Phân tích đoạn trích tức nước vỡ bờ để làm sáng tỏ nhận định sau "qua đoạn trích Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi dậy"

2 câu trả lời

Tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Bao trùm “Tắt đèn” là một không gian chật chội, ngột ngạt bởi nỗi tủi nhục, sự ấm ức của người nông dân. Nhưng đó đây trong tác phẩm vẫn lóe lên những điểm sáng bất ngờ. Đọc đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, nhà văn Nguyễn Tuân từng đánh giá đó là khoảnh khắc cháy sáng trong tác phẩm.

Đoạn trích tuy ngắn nhưng tính cách các nhân vật hiện lên thật rõ nét, sinh động. Đặc biệt là nhân vật chị Dậu và tên cai lệ. Là một người phụ nữ nông dân, chị Dậu rất mực thương chồng. Với chồng, chị tỏ ra rất nhẹ nhàng, nấu cháo, mời chồng ăn cháo. Ngay cả với đám cai lệ và người nhà lí trưởng, lúc đầu chị cũng rất mực lễ phép: “van xin tha thiết”, xưng “cháu” gọi “ông”. Hơn cả lễ phép, đó còn là sự nhẫn nhục cam chịu đến hạ mình. Nhưng khi thái độ đó không lay chuyển được đám đầu trâu mặt ngựa, chị Dậu trở nên mạnh mẽ lạ thường. Chị “cự lại” hành động sấn đôn bắt anh Dậu của tên cai lệ bằng lí lẽ: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”. Cách xưng hô đã thể hiện vị trí ngang hàng “tôi” - “ông”. Rổi khi bị cai lệ “tát vào mặt”, chị Dậu chuyển từ đấu lí sang đấu lực “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Cách xưng hô “bà” - “mày" đã thể hiện một vị thế khác của chị Dậu, một mối quan hệ khác giữa chị và cai lệ: “bà” - người trên, “mày” - kẻ dưới. Không dừng lại ở đó, chị còn thể hiện ở hành động quyết liệt “túm lấy cổ”, “ấn dúi ra cửa”, “túm tóc lẳng cho một cái”... Có thể nói, tính cách nhân vật chị Dậu trong đoạn trích này dược khắc họa rất khéo léo, độc đáo. Vừa bộc lộ được những nét truyền thống vừa thể hiện được sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ.

Bên cạnh hình ảnh chị Dậu với những đặc điểm tiêu biểu của người phụ nữ nông dân Việt Nam là nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng - đám đầu trâu mặt ngựa hung hăng bất nhân thú tính. Chúng là đại diện trực tiếp cho quyền lực bất nhân của “nhà nước”, của chế độ thực dân phong kiến đương thời. Hình ảnh của chúng được khắc họa bằng những hành động, lời nói bộc lộ bản chất hung bạo, không chút tình người. Đến nhà một người ốm yếu, nghèo hèn mà chúng “sầm sập tiến vào”, “trợn ngược hai mắt”, “đùng đùng giật phắt cái thừng”, “bịch luôn vào ngực chị Dậu”... Chẳng những vậy, trước những lời “van xin tha thiết” và sự nhẫn nhục của chị Dậu, chúng chẳng chút động lòng vẫn sấn sổ đánh, bắt vợ chồng nhà chị.

Miêu tả các nhân vật và cuộc ẩu đả trong đoạn trích, Ngô Tất Tố cũng thể hiện một ngòi bút linh hoạt, sống động. Ngôn ngữ nhân vật rất độc đáo, thể hiện tính cách và những diễn biến tinh tế trong cảm xúc nhân vật. Chị Dậu ban đầu xưng “cháu” gọi “ông” với cai lệ. Khi ấy chị đang lo lắng cho sức khỏe của chồng và sợ hãi vì thái độ hung hãn của hai tên tay sai. Nhưng khi bị chúng "bịch vào ngực”, lòng càm phẫn trào lên, chị “cự lại” xưng “tôi” gọi “ông”. Và khi lòng căm phẫn dâng lên tột điểm, chị đã vùng lên xưng “bà" đầy uy quyền và gọi “mày” rất coi thường, khinh bỉ. Cuộc ẩu đả giữa chị Dậu và hai tên tay sai cũng được miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ và sinh động. Hành động của tên cai lệ được diễn tả bằng những động từ, tính từ giàu sức biểu cảm “sầm sập”, “trợn ngược”, “đùng đùng giật phắt”... Hành động vùng lên đánh lại hai tên tay sai lại càng đặc biệt. Chỉ trong một câu văn, Ngô Tất Tố dùng đến bốn động từ diễn tả sức mạnh và hành động chớp nhoáng của chị Dậu: “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa, túm tóc lẳng cho một cái..”. Trước sức mạnh của người đàn bà lực điền, hai tên mạt hạng “chổng quèo”, “ngã nhào” ra hè.

Bên cạnh nghệ thuật miêu tả là ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại khá đặc sắc. Nó vừa bộc lộ sắc nét tính cách nhân vật vừa phản ánh được những diễn biến tâm lí nhân vật.

“Tức nước vỡ bờ” quả là “một đoạn tuyệt khéo”. Nhờ vậy, nhà văn đã dựng lên hình ảnh một người phụ nữ nông dân đầy sức mạnh, dám bứt phá để đòi quyền sống trong cái xã hội ngột ngạt đầy rẫy áp bức bất công. Cái khéo của Ngô Tất Tố là đã khêu một tia lửa lóe lên giữa bóng đêm phủ chụp “Tắt đèn”. Và nói như Nguyễn Tuân, lúc ấy Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”.

Tắt đèn có nhiều nét giống Lão Hạc, Chí Phèo…Tất cả đều viết về quá trình bần cùng hóa của người nông dân Việt Nam trước Cách Mạng tháng tám. Ở đó, người nông dân mỗi người mỗi cảnh bị bóc lột theo mỗi kiểu khác nhau. Thế nhưng cuối cùng hậu quả của sự bóc lột lại giống nhau: họ đều mất hết chẳng còn gì. Tuy nhiên không phải lúc nào người nông dân cũng cuối đầu cam chịu. Trong Tức nước vỡ bờ có những lúc họ đã vùng lean. Tất nhiên có sự “nổi dậy” được nhà văn sắp đặt. Chẳng thế mà có người đã đưa ra nhận xét vô cùng xác đáng “Với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn” (Nguyễn Tuân).

Thực ra khái niệm “nổi loạn” ở đây phải hiểu khá là linh hoạt. Về cơ bản đó chỉ là những cuộc vùng lên tự phát theo kiểu “con giun xéo mãi cũng quần”, theo kiểu “tức nước” thì “vỡ bờ”. Sự nổi loạn ấy chưa phải là sự đấu tranh được tính toán kỹ càng mà chỉ là sự phản ứng khi bị đến đường cùng. Thực tế đã cho thấy các tác phẩm văn học hiện thực của Việt Nam trong giai đoạn này đã dựng lên hàng loạt cuộc đời với sự vùng lên như vậy. Vậy ra cái sự “xui” của tác giả ở tác phẩm này liên quan rất nhiều đến nhận thức xã hội của nhà văn. Tuy rất đau xót trước cảnh người nông dân bị chèn ép và vô cùng căm giận sự tàn bạo của những kẻ cường quyền nhưng nhà văn vẫn chưa nhìn ra con đường tất yếu-con đường đấu tranh cách mạng-chưa đẩy nhân vật của mình vào được cái guồng máy đấu tranh chung. Riêng các sự “xui” ở tác phẩm Tắt đèn như lời nhận xét của Nguyễn Tuân,chúng ta lại cũng phải nhìn trong cái tương quan với những điều đã nêu trên. Chúng ta biết nhân vật là của nhà văn nhưng không phải trong quá trình sáng tạo, ta muốn đặt vào nhân vật điều gì theo ý muốn chủ quan cũng được. Nhân vật cũng giống như con người ngoài cuộc sống. Họ phải va chạm với các tính cách khác trong một môi trường nhất định. Ở tác phẩm này, chị Dậu được đặt trong tương quan với nhiều nhân vật nhưng đặc biệt là mối quan hệ với vợ chồng Nghị Quế và bọn tay sai, quan lại ở làng Đông Xá.Đó là những mối tương quan nghẹn và không phải cứ muốn là có thể “nổi loạn” dễ dàng như cái anh chàng say Chí Phèo kia được. Vậy ở đây, Ngô Tất Tố muốn “xui” nhân vật của mình phá phách nghĩa là phải tạo ra đủ những tiền đề (những mâu thuẫn giàu kịch tính) để nhân vật buộc phải bộc lộ cái bản năng sống trong hoàn cảnh quẫn cùng. Cái “xui” ấy được nhà văn sắp xếp dàn trải và tăng cấp.Nhưng có thể nói lần nổi loạn của chị nông dân làng Đông Xá ở đoạn trích Tức nước vỡ bờ là lần ghê gớm nhất. Thuế thân, hai tiếng vừa cất lên đã khiến nhiều người phải rùng mình. Nhà chị Dậu cũng hãi hùng khi nghe đến hai từ kinh sợ ấy.Nhà chị nghèo lại kèm năm sáu miệng ăn. Ở trong cái làng Đông Xá ấy có đi làm thêm cả cái nghề kẻ cướp cũng chẳng đủ ăn chứ nhà chị làm ăn hiền lành thì khổ lắm. Mùa sưu thuế đến,nhà chị bán sạch sành sanh cũng chẳng đủ một suất thuế thân. Anh Dậu chồng chị vì thế mà bị bọn nha dịch lôi ra đình đánh cho nhừ tử. Chị Dậu đau lòng xót ruột gửi đám con nheo nhóc chạy vạy khắp nơi. May thay chị kiếm đủ tiền lo suất sưu cho anh chồng đương sắp chết. Nhưng khốn nạn thay, suất của chồng vừa mới gói ghém lo xong lại sinh ra suất sưu của chú Hợi. Mà chú ấy thì chết đã lâu, chỉ vì cái sự nhập nhằng giữa lịch Ta lịch Tây mà chị Dậu lại thêm một phen phải lao đao. Tiền nộp sưu không có, cứ thế là những đợt roi thước lại đổ liên hồi trên cái bộ xương của anh Dậu. Ôi! Còn cái đau đớn nào hơn với một người vợ khi cứ nhìn tận mắt cái cảnh chồng mình bị hành hạ đến chết mòn. May thay bọn nha dịch lại cho phép anh về. Chị Dậu cõng anh về rồi nấu ngay nồi cháo (có được là nhờ lòng thương của bà hàng xóm). Nhưng cháo chưa kịp húp thì bọn nha dịch tay dao tay thước lại rầm rập xông vào. Thế là căn nhà rách nát của chị Dậu ầm lên tiếng kêu xin, tiếng chửi mắng, tiếng đấm đá bùm bụp. Chị Dậu vẫn kiên nhẫn kêu xin nhưng sự chịu đựng chỉ có hạn. Khi tên cai lệ cứ vừa thụi vào ngực chị, vừa tát vào mặt chị lại còn sấn sổ lao vào anh Dậu thì cái giới hạn của sự chịu đựng rất mong manh kia òa vỡ. Chị Dậu vùng lên quyết liệt và khỏe mạnh. Chị túm, chị dúi, chị lẳng tên nha dịch bằng sức của đàn bà lực điền và bằng cả sự tức giận của con giun xéo lâu ngày. Ngay lúc ấy chị không cần thiết phải nể sợ ai. Lúc ấy trong chị, sự tức giận trùm lấy đi tất cả. Chị vùng lên và “nổi loạn”. Như vậy ở trong cả truyện Tắt đèn và nhất là đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã dựng lên được một chuỗi những tình huống mâu thuẫn giàu kịch tính. Các tình huống ấy đã đẩy chị Dậu vào cái thế quẫn cùng mà vùng lên “nổi loạn”. Sự nổi loạn ấy hoàn toàn tự phát. Đó là sự vùng lên rất tự nhiên của con người khi cái giới hạn chịu đựng đã bị phá vỡ.