Em hãy viết bài văn giới thiệu về tình cảm người dân quê hương em đang giúp nhau chống lại dịch bệnh covi.( bài văn dài khoảng 4 trang giấy.)

2 câu trả lời

Trong những ngày này, cả thế giới đang lao đao vì những con vi-rút bé xíu có tên là Corona. Số nạn nhân tăng luỹ tiến từng ngày khiến tất cả chúng ta ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Dòng chủ lưu truyền thông thời gian vừa qua đều liên quan đến vấn đề phát tán dịch bệnh này. Bên cạnh những thông tin về phòng tránh, người ta cũng bắt đầu phân tích các thành phần chịu trách nhiệm cho sự phát tán đó, mà một trong những phần lỗi lớn nhất thuộc về sai lầm của chính quyền Trung Quốc, vì họ đã cố tình che dấu dịch bệnh. Đúng như một số người đã nhận xét, sai lầm của họ không chỉ là vấn đề của một đường lối chính trị hay một chiến lược quản trị, mà sâu xa hơn là vấn đề của một nền luân lý đã không đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng. Nhưng bây giờ chúng ta tạm thời bỏ qua chuyện này, mà xét từ bối cảnh của ‘sự đã rồi’ ở hiện tại, tức khi dịch bệnh đã phát tán tràn lan, để suy nghĩ về cách thức chúng ta đang đối xử với nhau như thế nào.

Như sử liệu nhắc nhở, dịch bệnh không phải là một sự kiện hiếm gặp, mà nó thường xuyên xảy ra trong lịch sử con người, trong có có những dịch bệnh khủng khiếp làm chết hàng triệu người ở thời Trung Cổ, cho tới những dịch gần đây như Ebola năm 1976 hay SARS năm 2002.

Cho tới năm 1878, tức trước khi nhà khoa học Pasteur phát hiện ra sự tồn tại của các loài vi khuẩn, nhân loại vẫn không biết nguyên nhân thực sự của các bệnh truyền nhiễm là gì. Có nhiều thời điểm, họ còn nghĩ rằng dịch bệnh là do thần ô uế hay quỷ dữ nhập vào người. Vì vậy, thời xưa, khi dịch bệnh xảy đến, người ta đều đưa ra giải pháp giống nhau: cách ly. Hình thức và mức độ cách ly tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm và phạm vi lây lan của dịch bệnh, nhưng thường thì các dịch bệnh lớn đều dẫn đến những kiểu cách ly thô bạo, đi kèm với sự kỳ thị lẫn những đối xử phi nhân dành cho bệnh nhân. Họ hoàn toàn bị loại ra ngoài xã hội, và thậm chí có những trường hợp bị chôn sống.

Trong cơn dịch Corona hiện nay, giải pháp chính được đưa ra để giảm thiểu độ lây lan vẫn là ‘cách ly’. Tất nhiên, đó là một điều chính đáng, vì nếu không dùng giải pháp này thì chúng ta hầu chắc không kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng điều ngạc nhiên là, từ những thông tin và hình ảnh tương đối khả tín trên truyền thông, hình thức cách ly hiện nay vẫn mang tính thô bạo, kỳ thị và phi nhân không khác mấy ngày xưa. Ví dụ, có những người bị nhốt hẳn trong chung cư, bị người ta hàn cửa chính lại để không thoát được ra ngoài. Có những người bị đuổi bắt, bị trói và đem về trại tập trung vì nghi bị nhiễm bệnh. Người ta cũng xây cả những bệnh viện lớn và tập trung người bệnh lại một chỗ với những điều kiện thiếu thốn; và như thế, nó trở thành nơi hiểm nghèo cho các bệnh nhân, vì họ vừa có nguy cơ bị lây chéo các bệnh khác, vừa phải sống trong một môi trường vi-rút đậm đặc, và lại vừa không được chăm sóc tử tế từ thể chất lẫn tinh thần.

