Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết “dòng nước mắt” trong hai đoạn trích của Vợ nhặt và Chiêc thuyền ngoài xa.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết “dòng nước mắt” trong hai đoạn trích sau:

“…Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt…”

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)

“Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt…”

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

Dàn ý


Lời giải chi tiết:

Dàn ý

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

- Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, “một nhà văn viết ít nhưng ngày càng được khâm phục nhiều”. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập “Con chó xấu xí” (1962)

- Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam sau 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm xuất sắc của ông ở giai đoạn này.

2. Làm rõ nội dung hai đoạn trích:

a. Đoạn 1:

Miêu tả tâm trạng tủi buồn, xót xa của cụ Tứ trước tình huống oái oăm khi anh Tràng bỗng dưng nhặt vợ. Phần vì tủi cho mình đã không thể cưới vợ cho con ; phần vì thương và lo lắng cho con trai có vợ đang lúc cái đói bao trùm cuộc sống, cái chết đe dọa từng con người, từng gia đình. Những dòng nước mắt hiếm hoi, rỉ ra từ kẽ mắt kèm nhèm của người mẹ già đã thể hiện xúc động tâm trạng ấy.

b. Đoạn 2:

Miêu tả tâm trạng đau, tủi hổ của người đàn bà hàng chài trước cảnh Phác lao vào đánh bố để bênh mẹ thoát khỏi bạo hành. Tấn bi kịch gia đình bấy lâu nay bà cố tình che giấu giờ đã bị phơi bày. Trước những trận đòn của chồng, người đàn bà không hề khóc lóc, thở than, giờ lại rỏ xuống những dòng nước mắt, bà mẹ đau đớn và bất lực trước sự tổn thương trong tâm hồn đứa con.

3. Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt:

a. Điểm tương đồng:

- Đều là dòng nước mắt của những người mẹ trong hoàn cảnh nghèo đói, khốn khổ; dòng nước mắt là biểu tượng cho tấm lòng cao quý của người mẹ: tình thương, đức hi sinh và lòng vị tha dành cho con cái.

- Thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm, sự đồng cảm của nhà văn với những đau khổ của con người, đặc biệt là những đau khổ của người phụ nữ.

- Được thể hiện qua bút pháp miêu tả tâm lí tinh tế, tài tình.

b. Điểm khác biệt:

- Dòng nước mắt của cụ Tứ: “rỉ xuống hai dòng nước mắt” gắn với tình huống anh Tràng “nhặt” được vợ; tâm trạng người mẹ vừa thể hiện sự ai oán, xót thương cho con trai và con dâu trong nghịch cảnh éo le, vừa là sự tủi phận cho mình đã không thể “dựng vợ gả chồng” cho con như “người ta”.

- Dòng nước mắt của người đàn bà hàng chài: “rỏ xuống những dòng nước mắt” trong hoàn cảnh đầy bi kịch, tâm trạng ê chề khi điều cố giấu đã bị phơi bày; đau đớn khi thấy thằng Phác đánh bố để bênh vực mẹ và bà nhận ra nó cũng hung hăng không kém gì cha nó; ân hận vì không tròn trách nhiệm của người làm cha mẹ, gián tiếp đã gây sự tổn thương trong tâm hồn đứa con.

" Cách miêu tả phù hợp với tuổi tác, sự từng trải, hoàn cảnh, tâm trạng của mỗi nhân vật.

c. Lí giải:

- Sự giống nhau xuất phát từ tấm lòng của những nhà văn luôn nặng lòng với số phận con người, đặc biệt là những con người có số phận bất hạnh, trân trọng, yêu thương và cảm thông.

- Sự khác biệt xuất phát từ phong cách riêng của mỗi tác giả, cũng như những đặc điểm riêng của từng giai đoạn văn học

Bài mẫu

Lời giải chi tiết:

Truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu đều là những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả. Trong hai truyện ngắn này cùng có sự xuất hiện của chi tiết "dòng nước mắt", ở mỗi tác phẩm chi tiết này đều mang giá trị ý nghĩa sâu sắc tuy nhiên lại mang đến cho người đọc những cảm nhận rất khác nhau.

