Trên mảnh đất Thuỷ Nguyên các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các dì chị nào việc tìm ra các dì chị đó có ý nghĩa gì

1 câu trả lời

Trang chủ»Tiếp cận thông tin»Thông tin giới thiệu

13/08/2010 - 09:55

Kỳ 1: Thủy Nguyên - miền đất địa linh nhân kiệt

Huyện Thuỷ Nguyên ngày nay, tên cũ là huyện Thủy Đường. Tên gọi Thuỷ Nguyên có từ năm 1886 vì kiêng tên húy vua Đồng Khánh (Ứng Đường), nhưng vùng đất này đã hình thành từ rất sớm, vào loại cổ nhất Hải Phòng.

Thuỷ Nguyên nằm trong tứ giác nước: Sông Bạch Đằng và Đá Bạch ở phía Bắc, sông Cấm ở phía Nam, sông Kinh Thầy, sông Hàn Mấu ở phía Tây và phía Đông có một phần giáp biển.

Do có vị trí giao thông thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường sông, hoạt động kinh tế chủ yếu của Thuỷ Nguyên thời cổ là kinh tế đồi rừng, nghề sơn tràng, đánh bắt thủy hải sản, nghề nung vôi, nung gạch và mở mang thương mại. Chợ Phướn, chợ Mỹ Giang, chợ Tổng, chợ Trịnh, chợ Núi Đèo, chợ Phục, chợ Si, chợ Sưa, chợ Thanh Lãng… là những chợ lớn. Nhiều tên chợ trong số đó được ghi vào sử sách, bia ký thời cổ hoặc được nhắc đến trong ca dao. Chẳng hạn như:

“Nhất cao là núi U Bò

Nhất đông chợ Giá

Nhất to sông Rừng”

Hoạt động thương mại không chỉ là buôn bán nhỏ trong phạm vi huyện, mà còn mở rộng hoạt động giao lưu với bên ngoài. Các ngành nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời: nấu muối, đánh cá, đan thuyền, đóng tàu.. ở các làng ven biển như Phả Lễ, Lập Lễ, Tuy Lạc, Kênh Triều, An Lư; Phả-Phục-Lập Lễ, Đoan Lễ, Do Lễ; săn bắt chim thú, sơn tràng, đốt than ở nhiều làng ven núi như Trại Kênh, Mỹ Cụ, Hạ Côi, Pháp Cổ, Thụ Khê; sau phát triển thêm nhiều nghề khác tuy không chuyên.

Thuỷ Nguyên nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ là Hải Phòng và Quảng Ninh, có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế nông- ngư, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải…

Thời cổ, các nhóm cư dân từ biển vào đất liền đã gặp nhóm cư dân từ miền trung châu tiến ra ven biển và họ đã cùng nhau cộng sinh, cư trú trên khắp địa bàn huyện. Qua những di vật được tìm thấy trong các di chỉ Tràng Kênh Việt Khê... có thể thấy người Việt cổ đã làm chủ vùng đất Thuỷ Nguyên từ hàng nghìn năm trước.

Đã từ lâu trong khảo cổ học Việt Nam, địa điểm Tràng Kênh được coi như một di chỉ xưởng quan trọng và hoàn hảo nhất đối với việc nghiên cứu kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá, như vòng đeo, hạt chuỗi, khuyên tai…hết sức tinh xảo.

Đặc biệt, người ta đã phát hiện thấy đồ trang sức mang phong cách Tràng Kênh không chỉ có mặt trong các di chỉ khảo cổ học đồng đại ở Việt Nam, hay các tỉnh phía Nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Châu Đại Dương, mà còn thấy chúng xuất hiện tận các quốc gia Nam Mỹ. Di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh có niên đại khoảng 3400 năm cách ngày nay.

Năm 1961, trong khi đào đất, anh chị em công nhân công trường xưởng đóng tàu vô tình phát hiện thấy 5 ngôi mộ cổ độc đáo trên dải đất ven sông Hàn thuộc địa bàn thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh (do sai sót về ghi chép chỉ dẫn địa lý mà phát hiện khảo cổ này được mang tên là khu mộ cổ Việt Khê cũng là một thôn của xã Phù Ninh).

Đây là những ngôi mộ cổ, áo quan là một thân cây khoét rỗng bên trong theo hình lòng máng, trông giống như một chiếc thuyền nên có tên gọi là những ngôi mộ cổ hình thuyền Việt Khê, có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IV trước công nguyên.

Trong 5 cỗ áo quan, thì cỗ lớn nhất có gần 100 hiện vật; một cỗ khác theo lời kể lại, chỉ có một lưỡi rìu đồng, ba cỗ còn lại đều không có gì. Di vật tìm thấy trong mộ cổ Việt Khê thì đồ đồng thau chiếm hầu hết, chỉ có năm bẩy hiện vật đồ sơn và đồ gỗ mà thôi. Đồ đồng ở đây có thể chia ra các loại chính như công cụ, dụng cụ, vũ khí, nhạc khí, muôi đồng và đặc biệt là một tượng người thổi khèn.

Di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh và khu mộ cổ Việt Khê cùng với hệ thống các địa điểm khảo cổ học văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Đông Sơn khác trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên là nguồn sử liệu hết sức quan trọng đối với việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.

*

* * *

* * * * *

Kỳ 2: Thủy Nguyên - miền đất địa linh nhân kiệt

Trong cảm quan huyền thoại của người Thuỷ Nguyên, thì vua Hùng đã từng về đất này dậy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đúc đồng, đóng thuyền, đan lưới đánh bắt cá, tôm; lập phòng tuyến chống giặc biển.

