Đề bài
TRƯỜNG THPT LƯƠNG VĂN CAN ........... ĐỀ CHÍNH THỨC
| ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM 2020 - 2021 Môn Ngữ Văn 11 Thời gian làm bài 90 phút Không kể thời gian giao đề |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi:
Kì thực thời gian nhàn rỗi là cực kỳ quý báu. Đó là thời gian để mỗi người sống cuộc sống riêng của mình. Đó là thời gian để đọc sách báo, tự học, xem ti vi, chơi thể thao, đàn hát, nhảy múa, vẽ tranh, làm thơ, đi mua sắm, giao lưu với bạn bè, thăm viếng những người ruột thịt,... Thời gian nhàn rỗi làm cho người ta giàu có hơn về trí tuệ, tăng cường thêm về sức khỏe, phát triển thêm về năng khiếu, cá tính, phong phú thêm về tinh thần, quan hệ. Thiếu thời gian nhàn rỗi, đời sống con người sẽ nghèo nàn, thậm chí là không có cuộc sống riêng nữa!
Đánh giá đời sống của mỗi người cao hay thấp hãy nhìn vào thời gian nhàn rỗi của họ. Có người làm việc "đầu tắt mặt tối" không có lấy chút nhàn rỗi. Có người phung phí thời gian ấy vào các cuộc nhậu nhẹt triền miên. Có người biết dùng thời gian ấy để phát triển chính mình. Phải làm sao để mỗi người có thời gian nhàn rỗi và biết sử dụng hữu ích thời gian ấy là một vấn đề lớn của xã hội có văn hóa.
(Theo Hữu Thọ, Ngữ Văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr. 94)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
2. Theo tác giả, nếu thiếu thời gian nhàn rỗi thì đời sống của con người sẽ như thế nào?
3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu sau: “Thời gian nhàn rỗi làm cho con người ta giàu có hơn về trí tuệ, tăng cường thêm về sức khỏe, phát triển thêm về năng khiếu, cá tính, phong phú thêm về tinh thần, quan hệ.”
4. Anh/ chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng: “Đánh giá đời sống của mỗi người cao hay thấp hãy nhìn vào thời gian nhàn rỗi của họ? Lý giải vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1: (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng lãng phí thời gian nhàn rỗi của thanh niên Việt Nam hiện nay.
Câu 2: (5 điểm)
Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
..................................Hết................................
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
I. ĐỌC HIỂU | Câu 1: * Phương pháp: căn cứ vào các phương thức biểu đạt * Cách giải: - Các phương thức biểu đạt: nghị luận, biểu cảm Câu 2: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: Theo tác giả thì “Thiếu thời gian nhàn rỗi, đời sống của con người sẽ nghèo nàn, thậm chí là không có cuộc sống riêng nữa!” Câu 3: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: - Biện pháp nghệ thuật: liệt kê - Tác dụng: Làm cho câu văn rõ ràng, chi tiết; nhấn mạnh về những giá trị quý báu mà thời gian nhàn rỗi mang lại cho cuộc sống con người. Câu 4: * Phương pháp: Phân tích, tổng hợp * Cách giải: - Học sinh tự do thể hiện quan điểm, miễn là lý giải hợp lý, thuyết phục |
II. LÀM VĂN
| Câu 1: - Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận Cách giải: * Yêu cầu về kĩ năng: - Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. * Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau: - Khẳng định vai trò to lớn của thời gian: thời gian là vàng, thời gian đi qua không bao giờ trở lại. - Thời gian nhàn rỗi: là khoảng thời gian rảnh rỗi, khoảng thời gian không dành cho học tập và công việc. - Thực trạng lãng phí thời gian nhàn rỗi của giới trẻ Việt Nam hiện nay: chơi game, lướt facebook sống ảo, đua xe,… - Nguyên nhân – hậu quả: Không có lý tưởng, mục đích sống, muốn chứng tỏ bản thân, từ đó làm lãng phí thời gian của tuổi trẻ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tương lai sau này. - Bài học - giải pháp: + Là một học sinh cần ý thức được giá trị quý báu của thời gian, đặc biệt là thời gian nhàn rỗi. + Biết cách lên kế hoạch, sắp xếp thời gian nhàn rỗi hiệu quả nhất… + Sống hết mình từng giây từng phút, tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi làm những việc có ích để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Câu 2: * Phương pháp: - Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). - Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học. * Cách giải: Yêu cầu hình thức: - Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Yêu cầu nội dung: - Vị trí: Nằm ở cuối tác phẩm - Vai trò: + Khi tình huống truyện được nâng lên đỉnh điểm, giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn của bạn đọc. + Xây dựng một kết thúc bất ngờ cho truyện, tạo dấu ấn, dư âm trong cảm nhận của người đọc. * Phân tích “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có” - Thời gian: + Đêm tối, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ trên vọng canh” + Đêm cuối của người tử tù: => Trong thời khắc cuối cùng của đời người, người tử tù vẫn ung dung viết “dòng chữ cuối cùng” nên có thể coi dòng chữ là tâm huyết cuối đời của người nghệ sĩ. Đó là dòng chữ quý giá nhất đối với Huấn Cao và viên quản ngục. - Không gian: “Một căn buồng tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” - Con người: + Huấn Cao: “Cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. + Viên quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” + Thầy thơ lại “run run bưng chậu mực” => Hành động của các nhân vật đã tạo nên một không khí trang nghiêm rất phù hợp với cảnh cho chữ. - Có sự hoán đổi vị thế: + Đáng lẽ người tử tù phải run sợ, đau khổ đến tột độ, đáng lẽ viên coi ngục phải hô hào, đánh đập… nhưng tất cả không hề diễn ra mà nhường chỗ cho một không khí trang trọng với ánh sáng của đuốc, của lụa trắng, mùi thơm của mực và “ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa bạch” + Vị thế cao nhất lại là người tử tù chứ không phải người quản ngục; chiếm ưu thế là ánh sáng của cái đẹp, cái thiên lương, chứ không phải là bóng tối xấu xa, dơ bẩn,... * Ý nghĩa: - Cảnh cho chữ nhưng thực chất là đang truyền bá lý tưởng, khuyến thiện con người. - Cảnh cho chữ là lời khẳng định rõ ràng nhất cho sự bất tử của cái đẹp và quan niệm cái thiện, nhân cách cao cả có thể chiến thắng những thế lực xấu xa, dơ bẩn. * Nghệ thuật xây dựng cảnh cho chữ: - Thủ pháp tương phản độc đáo, tài tình mang ý nghĩa biểu trưng cao. - Nghệ thuật khắc họa nhân vật qua hành động, cử chỉ, lời nói đặc sắc góp phần bộc lộ bản chất nhân vật. - Ngôn ngữ tả và kể trang trọng, cổ kính, giàu giá trị gợi hình, gợi cảm. |