Viết một bài văn về nhân vật Kya trong truyện "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát"
1 câu trả lời
Tiểu thuyết "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" (Trương Hoàng Uyên Phương dịch) của Owens, ngay từ lúc ra đời đã trở thành hiện tượng xuất bản ở Mỹ.
Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay này, Delia Owens đã kết hợp kinh nghiệm của người già và sự nhiệt thành tuổi trẻ vào một tác phẩm được dệt khéo léo, kể chuyện đời của cô bé Catherine Danielle Clark (biệt danh "Kya") gắn mình với "đồng lầy" (ngay từ đầu, dịch giả đã lưu ý 2 khái niệm "đồng lầy" - marsh và "đầm lầy" - swamp trong tiếng Anh để độc giả phân định rõ).
Bìa tiểu thuyết “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”
Trong đồng lầy đó, cô bé sống một tuổi thơ bất hạnh, một gia đình tan vỡ, mẹ bỏ đi, để lại những anh chị em của Kya sống cùng người cha nghiện rượu và bạo hành.
Có thể nói, hành trình trưởng thành của Kya là những cuộc chia lìa của người thân, hết mẹ rồi lần lượt là anh chị ruột ra đi: Missy, Murph, Mandy và cuối cùng là Jodie. Kya trở thành đứa trẻ đồng lầy duy nhất, sau này trở thành "cô gái đồng lầy" như cách người dân sống trong thị trấn Vũng Barkley gọi cô.
Kya trở thành một phần của đồng lầy, hòa mình cùng các sinh vật, cỏ cây của đồng lầy. Tác giả Delia Owens đã xây dựng một Tarzan hay Mowgli phiên bản nữ của thời hiện đại, sinh trưởng hoang dại giữa thiên nhiên, cộng sinh với chúng, nương nhờ vào chúng. Không ai biết rõ về đồng lầy hơn Kya, không ai yêu đồng lầy hơn Kya và có lẽ cũng không sinh vật nào ngoài đồng lầy thấu hiểu Kya.
Đồng lầy trong chuyện như một đại diện cho thứ minh triết thiên nhiên cổ sơ, diệu kỳ, bí ẩn trong chính sự bình thường của nó. Nằm ở Bắc Carolina, đồng lầy ở đây có thể coi là nguồn cảm hứng lớn để nhà văn Owens viết nên câu chuyện của mình.
Tiểu thuyết "Xa ngoài kia nơi loài tôm hát" được hợp thành bởi những mảnh ghép đan xen nhau trải dài trong 20 năm, được kể bằng một văn phong chậm rãi và chắc chắn. Song hành cùng quá trình từ cô bé trở thành thiếu nữ của Kya là một vụ án khuấy đảo không gian yên bình của những cư dân một thị trấn tỉnh lẻ.
Không biết chữ, xa lạ với những chuẩn mực, phép tắc của xã hội hiện đại, Kya học từ đồng lầy, để những con nước, ngọn triều và các sinh vật đồng lầy dạy mình sống. Sự hiểu biết về đồng lầy của Kya đến một ngày đã giúp cô trong tương lai trở thành nhà sinh vật học.
Như những mô-típ thường xuất hiện trong văn chương, ngày nọ có một chàng trai từ thị trấn vào đồng lầy, dạy cô đọc và về tình yêu. Tình yêu tước đi sự ngây thơ của "cô gái đồng lầy" để rồi sau đó là đau đớn, chờ đợi, bội phản và đỉnh điểm là một vụ án mạng.
Bản thân tác giả cũng có nét tương đồng với Kya về tuổi tác và có lẽ điều này lý giải phần nào giọng nói chân thực của Delia Owens dùng để khắc họa những thay đổi tế vi trong tâm lý nhân vật chính. Bằng thứ văn chương trữ tình, nhà văn đã tái dựng lên một thế giới thiên nhiên phong phú, với những con người dù tốt hay xấu đều gần như tồn tại cô lẻ trong thế giới này.
Đồng lầy như một địa đàng mà con người thất lạc. Và ở đó, Kya trong cái lán dựng lên giữa đồng lầy cạnh bờ biển Bắc Carolina như nàng Eva cô đơn một ngày chạm vào trái cấm tình yêu và bị đày đọa trong nỗi khổ đau bất tận của con người.
Văn chương của Delia Owens ngay cả những thời khắc tối tăm nhất vẫn được bọc bằng thứ ngôn ngữ đẫm chất thơ. Thứ văn chương đưa độc giả vào trải nghiệm song hành cùng lúc chứng kiến cái đẹp của thiên nhiên và nỗi đau khổ của con người đã mất đi sự ngây thơ của mình.
Sau tất cả, dường như Delia Owens muốn nói điều gì còn ẩn giấu đằng sau câu chuyện về trưởng thành, tình yêu hay một vụ án mạng mà độc giả thật ra cũng chẳng mấy chờ đợi để xem ai là hung thủ. Chỉ có đồng lầy vẫn tĩnh lặng và thấu suốt chứng kiến tất cả những định kiến của con người, những hệ lụy, những thứ làm thế giới trở nên xa cách.