Câu 1
Nhân vật trữ tình trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo là ai? Có thể chia bài thơ làm mấy phần? Hãy đặt tên cho mỗi phần đó.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Chú ý đọc kĩ để tìm hiểu nhân vật trữ tình
- Chỉ ra bố cục của bài thơ.
Lời giải chi tiết:
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Là những người lính trên đảo.
- Bố cục bài thơ: 2 phần.
+ Phần 1: 4 khổ thơ đầu: Giới thiệu về những người lính đảo.
+ Phần 2: Còn lại: Bản tình ca những người lính đảo.
Câu 2
Sân khấu, diễn viên và khán giả của buổi biển diễn có gì đặc biệt? Đâu là lí do tạo ra sự đặc biệt này? Qua đó, em thấy hình tượng người lính đảo hiện lên như thế nào?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Chú ý đọc kĩ những khổ nói về buổi biểu diễn của những người lính đảo.
- Chỉ ra điều đặc biệt ở buổi biểu diễn của những người lính đảo. Rút ra nhận xét về hình tượng người lính đảo.
Lời giải chi tiết:
Sân khấu, diễn viên và khán giả của buổi biểu diễn: Sân khấu biểu diễn sơ sài, đơn giản. Đó là không gian của biển cả, có đá san hô và vài tấm tôn. Diễn viên, khán giả của màn biểu diễn là một – những người lính đảo. Họ tự tạo cho nhau việc làm, tạo niềm vui giải trí với nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Lí do để tạo nên sự đặc biệt này, đó chính là: Khung cảnh biểu đảo, gió cát, sóng to dữ dội vài giờ xuất hiện nơi đây khiến người ta chỉ muốn chạy trốn. Nhưng những người lính đảo lại lạc quan đương đầu với nó, tự tạo niềm vui cho mình.
Hình tượng người lính đảo hiện lên: Là những con người không đẹp về ngoại hình nhưng nội tâm của họ lại phong phú, tươi đẹp. Tâm hồn họ tràn đầy sự lạc quan, niềm vui, tinh thần bất khuất.
Câu 3
Phân tích tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để thể hiện hình tượng người lính đảo trong năm khổ thơ cuối.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Chú ý đọc kĩ 5 khổ thơ cuối bài.
- Chỉ ra biện pháp nghệ thuật và phân tích tác dụng của chúng.
Lời giải chi tiết:
Một số biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để thể hiện hình tượng người lính đảo trong năm khổ thơ cuối:
- Biện pháp so sánh: Giai điệu của người lính ngang tàn như gió biển/ Yêu em thủy chung hơn muối mặn
- Biện pháp nhân hóa: Vỏ ốc cất thành lời
- Điệp cấu trúc: Nào hát lên/ Rằng...
=> Thể hiện hình tượng người lính đảo: Họ là những con người lạc quan và đầy mơ mộng với cuộc sống.
Câu 4
Hãy chỉ ra mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Nêu nhận xét của em về ngôn ngữ, giọng điệu bài thơ.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Chỉ ra mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
- Nêu nhận xét của em về ngôn ngữ, giọng điệu bài thơ
Lời giải chi tiết:
Mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Bài thơ được viết theo mạch cảm hứng của một buổi trình diễn âm nhạc, từ khâu chuẩn bị cho đến lúc trình diễn và lời ca được cất lên cao trào.
Nhận xét của em về ngôn ngữ, giọng điệu bài thơ: Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ gần gũi, giản dị, vô cùng dễ hiểu nhưng cũng không kém phần độc đáo. Giọng điệu bài thơ lúc thì du dương trầm bổng, lúc lại rộn rã vui tươi đầy tự hào.
Câu 5
Bài thơ viết về những người lính trên quần đảo Trường Sa vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX. Em có suy nghĩ gì về cuộc sống vật chất và tâm hồn của những người lính đảo.
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Nêu cảm nhận của bản thân về cuộc sống vật chất và tâm hồn những người lính đảo.
Lời giải chi tiết:
Suy nghĩ của bản thân về cuộc sống vật chất và tâm hồn của những người lính đảo: Cuộc sống trên đảo Trường Sa khắc nghiệt, gian khổ “đến một cái cây cũng không sống được”, thành ra người lính cũng phải chấp nhận để thích nghi với môi trường. Thiếu thốn đủ thứ, trong đó có nước ngọt, vì vậy phần lớn họ phải cạo trọc đầu, thành ra “lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Họ gọi đùa nhau là “sư cụ”, là “bà con xa với bụt ốc”, thế hóa thành vui nhộn vì cảnh tượng “sư cụ hát tình ca” mới đưa duyên và “sóng sánh” làm sao! Hình tượng người lính Trường Sa hiện lên thật lãng mạn và hào hoa. Họ hát tình ca trên đảo với biết bao tâm trạng và cảm xúc trào dâng: khát khao một tình yêu cháy bỏng, bày tỏ sự nồng nàn và chung thủy thiết tha. Cái giọng tình ca ở đây cũng thật kỳ lạ, cứ “ngang tàng như gió biển” nhưng lời lẽ tình tứ không chê vào đâu được, bồi hồi bỏng cháy “toàn nhớ với thương thôi”.
Câu 6
Tưởng tượng em là khán giả trong buổi biểu diễn văn nghệ của người lính đảo. Hãy chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của em khi đó bằng một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng)
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Tưởng tượng và chia sẻ cảm nhận của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Lời ca của những người lính đảo xa cất lên sao mà mê đắm! Giữa mây trời lồng lộng, giữa gió và cát mang theo hơi mặn của biển khơi, giữa những tảng đá san hô, một sân khấu nhỏ được dựng lên. Đó là sân khấu của những ca sĩ vô cùng đặc biệt – mệnh danh là những ông sư của biển cả. Họ cất lên tiếng hát giữa những khó khăn, ác liệt nơi đây. Điệu hát của họ, khi thì dịu dàng say đắm, lúc lại tự hào, hào hùng cất lên, khiến người nghe không khỏi thổn thức. Bài hát của họ lãng mạn, hào hoa là thế, nhưng chất lính, sự kiên cường và dấn thân của người lính mới chính là vẻ đẹp cao cả về lòng yêu nước. Hát tình ca để khẳng định tình yêu thủy chung, khẳng định chủ quyền đất nước với biết bao khát vọng bình thường mà tạo hóa ban cho. Nhà thơ không nói hết, nhưng đó là tiếng nói phản kháng chiến tranh, là tiếng nói nhân văn sâu sắc. Cao hơn, hình tượng người lính đứng giữa trời nước bao la bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cho Tổ quốc chính là trách nhiệm lớn lao, thiêng liêng không gì sánh được.