Đề bài
Phân tích bài thơ Mồng hai Tết viếng cô Kí của Tú xương.
Lời giải chi tiết
Mùng hai Tết viếng cô Kí là thơ trào phúng hay thơ trữ tình? Là thơ trào phúng đích thực nhưng cũng là thơ trữ tình đích thực. Cười cợt đấy, nhưng trong giọng cười của Trần Tế Xương có cái gì đó nghèn nghẹn vì một nỗi đau đời.
Những năm Tú Xương lận đận vì chuyện khoa cử, khổ sở vì đời sống ngày một túng bấn, cũng là những năm ở cái thành phố Nam Định của ông, cũng như ở cả nước Nam này, nhiều người nổi lên làm giàu, hăng hái làm giàu, làm giàu bằng mọi giá, sẵn sàng quên hết mọi điều liêm sỉ. Ngắm nhìn thế sự, dở khóc mà cũng dở cười, Tú Xương đã có những bài thơ thật thấm thía, chẳng hạn như bài Mồng hai Tết viếng cô Kí sau đây:
Cô Kí sao mờ đã chết ngay
Ô hay trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay.
Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy.
Tú Xương viếng cô Kí bởi cô Kí vừa mới chết, lại chết vào cái lúc khá đặc biệt, ngày mồng hai Tết, ngày mà khắp cả bàn dân thiên hạ, bất kể giàu nghèo, đang vui vẻ đón xuân. Cô Kí được người ta gọi là cô bởi chồng được người ta gọi là thầy, thầy Kí. Hẳn ông này cũng có chút ít chữ nghĩa và cũng làm việc dính dáng đến chữ nghĩa, ghi chép gì đó, nên mới được gọi như thế một thư chức sắc mới được khai sinh bởi chế độ thực dân. Cả hai vợ chồng, thầy Kí và cô Kí, đều là những “nhân vật” của xã hội thành phố Nam Định ngày ấy, nghĩa là những người đang nhờ có kiểu xã hội mới do người Pháp mang lại mà giàu lên. Hai vợ chồng cùng mở một cửa hiệu chuyển cho xe kéo, thường được gọi là xe tay, một loại xe chỉ có từ sau khi người Pháp thống trị Việt Nam, do người kéo. Họ là một kiểu người “tiên phong” của tầng lớp tư sản Việt Nam làm giàu bằng sức lao động của dân nghèo. Nhưng cô Kí hay ai đó qua đời mà chẳng đáng thương, huống chi lại cùng sống trong một thành phố với nhau. Tú Xương làm thơ để viếng cô Kí có lẽ là vì vậy. Ông đã mở đầu bài thơ của mình bằng một lời thương cảm.
Cô Kí sao mà đã chết ngay?
Ý nhà thơ như muốn hỏi: Cô Kí sao mà lại chết ngay được nhỉ? Sao lại có chuyện phi lý thế nhỉ? Thông thường, khi đau đớn hay thương cảm quá, người ta vẫn hỏi như vậy. Nhưng ai làm nên cái chuyện vô lý ấy? Chỉ có trời thôi. Cho nên ông trời thật đáng trách. Và quả thật nhà thơ đã trách ông trời:
Ô hay trời chẳng nể ông Tây
Câu thơ nghe ra thật lạ. Cái lạ thứ nhất: Thế ra, đến cả ông Tây mà trời cũng chẳng nể. Lâu nay, ở cái nước Nam này, từ vua chí dân, ai mà chẳng nể người Tây, sợ ông Tây? Nhưng cái lạ thứ hai trong câu thơ mới là điều đáng chú ý: Cô Kí chết thì chuyện có quan hệ gì đến ông Tây mà trời phải nể hay không nể? Bây giờ, người đọc đã hiểu: Lời than vãn mở đầu bài thơ của Tú Xương chỉ là một câu đùa. Cô Kí chết, người đáng thương không phải là cô Kí, cũng chăng phải thầy Kí mà là ông Tây! Người chịu nỗi tang tóc thực sự vì cái chết của cô Kí không phải là chồng cô Kí hay một ai khác, mà chính là “ông Tây”. Và như thế, ông Tây mới thực sự là chồng cô Kí. Sự đời đến là trớ trêu!
Sau hai câu mở đầu đặt ra những nghịch lý khiến người ta phải băn khoăn. Tú Xương dành hai câu thực để giới thiệu về cô Kí, nhân vật chính của bài thơ này:
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày
Hai câu thơ, một câu nói về cuộc sống, một câu nói về cái chết của cô Kí, mà đều là những điều đặc biệt của cô Kí. Sống, cô Kí là gái tơ nhưng lại đi làm vợ lẽ người khác. Chết, cô Kí chết vào giữa lúc người ta mới ăn Tết được có một ngày. Như thế, cô Kí là người đáng thương thật đấy chứ! Tuy vậy, ở đây lại có chuyện đáng phải lưu ý, ấy là mấy tiếng "lấy làm hai họ". Nếu câu thơ này đứng riêng một mình, mấy tiếng ấy chỉ có nghĩa là lấy làm vợ hai người ta. Song, nếu đặt câu thơ trong thế đối chọi với câu dưới, hai họ sẽ đối với một ngày. Như thế, hai họ sẽ có nghĩa là: Hai dòng họ. Gái tơ lấy chồng mà lấy những “hai họ”, chẳng phải là lấy những hai chồng thì còn là gì nữa? Vậy ra, người phụ nữ này, cuộc sống và cái chết có đến những ba điều đặc biệt: lấy chồng làm lẽ, lấy chồng những hai họ, lại chết đúng vào ngày mồng hai Tết.
