I. Phương thức tự sự
* Khái niệm:
- Tự sự là phương thức dùng ngôn ngữ để kể một chuỗi sự việc có trình tự và dẫn tới kết thúc. Bên cạnh truyền tải nội dung câu chuyện, tự sự còn khắc hoạ tính cách nhân vật. Thông qua đó, chúng ta còn cảm nhận được những bài học, thông điệp sâu sắc, mới mẻ về con người, cuộc sống.
Ví dụ: Văn bản Dế Mèn phiêu lưu kí.
II. Phương thức miêu tả
* Khái niệm:
- Miêu tả là phương thức dùng ngôn ngữ nhằm khiến cho người nghe, người đọc có thể hình dung cụ thể sự vật, sự việc được nhắc đến. Thông qua cách nói, cách viết miêu tả, người nghe, người đọc hình dung sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt.
- Miêu tả không chỉ hướng tới những thứ bên ngoài, mà còn lột tả được thế giới nội tâm bên trong.
Ví dụ: Tả cảnh, tả người, tả đồ vật,…
III. Phương thức biểu cảm
* Khái niệm:
- Biểu cảm là phương thức lồng ghép, thể hiện cảm xúc của người nói, người nghe về thế giới xung quanh. Mục đích của phương thức này là khiến người ta rung động, đồng cảm với cảm xúc của người viết, người nói.
Ví dụ: Thơ trữ tình, ca dao,…
IV. Phương thức thuyết minh
* Khái niệm:
- Thuyết minh là phương thức cung cấp, giới thiệu, giảng giải về 1 sự vật, hiện tượng nào đó. Khác với những phương thức khác, văn bản thuyết minh chỉ đơn thuần cung cấp tri thức chính xác.
Ví dụ: thuyết minh về công dụng của bút máy, thuyết minh về nón lá,…
V. Phương thức nghị luận
* Khái niệm:
- Nghị luận là phương thức được dùng để bàn luận về 1 vấn đề nào đó. Nghị luận cho chúng ta biết được quan điểm về vấn đề đúng – sai như thế nào. Bên cạnh đó, phương thức này còn bộc lộ ý kiến và thuyết phục người khác đồng ý với quan điểm đó.
Ví dụ: Văn bản Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh.
VI. Phương thức hành chính - công vụ
* Khái niệm:
- Hành chính – công là phương thức mang tính trịnh trọng, chính xác. Những văn bản hành chính – công đơn thuần để thông báo, cam kết, yêu cầu tuân thủ các quy định.
- Phương thức này được sử dụng để giao tiếp giữa các cơ quan, Nhà nước và nhân dân, các quốc gia,…
Ví dụ: Đơn đề nghị, Nghị quyết,..