2 câu trả lời
Có một danh lam mà nếu ai đã từng một lần đặt chân đến đó thì thật khó có thể quên được cái cảnh "mênh mông sóng nước, bát ngát núi cao". Nơi chúng tôi đang nói tới chính là thắng cảnh Tam Cốc ở Ninh Bình.
Xuôi dọc quốc lộ 1A, ta sẽ tới vùng đồi núi Tam Cốc - một thắng cảnh nằm trong quần thể khu di tích danh lam thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động của Ninh Bình. Tam Cốc là một hợp thể sông nước và núi đá vôi. Tam Cốc có hai đường thủy, bộ nhưng nhất nhất phải bơi thuyền mới ngắm được bên trong thạch động.
Chúng tôi bước chân xuống thuyền vào một ngày trời đẹp. Ở bên Tam Cốc có cơ man nào là thuyền. Cái nhỏ, cái to và có lẽ chẳng có khách du lịch nào lại nghĩ phải đếm xem có bao nhiêu chiếc. Con thuyền chở chúng tôi được chèo bởi một tay lái có nghề, nhiều tuổi. Dân chèo có nghề trên dòng Tam Cốc không phải chỉ là chèo giỏi, chèo nhanh, chèo cho khỏi va đạp vào con thuyền khác mà phải vừa chèo, vừa đưa du khách "đi du lịch". Ông lái của chúng tôi thư thái, bơi thuyền nhẹ ngược dòng sông. Vừa đi chúng tôi vừa được nghe ông giới thiệu bao hình ảnh trên những ngọn núi xa xa trước khi vào động. Đó là cảnh đá vọng phu, cảnh thầy trò Đường Tăng sang tìm kinh bên Tây Trúc, hay cảnh những ngọn "núi rồng" đang uốn khúc...
Thuyền chúng tôi tiến vào hang thứ nhất. Cảm giác đầu tiên là tối và mát lạnh. Đi giữa ngày hè mà chúng tôi còn cảm thấy rùng mình. Nhưng cảm giác ấy ngay lập tức bị quên đi chúng tôi bị hút hồn bởi muôn ngàn nhũ đá đang đua mình xuống nước. Đá ở Tam Cốc không nhiều màu như ở Phong Nha hay ở Vịnh Hạ Long. Đá ở đây nguyên sơ một màu trắng xám, thỉnh thoảng ở chỗ hơi đen đó ánh sáng trong lòng động hầu như rất yếu.
Hang thứ nhất qua nhanh một cảm giác ngân nga. Ai cũng trầm trồ vì chưa được ngồi thuyền ngắm nhũ đá bao giờ. Chúng tôi lại vượt qua mấy trăm mét nước để tiến vào "nhị cốc" hàng dài nhất của ..... khu quần thể ấy. Vòng hang của nhị cốc thấp hơn. Ngay trước cửa là hình bầu mẹ, bên cạnh là nhiều nhũ đá nhỏ đang châu đầu về phía ấy như một đàn con. Mùa nước đang dâng cao, du khách có thể đứng lên chạm tay vào những nhũ đá đang con ươn ướt nước. So với động thứ nhất, động này quy mô mọi cái đều lớn hơn: khoang động rộng dài hơn, có nhiều nhũ đá đẹp hơn. Đặc biệt đã xuất hiện những nhũ đá trắng ngà hay màu bạch kim đang soi mình long lanh trong nước.
Động thứ ba ngắn nhưng không kém phần thú vị. Thạch động này như là một nốt nhấn kéo dài cảm giác ngân nga bất ngờ thú vị của hai động trước.
Tam Cốc còn có thêm một điều thú vị. Con suối ở đây là con đường độc đạo nên lúc quay ra chúng tôi lại được hưởng một dư vị khác. Bây giờ chúng tôi mới được chứng kiến sự khéo léo, linh hoạt và khỏe mạnh của các tay chèo nhất là lúc đi qua chỗ lòng sông hẹp. Hình như ông lái của chúng tôi giữ sức, đến bây giờ mới dũng mãnh vượt lên. Thuyền nhẹ băng bằng tiến lên phía trước nhưng lại thả mình trôi dọc dòng sông khi ra đến bãi ngoài.
Rời Tam Cốc vào lúc chiều đã muộn nhưng chúng tôi cảm giác còn lưu luyến lắm. Ở đây không có cái đẹp rực rỡ, cao sang nhưng đổi lại nó giản dị, trữ tình và đầy lãng mạn.
Tam Cốc, có nghĩa là "ba hang", gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động.
Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng.
Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ.
Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.
Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).
Đền Thái VI là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể đi bộ đến đền Thái Vi từ hành trình Tam Cốc hoặc theo đường bộ cách bến thuyền Tam Cốc 2 km.
Động Thiên Hương nằm trên đường từ sông Ngô Đồng vào đền Thái Vi, là một động khô và sáng nằm ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15 m. Động có chiều cao khoảng 60 m, sâu 40 m, rộng 20 m. Đỉnh động rỗng nên động còn có tên là Động Trời. Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung, vợ vua Lý Huệ Tông. Là một người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.