Trong cảm quan huyền thoại của người Thuỷ Nguyên, thì vua Hùng đã từng về đất này dậy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đúc đồng, đóng thuyền, đan lưới đánh bắt cá, tôm; lập phòng tuyến chống giặc biển.

Hang Vua ở xã Minh Tân, làng cau Cao Nhân, làng trầu Phù Lưu… đã trở thành dấu tích thiêng liêng của thời đại các vua Hùng trên vùng đất "quan yếu" Hải Phòng.

Có thể nói, mỗi ngọn núi, từng khúc sông, mỗi công trình, từng tấc đất ở Thuỷ Nguyên như: núi Thiểm Khê, núi Từ Thụ, núi Hoàng Phái (Hoàng Tôn), núi U Bò, núi Trại Sơn, sông Bạch Đằng, sông Giá, cù lao Hai Sông, đình Kiền Bái, tháp chùa Lâm Động, đến chùa Phù Lưu, chùa Mỹ Cụ, chùa Hàm Long, đền Trần Quốc Bảo, đền Thụ Khê… đều được coi là những điểm văn hoá cổ của dân tộc, vì ở đó còn bảo lưu tầng tầng lớp lớp những dấu tích vật chất, những phong tục tập quán lâu đời, những truyền thuyết và huyền tích lịch sử về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Thế kỷ thứ X là thế kỷ bản lề của lịch sử dân tộc được đánh dấu bằng 4 sự kiện lịch sử trọng đại: Năm 905, họ Khúc được sự ủng hộ của dân chúng đã nổi dậy lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng chính quyền tự chủ, làm cơ sở trực tiếp dẫn đến nền độc lập hoàn toàn. Cuối năm 938 ở cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã làm nên trận chung kết lịch sử toàn thắng của dân tộc Việt Nam ta trong cuộc đọ sức nghìn năm với kẻ thù phương Bắc.

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng đế và năm 981 Lê Hoàn cũng chiến thắng giặc Tống tại cửa sông Bạch Đằng, khẳng định bước phát triển của quốc gia Đại Cồ Việt. Bốn sự kiện này là hình ảnh tập trung về sự trưởng thành của ý thức quốc gia, tinh thần dân tộc, ý chí tự lập tự cường của người Việt Nam đều diễn ra hay chủ yếu diễn ra ở vùng cửa biển Bạch Đằng.

Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, trên đất Thuỷ Nguyên có căn cứ Trại Sơn, cù lao Hai Sông của nghĩa quân Đốc Tít.v.v.... Những năm đầu thế kỷ XX, nhất là từ khi có Đảng cộng sản lãnh đạo, trên đất Thuỷ Nguyên có nhiều cơ sở cách mạng, trở thành chiếc cầu nối hai trung tâm cách mạng ở hai khu công nghiệp Hải Phòng- Hòn Gai. Năm 1940, Chi bộ Đảng cộng sản thành lập ở Dưỡng Động (Minh Tân).

Ngày 16-8-1945, quần chúng cách mạng chiếm Trịnh Xá - Phủ lị Thuỷ Nguyên giành chính quyền. Vào đầu kháng chiến chống Pháp, ngày 25-10-1948, toàn quân và dân huyện Thuỷ Nguyên quật khởi đứng lên phá tề, trừ gian đã giành thắng lợi vang dội. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù bị đánh phá ác liệt, quân dân Thuỷ Nguyên đã hạ 63 máy bay và đóng góp nhiều sức người, sức của cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong trường tồn lịch sử, trên mảnh đất Thuỷ Nguyên hiện vẫn còn bảo lưu biết bao những dấu tích, chứng tích về những võ công hiển hách và truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Các công trình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng, văn hoá- nghệ thuật trên địa bàn đều được dựng ở những nơi sông núi thanh tịnh, có non thì dựa vào sườn, cạnh sông thì chọn thế đất có điềm lành tụ thuỷ, có cây thì ẩn vào trong.

Các công trình kiến trúc - nghệ thuật tiêu biểu và vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, linh thiêng như: chùa Mỹ Cụ, chùa và tháp Lâm Động, chùa Hàm Long, chùa Phù Lưu… đều như đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của cảnh quan thiên nhiên và hào nhập viên mãn vào không gian vũ trụ.

Chùa Mỹ Cụ (Linh Sơn tự) xã Chính Mỹ là một cổ tự có cảnh quan đẹp, không biết được xây dựng từ bao giờ. Tương truyền, thân mẫu vua Lê Đại Hành đã cầu tự ở chùa làng Mỹ Cát (tên cũ của Mỹ Cụ) mà sinh ra vua. Chùa Mỹ Cụ trở nên nổi tiếng từ khi Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử ra đời. Chùa Mỹ Cụ trở thành sơn môn nổi tiếng của dòng Thiền Trúc Lâm.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông (tức năm 1717), Hoà thượng Thích Tế Cổn trụ trì đã cho làm lại chùa Mỹ Cụ gồm nhiều toà ngang dãy dọc, với toà Tam Bảo 12 gian to rộng, tạc 19 pho tượng và dựng các nhà tổ, nhà tăng, nhà phụ… Tượng pháp ở chùa Mỹ Cụ đều là các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đẹp, có kích thước to lớn; trong đó đáng chú ý là pho Adiđà được tạc trên đầu cây gỗ lim to lớn dị thường, rồi đem chôn sâu trong lòng núi, tượng cao 2,5m.

Sách "Đồng Khánh dư địa chí lược" còn chép: "Chùa Hàm Long ở núi Vân Ô là danh thắng trong bản tỉnh nhưng trải qua bao phen binh lửa đã trở nên điêu tàn". Hàm Long là tên chữ của chùa Thường Sơn nằm ở địa bàn giáp ranh giữa xã Thuỷ Đường và thị trấn Núi Đèo./.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm