Soạn bài Đời thừa

Đề bài

Soạn bài Đời thừa

Lời giải chi tiết

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Nam Cao (1915 – 1951) là một nhà văn lớn và tài năng của văn học Việt Nam. Cuộc đời ông điển hình cho cuộc đời của những trí thức tiểu tư sản những năm trước cách mạng tháng Tám.

Vật lộn với gánh nặng cơm áo để giữ mình và rồi được đến với cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sáng tác của Nam Cao chủ yếu thể hiện tấn bi kịch của con người bị tha hoá, ông chú ý đến hai đối tượng rất gần gũi với cuộc đời ông là người nông dân và người trí thức nghèo.

Đời thừa thể hiện tấn bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản, nguyên nhân của tấn bi kịch ấy là gánh nặng cơm áo. Hộ đồng thời rơi vào hai tấn bi kịch: Bi kịch của người nghệ sĩ phải đang tâm chà đạp lên nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật chân chính, bi kịch của người cha người chồng phải chà đạp lên nguyên tắc tình thương do chính mình đề ra.

Qua bi kịch của nhà văn Hộ, Nam Cao thể hiện một tư tưởng nhân văn đẹp đẽ: Tố cáo hiện thực, lên án sự tha hoá, cảm thông với những con người bất hạnh và khẳng định những những quan điểm nghệ thuật chân chính…

II. TÓM TẮT TÁC PHẨM

Hộ là một văn sĩ nghèo mang trong mình nhiều hoài bão ước mơ. Anh là người có lý tưởng sống cao đẹp. Là một nhà văn, anh đã từng ước mơ có những tác phẩm lớn, có giá trị vượt thời gian. Nhưng từ khi cứu vớt cuộc đời Từ, cưới Từ về làm vợ, anh phải lo cho cuộc sống của cả gia đình chỉ với những đồng tiền ít ỏi của nghề viết văn. Hộ đã rơi vào tình trạng khốn khổ. Tạm gác ước mơ hoài bão để nuôi gia đình, nhưng rồi nỗi lo cơm áo và những dằn vặt lương tâm của một nhà văn đã biến anh thành một người đàn ông vũ phu. Anh uống say rồi hành hạ, đánh đập vợ con, rồi lại ân hận. Hộ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát.

III. RÈN KỸ NĂNG

1. Đời thừa có nghĩa là sống vô ích, sống vô tích sự, không có ý nghĩa gì cho cuộc đời. Với cả hai tư cách người trí thức và người chồng, nhà văn Hộ đều rơi vào bi kịch “đời thừa”.

Việc tự ý thức được tình trạng sống “thừa” của những người trí thức ngèo sáng tác của Nam Cao khiến họ rơi vào tấn bi kịch tinh thần vô cùng bi đát. Nhưng chính tấn bi kịch tinh thần ấy thể hiện khao khát sống có ích, có nghĩa cho đời. Họ không muốn phải sống kiếp sống thừa, vô ích.

2. Mẫu thuẫn không thể giải quyết được, cứ trở đi trở lại giằng xé nội tâm nhân vật là những mâu thuẫn:

- Khát vọng sống có ích, có ý nghĩa, vẻ vang và trách nhiệm chăm lo cuộc sống gia đình. Mâu thuẫn này là mâu thuẫn không thể giải quyêt nên đã đẩy nhân vật vào bi kịch tinh thần. Càng cố gắng, Hộ càng chìm sâu hơn vào bi kịch. Là nhà văn có hoài bão, ước mơ, Hộ phải gác lại tất cả để kiếm tiền nuôi vợ con. Hy sinh sự nghiệp Hộ vẫn chẳng cứu được gia đình. Hộ viết những thứ văn rẻ tiền để bị dằn vặt để phải tự nguyền rủa mình nhưng vợ con anh vẫn nheo nhóc. Người đàn ông tốt bụng, cao thượng, người chồng người cha đầy trách nhiệm đã trở thành người chồng vũ phu.

- Cái hay, cái đẹp và tình thương. Họ phải viết những trang viết rẻ tiền, nhạt nhẽo để kiếm tiền nuôi vợ con. Nên anh luôn bị dằn vặt. Luôn tự mắng chửi mình.

- Lý tưởng và hiện thực. Hộ có nhiều mơ ước, có lý tưởng hoài bão đẹp nhưng thực tế cuộc sống khổ cực đã vùi dập, đè nén. Họ phải vật lộn với cuộc sống nghèo túng nên không thể thực hiện được những hoài bão cao đẹp. Họ từ dằn vặt mình khiến ngày càng chìm sâu vào bi kịch.

