Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Á

Khu vực Đông Á có dân số đông nhất châu Á, đồng thời là khu vực phát triển nhanh, nơi có nhiều nền kinh tế mạnh của thế giới. Trong tương lai, sự phát triển kinh tế của các nước Đông Á còn nhiều hứa hẹn.

1. Khái quát về dân cư và đặc điểm phát triển kinh tế khu vực Đông Á.

- Dân cư: Là khu vực đông dân nhất châu Á (1509,5 triệu người, năm 2002), nhiều hơn dân số các châu lục như châu Phi, châu Âu, châu Mĩ.

- Đặc điểm phát triển:

+ Sau chiến tranh thế giới thứ II, kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân hết sức khó khăn

+ Hiện nay, kinh tế phát triển nhanh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hàng hoá nhiều, đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển.

=> Trở thành các nền kinh tế lớn của thế giới.

2. Đặc điểm phát triển của một số quốc gia Đông Á.

a) Nhật Bản.

- Là cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới, sau Hoa Kì.

- Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn phục vụ xuất khẩu, nhiều ngành công nghiệp hàng đầu thế giới: chế tạo ô tô, tàu biển; công nghiệp điện tử; sản xuất hàng tiêu dùng.

- Chất lượng cuộc sống dân cư cao và ổn định.

b) Trung Quốc.

- Là nước đông dân nhất thế giới: 1,38 tỉ dân (năm 2017).

- Thực hiện cải cách mở cửa nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước  phát huy nguồn lao động dồi dào và tài nguyên phong phú => nền kinh tế phát triển nhanh và tương đối toàn diện.

- Thành tựu:

+ Nền nông nghiệp phát triển nhanh và tương đối toàn diện, giải quyêt đủ lương thực cho gần 1,3 tỉ người.

+ Phát triển nhanh chóng 1 nền công nghiệp hoàn chỉnh (cơ khí, điện tử, hàng không vũ trụ...).
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, sản lượng nhiều ngành đứng đầu thế giới như lương thực, than, điện năng.