Truyền thuyết nào gắn với dấu tích thời dựng nước trên đất Hưng Yên?Truyền thuyết nào gắn với dấu tích thời dựng nước trên đất Hưng Yên?
1 câu trả lời
I – Phần Mở Đầu
Hồ chủ tịch đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quí báu của ta”. Đúng như vậy, truyền thống yêu nước nồng nàn đó được biểu hiện ở nhiều mặt hoạt động xã hội,
song nổi lên rực rỡ nhất trong các cuộc đấu tranh chống giặc giữ nước. Ngay những trang đầu của lịch sử dân tộc, chúng ta đã thấy ánh lên những dòng chữ vàng chói lọi biểu hiện lòng yêu quê hương chống giặc xâm lược.
Lịch sử Việt Nam trải dài hàng nghìn năm chủ yếu là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Do nước ta nằm ở vị thế địa chính trị quan trọng của khu vực nên bắt buộc phải như thế. Cho nên tư tưởng chủ yếu của dân tộc ta là tư tưởng yêu nước xuyên suốt lịch sử từ cổ chí kim. Sự hình thành của truyền thống yêu nước đi đôi với sự hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc. Vì có đất nước mới có yêu cầu giữ nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc những giá trị truyền thống của dân tộc mà đặc biệt là truyền thống yêu nước đã có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước, đánh thắng nhiều giặc ngoại xâm và cả trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kì hiện đại.
Mỗi quốc gia dân tộc do phát sinh, phát triển trong những điều kiện khác nhau nên cũng có những giá trị truyền thống riêng. Nhưng nó không phải là sản phẩm của tự nhiên mà là sản phẩm của lịch sử. Cũng như vậy để có được truyền thống yêu nước phải có cả một thời gian dài hình thành và phát triển.
Con người xuất hiện thì lịch sử cũng bắt đầu, khi có con người thì cũng xuất hiện quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa con người với tự nhiên và quan hệ giữa con người với xã hội. Từ đó sản sinh ra những quan hệ gia đình, nhóm, làng, cộng đồng, quốc gia dân tộc. Cũng từ đó hình thành nên truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ quốc gia dân tộc ấy. Từ trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm hình thành nên truyền thống yêu nước.
II – Phần Nội Dung
1 – Cơ sở hình thành và phát triển truyền thống yêu nước.
1.1 – Cơ sở hình thành.
Lòng yêu nước của con người bắt nguồn từ những tình cảm bình dị và gần gũi nhất đối với con người đó là tình cảm gia đình giữa bố mẹ với con cái, anh chị em ruột trong nhà. Từ những tình cảm đó nảy sinh tình cảm quyến luyến với lao động, với những gì do lao động của mình làm ra. Khi gia đình, ngôi nhà, thị tộc, không gian lao động xuất hiện cũng là lúc nảy sinh tình yêu của con người đối với những người thân thuộc và không gian lao động nhỏ bé đó.
Nền kinh tế khai thác ra đời kéo theo sự phát triển hơn nữa của lực lượng sản xuất và từ đó cư dân từ vùng núi đã chuyển xuống sinh sống ở vùng đồng bằng ven các con sông lớn. Khi đó người nguyên thủy đã có nghề nông sơ khai với trình độ chế tác công cụ lao động đã phát triển hơn trước. Con người đã dần thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới từ đó sáng tạo ra nghề nông trồng lúa nước. Việc sáng tạo ra nghề nông trồng lúa nước đã dẫn tới sự ra đời của các xóm làng nông nghiệp định cư gần gũi với nhau. Lúc này tình cảm nhỏ hẹp trong phạm vi gia đình đã phát triển và biến thành tình cảm gắn bó với xóm làng và quê hương.
Điều kiện tự nhiên của Việt Nam có nhiều dòng sông lớn nó vừa là điều kiện thuận lợi cho cư dân nông nghiệp nhưng đồng thời cũng là hiểm họa về thiên tai, lũ lụt. Ngay từ rất sớm con người Việt Nam đã phải chống chọi với thiên tai. Để làm được điều đó thì một cá nhân không thể làm được, nó đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Từ đó nảy sinh tình cảm gắn bó giữa con người với nhau.
Khi nền kinh tế nông nghiệp có bước phát triển, sản phẩm làm ra ngày một nhiều, sản phẩm dư thừa nhiều, xuất hiện nhu cầu giao lưu trao đổi những sản phẩm nông nghiệp – thủ công nghiệp làm cho nền kinh tế thương nghiệp ra đời và phát triển. Từ đó dẫn đến sự giao lưu giữa các làng với nhau và cao nhất là sự ra đời của nhà nước.
Tình cảm quê hương, làng xóm đã được nâng lên thành tình cảm cộng đồng. Tuy nhiên, điều này không phải được hình thành một cách tự nhiên mà cần có yếu tố tác động vào bởi đặc điểm đóng kín của các làng Việt cổ.
Với vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực Đông Nam Á nên từ rất sớm đã bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó.Chính các cuộc xâm lược từ bên ngoài đã tác động đến tất cả mọi người và cuộc sống của các xóm làng.
Từ các cuộc kháng chiến đầu tiên trong lịch sử chống Tần, chống Triệu Đà nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã đoàn kết với nhau đó là nguồn nuôi dưỡng và củng cố lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.
Lòng yêu nước ấy ngày càng được nâng cao và củng cố để được khẳng định như một giá trị chuẩn mực hay truyền thống chuẩn mực của một dân tộc. Khi nhà nước ra đời và lòng yêu nước được củng cố, nâng cao hơn thì nó trở thành truyền thống.
1.2 – Quá trình biến đổi truyền thống yêu nước trong lịch sử.
Trải dài qua hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc truyền thống yêu nước đã dần hình thành và phát triển qua các giai đoạn khác nhau tương ứng với lịch sử dân tộc. Truyền thống yêu nước của dân tộc ta có thể chia ra làm bốn giai đoạn phát triển sau.
1.2.1 – Thời kì Văn Lang – Âu Lạc.
Thời kì này do nước ta mới thoát thai từ chế độ công xã thi tộc, nên tổ chức bộ máy nhà nước còn sơ khai, lúc này cũng chưa có sự ra đời của chữ viết. Vì vậy không để lại những sử liệu chữ viết về thời kì này. Nhưng hình thức văn học dân gian truyền miệng thì rất phong phú.
Các câu truyện thần thoại của dân tộc ta cũng không giống với các câu truyện thần thoại của Hy Lạp và Ấn Độ ở chỗ các câu truyện thần thoại của ta đều là những truyện nói về lòng yêu nước, yêu giống nòi như: Truyện Lạc Long Quân – Âu Cơ, Truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, Truyện Thánh Gióng, Truyện Thần Kim Quy …
Truyện Lạc long Quân – Âu Cơ nói về nguồn gốc dân tộc, cả dân tộc ta đều được sinh ra từ cùng một mẹ vì vậy phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà.
Truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh lại nói lên sự đoàn kết chống thiên tai của nhân dân ta để có thể sản xuất tạo ra của cải vật chất.
…
Các câu truyện thời kì này tuy còn mang nhiều yếu tố hoang đường thần bí nhưng nếu gạt đi những yếu tố hoang đường ấy thì trong đó cũng ít nhiều phản ánh sự thực lịch sử.
Truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh cho thấy từ rất sớm ông cha ta đã phải đấu tranh với thiên tai, hai hình ảnh Sơn Tinh – Thủy Tinh là biểu hiện của cuộc chiến đấu của tổ tiên ta chống lại thiên tai hung bạo.
Hay như truyện Thánh Gióng cho thấy từ rất sớm dân tộc ta đã phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm đồng thời là kỳ công của tấm lòng yêu nước nồng nhiệt nhất.
