Top 11 sinh vật kỳ bí xuất hiện trong trailer phim "Fantastic Beasts and Where to Find Them"

Vào ngày 18 tháng 11 tới đây, bộ phim "Fantastic Beasts and Where to Find Them" là phần ngoại truyện của loạt phim ăn khách về cậu bé phù thủy Harry Potter sẽ được công chiếu. Bộ phim nói về cuộc hành trình tìm kiếm và ghi chép về các sinh vật phép thuật của Newt Scamander - giáo sư sinh vật học huyền thoại đến từ nhà Hufflepuff của trường đào tạo phù thủy và pháp sư Hogwarts. Tên bộ phim cũng chính là tên một cuốn sách giáo khoa mà các phù thủy sinh trường Hogwarts sử dụng vào năm đầu tiên. Vậy hãy cùng xem những sinh vật nào sẽ góp mặt vào bộ phim đang được đón chờ này nhé.


1

Demiguise

Demiguise (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXXX) là một sinh vật ăn thực vật rất hiền lành đến từ vùng Viễn Đông. Chúng có khả năng biến mình trở nên vô hình và đoán trước được tương lai, vì vậy rất khó có thể bắt được chúng. Chỉ có những phù thủy và pháp sư chuyên nghiệp được huấn luyện để tìm bắt loài này mới có thể phát hiện ra Demiguise được. Bề ngoài, trông chúng y hệt loài khỉ không đuôi (ape), với đôi mắt đen lớn và bộ lông dài mượt. Tấm da của loài Demiguise được đánh giá rất cao, vì lông của chúng có thể được dệt thành Áo khoác Tàng hình. Tuy nhiên, qua thời gian, những chiếc áo được dệt từ lông của loài này dần trở nên mờ đục, và mất đi khả năng gây tàng hình của mình. Demiguise có con mắt quan sát rất nhạy bén, lại có khả năng tiên đoán tương lai, vì vậy cách duy nhất để có thể bắt được chúng là làm một điều gì đó hoàn toàn kỳ lạ, không thể đoán trước được khiến chúng tò mò đến gần xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Demiguise

2

Erumpent

Erumpent (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXXX) là một giống động vật pháp thuật xuất xứ Phi châu trông chẳng khác gì con tê giác. Đây là một sinh vật mạnh mẽ, với lớp da dày có thể đánh bật hầu hết các loại bùa chú, một cái sừng độc nhất dài và cong, cùng với một cái đuôi to khỏe. Giới phù thủy Châu Phi hết sức dè chừng giống thú này. Tuy là nó không bao giờ tấn công nếu không bị khiêu khích, nhưng một khi đụng độ với nó thường chỉ có chết. Cái sừng có thể đâm thủng qua da và kim loại, nó còn có chứa một dung dịch chết chóc làm nổ tung bất cứ thứ gì nó đâm vào. Loài Erumpent không còn nhiều, vì con đực thường tự nổ tung trong mùa giao phối. Mỗi lứa, con này cũng chỉ sinh ra một con thôi. Ngoài ra, sừng, đuôi và cái món thuốc nổ của nó cũng được sử dụng nhiều trong pha chế Độc Dược. Cho nên, kết quả là nó bị liệt vào hạng B những nguyên liệu kiểm soát gắt gao trong mua bán.
Erumpent

3

Bowtruckle

Bowtruckle (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XX) là một sinh vật hiền lành, có kích thước nhỏ bé, cao nhất chỉ đến 8 inch (khoảng 20 cm), có thể đứng trên lòng bàn tay của chúng ta. Chúng sống bên trong những tán cây rậm rạp và chuyên ăn côn trùng. Nhìn chung, loài này chẳng khác gì những người "que tí hon" với khuôn mặt phẳng lì được làm bằng cành và vỏ cây, có đôi mắt nâu và 4 ngón tay dài nhọn hoắt (mỗi bàn tay có 2 ngón). Với thân hình nhỏ bé và ngoại hình như vậy, chúng dễ dàng ngụy trang trong môi trường sống tự nhiên của mình, người thường rất khó có thể phát hiện. Loài Bowtruckle thường sống tại miền Tây nước Anh, miền Nam nước Đức và những khu rừng ở Scandinavia. Bowtruckle luôn tận tụy bảo vệ cái cây mà mình coi là nhà, thường là những cây lấy gỗ làm đũa phép cực tốt (ví dụ như Wiggentree - một loài cây pháp thuật, có họ với cây thanh lương trà). Loài này có bản tính rất hiền lành, nhưng một khi có kẻ làm hại đến cây của nó, nó sẽ trở nên cực kỳ hung dữ. Bốn ngón tay dài và nhọn thường dùng để bới ra những con bọ gây hại cho gỗ cây của chúng cũng chính là vũ khí khi có kẻ muốn làm hại đến cây, chúng sẽ từ trên cành lao xuống bất chợt và dùng ngón tay để cào xé mắt của kẻ đó. Để lấy gỗ hoặc lá cây từ cây có Bowtruckle canh giữ, ta có thể đưa cho nó vài con bọ đục gỗ cây hoặc là vài quả trứng fairy để làm phân tâm, rồi nhanh chóng làm xong việc mà chuồn đi trong khi nó còn đang mải mê. Trong thổ ngữ Scotland cổ, từ "bow" có nghĩa là "sinh sống", còn "truckle" trong thổ ngữ Anh cổ có nghĩa là "cành cây". Bowtruckle từng xuất hiện trong "Harry Potter and the Phoenix Order".
Bowtruckle

4

Niffler (tạm dịch: Đào Mỏ)

Niffler (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXX) là một sinh vật rất đặc biệt đến từ nước Anh. Chúng là những thợ săn kho báu chính hiệu, rất khoái những món đồ lấp lánh, đặc biệt là vàng bạc. Niffler thuộc vào loài sinh vật gặm nhấm, có cái mõm dài và lớp áo lông đen huyền mượt mà. Chúng sống trong những hang sâu khoảng 20 feet (hơn 6 mét một xíu) dưới lòng đất, và sinh khoảng 6 - 8 con một lứa. Mỗi con có một chiếc túi trên bụng như loài kangaroo, có thể chứa được rất rất rất nhiều thứ bên trong, có tác dụng y như bùa Mở Rộng Không Thể Dò Ra mà Hermione đã từng dùng trong tập 7 vậy. Bản tính của loài Niffler luôn rất hiền lành, thậm chí còn cực yêu quý và quấn quít với chủ của mình. Tuy nhiên, chúng sẵn sàng phá phách đồ đạc một cách điên cuồng để tìm kiếm những món đồ lấp lánh mà mình thích. Cũng chính vì vậy nên ta không nên giữ nó làm thú cưng trong nhà, chúng sẽ ăn tàn phá hại vô cùng. Niffler có lẽ được bắt nguồn từ một từ địa phương, "Niffle" có nghĩa là "chôm chỉa". Những Goblin (yêu tinh) của Ngân hàng Gringotts nuôi Niffler để đào hang giữ kho báu. Loài này cũng từng xuất hiện trong "Harry Potter and the Phoenix Order".
Niffler (tạm dịch: Đào Mỏ)

5

Nundu

Nundu (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXXXX) là một sinh vật khổng lồ đến từ vùng Đông Phi, có bề ngoài khá giống loài báo đốm. Mặc dù thân hình to lớn nhưng chúng có thể di chuyển cực kỳ nhẹ nhàng, và được một số người coi là loài sinh vật nguy hiểm nhất còn sống. Hơi thở của Nundu cực độc, chỉ đặc điểm này thôi đã khiến chúng có thể "thu dọn sạch sẽ" một ngôi làng nhiều người sinh sống trong chớp mắt. Loài này đặc biệt rất khó thuần hóa và chưa bao giờ bị đánh bại bởi ít hơn cả trăm pháp sư cùng dốc toàn lực. So với những con rồng trong giải đấu Tam Pháp Thuật - chỉ cần khoảng 10 người đã có thể khuất phục được - thì sức mạnh của loài sinh vật quý hiếm này thực sự rất đáng kinh ngạc.
Nundu