Trước hết, ta cùng cảm nhận về dòng nước mắt trong truyện ngắn "Vợ nhặt". Tình huống xuất hiện dòng nước mắt đó là khi anh Tràng bỗng dưng nhặt được vợ. Trong hoàn cảnh cái đói khổ bao trùm, bà cụ Tứ vừa xót xa, vừa buồn tủi lại đầy lo lắng khi không thể cưới vợ cho con lại bị cái đói khổ đe dọa, từ kẽ mắt của người mẹ già đã chảy ra những dòng nước mắt. Đó chính là biểu hiện của tình yêu thương con ở bà cụ Tứ, người mẹ già đã bao năm khổ cực, mồ hôi nước mắt cũng đã cạn dần suốt bao năm tháng khốn khổ đói nghèo. Nước mắt bà rơi một phần vì mừng cho con có vợ, nhưng một phần vì cay đắng, buồn tủi khi con lấy vợ giữa những ngày đói "người ta dựng vợ gả chồng cho con trong lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...". Bà khóc vì thương con, trách mình không thể cưới vợ cho con đàng hoàng, đó là tình mẫu tử cao cả và thiêng liêng, sự hy sinh trọn vẹn khiến người đọc cũng cảm thấy thắt lòng. Dòng nước mắt của bà vừa phơi bày hiện thực xã hội trong nạn đói 1945, vừa thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả, ca ngợi tình yêu thương cao cả của người mẹ.

Trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa", dòng nước mắt của người đàn bà rơi khi người con lao vào đánh bố để bênh mẹ. Dù bị chồng đánh đập liên tiếp "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" nhưng bà không hề khóc, bà khóc khi bi kịch gia đình bà che giấu bao lâu đã bị phơi bày. Dòng nước mắt của bà là sự thương xót, bất lực trước sự tổn thương trong tâm hồn của người con, "như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà". Đó chính là nỗi đau mà bạo lực gia đình mang tới, người con lại mất đi nhân cách, đi ngược lại đạo lý làm con. Đó cũng là biểu hiện của tình mẫu tử, tình mẹ thương con, sự thức tỉnh sau những nỗi đau. Trong tác phẩm này, dòng nước mắt đã phơi bày hiện thực bạo lực gia đình trong xã hội sau chiến tranh, đồng thời cũng mang đến cho người đọc sự cảm thương sâu sắc, khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng.

Dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng của chi tiết dòng nước mắt trong cả hai tác phẩm chính là dòng nước mắt của những người mẹ thương con, hết lòng vì con, những người phụ nữ cả một đời lam lũ khổ sở. Đây cũng đều là những dòng nước mắt mang nặng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh khác nhau nên ý nghĩa cũng khác nhau, dòng nước mắt của bà cụ Tứ vừa mừng vừa thương vừa buồn tủi nhưng bà còn có một tương lai đang loé lên tia sáng của hạnh phúc. Còn dòng nước mắt của người đàn bà hàng chài chứa chan sự đau đớn, tủi nhục và bất lực, sau những dòng nước mắt ấy là bầu trời cuộc đời đen tối, u ám. Và để khắc họa thành công chi tiết nghệ thuật dòng nước mắt của hai người phụ nữ trong hai hoàn cảnh khác nhau, mỗi nhà văn lại lựa chọn cho mình bút pháp nghệ thuật khác nhau: Nếu như nhà văn Kim Lân sử dụng cách diễn đạt trực tiếp, đơn giản thông qua con mắt nhìn của một người nông dân đồng cảm với nỗi đau của con người, thì tác giả Nguyễn Minh Châu lại dùng cách ví von, hình ảnh để diễn tả nỗi đau cũng như vẻ đẹp, giá trị những giọt nước mắt của người mẹ thông qua con mắt của người nghệ sĩ Phùng. Đó cũng là nét dấu ấn riêng biệt, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn.

Có thể thấy, chỉ với chi tiết dòng nước mắt nhưng vào trong từng bối cảnh xã hội, dưới ngòi bút của mỗi tác giả lại mang những giá trị ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên giá trị sâu sắc nhất mà người đọc cảm nhận được chính là tình mẫu tử thiêng liêng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nguồn: sưu tầm