Như vậy từ rất sớm con người đã đoàn kết với nhau trong công cuộc chống thiên tai cũng như chống giặc ngoại xâm. Có được điều đó, xuất phát từ tình cảm gắn bó yêu quê hương, xóm làng thể hiện tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước ngay từ khi mới nảy sinh đã mang chiều sâu đáng kể.
1.2.2 – Giai đoạn bắc thuộc
Thời kì này kéo dài hơn 1000 năm, dân tộc ta phải chống lại các thế lực phong kiến phương bắc như Hán, Đường … Thì truyền thống yêu nước đi vào biểu hiện cụ thể:
– Dân tộc ta không chấp nhận sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, tỏ rõ ý chí độc lập thông qua các cuộc khởi nghĩa vũ trang liên tiếp. Cuộc khởi nghĩa này bị đàn áp thì cuộc khởi nghĩa khác lại nổi lên, điều này thể hiện ý chí vô cùng anh dũng bất khuất của dân tộc ta nhằm chống lại các thế lực phong kiến phương bắc.
– Dân tộc ta quyết không cam chịu Hán hóa, không cam chịu làm nô lệ, luôn đấu tranh chống âm mưu đồng hóa của phong kiến phương bắc, ông cha ta chẳng những đã đấu tranh giữ vững bản sắc, tiếng nói, phong tục tập quán của dân tộc mà còn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa phương bắc làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc.
Nhân dân ta ngay từ đầu đã kiên quyết bám đất, bám làng, cắm rễ sâu vào nơi sinh sống của mình, không cho bọn thống trị phương bắc dồn ép. Trong suốt cả một thời kì dài hơn 1000 năm, chính quyền đô hộ cũng không thể với tay được đến các làng xã của ta.
Trong suốt hơn 1000 năm bắc thuộc nhân dân ta luôn nhắc nhở nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ thần cứu nước đã trở thành một đặc điểm của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc trở thành một vũ khí mạnh chống lại ách thống trị ngoại bang.
Nhờ có những tư tưởng trên mà trải qua hơn 1000 năm dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa trái lại luôn vươn lên đấu tranh và cuối cùng đã giành lại được chủ quyền quốc gia dân tộc.
1.2.3 – Giai đoạn phát triển truyền thống yêu nước trong kỉ nguyên Đại Việt (từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX).
Từ thế kỉ X, sau khi đất nước ta giành lại được độc lập, thì giá trị truyền thống yêu nước lại được thể hiện ở hai vấn đề:
Một là tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ năm 938 đến giữa thế kỉ XIX dân tộc ta đã phải liên tiếp chống lại các cuộc xâm lược của ngoại bang như: Hai lần chống Tống, Ba lần chống Mông – Nguyên, chống Minh, Xiêm, Thanh. Sang thế kỉ XIX là chống Pháp.
Các cuộc kháng chiến diễn ra liên tục và hầu hết dân tộc ta đều giành được thắng lợi. Mặc dù chúng ta phải kháng chiến trong điều kiện so sánh lực lượng chênh lệch quá lớn: Quân xâm lược luôn lớn hơn ta nhiều lần nhưng dân tộc ta luôn giành chiến thắng. Sở dĩ có được những chiến thắng vẻ vang như thần thoại đó chính là truyền thống yêu nước của toàn dân ta. Qua đó cho thấy lòng yêu nước được phát huy một cách cao độ.
Hai là, thời kì này yêu nước chẳng những biểu hiện ở các cuộc kháng chiến mà còn biểu hiện ở việc xây dựng kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội của đất nước.
Về kinh tế
Kinh tế nông nghiệp từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX đã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt thời Lý – Trần nông nghiệp rất phát triển. Sứ nhà Nguyên nhận xét : “Giao Chỉ một năm lúa chín bốn lần”.
Thời Lê Sơ sự phát triển rõ nhất của nông nghiệp được thể hiện qua cảnh thái bình thịnh trị của đất nước.
“Đời vua Thái Tổ Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.”
Thời Trịnh – Nguyễn cả hai miền đều có những chính sách để khuyến khích nông nghiệp phát triển, mở rộng diện tích canh tác. Đặc biệt ở đàng trong từ thế kỉ XVII vùng đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn đã trở thành vùng đất đai có thể canh tác được.