6

Graphorn

Graphorn (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXXX) là một loài sinh vật huyền bí cực hung dữ và hiếu chiến, tập trung tại vùng núi châu Âu. Chúng có thân hình to lớn với một cái bướu trên lưng, bốn chân với bốn ngón ngắn, và da màu tím ngả xám thậm chí còn rắn hơn da rồng, có thể chống lại được hầu hết bùa chú. Loài này đặc biệt bởi đôi sừng dài và nhọn ánh vàng của mình - một nguyên liệu độc dược cực kỳ quý giá, được sử dụng trong Thuốc Giải Những Độc Dược Bất thường. Loài Graphorn thích sống hoang dã tự do hơn là được ăn no ngủ kỹ dưới bàn tay chăm sóc của con người. Trên thế giới chỉ còn duy nhất hai con Graphorn được nuôi thuộc quyền sở hữu của ông Newt Scamander.
Graphorn

7

Knarl

Knarl (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXX), sống ở vùng Bắc Âu và Mỹ, là một loài sinh vật rất giống loài nhím bình thường trong thế giới Muggle. Chỉ có duy nhất một điểm khác nhau giữa hai loài này, về hành vi: nếu ta dành chút thức ăn ngoài vườn cho một chú nhím, nó sẽ vui vẻ đánh chén, ngon lành tinh tươm, còn nếu đưa thức ăn cho một con Knarl thì cái vườn xinh đẹp thế là đi tong, vì nó sẽ mặc định nghĩ rằng bạn đang gài bẫy và... phá tan khu vườn của gia chủ. Đám lông mọc tua tủa của loài Knarl có nhiều lợi ích trong pháp thuật. Fred và George Weasley đã từng chịu trả lão Mundungus Fletcher tận 6 Sickle cho một túi lông Knarl, để có thể thử nghiệm xem chúng có hữu dụng gì trong cải tiến mấy món đồ cho hiệu Phù Thủy Wỉ Wái Nhà Weasley không. Loài Knarl thích ăn hoa cúc dại. Những nhà điều chế độc dược thường xuyên phải gỡ những con Knarl bám cực chắc ở những bụi hoa cúc dại ra để lấy hoa mà chế thuốc, bằng cách nhắm thẳng đũa phép vào chúng và cho một bùa Choáng ("Stupefy!") - câu thần chú này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực quá lâu đến chúng.
Knarl

8

Thunderbird (tạm dịch: Chim sấm)

Thunderbird (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: Chưa rõ) là một loài chim lớn, đến từ vùng Arizona khí hậu khô cằn tại Hoa Kỳ. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với loài phượng hoàng (phoenix). Chúng là biểu tượng cho một nhà trong Học viện Pháp thuật và Ma thuật Ilvermorny. Chúng có thể tạo ra những cơn bão khi cất cánh bay và luôn cảm quan cực kỳ nhạy bén với những nguy hiểm sắp đến gần. Nhà nghiên cứu sinh vật học huyền bí Newt Scamander cũng sở hữu một con Thunderbird. Sau khi giải cứu nó khỏi một toán buôn người ở Ai Cập, ông đã nuôi và đặt tên cho nó là Frank, hứa sẽ trả lại nó về quê hương của loài này, Arizona. Thunderbird được miêu tả là có cái đầu "giống với loài đại bàng", hoặc, trong thế giới pháp thuật, có thể nói là "giống với loài bằng mã (Hippogrift)". Chúng có những cánh chim đầy pháp lực, ví dụ như con Thunderbird tên Frank có tổng cộng 6 cánh. Lông của chúng sáng lấp lánh, bồng bềnh như mây. Thunderbird là một loài sinh vật huyền thoại, xuất hiện rất nhiều trong thần thoại của những người dân bản địa vùng Bắc Mỹ. Loài này đặc biệt nổi bật trong nền văn hóa của các dân tộc bản địa vùng Tây Bắc Hoa Kỳ và thường được nhắc đến trong nghệ thuật, âm nhạc và truyện cổ tích. Tuy nhiên, những phiên bản khác của Thunderbird cũng xuất hiện trong truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nam Hoa Kỳ, Đông Duyên hải Hoa Kỳ, Ngũ Đại Hồ, và Đại Bình Nguyên Bắc Mỹ. Những phiên bản này có những khác biệt về đặc điểm và tập tính của Thunderbird, nhưng hầu hết vẫn được miêu tả là một loài chim rất lớn, có thể tạo nên gió bão và sấm sét mỗi khi bay lên. Một thợ làm đũa phép nổi tiếng người Mỹ Shikoba Wolfe đã từng sử dụng lông đuôi của Thunderbird để làm đũa phép vào hồi đầu thế kỷ XX.
Thunderbird (tạm dịch: Chim sấm)

9

Swooping Evil

Swooping Evil (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: Chưa rõ) là một loài sinh vật huyền bí khá lớn, với đôi cánh sải rộng màu xanh dương và xanh lá. Nó thoạt nhìn có thể như là một giống lai giữa một loài bò sát nào đó và một con bướm cực lớn, khi không sải rộng đôi cánh đầy gai góc của mình ra khi đang bay, nó chỉ sống với tập tính của một cái kén mà thôi. Swooping Evil có thể trở nên khá nguy hiểm, vì đôi khi nổi hứng nó sẽ hút và ăn não người. Loài này còn có thể tiết ra một thứ nọc độc mà nếu được pha chế thành độc dược đúng cách, có thể sử dụng để xóa đi những ký ức không tốt đẹp.
Swooping Evil

10

Billywig

Billywig (Phân loại của Bộ Pháp Thuật: XXX) là một loài côn trùng có nguồn gốc từ nước Úc. Thân chúng dài khoảng nửa inch (1.27 cm), mang màu xanh sapphire rực rỡ. Cánh của Billywig được gắn trên đỉnh đầu, quay rất nhanh khiến chúng xoay tròn khi bay, thế nên loại này rất hiếm khi bị các Muggle phát hiện, các phù thủy và pháp sư cũng chỉ nhận ra khi bị chúng đốt. Ông Xenophilius Lovegood đã từng sử dụng phần cánh của Billywig trong việc chế tạo lại chiếc vòng nguyệt quế của Rowena Ravenclaw - thứ nguyên liệu mà ông miêu tả là "giúp cho trí tuệ thăng hoa". Ở phần dưới thân của chúng là một chiếc vòi mỏng và dài. Bất cứ ai bị một Billywig đốt sẽ trở nên choáng váng, rồi sau đó từ từ bay lên trên không. Đó là lý do khiến nhiều pháp sư và phù thủy trẻ tại Úc cố gắng tìm bắt những con Billywig, khiêu khích chúng để bị đốt rồi tận hưởng những tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bị đốt quá nhiều, nạn nhân có thể bay liệng không thể kiểm soát trong nhiều ngày. Đôi khi, nếu bị dị ứng nghiêm trọng với những vết đốt của Billywig, hiện tượng nổi bồng bềnh trên không vĩnh viễn có thể xảy ra. Vòi châm của loài Billywig sau khi sấy khô có thể được sử dụng trong một số độc dược và là một nguyên liệu chính để sản xuất loại kẹo Ong Xì Xèo (Fizzing Whizbees) nổi tiếng được rất nhiều pháp sư và phù thủy yêu thích.
Billywig

11

Occamy

Occamy là một loài sinh vật hai chân, có cánh, bao phủ trong lớp lông vũ với cơ thể của loài rắn. Một con Occamy trưởng thành có thể đạt chiều dài mười lăm feet (khoảng 4,6 m). Loài Occamy thường xuất hiện ở vùng Viễn Đông và Ấn Độ. Loài Occamy thường ăn chuột và các loài chim, và nếu nổi hứng, chúng có thể "cạp" cả những con khỉ. Occamy trở nên cực kỳ hiếu chiến với tất cả những kẻ tiếp cận chúng, đặc biệt là khi chúng đang bảo vệ những quả trứng của mình: những quả trứng với vỏ được làm từ thứ bạc tinh khiết và mềm mại nhất. Cái tên "Occamy" được bắt nguồn từ tên cúng cơm của nhà triết gia người Anh Occam, người đã phát minh ra nguyên tắc bất ngờ nhỏ nhất (Occam's Razor). Hoặc cái tên Occamy có thể bắt nguồn từ từ tiếng Nhật "ookami" (大神), dịch ra tiếng Việt: "đại thần". Đặc biệt loại này có thể thu nhỏ hay phóng to ra tùy thuộc vào không gian xung quanh.
Occamy

Trên đây là những sinh vật đã xuất hiện trong trailer phim "Fantastic Beasts and Where to Find Them". Để biết thêm về những loài nào sẽ xuất hiện trong bộ phim hãy đón xem vào 18/11 này nhé!. Các bạn sẽ không phải thất vọng đâu.

Danh mục: Phim
Nguồn: toplist