Phong trào Cần Vương bùng nổ

Sau Hiệp ước năm 1883 và 1884, phái chủ chiến trong triều đình đã dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân để mạnh tay hành động. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công ở Đồn Mang Cá thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị) rồi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên vì vua mà kháng chiến. Phong trào Cần Vương trải qua hai giai đoạn (1885 – 1888 và 1888 – 1896) đã chấm dứt bằng sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê.
Phong trào Cần Vương bùng nổ - ảnh 1

I. PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG BÙNG NỔ

1. Cuộc phản công quân Pháp của phái chủ chiến tại kinh thành Huế và sự bùng phát phong trào Cần vương

a, Nguyên nhân

- Sau hai Hiệp ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884), Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam, thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì.

- Dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân, phái chủ chiến trong triều đình Huế mà đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động, phế bỏ những ông vua thân Pháp, đưa Hàm Nghi còn nhỏ tuổi lên ngôi, bí mật xây dựng sơn phòng, tích trữ lương thảo và vũ khí để chuẩn bị chiến đấu.

- Pháp tìm mọi cách loại trừ phái chủ chiến vì thế Tôn Thất Thuyết và lực lượng chủ chiến đã ra tay trước.

b, Diễn biến

- Đêm ngày 4 rạng ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công Pháp tại đồn Mang Cá, toà Khâm sứ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, song do chuẩn bị thiếu chu đáo, sức chiến đấu của ta nhanh chóng giảm sút.

- Sáng ngày 5/7, Pháp phản công. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi và tam cung chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị).

- Ngày 13/7/1885, Tôn Thất Thuyết mượn danh Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, nhân dân cả nước đứng lên, vì vua mà kháng chiến.

=> Chiếu Cần vương đã thổi bùng phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi, liên tục kéo dài 12 năm, đến cuối thế kỷ XIX mới chấm dứt.

Phong trào Cần Vương bùng nổ - ảnh 2

*Tính chất: phong trào Cần Vương là phong trào yêu nước chống thực dân Pháp mang ý thức hệ phong kiến, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.