Vậy là, dù hiểu biết của con người đã tiến một bước dài, nhưng cách chúng ta đối xử với nhau trong những lúc hoạn nạn vẫn không hề thay đổi! Có thể nói rằng, điều chính yếu ở đây không phải là chúng ta chiến đấu với con vi-rút, mà chúng ta đang chiến đấu cho bản năng sinh tồn của mình. Vấn đề ở chỗ: đó là cuộc chiến mang tính vị kỷ, ‘bất chấp’. Người ta hầu như đang bất chấp tất cả để tìm sự an toàn cho mình. Những giải pháp ‘cách ly’ đều được quyết định bởi những kẻ khoẻ mạnh, và dường như cũng chỉ đặt mục tiêu lợi ích cho những người chưa bị bệnh, chứ không phải cho những người bị nhiễm. Và ngược lại, một số bệnh nhân cũng tìm mọi cách trốn tránh để không bị rơi vào tình trạng nguy hiểm nơi các điểm tập trung, bất kể sự trốn tránh của mình có thể gây thêm tai hoạ bệnh tật cho người khác. Về điểm này, chúng ta lại giống hệt như những con vi-rút. Thực thế, những con vi-rút chỉ có thể kí sinh nội bào bằng cách xâm nhập vào tế bào chủ và sử dụng vật liệu di truyền của tế bào chủ để tự nhân lên. Nói cách khác, vi-rút sinh tồn theo kiểu ‘bất chấp’. Chúng tìm mọi cách sinh tồn mà không cần để ý đến thiệt hại của ai khác.

Hoá ra, khi đụng đến lằn ranh sống chết, phần lớn chúng ta lại hành xử chẳng khác gì một con vi-rút ư? Tất nhiên, có thể không phải mọi người đều hành động giống nhau, nhưng ở mức chung thì chúng ta có thể nói như vậy. Nếu vậy, hoá ra hàng triệu năm ‘tiến hoá’ cũng chỉ có thế thôi sao? Vì thế, lúc này chúng ta phải đặt lại câu hỏi về hạt nhân của ‘nhân tính’. Điều gì thực sự làm nên căn cốt của nhân loại, để ngay cả khi đụng đến lằn ranh sinh tử, chúng ta vẫn hành xử theo đúng cốt cách riêng biệt của con người, thay vì hành xử như những con vi-rút?

Tất nhiên, đây là câu hỏi mang tính siêu hình triết học, nên không dễ gì đưa ra những trả lời vắn tắt. Tuy nhiên, chúng ta thử xét câu hỏi này trong phạm vi bối cảnh xã hội hiện đại mà mình đang sống. Vào năm 1789, để làm nền tảng cho cuộc Cách Mạng Pháp, người ta đã trưng lên khẩu hiệu: liberté, égalité, fraternité (Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái). Đằng sau khẩu hiệu đó là nền tư tưởng mang đậm tính Chủ Nghĩa Ánh Sáng, vốn xác định vị trí trung tâm dành cho con người, và tuyên bố rằng căn bản của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng nhân loại chính là lý trí, và rằng cũng chỉ có lý trí là tiêu chuẩn duy nhất xác lập và quyết định cho mọi bước tiến của loài người.

Nhân loại đã từng lạc quan và tự tin rằng chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đầy nhân bản và tiến bộ hơn, dựa trên nền tảng này. Và quả thật, cuộc cách mạng đó đã biến đổi bộ mặt của cả thế giới. Điều phải kể đến đầu tiên chính là những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lãnh vực, từ khoa học kỹ thuật cho tới văn hoá và chính trị xã hội. Những phát hiện y khoa của Pasteur là ví dụ điển hình cho dòng chảy tiến bộ đó. Nó cũng kéo theo những thăng tiến, ít nhất là ở phạm vi tư tưởng hay từ các tuyên ngôn, về địa vị và phẩm giá của con người, mà Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền 1948 là một minh chứng điển hình.

