nêu những tác động tích cực và tiêu cực của đại dịch covid-19 đến môi trường hiện nay giúp mình với ạ!!

2 câu trả lời

Sự gián đoạn toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra đã dẫn đến một số tác động tích cực đến môi trường và khí hậu. Do việc hạn chế di chuyển và sự chậm lại đáng kể của các hoạt động kinh tế và xã hội, chất lượng không khí đã được cải thiện ở nhiều thành phố cùng với việc giảm ô nhiễm nước ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, việc gia tăng sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, việc vứt bỏ chúng bừa bãi và một lượng lớn chất thải bệnh viện được tạo ra có tác động tiêu cực đến môi trường. Việc các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và các công ty đóng cửa đã làm giảm đột ngột lượng phát thải khí nhà kính. Mức độ ô nhiễm không khí ở New York đã giảm gần 50% nhờ các biện pháp được triển khai để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Người ta ước tính rằng việc giảm gần 50% N2O và CO là do đóng cửa các ngành công nghiệp nặng ở Trung Quốc.
Ngoài ra, phát thải NO₂, một trong những chỉ số quan trọng của các hoạt động kinh tế toàn cầu, giảm ở nhiều quốc gia (Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Brazil, v.v..) do việc cách ly toàn xã hội gần đây. Thông thường, NO2 được thải ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, 80% trong số đó là từ khí thải của xe có động cơ. Theo báo cáo, NO2 gây ra mưa axit và một số bệnh về đường hô hấp cho con người. Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) dự đoán rằng, do việc cách ly toàn xã hội trong thời gian bùng phát COVID-19, lượng khí thải NO2 đã giảm từ 30-60% ở nhiều thành phố Châu Âu bao gồm Barcelona, Madrid, Milan, Rome và Paris. Ở Mỹ, NO2 giảm 25,5% trong giai đoạn COVID-19 so với những năm trước. Mức NO2 giảm trên khắp Ontario (Canada) và giảm từ 4,5 ppb xuống 1 ppb. Mức NO2 và PM2.5 giảm gần 70% ở Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Nhìn chung, mức giảm PM2.5 và PM10 ở Ấn Độ lần lượt là 46% và 50% trong thời gian đóng cửa.
Phương tiện giao thông và hàng không được cho là những yếu tố đóng góp chính vào phát thải và lần lượt đóng góp gần 72% và 11% phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải. Các biện pháp được thực hiện trên toàn cầu để ngăn chặn virus cũng có tác động đáng kể đến lĩnh vực hàng không. Nhiều quốc gia đã hạn chế khách du lịch quốc tế nhập cảnh và xuất cảnh. Do lượng hành khách giảm và những hạn chế, các chuyến bay trên toàn thế giới đang bị các công ty máy bay thương mại hủy bỏ. Trung Quốc giảm gần 50-90% công suất các chuyến bay khởi hành và 70% các chuyến bay nội địa do đại dịch, do đó đã giảm gần 17% lượng khí thải CO2 quốc gia. Hơn nữa, lượng khách du lịch bằng đường hàng không đã giảm 96% so với cùng thời điểm năm ngoái trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Nhìn chung, việc tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch hơn sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính, giúp chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu đã giảm 435.000 thùng trên toàn cầu trong ba tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tiêu thụ than toàn cầu cũng giảm do nhu cầu năng lượng ít hơn trong thời gian đại dịch. Sản lượng nhiệt điện than giảm 26% ở Ấn Độ và giảm 19% tổng sản lượng điện sau khi đóng cửa. Trung Quốc, nước tiêu thụ than cao nhất thế giới, giảm 36% so với cùng thời điểm năm trước (đầu tháng 2 đến giữa tháng 3). Theo trang Carbon Brief, chuyên trang về chính sách và khoa học khí hậu có trụ sở tại Anh, cuộc khủng hoảng COVID-19 gần đây đã làm giảm 25% lượng khí thải CO2 ở Trung Quốc và xuống dưới mức giới hạn bình thường hơn hai tháng sau khi nước này bắt đầu đóng cửa. Trang web này cũng dự đoán rằng đại dịch có thể cắt giảm 1.600 tấn CO2, tương đương trên 4% tổng lượng toàn cầu vào năm 2019.
