Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 11 năm 2019 - 2020 trường THPT Tân Đông

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TÂY NINH

TRƯỜNG THPT TÂN ĐÔNG

KỲ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019 - 2020

Ngày kiểm tra: 09 tháng 12 năm 2019

Môn kiểm tra: NGỮ VĂN Lớp 11 Hệ: THPT

Thời gian: 90 phút (Không tính thời gian giao đề)

.................................................................................................

(Đề kiểm tra có 01 trang. Học sinh không phải chép đề vào giấy kiểm tra)

ĐỀ CHÍNH THỨC

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN: (4,0 điểm) (ID: )

Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Thương vợ

Quanh năm buôn bán ở mom sông.

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng.

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận.

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

(Thơ văn Trần Tế Xương)

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ (0.5điểm) (nhận biết)

Câu 2: Giải thích nghĩa của các từ sau đây trong bài thơ: mom sông, eo sèo, duyên, nợ (1,0 điểm) (thông hiểu)

Câu 3: Nêu ý nghĩa của câu thơ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” (0,5 điểm) (thông hiểu)

Câu 4: Từ lời tự trách mình của ông Tú khi nhận thức được bản thân mình và sự vất vả của người vợ hiền - bà Tú, anh/chị viết đoạn văn từ 10 đến 15 dòng trình bày suy nghĩ về vai trò trách nhiệm của người chồng và người vợ trong gia đình Việt Nam hiện nay. (2,0 điểm) (vận dụng)

II. PHẦN LÀM VĂN (6,0 điểm)

Thí sinh chọn một trong hai phần, nếu chọn cả hai phần thì không được tính điểm/

PHẦN A

Câu 5A: (ID:) (vận dụng cao)

Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Ngữ văn 11 - Tập 1 - NXBGD)

PHẦN B

Câu 5B: (ID: ) (vận dụng cao)

Cảm nhận của anh/chị về số phận của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11 - Tập 1 - NXBGD)

..............................HẾT....................

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Đọc, xác định thể thơ

* Cách giải:

- Thể thơ: Thất ngôn bát cú

Câu 2:

* Phương pháp: Đọc, tìm ý

* Cách giải:

- “Mom sông”: phần đất ở bờ sông nhô ra phía lòng sông, nơi người làng chài thường hay tụ tập, mua bán

- “Eo sèo”: kì kèo, kêu ca phàn nàn một cách khó chịu

- “Duyên”: ở đây có nghĩa là quan hệ vợ chồng do trời định sẵn

- “Nợ”: ở đây có nghĩa là gánh nặng phải chịu. Người xưa cho rằng vợ chồng lấy nhau nếu tốt đẹp thì là duyên, trái lại thì là nợ.

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: Câu thơ là một tiếng chửi vừa cay đắng, vừa phẫn nộ. Tú Xương nhập thân vào bà Tú để chửi, để rủa chính cái thói đời bạc bẽo, trách cứ sự vô tích sự của mình. "Thói đời" là những nếp cư xử, hành động xấu chung mà người đời hay mắc phải. Thói đời mà Tú Xương muốn nói đến ở đây là tư tưởng trọng nam khinh nữ, là thói vô tâm của các ông chồng với vợ. Thói xấu ấy cũng đã thấm vào người ông Tú, khiến ông ăn ở bạc với vợ, sống thiếu trách nhiệm, đổ mọi gánh nặng lên đôi vai người vợ. Như vậy, ông Tú không chỉ chửi chung thói đời mà còn chửi chính bản thân mình. Đây là lời chửi mang đặc trưng riêng của Tú Xương. Nhà thơ dùng lời ăn tiếng nói của dân gian “cha mẹ” – một cách chửi có gọng điệu chanh chua nanh nọc, gay gắt, quyết liệt, lôi cả gốc rễ tông giống của vấn đề ra mà chửi. Đó chính là biểu hiện cá tính sắc sảo của Tú Xương.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Gợi ý:

- Mỗi người vợ người chồng sẽ có những trách nhiệm riêng trong gia đình

- Ông bà ta có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nghĩa là người chồng có trách nhiệm làm ra của cải, kinh tế nuôi sống gia đình còn người vợ có trách nhiệm nuôi dạy con cái, giữ lửa hạnh phúc…

- Tuy nhiên xã hội ngày nay đã có sự phát triển, người phụ nữ đã tham gia vào các công tác xã hội và làm ra kinh tế. Vì vậy người chồng ngoài việc làm ra kinh tế nên san sẻ giúp người vợ những công việc nhà như chăm sóc, nuôi dạy con hay các việc bếp núc

- Sự phát triển của xã hội làm cho vai trò của người vợ và người chồng trong gia đình luân chuyển một cách linh hoạt

- Để gia đình có được hạnh phúc, ngoài việc chia sẻ trách nhiệm, yêu thương nhau, còn cần sự cảm thông rất lớn từ vợ và chồng

- Mỗi người tự ý thức được trách nhiệm và giúp đỡ người còn lại sẽ làm cho gia đình hạnh phúc hơn….