Hai câu luận là hệ quả tất yếu của hai câu thực:
Hàng phố khóc băng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
Đang mùng hai Tết, trước cửa nhà nào mà chẳng dán câu đối đỏ. "Khóc bằng câu đối đỏ” tức là chẳng khóc gì cả, nghĩa là dửng dưng như chăng có chuyện gì xảy ra, ai chết cứ chết, ai ăn Tết cứ ăn Tết! Câu thơ của Tú Xương một mặt nói lên mối quan hệ người dưng nước lã giữa cô Kí với hàng xóm láng giềng nơi cô ở, một mặt nói lên rất thấm thía một kiểu quan hệ mới giữa người với người đang hình thành trong xã hội lúc bấy giờ: cái lạnh lùng đô thị. Tuy thế, điều này vẫn chưa phải là điều tệ hại nhất. Đau nhất, đáng chương nhất cho cô Kí, chính là lòng thương của ông chồng. Vợ chết, ông chồng thật buồn, thật thương, nhưng không phải thương vợ, mà là “thương đến cái xe tay”. Điều thiệt thòi duy nhất mà cái chết của cô Kí để lại cho ông chồng là những cái xe tay từ nay sẽ không còn được làm ăn thuận lợi như trước nữa. Cái gọi là tình nghĩa vợ chồng mà thầy Kí dành cho cô Kí từ trước đến giờ chỉ là thế thôi! Chỉ là một thứ liên doanh để kiếm tiền. Đọc câu thơ của Tú Xương, lời thơ thật bình thản mà nghe lạnh cả người. Thay vào các tình nghĩa truyền thống, đang bắt đầu xuất hiện trong xã hội Việt Nam một kiểu tình nghĩa khác thường: tình vì lợi, nghĩa vì tiền.
Sau sáu câu thơ trên, có lẽ chẳng cần thêm một lời kết luận nào nữa, thế nhưng, hai câu kết của Tú Xương đã làm ta bất ngờ, vì nhà thơ lại chuyển sang một ý khác:
Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy
Hai câu thơ vẫn tiếp tục giọng trào phúng nhưng lại pha giọng trữ tình. Nhà thơ hình như ngạc nhiên. Tưởng chuyện vợ chồng cô Kí chì là chuyện đặc biệt, hóa ra lại là chuyện bình thường trong xã hội lúc này, ít nhất là đang bắt đầu trở nên bình thường. Tấm gương của cô Kí về tình nghĩa vợ chồng ấy hình như chẳng có ý nghĩa răn đe đối với ai, đối với cô gái trẻ nào cả. Các cô vẫn “đua nhau lấy các thầy”, cố kiếm cho được tấm chồng kiểu như thầy Kí. Tại sao vậy? Nhà thơ nghĩ đến điều đó mà thấy “gớm ghê”. Dùng hai tiếng này để bắt đầu câu thơ giọng thơ của Tú Xương nửa vừa thân mật, nửa vừa trách móc, khác với cái giọng cay độc thường có trong các bài thơ Tú Xương vẫn dùng để đả kích những ông Tây bà đầm và bọn quan lại tay sai thực dân. Nghĩ cho cùng thì “các cô con gái”, hay cả cô Kí nữa, dẫu có chỗ đáng trách, vẫn có chỗ đáng thương. Cô Kí đem thân làm một thứ mỹ nhân kế với ông Tây, giúp chồng kinh doanh “xe tay”, đến khi chết cũng chẳng được chồng coi ra gì. Cô Kí hay các cô gái khác ở thành phố Nam Định, hay ở cả nước Nam lúc bấy giờ, cuối cùng cũng chỉ là một thứ sản phẩm đáng thương của thời buổi nước mất nhà tan. Đã sinh ra cái xã hội có những ông Tây bà đầm, thế tất trong xã hội phải có những kiểu người như thế, những kiểu sống thực dụng, lạnh lùng như thế.
Mùng hai Tết viếng cô Kí là thơ trào phúng hay thơ trữ tình? Là thơ trào phúng đích thực nhưng cũng là thơ trữ tình đích thực. Cười cợt đấy, nhưng trong giọng cười của Trần Tế Xương có cái gì đó nghèn nghẹn vì một nỗi đau đời”. Có lẽ đây chính là điều khiến cho bài thơ này nói riêng, thơ Tú Xương nói chung, có một sức vang lớn nơi tâm hồn người đọc.