Ô nhiễm nước là hiện tượng phổ biến của các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Bangladesh, nơi chất thải sinh hoạt và công nghiệp được đổ xuống sông mà không được xử lý. Trong thời kỳ đóng cửa, các nguồn ô nhiễm công nghiệp chính đã bị thu hẹp hoặc ngừng hoàn toàn, điều này giúp giảm ô nhiễm. Sông Ganga và Yamuna đã đạt đến mức độ tinh khiết đáng kể do không còn ô nhiễm công nghiệp trong những ngày Ấn Độ đóng cửa. Người ta thấy rằng, trong số 36 trạm quan trắc sông Ganga, nước từ 27 trạm đạt giới hạn cho phép. Sự cải thiện chất lượng nước tại Haridwar và Rishikesh được cho là do lượng khách du lịch giảm đột ngột và giảm 500% nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Theo dữ liệu giám sát chất lượng nước của Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Uttarakhand của Ấn Độ, các thông số hóa lý như pH (7,4-7,8), lượng oxy hòa tan (DO) (9,4-10,6 mg/L), nhu cầu oxy sinh hóa (BOD) (0,6-1,2 mg/L) và tổng coliform (40-90 MPN/100 mL) của sông Ganga đạt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt của Ấn Độ. Ngoại trừ tổng số coliform ở một số trạm quan trắc, tất cả các thông số khác đều đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước uống quốc gia, có thể được sử dụng sau khi khử trùng mà không cần xử lý thông thường (Loại A). Nồng độ pH, độ dẫn điện (EC), DO, BOD và nhu cầu oxy hóa học (COD) đã giảm tương ứng gần 1-10%, 33-66%, 45-90% và 33-82% ở các trạm quan trắc trong thời gian đóng cửa so với thời kỳ trước khi đóng cửa.
Hơn nữa, do lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, số lượng khách du lịch và các hoạt động dưới nước đã giảm ở nhiều nơi. Nhờ vậy, kênh đào Grand Canal của Ý trở nên thông thoáng và nhiều loài thủy sinh xuất hiện trở lại. Ô nhiễm nước cũng giảm ở các bãi biển của Bangladesh, Malaysia, Thái Lan, Maldives và Indonesia. Do đóng cửa để hạn chế sự lây lan của COVID-19, lượng chất thải thực phẩm giảm ở Tunisia dẫn đến giảm ô nhiễm đất và nước. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ nước công nghiệp cũng giảm, đặc biệt là từ ngành dệt may. Nhìn chung, lượng rác thải rắn khổng lồ được tạo ra từ quá trình xây dựng và sản xuất gây ô nhiễm nước và đất cũng giảm bớt. Hơn nữa, do việc cắt giảm hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, sự di chuyển của tàu buôn và các tàu khác trên toàn cầu giảm, điều này cũng làm giảm phát thải cũng như ô nhiễm môi trường biển.
Các biện pháp cách ly và đóng cửa bắt buộc mọi người phải ở nhà và giảm các hoạt động kinh tế và giao tiếp trên toàn thế giới trong thời gian thế giới có đại dịch COVID-19 đã làm giảm mức độ tiếng ồn ở hầu hết các thành phố.
Mức độ tiếng ồn của Delhi, Ấn Độ, đã giảm đáng kể khoảng 40-50% trong thời gian đóng cửa do đại dịch COVID-19. Do giảm chuyển động của xe trong quá trình đóng cửa, mức độ tiếng ồn của ga tàu điện ngầm Govindpuri (Delhi) giảm 50-60 dB, từ 100 dB. Theo Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương của Ấn Độ, mức độ tiếng ồn của khu dân cư ở Delhi giảm từ 55 dB (ban ngày) và 45 dB (ban đêm) xuống 40 dB (ban ngày) và 30 dB (ban đêm). Hơn nữa, do hạn chế đi lại, số lượng các chuyến bay và phương tiện giao thông trên khắp thế giới đã giảm đáng kể, điều này cuối cùng đã làm giảm mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Ở Đức, hành khách đi lại bằng đường hàng không đã giảm hơn 90%, lưu lượng ô tô giảm hơn 50% và tàu hỏa giảm gần 25% so với mức thông thường. Nhìn chung, việc đóng cửa do COVID-19 và giảm bớt các hoạt động kinh tế đã làm giảm ô nhiễm tiếng ồn trên toàn cầu.
