Kể lại câu chuyện Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen với một kết thúc khác.

1 câu trả lời

Cô bé bán diêm kết thúc khác

Đoạn trích “Cô bé bán diêm” là một câu chuyện khép lại với nỗi buồn sâu thẳm của những ước mơ không thành hiện thực. Ngòi bút của An-đéc-xen cũng đã bày tỏ sự xót thương đầy sâu sắc cho cô bé có số phận không may, bởi chính ông cũng đã trải qua một tuổi thơ nhọc nhằn. Nếu được viết tiếp câu chuyện này, em sẽ không để đứa trẻ bất hạnh ấy phải qua đời.

Đêm nay là đêm giao thừa. Trời lạnh như cắt, tuyết rơi nhiều, không gian đêm cuối năm tối tăm mờ mịt. Trong bóng tối lạnh lẽo đó, một em bé vẫn còn lang thang ngoài đường, đầu trần, chân đất, bụng đói. Co ro trong giá rét, em vừa đi vừa cất tiếng rao mời mọi người mua diêm giúp em. Giọng em run rẩy và lọt thỏm giữa tiếng trò chuyện, tiếng cười và niềm hân hoan của mọi người. Chẳng ai mua diêm suốt cả ngày nay, cũng chẳng ai cho em lấy một xu! Em lê bước trên con đường, lạnh và đói khiến em run cầm cập lên - đúng là hình ảnh bi thảm nhưng dòng người vẫn đi tấp nập trên con đường gạch men đẹp đẽ, không một ai đoái hoài đến tình cảnh của một cô bé tội nghiệp.

Cô bé bán diêm cũng đã từng có một mái nhà ấm cúng. Mẹ em đã bỏ em mà ra đi khi em còn nhỏ. Niềm hi vọng lớn nhất của em lúc bấy giờ là người bà nhưng số phận bất hạnh vẫn mãi quanh quẩn em và Thần Chết cũng đã đến cướp bà đi mất. Sau khi bà em ra đi, cha em rầu rĩ vì gia sản dần tiêu tán rồi trở thành kẻ nghiện rượu mà thu trọn tình cảm vốn dành cho em. Ông ta mất hết tỉnh táo, hay đánh đập, chửi rủa em. Trước hoàn cảnh như thế, em cô đơn, đói rét, phải tự đi kiếm sống bằng công việc bán diêm. Nếu ngày hôm đó em chưa bán được bao diêm nào, không ai bố thí thì em không dám về nhà vì cha em chắc chắn sẽ đánh em. Mà về nhà cũng lạnh như thế này thôi, gió lạnh vẫn lọt qua mái nhà, dù các lỗ hổng đã được giẻ rách chèn lại nhưng hai bàn tay em gần như lạnh cứng đờ ra.

Gió lạnh thổi không ngừng làm em phải co người lại. Em nhìn ra xung quanh như muốn xem có cách nào có thể làm ấm hơn. Cuối cùng em chợt nhớ tới bó diêm trong tay. Đánh liều quẹt một que thôi nhỉ? Que diêm bốc cháy, em vội hơ bàn tay bé nhỏ vào ngọn lửa đang rực sáng như than hồng. Em tưởng chừng như mình đang được ngồi bên lò sưởi bằng sắt. Em vừa duỗi đôi chân ra sưởi ấm thì lò sưởi biến mất. Trong tay em chỉ còn lại một que diêm đã tàn hẳn. Em chợt bàng hoàng nhận ra, thế nào hôm nay về cũng sẽ bị cha mắng.

Cô bé lại quẹt que diêm thứ hai vào tường, diêm cháy và sáng rực lên, chiếu vào bức tường. Trong ảo ảnh hiện ra bức tường đã bị biến thành một tấm rèm bằng vải màu cho em nhìn thấy vào tận trong nhà. Em thấy một cái bàn ăn thật lớn, trên bàn là khăn trải trắng tinh, bát đĩa thật đẹp bày đầy những thức ăn thịnh soạn. Nhưng điều kì diệu nhất là con ngỗng đó nhảy ra khỏi dĩa, trên ngực còn cắm cả dao ăn, tiến về phía em. Bất chợt que diêm vụt tắt, trước mặt em chỉ còn những bức tường dày đặc và lạnh lẽo.

Em quẹt que diêm thứ ba. Lúc này, em đang ngồi dưới gốc một cây thông Giáng Sinh. Cây này lớn, trang trí lộng lẫy hơn cây mà trước đây em đã thấy qua ô cửa kính nhà một thương gia giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực trên cành lá xanh tươi và những bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ giống như em đã nhìn thấy trong các tủ hàng hiện ra trước mặt em. Cô bé tội nghiệp đưa tay ra về phía cây thông nhưng diêm lại vụt tắt. Những ngọn nến bay cao lên, cao mãi, em thấy chúng như biến thành những ngôi sao trên trời.

“Có lẽ ai đó vừa qua đời!” Em tự nhủ, vì bà của em đã từng nói khi một ngôi sao rơi xuống là có một linh hồn bay lên trời với Thượng Đế. Em lại quẹt một que diêm nữa vào tường, ánh sáng xanh lại tỏa ra, em thấy bóng dáng già nua của bà mình, bà đang mỉm cười với em. “Bà ơi”, em reo lên. “Cho cháu đi với bà. Rồi diêm tắt bà cũng ra đi, bà sẽ biến mất như cái lò sưởi ấm áp, với con ngỗng quay và cây Giáng Sinh rực rỡ hồi nãy.” Thế rồi em vội vã quẹt hết cả những que diêm còn lại trong bao vì muốn níu kéo người bà ở lại. Những que diêm nối tiếp nhau sáng lên như giữa ban ngày, chưa bao giờ em thấy bà đẹp đẽ, cao lớn như thế này. 

 Bà đưa tay ôm lấy em, và rồi phép màu cũng xảy ra, dường như ông trời cũng cảm thương cho đứa trẻ bất hạnh. Em bừng tỉnh chậm rãi mở to đôi mắt đẫn đờ, em cứ nghĩ mình sẽ gặp được người bà thân yêu nhưng trước mặt em là một người phụ nữ đi cùng với một cô bé.  Bé gái đã khoác cho em chiếc áo len để sưởi ấm thân thể rét run vì lạnh. Người phụ nữ vừa hỏi han vừa mua giúp em hết những bao diêm còn lại. Khi em kể lại mọi chuyện xong, mẹ của cô bé cũng một phần nào hiểu rõ về hoàn cảnh của em và nói: “Trễ rồi, trời lạnh lắm, con chỉ đường cô sẽ đưa con về nhé!” Em lí nhí đáp dạ vâng rồi cả ba người họ cùng đi. Người đàn ông đang say khướt mướt chính là cha em. Trong cơn men say ông vội hỏi em họ là ai thì người phụ nữ cất lời “Trẻ con tâm hồn thật trong trẻo và thơ ngây, các em xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp. Không chỉ quần áo đẹp, không chỉ là chăn ấm đệm êm mà còn là tình yêu thương và vòng tay ấm áp của cha mẹ. Sao anh lại để con bé vất vả thế, cháu đã chịu thiếu tình thương của bà và mẹ rồi, chỉ có anh là người thân thôi. Tôi là người ngoài nhìn còn đau lòng, vậy mà anh sao lại nỡ…” Cha em lúng túng đáp”: “Không phải, tôi cũng thương con lắm nhưng tôi khổ quá, không còn gì cả, tôi buồn nên muốn kiếm gì cho khuây khoả lòng nhưng lại đâm đầu vào nghiện rượu”. Mẹ của bé gái tính như thế này, cô ấy sẽ giúp ông có việc làm, và giúp cô bé bán diêm được đi học như các bạn đồng trang lứa. Ông áy náy cảm ơn người phụ nữ. Rồi cha quay sang em: “Cha xin lỗi con, cha sai rồi. Cô ấy không có máu mủ ruột thịt gì mà lại lo cho con như vậy, thế mà cha đã bị cơn nghiện ngập làm mờ đi lí trí và quên mất tình người, quên đi phải dành tình yêu thương cho con. Từ nay con không phải đi bán diêm nữa, cha sẽ đi làm nuôi con ăn học.” Em chạy tới ôm chầm lấy cha. Bầu không khí hạnh phúc bao trùm, lan toả lên khắp tất cả mọi người, sưởi ấm cả căn nhà nhỏ trong đêm đông.

Truyện “Cô bé bán diêm” có nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng gieo vào lòng người đọc một âm điệu buồn thương đối với em bé bất hạnh. Qua đó, nhà văn Đan Mạch – ông già kể chuyện cổ tích nổi tiếng ấy muốn truyền tải một thông điệp đầy ý nghĩa, đó là hãy luôn trân trọng tình cảm gia đình và hãy luôn sống với một tấm lòng thơm thảo, mở rộng tấm lòng yêu thương đến với mọi ngừoi xung quanh.

 

 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm
4 lượt xem
2 đáp án
2 giờ trước