Nhưng, liệu nền tảng duy lý có thực sự đủ để xây dựng một nền nhân bản vững vàng? Lịch sử thế giới từ đó đến nay, nhất là bối cảnh dịch bệnh hiện tại, cho thấy rằng những tầm nhìn quá lạc quan như nói trên đều là ảo tưởng. Chính những con vi-rút bé xíu kia đang phơi bày sự thật đó! Cơn dịch bệnh trong những ngày qua đang cho thấy rằng nền tảng nhân tính mà người ta dày công xây dựng từ hạt nhân duy lý không hề vững chắc; và chỉ cần một biến cố cũng đủ khiến nó lung lay. Châu Âu nói riêng và Nước Pháp nói chung, nơi được xem là có nền văn minh đầy chiều sâu, và cũng là nơi khởi phát cho cuộc cách mạng duy lý, lại là một trong những nơi có biểu hiện kỳ thị chống người Trung Quốc đầu tiên. Tất nhiên, điều phải ghi nhận là những dối trá của chính quyền và của một số cá nhân Trung Quốc đã khiến họ bùng lên cơn giận dữ, nhưng rõ ràng nó cũng cho thấy rằng nền tảng khoan dung của họ đã không đủ sâu và đủ lớn để có thể thông cảm và bỏ qua cho sai lầm nghiêm trọng của người khác.

Vậy là, khi đặt nền trên hạt nhân duy lý, dù với những nỗ lực lớn lao, từ những lý thuyết giáo dục nhân bản, những chủ nghĩa anh hùng phim ảnh, cho tới những câu chuyện văn học lãng mạn và đầy tính hy sinh, vv., chúng ta đều không thực sự xây nên được một nền nhân tính đủ sâu và đủ vững. Lý do vì, nếu không được đặt trên một nền tảng siêu vượt khác, ‘trí tuệ lý thuyết’ của con người, với khuynh hướng tìm các giải đáp rạch ròi cho mọi vấn đề và đòi thiết lập một trật tự xã hội công bằng theo kiểu công thức, không thể chỉ ra một viễn tượng tận căn cho một thế giới đầy đa dạng, mâu thuẫn, và bí ẩn. Hơn nữa, ‘trí tuệ thực hành’ của chúng ta luôn bị bao vây bởi những ‘lực hấp dẫn’, như quyền lực, lợi lộc, danh vọng, vv., nên ngay cả bản thân nó cũng không đủ ‘khách quan’ khi vạch ra các định hướng chung cho cả cộng đồng.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề về hạt nhân nền tảng của nhân tính. Tất nhiên, lý trí luôn là điểm căn bản cho mọi dự án, mọi phương hướng của đời sống con người. Nhưng lý trí đó cần được đặt nền trên một điểm tựa nào khác sâu xa hơn nó, để không chỉ cung cấp những lý do siêu hình, mà còn để thanh luyện khuynh hướng duy lợi trong các hoạt động tư duy của nó. Thiết tưởng, chính tại điểm này, chúng ta phải trở lại với những nền tảng và kiến giải cao sâu của các tôn giáo.

