi khi cậu bán được cặp vé nào thì đôi môi của cậu nhoẻn một nụ cười và đôi mắt đen cũng như cười theo làm sáng cả gương mặt. Cậu là một trong những cậu bé bán vé số may mắn. Thường thường cậu bán được nhiều vé nhất trong tụi nhỏ. Ngày nào cũng vậy, mỗi tay cầm xấp vé số vung vẩy, miệng chào mời, tay kia giơ quyển sổ dò, cậu tung tăng chạy từ quán cà phê này đến quán cà phê nọ. Gặp ai cậu cũng dúi vào một vài tờ, miệng chào mời: “Vé trúng đấy mua dùm con đi ạ!” Gặp những khách sang, cậu nhét cả cặp vào túi người ta rồi hót như con sáo: “Nhìn chú cháu biết ngay là người hên rồi. Mua đi chú! Một tỉ đồng đấy!”. Lắm lúc, gặp những ông khách khó tính, gọi mua vé số, ngồi chọn mãi, mua một hai tờ rồi mới cho cậu đi. Thế nhưng cậu vẫn kiên nhẫn chờ và cám ơn rất lễ phép. Cái việc đi bán vé số trông nhẹ nhàng vậy đó mà cũng lắm lúc gặp rắc rối. Thỉnh thoảng vẫn có anh thanh niên ngồi uống cà phê trêu chọc cậu; gọi cậu lại, chọn chán chê rồi trả lại: “Không có số tao thích mày đi chỗ khác mà bán”. Lâu lâu, cậu mới bị họ xua đuổi như thế. Những lúc như vậy, cậu lại cúi đầu mặt buồn thiu nhưng nỗi buồn cũng chỉ trong chốc lát. Chỉ cần một tiếng gọi: “Vé số!” cậu lại chạy vụt đến, toét miệng cười để lộ hàm răng sún vài cái và hóm hỉnh thưa: “Dạ, thưa thượng đế, vé số đây ạ!”.
Cậu rất ham đọc sách báo. Có lần em đi học về thấy cậu ngồi trên chiếc ghế đá ở công viên mải mê đọc cuốn truyện “Thám tử lừng danh Cô-nan”. Đọc xong, cậu gấp sách lại, tay chống cằm, ngồi nghỉ ngơi hồi lâu.
Thấy hoàn cảnh của cậu bé bán vé số mà em cảm thấy thương cho cậu quá. Không biết cậu học được lớp mấy rồi? Vì sao cậu phải cậu phải bỏ học? Bố mẹ cậu đâu? Ngày mai, em sẽ cho cậu mượn toàn bộ tập “Thám tử lừng danh Cô-nan” cho cậu đọc để cậu khỏi phải tốn tiền mua sách và thêm nhiều niềm vui sau những giờ làm việc vất vả.