- Là nhà văn, Hộ trở thành kẻ vô tích sự. Hoài bão tiêu tan, phải viết một cách vô trách nhiệm. Hộ viết rồi lại tự dằn vặt mình. Hộ là điển hình cho số phận những người trí thức tiểu tư sản nghèo trước cách mạng. Họ là những con người chân chính, có hoài bão, ước mơ, có nhân cách nhưng xã hội đã đối xử tàn nhẫn với những người trí thức ấy. Xã hội đã lưu manh hoá những con người có nhân cách ấy.

3. Nỗi đau của Hộ là nỗi đau của một người trí thức không được sống cho ra sống. Với cả hai tư cách nhà văn và một người cha, một người chồng, Hộ đều không hoàn thành được trách nhiệm của mình. Anh không thể toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật cũng không thể hết mình với gia đình. Vì thế anh tự dằn vặt mình, tự trách mình là kẻ vô tích sự với cả nghệ thuật và gia đình. Anh không thể là một người nghệ sĩ chân chính sáng tạo được những tác phẩm như mong ước nhưng cũng chẳng thể là một con người sống đúng với nguyên tắc tình thương cao cả mà anh tôn thờ. Nỗi đau của Hộ là nỗi đau của con người tự nhận ra sự bất lực của mình mà không thể thoát ra được.

4. Nam Cao là nhà văn có biệt tài trong việc miêu tả tâm lý nhân vật. Trong đoạn bốn, nhà văn tập trung miêu tả tâm trạng ăn năn hối hận của Hộ khi tỉnh rượu. Trong lúc say, tinh thần bị ức chế, Hộ đã đánh đuổi vợ con. Khi tỉnh lại, Hộ lại tự dằn vặt, tự trách mình là thằng khốn nạn. Nhà văn đã miêu tả rất thành công tâm trạng này của nhân vật Hộ bằng cách kết hợp giọng kể gián tiếp với ngôn ngữ nửa trực tiếp. Độc thoại nội tâm của nhân vật lồng ghép với ngôn ngữ kể chuyện. Nhà văn hóa thân vào nhân vật để diễn tả những diễn biến tâm lý của Hộ. Hộ tỉnh rượu, cảm giác mệt mỏi, khát nước, nao nao lòng khi nhận ra sự ân cần của vợ, lờ mờ hiểu ra sự tình, hoảng sợ, nhìn dáng vẻ vất vả tội nghiệp của Từ, Hộ ăn năn và tự mắng mình. Hộ đã khóc và tự trách mình… Những sắc thái tình cảm của nhân vật đã được nhà văn thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc.

5. Thời gian trần thuật của câu chuyện kéo dài trong khoảng một ngày: Bắt đầu từ buổi sáng Hộ đọc sách rồi đi ra phố, uống say trở về đến buổi sáng hôm sau khi Hộ tỉnh rượu. Nhà văn đã sử dụng xen kẽ các đoạn hồi ức nên câu chuyện được kể kéo dài cả một quãng đời của Hộ. Điều đó đã làm nên tính hàm súc cho thiên truyện. Một truyện ngắn truyền tải được nội dung của cả một tiểu thuyết. Đây là một thành công của Nam Cao trong sáng tác truyện ngắn nhờ nhà văn biết cách kết hợp khéo léo các đoạn kể, hồi tưởng, độc thoại nội tâm.

6. Đời thừa là truyện ngắn có ý nghĩa tuyên ngôn nghệ thuật sáng tác của Nam Cao. Nhà văn đã gửi gắm quan niệm của mình về nhà văn, nghề văn, tác phẩm nghệ thuật qua nhân vật Hộ.

Nhà văn phải có hoài bão ước mơ, phải viết được những tác phẩm có giá trị, “làm mờ các tác phẩm cùng thời”… Nhà văn phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình, phải tự biết xấu hổ khi viết ra những thứ không phải là nghệ thuật.

Nghề văn là một nghề lao động sáng tạo, yêu cầu nhà văn phải lao động nghiêm túc, “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay… sáng tạo những gì chưa có”…,

Tác phẩm văn chương có giá trị là “vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình thương, tình bác ái, sự công bình,… Nó làm cho người gần người hơn.” Theo nhà văn, tác phẩm văn chương đích thực là tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc.

Với quan điểm sáng tạo nghệ thuật đúng đắn ấy, Nam Cao đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc.