Câu 1
Đề tài của văn bản trên là gì? Em dựa vào đâu để xác định điều đó?
Phương pháp giải:
- Nắm được khái niệm đề tài
- Đọc kĩ nhan đề và từng phần của văn bản để thâu tóm nội dung toàn văn bản và các chi tiết trong văn bản
Lời giải chi tiết:
- Đề tài của văn bản: Viết về văn hóa Việt Nam – cụ thể là văn hóa Hà Nội.
- Dấu hiệu xác định:
+ Thông qua nhan đề của văn bản
+ Thông qua các chi tiết, thông tin trong văn bản
Câu 2
Nhan đề của văn bản giúp người viết nêu bật được thông tin chính nào? Em hiểu như thế nào là “hằng số văn hóa”?
Phương pháp giải:
- Đọc nhan đề của văn bản để nắm được nội dung nhan đề của văn bản
- Đọc kĩ toàn bộ văn bản và khái quát thông tin chính trong văn bản
Lời giải chi tiết:
Nhan đề của văn bản giúp người viết nêu bật được thông tin chính: Văn hóa Hà Nội là một “hằng số tuyệt vời” của văn hóa Việt Nam.
“Hằng số văn hóa”: Là những yếu tố khách quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) cố định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản không thay đổi trong lịch sử và trong tương lai.
Câu 3
Trong từng phần, thông tin chính của văn bản đã được làm rõ qua những phương diện nào?
Phương pháp giải:
- Đọc toàn bộ văn bản để nắm được nội dung khái quát của văn bản
- Đọc kĩ từng phần của văn bản để nắm được thông tin chính của mỗi phần và chỉ ra những phương diện được làm rõ
Lời giải chi tiết:
Văn bản được chia làm 2 phần:
* Phần 1: Sự hình thành văn hóa Hà Nội
- Phương diện nội dung:
+ Lịch sử hình thành văn hóa Hà Nội qua các triều đại lịch sử: Triều đình Lý – Trần; nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê.
+ Các yếu tố dẫn đến sự hình thành văn hóa Hà Nội: Sự kết hợp giữa yếu tố Văn hóa dân gian và văn hóa cung đình.
- Phương diện hình thức: Dấu ngoặc đơn (dùng để trú giải); các số chú thích (giải nghĩa từ ngữ)
* Phần 2: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
- Phương diện nội dung:
+ Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự hình thành nếp sống thanh lịch của người Hà Nội (Từ lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy giỏi; đến nảy sinh nhu cầu lựa chọn; đến hình thành mạng lưới làng quê sản xuất đặc sản nông phẩm và sản phẩm thủ công ven đô; ròi trở nên sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, làm ăn tài …)
+ Trích những câu thơ, câu thành ngữ. tục ngữ để bổ sung, làm rõ nội dung
- Phương diện hình thức: Các dòng chữ in nghiêng (giúp người đọc dễ xác định vị trí và mối quan hệ của các thông tin); dấu ngoặc đơn (dùng để trú giải)
Câu 4
Để giúp người đọc hiểu đặc điểm của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, tác giả đã huy động, kết nối thông tin từ những lĩnh vực nào? Hãy chỉ ra biểu hiện cụ thể của các loại thông tin ấy?
Phương pháp giải:
- Đọc và tìm hiểu kĩ văn bản.
- Chú ý đến những lĩnh vực được tác giả huy động để làm rõ đặc điểm của văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
- Chỉ ra những biểu hiện cụ thể của các lĩnh vực được sử dụng trong văn bản
Lời giải chi tiết:
Để giúp người đọc hiểu đặc điểm của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, tác giả đã huy động, kết nối thông tin từ những lĩnh vực như: Lịch sử, địa lí,…
Cụ thể:
- Lĩnh vực lịch sử:
+ Triều đình Lý Trần đưa việc thờ cúng các anh hùng dân tộc như Phù Đổng, Hai Bà Trưng,…
+ Nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê lại nâng các lễ hội đua thuyền, đấu vật, hất phết,…
+ Thành phố Rồng Bay có trường cao cấp về Văn (Quốc Tử Giám), về Võ (Giảng Võ Đường) từ thế kỉ XI…
- Lĩnh vực địa lý:
+ Hà Nội, như các nhà địa lý học nhận định, là thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng…
+ Đông, Nam, Đoài, Bắc, mỗi vùng đều có một trữ lượng Folklore,…
+ Các địa danh: Hồ Tây – Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khán,…
- Văn hóa, xã hội:
+ Trước hết, người Hà Nội, kết quả của tinh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài, …
+ Hình thành một mạng lưới làng quê sản xuất…
- Văn học:
+ Khéo léo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ…
+ Gắng công kén được Cốm Vòng/ Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.
