Viết hai đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm (4đ) Đề bài: Hãy kể về một lần em mắc lỗi khiến em vô cùng xấu hổ,ân hận.
2 câu trả lời
Trong cuộc sống, mỗi người đều từng phạm phải sai lầm. Nhưng nhờ đó mà chúng ta rút ra được những bài học, từ đó sống tốt hơn mỗi ngày.
Đó là một kỉ niệm xảy ra khi tôi học lớp năm. Dù là con gái nhưng tính tôi lại rất nghịch ngợm. Một lần, trong giờ thể dục, tôi và nhóm bạn thân trong lớp rủ nhau trốn tiết học thể dục để ra ngoài cổng trường mua quà vặt. Nhưng không may, chúng tôi đã bị cô giáo chủ nhiệm bắt gặp. Nhưng cô không quát mắng hay trách phạt chúng tôi. Cô chỉ yêu cầu chúng tôi nhanh chóng trở lại lớp. Vào tiết sinh hoạt cuối tuần, cô chủ nhiệm đã nghiêm túc phê bình chúng tôi trước cả lớp. Cô cũng nói rằng sẽ đến gặp và trao đổi với phụ huynh. Khi đó, vì còn nhỏ nên tôi chỉ cảm thấy lo lắng, sợ hãi.
Mấy hôm sau, cô giáo đã đến nhà nói chuyện với mẹ của tôi. Sau khi cô giáo ra về, mẹ đã gọi tôi đến bên và nhắc nhở. Nhưng khi đó, tôi đã có thái độ và lời nói không lễ phép với mẹ. Tối hôm đó, bố đi làm về. Có vẻ như bố đã biết được câu chuyện xảy ra vào buổi chiều. Bố gọi tôi vào phòng đọc sách để trao đổi. Bố đã nghiêm khắc phê bình thái độ đó của tôi. Và kể lại những kỉ niệm khi tôi còn thơ ấu, mẹ đã phải thức suốt đêm để chăm sóc cho tôi ở bệnh viện khi tôi bị ốm. Những điều bố nói khiến tôi nhận ra lỗi lầm của bản thân. Sáng hôm sau, khi mẹ đi làm về, tôi ngập ngừng chạy đến ôm lấy mẹ, xin lỗi mẹ: “Mẹ ơi, con xin lỗi vì đã có thái độ vô lễ với mẹ. Con hứa từ năm sẽ chăm chỉ học tập, không ham chơi nữa ạ!”. Nước mắt tôi cứ thế rơi lúc nào chẳng hay. Mẹ cũng khóc và an ủi tôi: “Không sao đâu con. Chỉ cần con nhận ra lỗi lầm của mình là được”.
Kỉ niệm về lỗi lầm khi đó đã giúp tôi có được bài học quý giá. Tôi cũng hiểu được rằng, cho dù có thế nào. Bố mẹ cũng luôn bao dung và yêu thương tôi vô điều kiện. Lỗi lầm dù có to lớn đến đâu, thì đối với bố mẹ cũng có thể tha thứ.
Chuyện đó mới xảy ra cách đây một tuần. Tôi đã mắc lỗi mà không tự nhận khuyết điểm.
Chả là chiều thứ tư có tiết sinh hoạt lớp. Lớp trưởng lên tổng kết về ý thức kỉ luật của từng tổ. Cả lớp ngạc nhiên khi biết Tùng, lớp phó của lớp, ăn quà vặt trong lớp. Tùng rất vui tính mà sao hôm nay nét mặt cứ bị xị? Đúng rồi, nó sẽ phải viết bản kiểm điểm. Tội nghiệp nó quá. Tôi cũng rất sợ việc này. Tôi nhớ đến một lần tôi cũng phải viết bản kiểm điểm vì đi dép lê đến trường; cái giây phút đưa bản kiểm điểm cho bố mẹ kí lần đó thì đến lúc này tôi vẫn thấy như tim còn đập.
Đến phần nhận xét về tình hình chuẩn bị sách vở và làm bài tập, rất nhiều bạn bị nêu tên vì thứ hai vừa qua quên vở Giáo dục công dân, nhưng bạn lớp trưởng không nhắc đến tôi thì thật là may, vì hôm ấy tôi cũng quên vở, có lẽ lớp trưởng không biết việc đó. Tôi nhìn sang Sơn lo ngại vi nó biết việc này. Song Sơn vừa rụt rè giơ tay, lại cụp xuống làm tôi thở phào. Tôi hỏi nhỏ Sơn là tại sao nó không nói gì, thì nó chỉ lắc đầu buồn thiu. Tôi vẫn biết tự báo cáo với cô giáo thì hơn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm. Chợt Sơn lại giơ tay, rồi đứng lên, run run:
– Thưa cô! Hôm qua em đã không làm bài tập toán ạ.
À ra thế! Nó làm tôi thót cả tim! Nhưng rồi tôi lại thở nhẹ nhõm, không việc gì! Thú thực, sự nhận lỗi của Sơn có làm tôi xấu hổ: Tại sao tôi không đủ can đảm đứng lên như Sơn? Giá mà tôi làm được như vậy. Thế mà tôi vẫn cứ ngồi im thin thít. Tôi do dự vì tôi nghĩ lần trước tôi đã hứa với mẹ là không bao giờ phạm khuyết điểm nữa. Bây giờ nếu tôi không nói là tôi lừa dối cô, dối mẹ; còn nếu tôi nói thì tôi phải viết bản kiểm điểm thứ hai và sẽ bị mắng là không giữ lời hứa phấn đấu, không chừng còn bị “ăn đòn” nữa, bố tôi nóng tính lắm! Tôi đắn đo, thà bị mắng còn hơn là mang tội nói dối. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Sơn không nói ra, tôi cũng không nói, thì nào ai biết tôi nói dối và thế là không bị “ăn đòn”. Thôi ém nhẹ đi để thoát đòn thì cũng đáng.
Hôm ấy đã không ai mách cô về lỗi của tôi cả. Tuy nhiên, tôi cũng không vui. Tôi thấy vừa thương vừa phục Sơn. Thương vì nó sẽ bị bố mẹ mắng, phục vì lòng dũng cảm thật thà của nó. Tôi trách mình hèn, không dám thành thật. Tôi cứ tưởng sau buổi họp vì thoát tội tôi sẽ mừng, hóa ra không phải vậy. về nhà tôi chẳng thiết chơi gì. Sau này tuy tôi không bao giờ quên sách vở nữa nhưng vẫn ân hận mãi, cứ cầm đến vở Giáo dục công dân lại buồn.