Vì sao nói công an nhân dân vì nhân dân phục vụ ,dựa vào dân làm việc và chiến đấu . lấy dẫn chứng cụ thể

1 câu trả lời

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, vì sao lực lượng Công an nhân dân phải dựa vào nhân dân để làm việc?
        Thứ nhất, nhân dân là nền tảng, là chổ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.
        Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng, nên cũng là sự nghiệp của nhân dân. Bởi lực lượng nhân dân đông đảo mới tạo nên thế trận vững chắc để đấu tranh với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác nhằm bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Nhân dân là sức mạnh để trấn áp tội phạm, trong so sánh về số lượng với tội phạm thì nhân dân luôn là lực lượng áp đảo. Vai trò nhân dân trong đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tquốc với số lượng lớn ấy đã quan trọng, nhưng quan trọng hơn là số lượng đông đảo đó lại được phân bố tự nhiên ở khắp mọi nơi tận rừng sâu, núi cao, nơi biên cương, ngoài hải đảo… nghĩa là tất cả những nơi mà tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra, nói chung đều có mặt nhân dân. Khi nhân dân được giáo dục, tổ chức, tích cực và nhiệt tình đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự thì khó có một hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật nào có thể lọt được qua sự phát hiện của nhân dân. Giải quyết vấn đề tội phạm là nguyện vọng bức thiết của nhân dân, vì vậy, sự nghiệp đấu tranh chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội luôn được sự hậu thuẫn của nhân dân.
        Hồ Chí Minh viết: “Chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn an ninh trật tự càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân. Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ làm việc gì đều có nhiệm vụ giúp đỡ chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”(2)
        Một trong những đặc điểm lớn của công tác bảo vệ an ninh trật tự là cuộc đấu tranh diễn ra trên diện rộng, khắp mọi địa bàn, mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Trong khi đó, lực lượng Công an và sự hiểu biết của Công an đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội là có hạn. Do vậy, được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Mặt trận đấu tranh, bảo vệ an ninh trật tự diễn ra ngay tại nơi mà nhân dân sinh sống, lao động, học tập, nơi đó nhân dân luôn có mặt. Họ biết rõ cần phải bảo vệ từ đâu, bảo vệ như thế nào, ai là người tốt, ai là người xấu. Vì vậy, nhân dân là chỗ dựa vững chắc để tổ chức xây dựng nền an ninh trật tự nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội có hiệu quả.
        Xác định nhân dân là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Nhận thức đó phải được quán triệt trong tất cả mọi hoạt động của công tác vận động nhân dân, ngay từ khâu lãnh đạo, xây dựng các văn bản quy định, các chương trình, kế hoạch công tác đến tổ chức huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhận thức trên giúp chúng ta xác định niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, biết dựa vào nhân dân trong quá trình công tác.
        Thứ hai, nhân dân là lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội.
        Công tác phòng ngừa hiệu quả nhất là người dân tự phòng ngừa, là phương sách tốt nhất để tạo ra thế chủ động phòng ngừa xã hội sâu rộng ở địa bàn cơ sở, đảm bảo có đủ sức mạnh chiến thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của tội phạm. Các loại tội phạm muốn tồn tại và hoạt động được thì chúng phải trà trộn, ẩn náu, ngụy trang, và môi trường ẩn náu tốt nhất là trà trộn trong nhân dân. Vì vậy, làm cho mọi người dân luôn có tinh thần cảnh giác sắc bén, tạo thành mạng lưới “thiên la, địa võng” không để lọt một kẻ phạm tội nào. Làm cho tội phạm có nguy cơ bị phát hiện, bị tố giác, buộc chúng phải co lại, không dám hoạt động manh động. Hồ Chí Minh khẳng định: “Địch không phải tài tình gì đâu. Nó phá hoại được vì ta sơ hở, chủ quan. Nếu Công an ta biết giữ gìn và biết dựa vào nhân dân, làm cho nhân dân cũng biết cách giữ gìn, không để sơ hở thì nhất định địch không làm gì được… Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu Công an biết dựa vào nhân dân, thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của Công an. Muốn làm tròn nhiệm vụ, Công an phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và của chính phủ, hết lòng phục vụ nhân dân và dựa vào nhân dân”(3).
        Trong thực tiễn, các loại tội phạm như phản động, trộm cắp, cướp tài sản, lừa đảo, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy... cũng nảy sinh và phát triển ngay trong nhân dân. Việc tổ chức giáo dục, giác ngộ nhân dân để hạn chế đến mức thấp nhất những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm là phương châm hành động tích cực nhất, mang tính xã hội cao trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từng gia đình, từng đơn vị, từng địa bàn không có người phạm tội là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Làm cho mỗi người dân miễn dịch trước mọi thủ đoạn tấn công của tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của công tác dân vận. Nhân dân tự giác tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc với tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cao, tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm. Trên cơ sở phát hiện tội phạm, nhân dân cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin đa dạng, phong phú để lực lượng Công an có đối sách kịp thời với từng tình huống cụ thể, từng đối tượng cụ thể. Thực tiễn chứng minh rằng đa số các thông tin, tài liệu phục vụ công tác phát hiện, đấu tranh chống tội phạm là do nhân dân cung cấp. Nhờ đó, lực lượng Công an điều tra khám phá tội phạm kịp thời.
        Thứ ba, nhân dân là lực lượng tham gia xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả. Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch vững mạnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc của đất nước. Lực lượng Công an muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình phải dựa vào nhân dân và vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những thành công, những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an trong các thời kỳ cách mạng phần lớn là do biết dựa vào nhân dân, phát huy vai trò tích cực, sáng tạo của nhân dân. Nhiều thành tích, chiến công, nhiều tấm gương tiêu biểu xuất sắc, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong công việc của lực lượng Công an đều có nguyên nhân sâu sa từ mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Công an với nhân dân. Sức mạnh của lực lượng Công an là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
        Thực hiện lời dạy “Dựa vào nhân dân mà làm việc” của Bác Hồ, hiện nay việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự là một đòi hỏi có tính chiến lược, là một nhu cầu cấp thiết. Luật Công an nhân dân quy định 07 biện pháp cơ bản để bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội gồm: biện pháp vận động quần chúng nhân dân, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang. Mỗi biện pháp cơ bản trên đều có vị trí quan trọng riêng cho các lực lượng vận dụng, sử dụng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả. Nhưng trong đó biện pháp vận động quần chúng nhân dân luôn được xác định trước hết, khẳng định vị trí cơ bản, chiến lược làm nền tảng để tổ chức, triển khai các biện pháp công tác khác.
        Để đáp ứng với yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị số 03/CT-BNV ngày 03-01-1998 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ rõ: “Đi đôi với phát triển các mặt công tác cơ bản của Công an, phải tăng cường chỉ đạo cuộc vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, đó vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa là quan điểm, phương pháp công tác của toàn lực lượng Công an nhân dân”.
       Như vậy, cùng với các biện pháp nghiệp vụ khác, biện pháp vận động phát huy vai trò của nhân dân bảo vệ an ninh tổ quốc thực sự đã trở thành biện pháp công tác cơ bản, chiến lược góp phần tạo thế chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm mang lại hiệu quả. Lời dạy của Bác Hồ “Dựa vào nhân dân mà làm việc” là mục tiêu, yêu cầu và có ý nghĩa to lớn đối với công tác của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình cách mạng hiện nay.