Viết bài văn thuyết minh về cái phích nước(đừng chép trên mạng giúp em nha)
2 câu trả lời
BÀI LÀM
Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình cũng có một cái phích để đựng nước nóng. Phích nước là một đồ vật quen thuộc, rất tiện dụng cho cuộc sống hàng ngày.
Phích có nhiều loại và có nhiều kích cỡ khác nhau. Loại nhỏ chứa được khoảng nửa lít, loại lớn chứa được hai lít hoặc hai lít rưỡi. Các thương hiệu được nhiều người ưa dùng là phích Rạng Đông của Việt Nam, vừa tốt vừa bền, giá cả lại hợp lý.
Vỏ phích gồm quai xách, nắp, thân và đáy thường được làm bằng sắt, nhôm, trang trí đẹp mắt, có tác dụng bảo quản ruột phích. Nút nhựa hoặc sắt, hoặc tráng men, in những hình thù rất đẹp. Nút phích bằng gỗ xốp nhẹ, bọc vải thun màu trắng được làm bằng chất dẻo, quai xách bằng nhôm hoặc bằng nhựa. Tuy nhiên bộ phận quan trọng nhất là ruột phích. Ruột phích được cấu tạo bằng hai lớp thủy tinh mỏng cách nhau khoảng chân không. Lòng phích tráng bạc. Đáy phích có van hút khí và núm thủy ngân. Loại phích tốt có thể giữ được nước nóng trong một ngày.
Đặc biệt là cách chọn phích. Đầu tiên, mở nắp phích ra, nhìn từ miệng phích xuống dưới đáy, lớp bạc tráng phải đều. Điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí càng nhỏ càng tốt thì sẽ giữ nhiệt được lâu. Áp miệng phích vào tai, nghe có tiếng “o … o… ” đều đều là tốt. Chúng ta cần cẩn thận khi tháo đáy phích để xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn hay không. Khi phích mới mua về, không được rót nước sôi ngay mà chỉ rót nước nóng khoảng 50 đến 60 độ, để khoảng nửa tiếng rồi đổ nước đó đi, rót nước sôi vào. Làm như vậy phích sẽ không bị vỡ. Đổ nước cũ ra, tráng qua một lượt cho sạch cặn đọng trong lòng phích, rồi mới rót nước sôi vào và vặn nắp thật chặt. Và quan trọng là phải để tránh tầm tay của trẻ em.
Phích là vật dụng quen thuộc trong đời sống. Nó có thể giữ được nước sôi ở khoảng 80 đến 90 độ. Và nó trở thành một vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình.
Chiếc phích nước đã trở thành vật dụng vô cùng quen thuộc trong mỗi gia đình của người Việt Nam. Mỗi hộ gia đình đều có một chiếc ấm nước trà nóng, đĩa trầu cau đã mở đầu cho biết bao câu chuyện. Chiếc phích nước còn theo bác nông dân ra đồng, giúp bác có ấm trà thơm tho , bên cạnh điếu thuốc lào thơm, làm sảng khoái tinh thần sau những giờ làm việc vất vả.
Phích nước được sáng tạo ra bởi nhà vật lý kiêm nhà hóa học James Dewar vào năm 1892, lúc đầu sử dụng cho mục đích phục vụ cho thí nghiệm, sau đó trở thành vật dụng được ưa thích trong mỗi gia đình bởi khả năng giữ nhiệt tốt, có thể giữ được nước ấm để sử dụng cho nhiều mục đích.
Cấu tạo một chiếc phích nước thông thường gồm 2 phần chính là vỏ phích và ruột phích. Vỏ phích được làm bằng những chất liệu cách nhiệt để người dùng không bị nóng, bỏng khi cầm rót nước. Có hai chất liệu chính để làm vỏ phích là nhựa hoặc kim loại. Với phích nước nhựa, nắp phích thường cũng được làm bằng nhựa, có ren xoáy để giữ nhiệt. Quai và tay cầm cũng được làm bằng nhựa, thuận tiện cho quá trình vận chuyển.
Phần quan trọng nhất của chiếc phích chính là phần ruột phích. Gọi là ruột phích nhưng thực chất đây chính là lớp vỏ thứ hai, rỗng bên trong để đựng nước. Ruột phích làm bằng thủy tinh được tráng bạc, dưới đáy lớp ruột sẽ có một van hút chân không để hút khí giữa hai lớp ruột phích, ngăn nước không bị truyền nhiệt ra ngoài.
Khi mua phích nước, cũng cần để ý, chọn lựa cẩn thận. Người mua nên nhìn vào trong ruột phích, thấy chấm sáng dưới đáy phích càng nhỏ tức là van hút khí tốt, có tác dụng giữ nhiệt tốt.
Trong lần đầu sử dụng phích nước không nên đổ nước sôi 100 độ vào phích, chỉ nên đổ nước ấm khoảng 50 đến 60 độ để phích không bị vỡ. Trong quá trình sử dụng, không nên rót nước quá đầy vì nước có thể truyền nhiệt ra ngoài thông qua quá trình tiếp xúc với nắp phích. Di chuyển phích nước cẩn thận vì nếu va chạm có thể gây đổ vỡ, nước nóng tràn ra ngoài gây bỏng cho người dùng.
Nếu ruột phích bị nứt vỡ có thể gây hiện tượng nước tiếp xúc với lớp bạc, ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Để nhận biết hiện tượng này, người dùng có thể để ý tới vỏ phích, vỏ phích thường sẽ bị nóng lên và nước rất nhanh nguội, khi rót nước ra để ý kỹ sẽ thấy có ảnh bạc. Nếu có hiện tượng này thì bạn nên đi thay ruột phích ngay.
Còn một lưu ý nữa trong quá trình sử dụng phích nước đó là để xa tầm với của trẻ em vì nước nóng đổ ra có thể gây bỏng. Nhiều người dùng cần thận vẫn cho phích vào trong một chân gỗ để giữ phích nước không bị đổ, sau đó cất gọn ở một góc nhà. Sau một thời gian sử dụng, phích nước có thể bị cáu bẩn, khi ấy phải dùng giấm nóng để tráng phích.
Chiếc phích nước gắn bó với cuộc sống của người dân Việt. Ta vẫn thường bắt gặp những chiếc phích nước đổ đầy được đặt sẵn trong nhà để nếu có khách đến thì có thể pha ngay ấm trà nóng. Hay hình ảnh bác nông dân ra đồng với điếu thuốc lào, ấm trà nóng để thưởng thức mỗi khi nghỉ ngơi.
Ngày nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau của chiếc phích nước ra đời như bình giữ nhiệt nhỏ gọn để mỗi cô cậu học sinh mang theo bên mình. Hay hiện đại hơn là những cây nước nóng có thể làm nước nóng, lạnh bất kể lúc nào. Tuy vậy, chiếc phích nước văn vẹn nguyên giá trị, trở thành đồ gia dụng thân thiết khó có thể thay thế trong mỗi gia đình Việt.