Để hướng dẫn con người xây dựng và phát triển nhân tính, hầu hết các tôn giáo chân chính đều tập trung vào khái niệm lòng nhân, vì chính lòng nhân là điểm gặp gỡ giữa con người và Thượng Đế. Các bậc tôn sư tâm linh đều dạy ta điểm giác ngộ đó. Nói như phái Tâm học bên Trung Hoa, tình yêu – vốn gắn với sự thực hành lương tâm – chính là phương cách đạt được tận cùng của bản tâm, tức tình trạng thiên uyên nhất thể với vạn vật và với Trời. Phật giáo cũng lấy đức Từ Bi làm nền tảng, như nhận xét của Đạt Lai Lạt Ma: “tôn giáo đích thực là sự tử tế, là lòng nhân ái.” Tương tự, Ki-tô giáo cho rằng tình yêu và khả năng yêu thương là điều con người được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa cách rõ nhất, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì vậy, khi nhấn mạnh đến lòng nhân và đặt nó trong nền tảng tâm linh, chúng ta mới thấy được viễn tượng lớn lao và cao sâu mà nhân tính có thể đạt tới, vì tình yêu tự nó có biên cương bao la – do vốn thuộc về Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, con người như thể được trải rộng và chạm đến chiều sâu nhất của hiện hữu mình, có thể kinh nghiệm phần nào điều thuộc phạm vi vô cùng và siêu việt. Trong viễn tượng đức tin, có thể nói đó là kinh nghiệm ‘đụng chạm’ đến Thiên Chúa. Chính trong kinh nghiệm tình yêu mà con người thấy rõ nhất việc mình và tha nhân thuộc về Thiên Chúa, thấy mình là hình ảnh của Người.

Chỉ khi trở lại với viễn tượng đó, như suy tư của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), chúng ta mới bớt quy hướng về mình để tìm kiếm hạnh phúc cho người khác, và rồi cuối cùng sẽ tự hiến và mong muốn ‘sống’ vì tha nhân. Đó là cuộc gặp gỡ trong chiều sâu bản chất của Eros và Agape.[1] Khi đặt nền trên tình yêu trong đức tin, nhân tính chúng ta được mở ra một chân trời vượt qua bên kia lãnh vực riêng của lý trí, đồng thời thanh luyện cho lý trí thoát khỏi những mù quáng để trở nên chính nó cách tốt đẹp hơn, giúp nó biết chu toàn trách vụ cao cả của mình. Chính những lý lẽ và nguyên do thiêng liêng mới làm cho hành động của con người mang ý nghĩa và giá trị tối hậu.

Nếu hình dung chúng ta đang có một nền tảng nhân tính vững chắc như thế ngay lúc này, điều gì sẽ xảy ra trong việc đối phó với cơn đại dịch corona? Xét cho cùng, con vi-rút không phải là một ‘loài thông minh’. Nó không có bất cứ ‘kế hoạch tính toán’ nào để lây lan. Vì thế, mức độ phát tán của nó phụ thuộc chính yếu vào ứng xử của con người. Nếu lòng nhân của thế giới đủ sâu và rộng, những người có dấu hiệu bị nhiễm sẽ chủ động đi kiểm tra và chủ động tránh tiếp xúc để bảo vệ cho người khác. Họ có thể tự cách ly ở nhà, nhưng cũng sẵn sàng đến những điểm cách ly chung mà không cần chạy trốn, vì họ biết trách nhiệm, đồng thời ý thức rằng mình sẽ được yêu thương và chăm sóc. Còn những người khoẻ mạnh: họ vừa tìm cách bảo vệ cho mình và cho những người khác, nhưng đồng thời cũng biết quan tâm, lo lắng và chăm sóc trong khả năng có thể đối với những người bệnh tật. Cả xã hội sẽ dồn các nguồn lực để chăm sóc và nghiên cứu phương thức chữa trị. Các thông tin sẽ minh bạch và chân thực; sẽ không ai cố tình che dấu hay làm nhiễu loạn để gây hoang mang trở ngại, vì tất cả đều được lòng nhân hướng dẫn. Nếu viễn tượng đó diễn ra, trong thời đại tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện nay, hẳn những con vi-rút này không thể mang lại đại dịch cho nhân loại được!