Trong những năm qua, lĩnh vực du lịch đã có sự phát triển vượt bậc nhờ sự tiến bộ của công nghệ và mạng lưới giao thông; đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Người ta ước tính rằng ngành du lịch đóng góp 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, những địa điểm có vẻ đẹp tự nhiên (bãi biển, đảo, công viên quốc gia, núi, sa mạc và rừng ngập mặn) thường thu hút khách du lịch và gây ra những thiệt hại nặng nề cho môi trường. Để cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch, rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar và chợ được xây dựng, tiêu tốn nhiều năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hơn nữa, du khách còn tạo ra nhiều chất thải khác nhau làm giảm vẻ đẹp tự nhiên và tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và các hạn chế của địa phương, số lượng khách du lịch đã giảm ở các điểm du lịch trên khắp thế giới. Phuket, điểm du lịch nổi tiếng nhất của Thái Lan bị đóng cửa vào ngày 9-4-2020 do sự bùng phát của đại dịch đại dịch COVID-19, nơi trung bình có 5.452 du khách ghé thăm mỗi ngày. Tương tự như vậy, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm tụ tập nơi công cộng và cấm du khách đến bãi biển Cox's Bazar, là bãi biển cát tự nhiên dài nhất thế giới. Do những hạn chế này, màu nước biển, vốn thường bị vẩn đục do bơi lội, tắm, vui chơi và đi thuyền có động cơ, đã thay đổi. Thiên nhiên có thời gian để phục hồi trước sự can thiệp của con người và do giảm ô nhiễm nên gần đây cá heo đã quay trở lại bờ biển Vịnh Bengal (Bangladesh) và các kênh đào, đường thủy và cảng Venice (Ý) sau một thập kỷ.
Ngoài những tác động tích cực nói trên, đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, việc phát sinh chất thải y tế gia tăng trên toàn cầu, là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Để thu thập mẫu bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus SARS CoV-2, chẩn đoán, điều trị số lượng lớn người bệnh và khử trùng, rất nhiều chất thải lây nhiễm và chất thải y sinh được thải ra từ các bệnh viện. Vũ Hán - Trung Quốc đã thải ra hơn 240 tấn chất thải y tế mỗi ngày trong thời gian bùng phát dịch, cao hơn gần 190 tấn so với thời điểm bình thường. Tại thành phố Ahmedabad của Ấn Độ, lượng chất thải y tế tăng từ 550-600 kg/ngày lên khoảng 1000 kg/ngày vào đầu giai đoạn đóng cửa. Khoảng 206 triệu tấn chất thải y tế được thải ra mỗi ngày ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Các thành phố khác như Manila, Kuala Lumpur, Hà Nội và Bangkok cũng có mức tăng tương tự, phát sinh hơn 154-280 tấn chất thải y tế mỗi ngày so với trước đại dịch (Bảng 1). 