II. LÀM VĂN

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

Câu 1:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là một nhà văn có cá tính độc đáo, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của Nguyễn Tuân là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mỹ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Sáng tác của Nguyễn Tuân thể hiện hài hòa màu sắc cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mỹ.

- Truyện ngắn Chữ người tử từ lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in lần đầu tiên năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau được lựa chọn vào tập truyện Vang và bóng một thời, 1940. Các lần tái bản sau, Vang và bóng một thời được đổi tên là Vang bóng một thờiDòng chữ cuối cùng được đổi tên là Chữ người tử tù.

Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao

a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:

* Tài gắn liền với danh:

- Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.

- Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.

* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:

- Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.

- Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi

-> Đây không phải một cái tài bình thường mà nó đạt đến độ phi thường và siêu phàm.

b. Vẻ đẹp của thiên lương:

- Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”:

+ “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.

- “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” -> khí chất, quan điểm của Huấn Cao.

- “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” -> tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.

c. Vẻ đẹp của khí phách:

* Tinh thần nghĩa hiệp:

- Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.

* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:

- Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.

- Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…

* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:

- Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.

- Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

- Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:

* Vẻ đẹp tài hoa:

- Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”

* Vẻ đẹp khí phách:

- Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.

- Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.

* Vẻ đẹp thiên lương:

- Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.

- Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

- Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.

e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:

* Nguyên mẫu: Cao Bá Quát:

- Cùng họ Cao, giữ chức coi sóc việc học ở địa phương.

- Huấn Cao là người tử tù, dám cầm đầu đội quân chống lại triều đình. Cao Bát Quát là thủ lĩnh, quân sư cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mỹ Lương – Hà Tây chống lại triều đình rồi cũng bị kết án tử hình.

- Cùng được tôn vinh vì tài năng viết chữ đẹp.

- Sự cúi đầu trước Huấn Cao của quản ngục cũng giống như câu thơ của Cao Bá Quát: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:

+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.

+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.

- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

- Quan điểm thẩm mỹ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.

- Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.

- Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt -> Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.

Tổng kết

Câu 2:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông xoay quanh hai đề tài chính là người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Dù viết về đối tượng nào, những tác phẩm của ông cũng thấm đượm tinh thần nhân đạo.

- Chí Phèo thuộc thể loại truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tác phẩm này đã đưa Nam Cao lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thức xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cảm nhận về nhân vật

a) Trước khi đi ở tù

- Người nông dân lương thiện:

+ Sinh ra tội nghiệp, không cha không mẹ, sống và làm thuê cho nhiều người.

+ Lớn lên làm canh điền cho Bá Kiến.

+ Hiền lành, từng “ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải..”

=> Con người lao động nghèo khổ đáng thương, hiền lành.

- Khi bóp chân cho bà ba: Thấy nhục chứ yêu đương gì, run run sợ hãi, uất ức chịu đựng.

=> Con người luôn ý thức được nhân phẩm, có lòng tự trọng và nhẫn nhịn trong thân phận tôi đòi, đáng thương.

b) Khi ở tù về: thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính

* Mối quan hệ giữa Bá Kiến - Chí Phèo:

- Chí là người nông dân hiền lành, lương thiện đã bị bá Kiến hãm hại đẩy vào tù, sau khi ở tù ra Chí hoàn toàn thay đổi cả về ngoại hình lẫn nhân tính.

+ Ngoại hình: “Cái đầu… gớm chết”, trên mặt thì đầy những nét lằn ngang lằn dọc (kết quả của những lần rạch mặt ăn vạ).

+ Nhân tính: Hắn vừa đi vừa chửi, về hôm trước hôm sau lại ra chợ uống rượu với thịt chó từ sáng sớm đến chiều tối, sống triền miên trong vô thức từ cơn say này đến cơn say khác, làm tay sai đắc lực cho Bá Kiến và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại => Chí đã bị vứt bên lề cuộc sống.