Có lẽ chưa bao giờ cả nhân loại lại cảm thấy số phận con người gần nhau, gắn chặt với nhau như lúc này. Cùng chung số phận, nếu không có khả năng tương trợ, gánh vác cùng nhau và cho nhau, thì chỉ có thể đẩy nhau vào thảm hoạ. Cả nhân loại đang cần tình người phát lộ hơn bao giờ hết, cần quay lại với sự dịu dàng như lòng mẹ để bao bọc và chăm sóc và hy sinh cho nhau trong cơn hoạn nạn. Có lẽ đó cũng là bài học lớn mà Thiên Chúa muốn con người rút ra như một phần ý nghĩa của đau khổ. Vì vậy, chung trong lời cầu cho các nạn nhân và cho thế giới trong cơn đại dịch, chúng ta cũng cầu mong cho nhau biết quay lại với nền tảng lòng nhân trong đức tin, để xây dựng một thế giới thật sự nhân bản hơn. Đó là giải pháp căn cơ nhất, không phải chỉ đối với cơn dịch này, mà đối với toàn thể đời sống xã hội tương lai của nhân loại.

Cuối tháng 2/2020, dịch Covid-19 bắt đầu lan mạnh ngoài Trung Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, với việc chậm trễ ban bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế và thái độ thụ động trước chính quyền Trung Quốc, chính WHO đã góp phần để dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn?

QUẢNG CÁO

Ngày 24/02, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo quốc tế chuẩn bị đối phó ''đại dịch''. Tuy nhiên, WHO bị phê phán đã không thực thi triệt để các nghĩa vụ của định chế quốc tế này, để dịch bệnh tại Trung Quốc được hiểu rõ hơn, được kiểm soát tốt hơn. Cũng có nghĩa là khó lan ra bên ngoài hơn, và một khi lan ra ngoài, cộng đồng quốc tế sẽ có nhiều khả năng phòng vệ hơn.

  • Đọc thêm: Virus corona mới đe dọa sự tồn vong của Tổ Chức Y Tế Thế Giới

Hiện tại tình hình dịch Covid-19 đặc biệt gây lo ngại tại Hàn Quốc, Iran và Ý, nơi dịch có thể tràn sang nhiều nước châu Á, Trung Cận Đông và châu Âu. Đại dịch đang trở nên nhãn tiền. Trả lời RFI, ông François Renaud, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), chuyên gia về các bệnh dịch truyền nhiễm, nhấn mạnh đến quyền lực rất hạn chế của WHO trong việc tác động đến chính sách y tế nội bộ của các nước, và lo ngại về tình hình rất thiếu thông tin - cùng với thông tin sai lạc, bị bóp méo phổ biến - về bệnh dịch hiện nay, khiến rất khó có được các đánh giá sát với diễn biến bệnh dịch. Theo ông, chống dịch như ''cứu hỏa'', hơn bao giờ hết cộng đồng quốc tế cần ngồi lại để thảo luận kỹ càng về khủng hoảng dịch Covid-19, và đây cũng là dịp để cải tổ triệt để phương thức hợp tác quốc tế trước các tình trạng khẩn cấp nói chung mà nhân loại phải đối mặt.

WHO: Giữa mềm dẻo ''ngoại giao'' và ''hiệu quả y tế''

Về vai trò và khả năng hành động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, giáo sư Anne-Marie Moulin, một chuyên gia về lịch sử y tế quốc tế, lưu ý trước hết đến vai trò ngoại giao của định chế quốc tế này. Theo bà, ''WHO vốn thường bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi thận trọng về mặt ngoại giao, và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng'', đối với quốc tế.

Giáo sư Anne-Marie Moulin nhấn mạnh đến phản ứng của WHO, trong dịch Covid-19 lần này, rõ ràng là nhanh chóng hơn ''khá nhiều'' so với dịch Ebola trước đây. Tuy nhiên, theo bà, một điều cũng rõ ràng WHO đã không phê phán cách xử lý bệnh dịch chậm trễ của chính quyền Trung Quốc, định chế quốc tế này ''đã không tận dụng được thời điểm Bắc Kinh tuyên bố dịch, chậm hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện ca bệnh đầu tiên, để chỉ ra những điểm sai của chính quyền Trung Quốc''. Giáo sư Anne-Marie Moulin nhắc đến một thực tế là dịch bệnh – sau này được gọi là Covid-19 - đã được giới tài xế tại Vũ Hán truyền tin cho nhau sớm hơn rất nhiều so với tuyên bố của chính quyền. Và WHO đã bỏ qua điều này.

Dù sao, nhìn chung, giáo sư Moulin nhận định: ''Về mặt ngoại giao, WHO đã làm được những gì có thể trong khả năng của mình''. Bởi rõ ràng là rất khó vừa hợp tác với chính quyền một quốc gia, trong khi cùng lúc đó lại phê phán chính quyền đó, đặc biệt là đối với chính quyền Trung Quốc, mà khả năng tác động trên thực tế của WHO là rất hạn chế.

Bắc Kinh cam kết để quốc tế tìm hiểu bệnh dịch

Bác sĩ Paul Benkimoun, một nhà báo chuyên về y tế, theo dõi sát các hành động của WHO, cũng nhấn mạnh đến vị thế nhạy cảm của WHO, trong lúc thiếu nhiều thông tin cần thiết, mà phải đưa ra quyết định Tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế, trong một hoàn cảnh có ''độ bất định rất lớn''. Bởi một quyết định như vậy, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa đạo lý. Tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới phải cân bằng giữa một bên là tăng cường biện pháp kìm hãm dịch, với bên kia là không để cho các can thiệp trở nên quá đà, quá mức cần thiết, gây lo sợ. Đây là điều hết sức khó khăn, đặc biệt vào thời kỳ mà các giao lưu quốc tế, quan hệ kinh tế ngày càng trở nên mật thiết, và bệnh dịch lại xảy ra tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trong bài viết trên Le Monde ngày 29/01/2020 (''Coronavirus : comment la Chine a fait pression sur l’OMS''), bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đến nội bộ của ủy ban các chuyên gia phụ trách tư vấn cho tổng giám đốc WHO, đã bị chia rẽ hiếm thấy trong việc quyết định đưa ra hay không tuyên bố về Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới (trong các phiên họp ngày 22 và 23/01). Nhiều nguồn tin từ nội bộ WHO cho thấy chính quyền Trung Quốc gây áp lực rất mạnh. Điều có thể hiểu được là, ông tổng giám đốc, Tedros Adhanom Ghebreyesus, khó lòng đưa ra được một quyết định mạnh, vào lúc mà chính bản thân ông đang chuẩn bị chuyến công du Trung Quốc.

Chuyến công du diễn ra trong hai ngày 27 và 28/01. Ngày 28/01, từ Bắc Kinh, WHO gửi đi thông cáo: Bắc Kinh đã chấp nhận cho ''gửi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc, ngay khi có thể, làm việc với các đồng nhiệm Trung Quốc, nhằm hiểu biết rõ hơn về bệnh dịch để định hướng các nỗ lực quốc tế trong việc đối phó'' với dịch. Một ngày sau đó, WHO ra tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới.

Vẫn theo bác sĩ Paul Benkimoun, hiện tại, với ''Điều lệ Y tế Toàn cầu'' (International Health Regulations – IHR), định chế quốc tế về y tế thế giới đã có được một công cụ pháp lý mạnh, ''có tính bó buộc đối với 196 thành viên Liên Hiệp Quốc'', ''có mục tiêu giúp cho cộng đồng quốc tế phòng ngừa trước các hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng, các bệnh dịch có nguy cơ vượt ra bên ngoài các biên giới quốc gia, đe dọa toàn thế giới''. Bộ Điều lệ này đã được sửa đổi vào năm 2005, trong bối cảnh Trung Quốc che giấu thông tin trong nhiều tháng về bệnh dịch SARS, hoành hành trước hết tại tỉnh Quảng Đông, cuối năm 2002. Bộ Điều lệ sửa đổi mang tính bó buộc hơn trước.

Hố đen thông tin Vũ Hán, WHO làm loa cho Bắc Kinh

Trở lại với tâm dịch Vũ Hán, 3 tuần sau khi Tình trạng Y tế Khẩn cấp Thế giới, được tuyên bố, các chuyên gia quốc tế vẫn chưa đến thành phố này, cũng như tỉnh Hồ Bắc nói chung. Giải thích về việc chuyên gia quốc tế chưa đến Vũ Hán, ông Nicholas Rosellini, đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc – có trách nhiệm phối hợp với WHO – cho biết đây ''chưa phải là thời điểm thích hợp'' để chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, vì một chuyến đi như vậy có thể gây trở ngại cho các hoạt động của ngành y tế Trung Quốc đang tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại thành phố này. Giải thích nói trên được báo chí Trung Quốc đăng tải ngày 18/02.

Như vậy, thông tin về diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán, tại Hồ Bắc, rút cục vẫn là một hồ đen với giới khoa học quốc tế. Cùng lúc đó, WHO gần như làm nhiệm vụ hàng ngày truyền đi các số liệu về người nhiễm, người chết do dịch Covid-19, do chính quyền Trung Quốc cung cấp. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng WHO chỉ là một cái loa của Bắc Kinh?

  • Đọc thêm: Covid-19: Giới chuyên gia phản bác cách thống kê bệnh nhân của Trung Quốc

Cho đến nay, các dữ liệu mà chính quyền Trung Quốc cung cấp là quá chung chung. Giáo sư Anne-Marie Moulin cho biết, từ góc độ dịch tễ học, bà ''chưa được đọc, được xem các dữ liệu chính xác về dịch bệnh''. Rất nhiều số liệu chung được cung cấp, ví dụ như số lượng 4.000 người chết, nhưng rất thiếu các thông tin cụ thể về người bệnh qua đời, vì dịch Covid-19, về tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nơi cư trú cụ thể, cũng như phục dựng lại con đường lan truyền của virus. Nhà sử học y tế nhấn mạnh đến một thực tế là, trong nhiều xã hội trước đây, để đối phó với dịch bệnh, phương tiện rõ ràng là thô sơ và ít hơn nhiều, nhưng lại có khá đủ các nguồn dữ liệu cho phép các sử gia phục dựng lại quá trình diễn biến của dịch, dựa trên việc tổng hợp hồi ức của nhiều người, ngược lại, dịch bệnh tại Vũ Hán diễn ra ngay trước mắt chúng ta, nhưng lại có rất ít thông tin chính xác về diễn biến thực sự của dịch bệnh.

Thụ động trước Bắc Kinh ngay từ đầu

Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ về y tế cộng đồng, cũng đưa ra nhận xét theo cùng hướng này, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò thụ động của WHO trong giai đoạn trước khi Trung Quốc thừa nhận dịch (ngày 20/01/2020) và trước khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa (ngày 23/01):

''Có thể nói rằng cho đến hai tuần đầu của tháng 1/2020, WHO đã có đầy đủ thông tin để xác định căn nguyên gây dịch, cũng như cái hướng xét nghiệm làm cơ sở cho việc xác định tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc, đặc biệt là liên quan đến quy mô dịch mà xét nghiệm có thể cung cấp được. Ở mảng này, tôi thấy có vấn đề, cả từ phía Trung Quốc là nơi ổ dịch phát sinh, trong đó có vai trò của WHO. Đó là thông tin về dịch tế học, về nguy cơ, xác suất mắc bệnh, đường truyền của virus, thời gian nhiễm bệnh, thời gian lây truyền, cách thức lây truyền, giai đoạn ủ bệnh… Những thông tin này đã bị chậm. Tôi nhận thấy rằng tình trạng không rõ ràng này tiếp tục được duy trì trong những tuần đầu tháng 1/2020, kể cả cho đến khi thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị cô lập. Cho đến lúc đó, các thông tin về dịch tễ học cơ bản để giúp cho việc lên kế hoạch, chiến lược để kiểm soát dịch là chưa rõ ràng. Dường như WHO phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin dịch tễ học của Trung Quốc, trong khi đó, để xây dựng được chiến lược đối phó toàn cầu phải có các thông tin rõ ràng hơn. WHO dường như đã không có động thái thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, và điều này đã gây khó khăn cho việc thiết lập một chiến lược có hiệu quả trong việc phòng chống dịch''.

