Có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”. Suy nghĩ của anh (chị) về hai ý kiến trên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”. Suy nghĩ của anh (chị) về hai ý kiến trên

Dàn ý

A. MỞ BÀI

- "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa" (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một "huyền sử" - huyền sử của một người ưu lối chơi "độc tấu".

- "Người lái đò sông Đà" được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc nhất trong “ Tùy bút sông Đà”. Với khát khao truy tìm "chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc" - "thứ vàng mười đã được thử lửa" (Đi mở đường), Nguyễn Tuân đã viết lên bài ca cuộc sống của con người và thiên nhiên Tây Bắc với nhiều nét độc sáng mới lạ.

B. THÂN BÀI

1. GIẢI THÍCH Ý KIẾN

- Người nghệ sĩ tài hoa là những người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù. Ở ý kiến trên, người nghệ sĩ tài hoa được hiểu là người đạt tới trình độ điêu luyện trong nghề nghiệp và có đời sống tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.

- Người lao động bình thường là người lao động thầm lặng, vô danh, không tên tuổi giống như bao người lao động khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

=> Khẳng định 2 ý kiến trên bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện chân dung, tính cách người lái đò sông Đà.

2. CHỨNG MINH- BÌNH LUẬN Ý KIẾN

* Ông lái đò - một nghệ sĩ tài hoa

- Ông lái đò có tính cách phóng khoáng, thích đối mặt với thử thách, mạo hiểm, gian nguy.

- Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.

- Cuộc băng ghềnh vượt thác ngoạn mục đã khẳng định vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một "tay lái ra hoa”:

+ Vòng vây thứ nhất, sông Đà bày ra nhiều cạm bẫy. Ông lái đò bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, ông đã tỉnh táo chỉ huy sáu bơi chèo, chiến thắng trùng vi thạch trận đầy nguy hiểm.

+ Vòng vây thứ hai, sông Đà thay đổi chiến thuật. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, xác định đúng cửa sinh và chiến thắng thằng đá tướng đứng chiến ở cửa giữa.

+ Vòng vây thứ ba, sông Đà tiếp tục thay đổi chiến thuật, bên phải bên trái đều là cửa tử. Ông lái đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác.

* Ông cũng là một người lao động bình thường:

- Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà và gắn bó với nghề sông nước như bao người lái đò khác nơi thượng nguồn sông Đà khuất nẻo.

- Đời sống tâm hồn giản dị: không nói nhiều về chiến công; dù đi đâu cũng luôn nhớ về nương ruộng, bản mường.

* Nghệ thuật thể hiện:

- Ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa; kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo.

- Bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

C. KẾT BÀI:

- Qua cảm nhận hình tượng ông lái đò, có thể thấy, ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên sông nước; đồng thời, cũng là một người lao động giản dị bình thường.

- Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau đem đến một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về nhân vật.

Bài mẫu

Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập “Sông Đà” xuất bản năm 1960. Thành công của tùy bút không chỉ ở việc Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng con sông Đà với hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau: “Hung bạo và trữ tình” mà còn ở việc xây dựng hình tượng ông lái đò trí dũng, tài hoa, cái mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng mười của tâm hồn. Chính vì vậy đã có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Nhưng vẻ đẹp của ông lái đò cũng là vẻ đẹp chung cho người lao động thời đại Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó đã có ý kiến nhấn mạnh: “ Ông lái đò là một người lao động bình thường”.

Cả hai nhận định trên đều đúng, thoạt nhìn chúng có vẻ đẹp đối lập nhau, nhưng không, chúng bổ sung cho nhau, chúng là hai mặt thống nhất của một tờ giấy. Ở ông lái đò là hiện thân của người nghệ sĩ tài hoa trong con người lao động bình thường hằng ngày.

Trước hết, ông lái đò được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả làm nghề chở đò dọc suốt sông Đà đã mười năm liền và thôi làm đò cũng đôi chục năm nay. Ngoài ra, Nguyễn Tuân cũng miêu tả ngoại hình của ông lái đò mang đặc trưng của người lao động trên sông nước: “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước vỗ mặt ghềnh sông. Nhỡn giới ông vời vợi như lúc nào cũng mong một cái bến xa xôi nào đó trong sương mù”. Từ đây có thể thấy hình tượng ông lái đò mang tính khái quát của người lao động mới, người lao động thời đại Hồ Chí Minh.

Nhưng ông lái đò không chỉ là người lao động bình thường, ở ông còn hiện lên là một con người trí dũng, tài hoa, ông là người nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Và để làm nổi bật tài năng của người lái đò , Nguyễn Tuân đã tạo ra ba chặng vượt thác đầy thử thách, đó là cuộc chiến không khoan nhượng giữa người và nước. Nói một cách khác đi, nhà văn đã đặt con người trong môi trường chiến trận để từ đó phẩm chất của người lái đò được bộc lộ.

Trong chặng vượt thác lần thứ nhất, Sông Đà hiện lên như kẻ thù số một của con người. Cuộc chiến giữa hai bên không hề cân sức. Đá mang tính cách của loài thủy chiến, biết bày binh bố trận như “binh pháp tôn tử” để vây hãm con thuyền. Chúng mở ra năm cửa trong đó có bốn cửa tử và một cửa sinh. Cửa sinh lại nằm lập lờ ở phía tả ngạn sông. Đâu chỉ có vậy, sông Đà chia làm ba tuyến (tiền, trung, hậu). Các tuyến hỗ trợ nhau. Khi thì chúng dụ, khi thì chúng lừa. Khi thạch trận bày xong, đá phối hợp với thác nước hò la vang dậy làm thạch viện cho đá. Những hòn đá thì oai phong lẫm liệt chúng tiến, chúng lùi, chúng thách thức. Nước thì như thể quân liều mạng ùa vào mà đá trái, thúc gối vào bụng, vào hông thuyền đòi túm thắt lưng ông đò để lật ngửa bụng thuyền. Sóng thác đánh miếng đòn hiểm độc nhất “cả cái luồng nước và sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Trong khi thế lực của Đà giang như vậy, mà ông lái đò tuổi đã bảy mươi “cái tuổi xưa nay hiếm”, trong tay chỉ có một chiếc sào làm vũ khí, con thuyền của ông thì quá nhỏ bé trước muôn trùng sóng nước. Cuộc chiến đó đã có lúc ông lái đò rơi vào tình thế bị động, bị sóng nước đánh cho “mặt méo bệnh” có nghĩa là nó làm cho biến dạng không chỉ ở khuôn mặt mà còn gây đau đớn cho ông lái đò cả về thần thái. Nhưng trước tình thế nguy cấp ấy, ông lái đò đã thể hiện sự tài hoa, trí dũng và kinh nghiệm chèo đò của mình. Ông cố nén cơn đau chống đỡ ngón đòn hiểm độc nhất của dòng sông và kiên cường dũng cảm vượt qua hỗn chiến, đưa ra tiếng chỉ huy tỉnh táo để phá xong trùng vi thạch trận thứ nhất. Đến đây người đọc cảm thấy kiêu hãnh, tự hào về sự tài hoa, uyên bác, anh dũng của người lái đò.

