Viết báo cáo về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh dạ dày
2 câu trả lời
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày cấp, nhưng dựa vào yếu tố phát sinh mà người ta chia ra nguyên nhân dẫn đến bệnh dạ dày cấp thành 2 loại là viêm dạ dày cấp do yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Cụ thể như sau:
Yếu tố ngoại sinh:
- Nhiễm vi khuẩn, virus: Vi khuẩn Helicobacter pylori – nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh viêm loét dạ dày. Vi khuẩn H.P có khả năng tồn tại trong môi trường có độ acid cao như dạ dày. Chúng xâm nhập vào dạ dày qua đường miệng rồi cư trú sâu dưới lớp niêm mạc, đồng thời tiết ra chất độc gây viêm và mài mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và có nguy cơ bị ung thư dạ dày.
- Do đồ ăn, thức uống có chất kích thích ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày: Những món cay, món nướng, chiên nhiều dầu mỡ, lạm dụng quá nhiều rượu, bia…
- Lạm dụng các loại thuốc kháng sinh gây hại cho dạ dày: thuốc aspirin, chống viêm thuộc nhóm NSAIDs, thuốc giảm đau kháng viêm non – steroid, các thuốc giảm đau hạ sốt…
- Các chất ăn mòn như thủy ngân, muối kim loại nặng, acid sunphuric…
Yếu tố nội sinh:
- Các bệnh nhiễm khuẩn cấp: cúm, sởi, bạch cầu, thương hàn, viêm ruột thừa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa…
- Tăng urê hoặc đường trong máu cao
- Stress nặng, bỏng nặng, chấn thương, sau cuộc mổ lớn, sốc, tia xạ trong điều trị các bệnh ung thư… là những yếu tố có thể làm dạ dày tăng tiết axit (chất chua có trong dịch vị), giảm lượng máu lưu thông đến dạ dày làm cho chất axit ứ đọng trong lòng dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.
Triệu chứng của viêm dạ dày cấp
Khi viêm dạ dày cấp xuất hiện, người bệnh có thể có những biểu hiện như:
Buồn nôn và nôn: Triệu chứng này người bệnh có thể trải qua ngay khi vừa ăn xong. Chất nôn, dịch nôn có thể kèm máu. Triệu chứng nôn xuất hiện và kéo dài dễ khiến người bệnh rơi vào trạng thái suy kiệt mất nước.
Đau tức ở vùng thượng vị: Hầu hết bệnh về đường tiêu hóa đều gây ra những cơn đau thượng vị, vì thế cần chú ý để tránh không bị nhầm lẫn khi nhận diện viêm dạ dày cấp. Đặc trưng của viêm dạ dày cấp thường là những cơn đau thượng vị dữ dội và nóng đến tận cổ họng.
Mệt mỏi, chán ăn: Viêm dạ dày cấp xuất hiện sẽ khiến dịch vị axit xuất tiết ra một cách quá mức so với lượng cần thiết. Điều này dẫn đến hệ quả là gây hiện tượng căng tức và chướng bụng, từ đó không kích thích sự thèm ăn, lâu dần cơ thể trở nên mệt mỏi, suy nhược.
Chảy máu dạ dày: Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, thức ăn đưa vào dạ dày sẽ phải tiếp xúc với vết loét trên bề mặt niêm mạc. Nếu là thức ăn thô, cứng sẽ dễ tác động gây chảy máu tại vết loét. Từ đó bệnh nhân sẽ bị nôn ra máu hoặc đi ngoài phân lẫn máu.
Phòng tránh viêm dạ dày cấp
Chế độ ăn, uống hàng ngày là hết sức quan trọng với người bệnh đau dạ dày vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày cần chú ý các điểm sau:
- Không ăn quá chua, cay, hạn chế uống rượu, bia nhất là những người đang bị đau dạ dày.
- Nên ăn đúng bữa, không ăn vội vàng, cần nhai kỹ, muốn vậy không nên cho canh vào cơm khi ăn (rất khó nhai kỹ).
- Nên có cuộc sống thường ngày vui vẻ, tránh căng thẳng, stress không cần thiết.
- Không nên thức khuya (quá 23h), không thức dậy quá sớm (trước 5h00).
- Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, các dụng cụ dùng trong ăn, uống hàng ngày nên rửa sạch, sát trùng bằng nước nước đun sôi (vì vi khuẩn HP lây theo đường ăn uống).