+ Bán mít chợ Đông/Bán hồng chợ Tây/…
+ Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây; giò Chèm, nem Vẽ,…
Câu 5
Theo em, văn bản Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam đã sử dụng phương thức thuyết minh kết hợp với những phương thức nào? Hãy chỉ ra và phân tích mục đích của việc lồng ghép các yếu tố đó trong bài viết?
Phương pháp giải:
- Nắm được lý thuyết của các phương thức biểu đạt (tự sự, biểu cảm, nghị luận, …)
- Đọc kĩ văn bản để chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng và phân tích mục đích của việc lồng ghép các yếu tố trong bài viết
Lời giải chi tiết:
Văn bản Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam đã sử dụng phương thức thuyết minh kết hợp với những phương thức như: tự sự, nghị luận
- Phương thức tự sự: Kể về sự hình thành của văn hóa Hà Nội
- Phương thức nghị luận: Đưa ra những luận cứ để minh chứng cho nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
=> Việc lồng ghép các phương thức biểu đạt trong bài viết đã làm cho bài viết có tính xác thực, có căn cứ rõ ràng, thuyết phục người đọc trong quá trình truyền thụ thông tin trong văn bản.
Câu 6
Văn bản đã đem đến cho em những kiến thức mới nào? Em thích nhất đặc điểm nào của văn hóa Hà Nội được nói tới trong bài? Hãy nêu lên một số nét đặc sắc của văn hóa vùng miền hoặc quê hương em?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ văn bản => Nhận biết được những kiến thức mới phục vụ cho bản thân
- Biết được những đặc điểm văn hóa Hà Nội được nhắc đến trong bài => Chỉ ra đặc điểm thích nhất
- Nắm được văn hóa vùng miền của quê hương mình => Chỉ ra những nét đặc sắc của văn hóa đó
Lời giải chi tiết:
- Văn bản đã mang đến cho em một lượng thông tin lớn về văn hóa Hà Nội: Về sự hình thành và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội – những thông tin mà trước đây em chưa hề được biết đến.
- Đặc điểm em thích nhất của văn hóa Hà Nội được nhắc đến trong bài là: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội (người Hà Nội “sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, đại diện của anh hùng cả nước, làm ăn tài, đại diện của tinh hoa dân tộc”…) => Điều này đã nói lên sự khác biệt, chỉ có thể bắt gặp ở con người Hà Nội mà không thể là bất kì một địa phương nào khác.
- Một số nét đặc sắc của văn hóa vùng dân tộc Tây Bắc
+ Văn hóa nông nghiệp Tây Bắc: Địa hình Tây Bắc chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, cháy rừng…), do vậy nông nghiệp không phải là thế mạnh, nhưng nó lại góp phần quan trọng cho việc hình thành những nét văn hóa truyền thống của khu vực. Những phần ruộng bậc thang trùng điệp trên sườn núi, dưới vực sâu khiến vùng đất này thêm phần đặc biệt => Yếu tố làm nên vẻ đẹp của vùng núi Tây Bắc.
+ Văn hóa ẩm thực: Những món ăn truyền thống của dân tộc được đồng bào sử dụng hàng ngày, trong những ngày lễ, tết, xuân về. Những món ăn tại đây thường được chế biến với hương vị đậm đà, mùi vị khác biệt, trở thành đặc sản đối với bất cứ du khách nào khi ghé thăm. Những mốn ăn độc – lạ phải kể đến như: Canh da trâu, chẩm chéo, cơm lam nấu trong ống tre, rượu sâu chít hay các loại quả đặc trưng khác…
+ Trang phục truyền thống: Đối với đồng bào vùng Tây Bắc, những bộ trang phục của họ theo truyền thống để tạo nên bản sắc dân tộc riêng.
VD: Trang phục của người Thái thường gồm áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, nón, khăn… Người dân còn sử dụng các trang sức được làm bằng bông, kim loại…; Người Mông chủ yếu mặc quần áo. Tuy nhiên, những bộ quần áo do người dân thiết kế chủ yếu mang đặc trưng vùng đồi núi. Váy chàm của các cô gái thường được thêu những hoa văn xưa cổ để tạo nên đặc trưng riêng…