Và để tô đậm hơn tài năng chèo đò của ông, Nguyễn Tuân đã tiếp tục dựng lên chặng vượt thác thứ hai. Lúc này con sông Đà hiện lên ranh mãnh, xảo quyệt và nham hiểm hơn cả chặng vượt thác lần thứ nhất. Ở khúc sông ngày nó “tăng thêm nhiều cửa tử” và để đánh lừa con thuyền, nó đã “bố trí cửa sinh lệch qua bờ hữu ngạn”, “dòng thác như hùm như beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà, bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Rõ ràng lúc này dòng thác hiện lên như một con thú đang đòi nuốt chết con thuyền và ông lái đò. Trong hoàn cảnh nguy cấp như vậy, chỉ cần một chút sơ sảy, ông lái đò phải trả giá bằng cả sinh mệnh của mình, song ở trùng vi thạch trận thứ hai, ông đã từ thế thủ của chặng thứ nhất chuyển sang thế công. Không một chút nghỉ mắt nghỉ tay, khi thì ông “nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, lúc thì ông tránh bọn thủy quân cửa ải nước mà “rảo bơi chèo lên”, “đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”, “cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ”, con thuyền của ông lao qua các cửa tử phóng đúng vào cửa sinh. Những động từ mạnh được Nguyễn Tuân sử dụng như “ghì cương, phóng nhanh, lái miết, đè sấn, chặt đòi” đã miêu tả hành động dứt khoát đầy tài hoa và trí dũng của ông lái đò. Đặc biệt ông đã khiến cho kẻ địch là thằng đá tướng phải “tiu nghỉu” cái mặt vì để thua ông lái đò. Điều đó lại càng tô đậm tài năng chèo đò ở người lái đò sông Đà. Ông như một dũng tướng, bình tĩnh xử lí tình huống nguy hiểm một cách gan dạ và mưu trí quyết liệt. Ông luôn tỉnh táo không hề nao núng, sáng suốt ứng phó kịp thời thay đổi chiến thuật phù hợp để chế ngự dòng thác man dại, độc địa, xảo trá một cách ngoạn mục.

Đến cuộc giao tranh lần thứ ba, ông lái đò đã chuyển sang thế thắng dù cho thác nước sông Đà trở nên điên cuồng, man dại, dữ dội hơn gấp nhiều lần, “chúng mở ra ít cửa hơn, bên phải, bên trái đều là luồng chết cả, cái luồng sống ở ngay bọn đá hậu vệ” nên sự sống của ông lái đò hết sức mong manh. Nhưng chính trong ranh giới của sự sống và cái chết, người đọc lại càng cảm nhận được tài nghệ chèo đò, vượt thác của ông lái thật tuyệt. Ông cứ phóng thẳng, chọc thủng vút qua cổng đá để rồi chiến thắng vinh quang “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác”. Ngôn ngữ miêu tả của Nguyễn Tuân nhanh, gọn mà nhẹ nhàng ta cảm nhận như ông lái đò đang lướt trên phiến băng nghệ thuật và ông chính là người nghệ sĩ trên phiến băng đó. Điều này khiến người đọc cảm phục bởi ông là người lao động bình thường, giản dị nhưng rất đỗi phi thường.

Nhưng người nghệ sĩ tài hoa đó không chỉ được thể hiện qua ba chặng vượt thác mà nó còn là vẻ đẹp ở tâm hồn. Sau khi vượt trùng vi thạch trận Đà giang lập bao chiến công kì tích mà người anh hùng ấy chẳng bàn tán một lời nào mà chỉ toàn nói về cá dầm xanh, cá anh vũ, trở lại cuộc sống bình thường. Đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn người nghệ sĩ lớn, là phẩm chất anh hùng, là người lập lên chiến công phi thường nhưng lại cảm thấy đó là những gì rất đỗi bình thường, Và đó cũng chính là sự tài hoa, uyên bác ở những con người lao động bình thường trong thời đại Hồ Chí Minh. Những người anh hùng đó không phải tìm kiếm ở đâu xa xôi mà nó có ngay trong cuộc mưu sinh hằng ngày của người lao động vất vả, vật lộn với thiên nhiên. Ở họ, luôn ánh lên “chất vàng mười đã qua thử lửa”, đầy tài hoa, trí dũng, uyên bác một cách giản dị đời thường.

Nói tóm lại, ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” hội tụ cả với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa và một người lao động bình thường trong thời đại mới. Nguyễn Tuân đã cho thấy một chủ nghĩa anh hùng mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đó là chất nghệ sĩ tài hoa trong những con người lao động giản dị bình thường. Qua đây ta cũng thấy được tài năng uyên bác của Nguyên Tuân, của một tài năng suốt đời đi tìm cái đẹp, đi tìm chất vàng mười đã qua thử lửa.

Nguồn: Sưu tầm