Sự gia tăng đột ngột chất thải nguy hại và việc quản lý chúng phù hợp đã trở thành một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý chất thải địa phương. Theo các tài liệu được công bố gần đây, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại một ngày trên bìa cứng và tối đa 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ. Vì vậy, chất thải phát sinh từ bệnh viện (kim tiêm, ống tiêm, băng, khẩu trang, găng tay, khăn giấy đã qua sử dụng và thuốc thải bỏ, v.v..) cần được quản lý hợp lý, để giảm thiểu lây nhiễm và ô nhiễm môi trường, hiện đang là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Để bảo tránh lây nhiễm virus, mọi người sử dụng khẩu trang, găng tay và các thiết bị an toàn khác, điều này làm tăng lượng chất thải y tế. Theo báo cáo, tại Mỹ, lượng rác ngày càng tăng do việc sử dụng PPE ở các gia đình ngày càng tăng.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc sản xuất và sử dụng nhựa trong trang thiết bị bảo hộ cá nhân gia tăng trên toàn thế giới. Trung Quốc đã tăng sản lượng sản xuất khẩu trang y tế hằng ngày lên 14,8 triệu khẩu trang kể từ tháng 2-2020, cao hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về quản lý chất thải lây nhiễm, hầu hết mọi người đều vứt chúng (khẩu trang, găng tay, v.v..) bừa bãi và trong một số trường hợp lẫn trong chất thải sinh hoạt. Việc vứt rác như vậy sẽ làm tắc nghẽn đường nước và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn. Theo báo cáo, khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ khác làm từ nhựa là nguồn tiềm ẩn của sợi vi nhựa trong môi trường. Thông thường, Polypropylene được sử dụng để sản xuất khẩu trang N-95 và Tyvek để sản xuất quần áo bảo hộ, găng tay và khẩu trang y tế, có thể tồn tại trong thời gian dài và giải phóng dioxin và các yếu tố độc hại ra môi trường.
Mặc dù, các chuyên gia và các cơ quan có trách nhiệm đề nghị xử lý và phân loại hợp lý rác thải hữu cơ gia đình và trang thiết bị bảo hộ làm từ nhựa (rác thải y tế nguy hại), nhưng việc trộn lẫn những chất thải này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh tật và phơi nhiễm virus đối với những người làm công tác xử lý chất thải.
Sự gia tăng phát sinh chất thải đô thị (cả hữu cơ và vô cơ) có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến môi trường như ô nhiễm không khí, nước và đất. Do đại dịch COVID-19, chính sách kiểm dịch được thiết lập ở nhiều quốc gia dẫn đến sự gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà, điều này cuối cùng làm tăng lượng chất thải gia đình từ các vật liệu đóng gói để vận chuyển. Tái chế chất thải là một cách hiệu quả để ngăn ngừa ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, do đại dịch, nhiều quốc gia đã trì hoãn các hoạt động tái chế chất thải để giảm sự lây lan của virus. Mỹ đã hạn chế các chương trình tái chế ở nhiều thành phố (gần 46%), do chính phủ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các cơ sở tái chế. Vương quốc Anh, Ý và các quốc gia châu Âu khác cũng cấm cư dân bị nhiễm bệnh phân loại rác thải. Nhìn chung, việc gián đoạn các hoạt động quản lý rác thải đô thị thông thường cũng như các hoạt động thu hồi và tái chế chất thải làm gia tăng việc chôn lấp và các chất ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới.
Gần đây, một lượng lớn chất khử trùng được sử dụng trên các đường phố, khu thương mại và khu dân cư để tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Việc sử dụng rộng rãi các chất khử trùng như vậy có thể giết chết các loài có lợi không được nhắm mục tiêu, điều này có thể tạo ra sự mất cân bằng sinh thái.
Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong phân của người bệnh và trong nước thải đô thị ở nhiều quốc gia bao gồm Úc, Ấn Độ, Thụy Điển, Hà Lan và Mỹ. Vì vậy, các biện pháp bổ sung trong xử lý nước thải là rất cần thiết, đây là thách thức đối với các nước đang phát triển như Bangladesh, nơi nước thải đô thị được thoát vào các thủy vực và sông gần đó mà không qua xử lý. Trung Quốc đã tăng cường quy trình khử trùng (tăng cường sử dụng clo) để ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan qua nước thải. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều clo trong nước có thể tạo ra các sản phẩm phụ có hại.

Tác động tiêu cực : 
     -làm cho đời sống nhân dân trở nên vất vả hơn 
     - khủng hoảng kinh tế nặng nề 
      -cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người 
      -Người dân phải hạn chế các hoạt động xã hội 
................
Tác động tích cực :
      - Giúp con người bộc lộ được những phẩm chất tốt đẹp , làm cho xã hội văn minh , lm cho con người yêu thương nhau hơn 

Câu hỏi trong lớp Xem thêm