- Chí Phèo 3 lần đến nhà Bá Kiến, lần nào cũng mang theo hung khí (vỏ chai hoặc con dao) => Bá Kiến là nguyên nhân của sự tha hoá, nỗi đau bị từ chối quyền làm người và bi kịch của Chí.

* Mối quan hệ Thị Nở và Chí Phèo: Là quan hệ trực tiếp thể hiện phần nhân tính chìm khuất cũng như bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí.

- Sự xuất hiện của Thị Nở có một ý nghĩa khá đặc biệt trong việc thể hiện số phận, tính cách nhân vật Chí.

+ Dưới mắt người dân làng Vũ Đại, Thị Nở nghèo, xấu, dở hơi, là dòng dõi của nhà “có ma hủi”. Nhưng với Chí thì thị Nở là người “có duyên”. Bởi vì thị không chỉ là người mà còn là ước mơ hạnh phúc của Chí, thị đã giúp Chí phát hiện lại chính mình.

+ Nhưng thị cũng là nỗi đau sâu thẳm của Chí. Nghèo xấu, dở hơi… thế mà Chí vẫn không “xứng đôi” với thị => Tô đậm cái bi đát, hẩm hiu trong số phận Chí.

* Việc gặp Thị Nở như một bước ngoặc trong cuộc đời Chí. Tình yêu của Thị Nở dành cho Chí đã thức tỉnh linh hồn của Chí, kéo Chí từ thú vật trở lại làm người

- Chí có sự thay đổi về tâm lý:

+ Hắn thấy hằn già mà vẫn cô độc.

+ Đói rét, bệnh tật hắn có thể chịu được nhưng hắn sợ nhất là sự cô độc.

- Chí cảm nhận được âm vang cuộc sống chung quanh mình:

+ Tiếng chim hót trong lành buổi sáng.

+ Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ven sông.

+ Tiếng người cười nói đi chợ về.

- Chí hồi tưởng về quá khứ và hi vọng trong tương lai.

+ Có một thời hắn mơ ước có cuộc sống gia đình Chồng cày thuê… làm”.

+ Thị sẽ mở đường cho Chí trở lại cuộc sống lương thiện.

* Khi bị thị Nở dứt tình thì tâm trạng của Chí có nhiều thay đổi: Chí ngạc nhiên sau đó Chí chợt hiểu. Quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp: thức tỉnh – hi vọng – thất vọng, đau đớn – phẫn uất – tuyệt vọng.

+ Chí thức tỉnh và muốn làm người lương thiện. Chí không thể đập phá, rạch mặt ăn vạ được nữa.

+ Nhưng ai cho Chí lương thiện.

+ Kẻ thù của Chí không phải một mình Bá Kiến mà là cả xã hội đương thời thối nát và độc ác.

+ Dưới con mắt của mọi người, của xã hội ấy, Chí Phèo chỉ có thể là con quỷ dữ không thể là người. Vì thế một người tập trung tất cả cái xấu như Thị Nở đã phũ phàng cự tuyệt chí.

+ Chí vô cùng đau đớn tuyệt vọng “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí dùng dao đâm chết kẻ thù và tự sát. Chí đã chết trên ngưỡng cửa lương thiện => Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.

Tổng kết

* Đặc sắc nghệ thuật làm nên sức hấp dẫn của nhân vật:

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

+ Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật: có cả những nét riêng và nét chung.

+ Chú ý phân tích diễn biến tâm lý nhân vật tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.

- Nghệ thuật xây dựng cốt truyện: kịch tính, biến hóa.

- Nghệ thuật trần thuật: không kể theo trình tự thời gian.

* Giá trị nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

- Giá trị hiện thực:

Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo tác giả đã khái quát lên một hiện tượng ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám: một bộ phận người nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cuối cùng bị đẩy đến cái chết không lối thoát -> phơi bày hiện thực xã hội.

- Giá trị nhân đạo:

+ Phát hiện, khẳng định, ca ngợi thiên tính tốt đẹp tiềm tàng và có sức sống bền bỉ trong mỗi con người -> Kêu gọi người đọc tin tưởng vào bản chất người tốt đẹp trong mỗi con người và có trách nhiệm tìm kiếm, đánh thức tính người trong mỗi con người dù cho có lúc nó bị che khuất.