2/3 người Trung Quốc nhiễm virus ''mất hút''

Dịch Covid-19 đột ngột bùng phát trong những ngày gần đây tại nước Ý, vốn là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Tình trạng Khẩn cấp đối phó dịch (ngày 31/01), ngay sau khi WHO tuyên bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp Quốc tế. Giới chuyên gia đặt câu hỏi vì sao ?

Nhà báo, bác sĩ Paul Benkimoun, trong bài viết ''La pandémie de coronavirus paraît inéluctable'' (Le Monde, ngày 25/02/2020), nêu ra hai nghiên cứu dịch tễ học mới đây, của hai nhóm khoa học gia Anh và Pháp, công bố ngày 21 và 23/02 (một của Viện Imperial College, Luân Đôn, và một của ê kíp Inserm, Đại học Sorbonne, do bà Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học và y tế công, lãnh đạo). Hai điều tra đưa ra cùng một kết luận: ước tính đã có khoảng hai phần ba người Trung Quốc nhiễm virus, xuất ngoại, ''mất hút''.

Hai nghiên cứu hiếm hoi nói trên chỉ ra ''phần chìm của tảng băng'', hình ảnh mà nhiều người thường dùng để nói về dịch Covid-19 đáng sợ, khó lường. Bác sĩ Paul Benkimoun nhấn mạnh đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch được coi là ''bất ngờ'' tăng vọt tại nước Ý những ngày gần đây.

Phong tỏa Vũ Hán: Phần trách nhiệm của WHO

Nhiều người đặt câu hỏi : Phải chăng một trong những nguyên nhân chính của việc hai phần ba số người Trung Quốc nhiễm virus xuất ngoại, nhưng ''mất hút'', là do chính sách che giấu thông tin về diễn biến dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh, ngay cả khi Trung Quốc đã chính thức thừa nhận có dịch? WHO đóng vai trò gì khi để Bắc Kinh độc quyền thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc?

  • Đọc thêm : Virus corona : Cách ly là biện pháp tốt nhất để tránh lây lan ?

Cũng nhiều câu hỏi được đặt ra về các tác động nhiều mặt của biện pháp phong tỏa hàng chục triệu dân cư tỉnh Hồ Bắc, trên quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. WHO đã nhiều lần ca ngợi Bắc Kinh về biện pháp được coi là triệt để này. Hiện vấn đề này còn rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại, nhiều ý kiến phản biện đã vạch ra tác dụng con dao hai lưỡi của biện pháp thời chiến này. Chưa những hậu quả vô cùng lớn đến chính đời sống và tình trạng an ninh y tế của người dân vùng bị phong tỏa (bị nhiều nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo là một thảm họa cho người dân), một trong các hệ quả lớn đối với bên ngoài là: nhiều người xuất thân từ vùng dịch, một khi ở ngoài khu vực bị phong tỏa, có xu hướng mai danh ẩn tích, vì sợ bị phát hiện. Dịch bệnh cũng có thể theo đó mà lan truyền ngoài vòng kiểm soát.

Chính quyền Trung Quốc hiển nhiên có trách nhiệm chính trong chuyện này. Nhưng WHO đóng vai trò ra sao? Liệu Tổ Chức Y Tế Thế Giới có làm đúng những gì trong phạm vi quyền hạn được cộng đồng quốc tế giao phó?

Câu hỏi trong lớp Xem thêm
5 lượt xem
2 đáp án
21 giờ trước