Nửa đầu thế kỉ XIX nhà Nguyễn cũng rất chú ý đến các chính sách phát triển nông nghiệp, việc đắp đê hay bỏ đê ở miền Bắc Gia Long cũng đem ra hỏi ý kiến của triều thần.
Kinh tế công thương nghiệp: các ngành thủ công phát triển mạnh mẽ. Thời Lý – Trần nghề đúc đồng phát triển đến đỉnh cao với tứ đại khí: Tháp báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh, Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm; Các nghề thủ công làm gốm men ngọc, gốm hoa nâu rất nổi tiếng. Thời Lê Sơ đặc biệt phát triển ngành gốm Chu Đậu.
Thương nghiệp: Nội thương trao đổi hàng hóa trong nước tiếp tục phát triển. Về Ngoại Thương từ thời Lý đã có thương cảng Vân Đồn buôn bán với các nước trong khu vực. Thời Trần ngoại thương phát triển hơn với các thương cảng Vân Đồn, Hội An … Thời Lê Sơ thế kỉ XV thực hiện chính sách ức thương tuy nhiên các cảng truyền thống vẫn được duy trì.
Sang thế kỉ XVI, ngoại thương đặc biệt phát triển mạnh buôn bán giao lưu với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp … Dẫn tới sự du nhập của thiên chúa giáo vào Việt Nam và sự ra đời của chữ quốc ngữ, đồng thời thúc đẩy một số nghề thủ công truyền thống phát triển.
Thế kỉ XIX các vua Nguyễn chỉ từ chối việc buôn bán trên phương diện nhà nước còn thương nhân vẫn cho phép phát triển.
Về chính trị
Trong công cuộc xây dựng và củng cố nhà nước trung ương tập quyền, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Thể hiện:
Bộ máy nhà nước là sự mô phỏng của bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc nhưng vẫn mang tính dân tộc. Thời Đinh, Lê bộ máy còn hết sức đơn giản đến thời Lý – Trần bộ máy nhà nước đã phát triển hoàn thiện hơn. Đặc biệt thời Lê Sơ thế kỉ XV là thời kì xác lập của chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Được coi là một nhà nước tiên tiến ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Thời Đinh, Lê việc giáo dục thi cử chưa được phát triển, việc tuyển chọn quan lại vẫn theo chế độ tập ấm, tiến cử. Bộ máy nhà nước mang tính chất quân chủ – quân sự.
Từ thời Lý bên cạnh chế độ tập ấm thì còn thông qua thi cử để tuyển chọn quan lại. Nhà Lý đã quan tâm tới vấn đề giáo dục, thi cử thể hiện ở việc lập Văn miếu Quốc Tử Giám năm 1070, đến năm 1075 thì tổ chức kì thi Minh kinh đầu tiên lấy người tài.
Từ thời Trần, chế độ thi cử được tổ chức qui củ hơn. Sang thời Lê Sơ hoàn thiện, tổ chức ngày càng chặt chẽ. Bộ máy nhà nước dần chuyển sang quân chủ quan liêu.
Nhà Mạc chỉ ở ngôi chính thức 65 năm, nhưng đã tổ chức được 22 kì thi lấy được hơn 400 tiến sĩ. Qua đó cho thấy việc giáo dục, thi cử thời kì này rất được quan tâm phát triển. Sang thời Nguyễn chế độ thi cử vẫn tiếp tục được duy trì, đến đầu thế kỉ XX mới chấm dứt.
Luật pháp của các triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam cũng có sự phát triển vượt bậc. Thời Đinh, Lê vẫn chưa có pháp luật thành văn. Từ thời Lý bắt đầu có luật thành văn, đặc biệt thời Lê Sơ thế kỉ XV đã ban hành bộ luật Hồng Đức, được duy trì mấy thế kỉ cho đến đầu thế kỉ XIX khi nhà Nguyễn cho ra đời bộ Hoàng triều luật lệ.
Quân đội từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến Hồ đã rất phát triển, việc tổ chức quân đội qui củ, chế độ ngụ binh ư nông được thực hiện từ thời Lý đã góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia. Đặc biệt thời Hồ thì Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo ra súng thần công, là ông tổ nghề đúc súng của nước ta.
Quan hệ ngoại giao và nội trị: Các triều đại phong kiến Việt Nam đều có ý thức về vai trò, vị trí của dân tộc mình vì vậy đều có những chính sách để nâng dần địa vị của mình lên. Đặc biệt từ thời Lý đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Các triều đại phong kiến Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nhờ đó đã bảo vệ được nền độc lập của dân tộc.
Về văn hóa: Tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật, kiến trúc, đạo đức tư tưởng … phát triển rất phong phú, đã để lại nhiều các công trình văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; các cung điện, đình chùa; các tác phẩm văn học, sử học, y học …
Quần thể kiến trúc lăng tẩm Huế thời Nguyễn thể hiện trình độ thẩm mĩ, kiến trúc và sự khéo léo của các nghệ nhân.
Như vậy, có thể thấy sự nghiệp xây dựng đất nước văn minh tự chủ về mọi mặt bằng tất cả ý chí và quyết tâm, trí thông minh và sáng tạo của nhân dân ta. Đó không phải chỉ là kết quả của quá trình lao động bình thường mà còn là kết quả của ý thức dân tộc, của truyền thống yêu nước được phát huy cao độ. Yêu nước gắn liền với ý thức quyết tâm xây dựng đất nước văn minh tự chủ, nhất trí hợp lực trong xây dựng dất nước là biểu hiện của truyền thống yêu nước Việt Nam và là cơ sở cho sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ đất nước.
1.2.4 – Giai đoạn hiện đại
Truyền thống yêu nước phát triển mạnh mẽ và mang màu sắc mới. Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta vô cùng phong phú, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thời hiện đại dân tộc ta đã tiếp nối và phát huy cao độ truyền thống anh hùng của tổ tiên mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, một Đảng sáng suốt đầy kinh nghiệm chiến đấu, hiểu biết và luôn tìm cách phát huy cao độ những gì tiềm tàng của dân tộc, dốc sức cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nền độc lập của dân tộc đã được khôi phục.
2 – Biểu hiện của truyền thống yêu nước trên quê hương Hưng Yên.
Truyền thống yêu nước có thể nói là truyền thống nền tảng của dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân sống trên đất nước này lúc nào cũng có một lòng nồng nàn yêu nước. Tuy nhiên cách thể hiện lòng yêu nước của mỗi cá nhân không giống nhau, ở mỗi địa phương cũng thể hiện khác nhau. Truyền thống yêu nước của con người Hưng Yên cũng có điểm riêng biệt.
2.1 Tổng quan về Hưng Yên
Hiện nay Hưng Yên có 9 đơn vị hành chính : Một thị xã Hưng Yên và 8 huyện đó là : Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Lâm và Văn Giang.
Là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ Sông Hồng, lại nằm trong địa bàn quan trọng của quốc gia, Hưng Yên là vành đai bảo vệ trực tiếp thủ đô Hà Nội, là tuyến trong của thành phố cảng Hải Phòng. Là hậu phương trực tiếp của tỉnh biên giới Quảng Ninh. Phía nam tỉnh giáp Thái Bình, phía tây giáp Hải Dương. Đó là những tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế, phát triển về văn hóa xã hội.
Với vị trí địa lí như vậy, Hưng Yên có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước và trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Với hệ thống đường sông, đường sắt, đường bộ phát triển, trong kháng chiến hoạt động du kích ở những tuyến đường này đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh. Tuyến đường thủy dọc theo các sông Hồng, sông Luộc rất có ý nghĩa với cả ta và địch trong chiến tranh.
Tuyến đường sắt và đường 5 (nối Hà Nội – Hải Phòng) có gần 30 km chạy qua bắc Hưng Yên là con đường huyết mạch. Trong kháng chiến chống Pháp nó trở thành con đường máu lửa gây bao nỗi kinh hoàng cho bọn thực dân.
Hưng Yên còn nằm gần các sân bay Gia Lâm, Cát Bi, Bạch Mai nên phải đối mặt với những hoạt động của không quân địch trong bảo vệ giao thông và bảo vệ các địa bàn quan trọng là Hà Nội và Hải Phòng.
Hưng Yên có mạng lưới đường bộ khá phát triển. Ngoài quốc lộ số 5; đường 39 dọc từ Phố Nối qua Phố Hiến đi Thái Bình, đường 39 ngang từ chợ Gạo đi Hải Dương, thì các đường liên huyện, liên xã tạo thành hệ thống đường bộ thuận lợi cho các phương tiện cơ giới trong chiến tranh, các hoạt động kinh tế trong thời bình.
Như vậy, Hưng Yên là vùng đồng bằng có cả đường sông, đường sắt, đường bộ và thuận lợi đối với nên cũng đặt ra cho Hưng Yên nhiều vấn đề quan trọng về phòng thủ quốc gia, về xây dựng lực lượng, về bố trí trận địa trên bộ, triển khai phương tiện chiến đấu chống tập kích đường thủy, đường không chiến lược và chiến thuật của địch không những trong chiến tranh mà cả sau này.
Với những ưu thế về binh khí, kĩ thuật, phương tiện cơ động trong cuộc chiến tranh 1946 – 1954 thực dân Pháp đã triệt để lợi dụng hệ thống đường xá, sông ngòi như những lợi thế của chúng ở đồng bằng Bắc Bộ để thực hiện các chiến lược, chiến thuật và trong tổ chức chiến đấu.
Là một tỉnh đồng bằng dồi dào về sức người, sức của, thuận lợi về giao thông lại rất quan trọng về vị trí chiến lược nên cuộc tranh chấp giữa ta và địch ở Hưng Yên diễn ra ác liệt ở mọi lúc, mọi nơi.
Địa bàn Hưng Yên càng trở nên quan trọng bởi ý đồ chiến lược của cả ta và địch. Cả hai bên đều coi Bắc Bộ là chiến trường chính, là nơi đọ sức quyết định. Hơn nữa thực dân Pháp coi đồng bằng là then chốt của cuộc chiến tranh xâm lược. Vì vậy đường 5 và đường sắt nối Hà Nội – Hải Phòng là hành lang quan trọng nhất lúc đó. Cho nên vấn đề mất hay còn hành lang này đã trở thành vấn đề mất hay còn của cả hai bên.
Không chỉ quan trọng về giao thông chiến lược, vận tải quân sự, với địch giữ được hành lang này an toàn là giữ cho Hà Nội khỏi bị bao vây, cô lập, giữ cho hải Phòng khỏi bị uy hiếp thường xuyên. Nếu địch bình định được khu vực này sẽ là nơi cung cấp sức người, sức của dồi dào cho chiến tranh, là triệt nguồn lương thực của ta trên một vùng rộng lớn.
Trong suốt cuộc kháng chiến, Hưng Yên là địa bàn đứng chân của các binh đoàn cơ động của ta và cũng rất thích hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích. Với ưu thế địa bàn, nhân dân Hưng Yên không chỉ đánh địch tại chỗ, sau lưng địch mà nhiều lúc còn chủ động đánh địch phối hợp với chiến trường toàn quốc.
Tóm lại, Hưng Yên là một tỉnh có địa bàn quan trọng về chiến lược trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng đó nên trong suốt quá trình đánh chiếm và bình định Hưng Yên thực dân pháp đã sử dụng mọi lực lượng, mọi phương pháp, mọi thủ đoạn tàn bạo và nham hiểm nhất để giành và giữ được vị trí chiến lược này. Về phía ta, quân dân Hưng Yên luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách để huy động tối đa sức người sức của để phục vụ cuộc kháng chiến đánh địch dưới mọi hình thức.