Việt Nam trong những năm 1939 – 1945

Pháp đầu hàng và ngày càng câu kết chặt chẽ với Nhật. Đời sống của nhân dân dưới hai tầng áp bức, bóc lột Nhật – Pháp vô cùng khổ cực, điêu đứng. Trước tình hình đó, các cuộc nổi dậy đầu tiên bùng nổ ở Bắc Sơn, Nam Kì, Đô Lương báo hiệu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ ĐÔNG DƯƠNG

-  Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu, quân đội phát xít Đức tấn công nước Pháp, Chính phủ phản động Pháp đầu hàng làm tay sai cho Đức (6-1940).

-  Ở Viễn Đông, quân đội phát xít Nhật đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc và cho quân tiến sát biên giới Việt-Trung.

-  Tháng 9-1940, Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật rồi cấu kết với Nhật để cùng áp bức bóc lột nhân dân Đông Dương.

+ Thủ đoạn gian xảo của Pháp: Thi hành chính sách “kinh tế chỉ huy”, tăng các loại thuế.

+ Thủ đoạn thâm độc của Nhật: Thu mua lương thực (chủ yếu là gạo, lúa) theo lối cưỡng bức.

-  Dưới hai tầng lớp áp bức, bóc lột của Pháp-Nhật, đời sống của các tầng lớp nhân dân, chủ yếu là nông dân bị đẩy đến tình trạng cực khổ, điêu đứng.

II. NHỮNG CUỘC NỔI DẬY ĐẦU TIÊN

1. Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940)

-  Đêm 22-9-1940, quân Nhật tiến đánh Lạng Sơn, quân Pháp thua bỏ chạy qua châu Bắc Sơn. Thừa cơ đó, nhân dân Bắc Sơn nổi dậy tước khí giới của quân Pháp để tự võ trang cho mình, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng (27-9-1940). Nhưng mấy hôm sau, Nhật thoả hiệp để Pháp quay trở lại đàn áp, tập trung dân, bắn giết nghĩa quân, đốt phá nhà cửa, cướp đoạt của cải.

-  Lực lượng vũ trang Bắc Sơn rút vào rừng, bảo toàn lực lượng, thành lập đội du kích Bắc Sơn.

2. Khởi nghĩa Nam Kì (23-11-1940)

-  Quân Xiêm (Thái Lan) với sự giúp đỡ của Nhật - lợi dụng cơ hội quân Pháp bại trận ở châu Âu và yếu thế ở Đông Dương, tiến hành khiêu khích, xung đột dọc biên giới với Lào và Cam-pu-chia. Để chống lại, thực dân Pháp bắt lính người Việt ra trận chết thay cho chúng (11-1940). Nhân dân, nhất là binh lính người Việt, rất bất bình và sôi sục khí thế đấu tranh.

-  Tình thế cấp bách nên đảng bộ Nam Kì phải quyết định khởi nghĩa tuy chưa có sự chuẩn y của Trung ương, lệnh đình chỉ khởi nghĩa của Đảng ngoài Bắc vào chậm. Trước ngày khởi sự, một số cán hộ chi huy bị bắt, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp tìm cách đối phó.

-  Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo dự kiến vào đêm 22 rạng sáng 23- 11-1940 ở hầu khắp các tỉnh Nam Kì. Nghĩa quân triệt hạ nhiều đồn bốt của giặc, phá tan nhiều chính quyền địch, thành lập chính quyền nhân dân và toà án cách mạng ở địa phương. Cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện từ trong khởi nghĩa quần chúng.

-  Thực dân Pháp tập trung lực lượng, dùng nhiều thủ đoạn đàn áp cuộc khởi nghĩa. Cách mạng bị tổn thất nặng nề, nhưng một số cán bộ và nghĩa quân rút vào rừng, chờ thời cơ để hoạt động trở tại.

*  Ý nghĩa và bài học 2 sự kiện trên:

-  Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì nổ ra vào lúc kẻ thù còn mạnh, lực lượng cách mạng chưa được tổ chức và chuẩn bị kĩ lưỡng nên trước sau đều thất bại.

-  Các sự kiện oanh liệt đó đã “gây ảnh hưởng rộng lớn trong toàn quốc”, nêu cao tinh thần anh hùng bất khuất của nhân dân ta, giáng đòn chí tử vào thực dân Pháp, cảnh báo nghiêm khắc phát xít Nhật vừa mới đặt chân vào nước ta, “đó là những tiếng súng báo hiệu của cuộc khởi nghĩa toàn quốc".

-  Các cuộc khởi nghĩa trên, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đã để lại cho Đảng Cộng sản Đông Dương những bài học bổ ích về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích, trực tiếp chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng Tám về sau.