Đề bài
Cho bảng số liệu:
Bảng38.1. Diện tích gieo trồng cây công nghiệp lâu năm, năm 2005
(Đơn vị: nghìn ha)
Loại cây | Cả nước | Trung du và miền núi Bắc Bộ | Tây Nguyên |
Cây công nghiệp lâu năm | 1633,6 | 91,0 | 634,3 |
Cà phê | 497,4 | 3,3 | 445,4 |
Chè | 122,5 | 80,0 | 27,0 |
Cao su | 482,7 | - | 109,4 |
Các cây khác | 531,0 | 7,7 | 52,5 |
a) Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên năm 2005.
b) Dựa vào kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích về những sự giống nhau và khác nhau trong sản xuất cây công nghiệp lâu năm giữa hai vùng này?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Sử dụng:
+ Kĩ năng tính toán xử lí số liệu.
+ Kĩ năng vẽ biểu đồ tròn.
+ Kĩ năng nhận xét biểu đồ .
Lời giải chi tiết
a) Vẽ biểu đồ
- Bước 1: Tính toán, xử lí số liệu.
- Bước 2: Tính bán kính hình tròn (R).
+ Gọi bán kính hình tròn là R.
+ Đặt bán kính năm đầu tiên (R1) = 1 đơn vị bán kính.
- Bước 3: Vẽ biểu đồ.
Biểu đồ quy mô và cơ cấu diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên năm 2005
b) Nhận xét
Giống nhau:
- Về quy mô: là hai vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước (cả về diện tích và sản lượng), đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm.
- Trong cơ cấu cây CN lâu năm đều có cà phê, chè.
⟹ Giải thích:
- Cả hai vùng đều có diện tích đất canh tác cây công nghiệp lâu năm rộng lớn, thuận lợi (đất feralit vùng đồi trung du và đất badan trên bề mặt cao nguyên rộng lớn).
- Khí hậu phù hợp, nguồn nước dồi dào.
- Cây chè thích hợp với khí hậu ôn đới ở vùng đồi phía Bắc và các cao nguyên badan ở Tây Nguyên.
- Người dân có kinh nghiệm trong trồng, sản xuất cây công nghiệp lâu năm, chính sách của nhà nước, thị trường rộng lớn…
Khác nhau:
Trung du miền núi Bắc Bộ | Tây Nguyên |
- Vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ 3 cả nước. - Diện tích cây lâu năm chỉ chiếm 5,6% cả nước. - Cơ cấu cây trồng chuyên môn hóa kém đa dạng hơn: chủ yếu gồm chè (>87,9% diện tích); ngoài ra có cây cà phê, cây dược liệu, hồi quế… | - Vùng chuyên canh lớn thứ 2 cả nước. - Diện tích cây lâu năm chiếm hơn 1/3 cả nước (38,8%). - Cơ cấu cây trồng chuyên môn hóa đa dạng: cà phê, cao su, chè. Trong đó: cà phê quan trọng nhất (70,2% diện tích), tiếp đến là cao su (17%). |
⟹ Giải thích:
Do cả hai vùng có sự khác nhau về điều kiện sản xuất (tự nhiên và kinh tế xã hội):
* Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:
- Tự nhiên :
+ Vùng có địa hình đồi trung du kết hợp đất feralit màu mỡ, nguồn nước dồi dào và khí hậu phân hóa đa dạng, có một mùa đông lạnh.
⟹ Thuận lợi cho phát triển cây lâu năm, khí hậu có một mùa đông lạnh thích hợp để phát triển cây trồng nguồn gốc cận nhiệt (tiêu biểu là cây chè).
+ Tuy nhiên diện tích đất canh tác ít hơn so với Tây Nguyên.
- Kinh tế - xã hội :
+ Là nơi cư trú của dân tộc ít người, có kinh nghiệm canh tác sản xuất (đặc biệt là cây chè).
+ Cơ sở vật chất hạ tầng còn khó khăn, cơ sở chế biến đang được phát triển nhưng vẫn còn hạn chế.
* Vùng Tây Nguyên:
- Tự nhiên:
+ Vùng hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi và tập trung với quy mô lớn: có các cao nguyên xếp tầng rộng lớn, đất đỏ badan, khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nguồn nhiệt dồi dào…
⟹ Điều kiện cần để hình thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn và tập trung.
+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, nóng quanh năm phù hợp với điều kiện sinh thái của cà phê và cao su.
- Kinh tế - xã hội :
+ Dân cư chủ yếu là dân nhập cư, cần cù chịu khó, có kinh nghiệm trong canh tác cây công nghiệp lâu năm (cây cà phê).
+ Chính sách phát triển của nhà nước (hỗ trợ vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi).
+ Các cơ sở chế biến tại chỗ được đầu tư ngày càng nhiều, góp phần bảo quản, nâng cao chất lượng nông sản ⟹ thúc đẩy sản xuất phát triển.