Mê tín dị đoan có phải là tệ nạn xã hội hay không? Giải thích
2 câu trả lời
- Có
Vì :
Mê tín dị đoan được coi là sự tin tưởng một cách mê muội vào điều hoang đường, dị thường, không hợp với tự nhiên, phản khoa học, cần loại trừ khỏi cuộc sống.
Mê tín dị đoan thường nở rộ vào dịp tết Nguyên đán với các hành vi phổ biến như: cúng tế, lễ bái, dâng sao giải hạn, xem bói… Ðáng lo ngại là hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng, không chỉ tập trung ở các địa bàn dân cư kém phát triển, người dân còn nhiều hạn chế về học vấn và mức sống, mà còn cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hay tầng lớp dân cư có trình độ cao, mức sống khá giả.
Mê tín dị đoan là hiện tượng không mới trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, mê tín dị đoan được coi là sự tin tưởng một cách mê muội vào điều hoang đường, dị thường, không hợp với tự nhiên, không có cơ sở khoa học, cần loại trừ khỏi cuộc sống. Theo các nhà nghiên cứu, gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm con người cảm thấy an tâm hơn. Là sản phẩm của thời kỳ nhận thức về thế giới, xã hội và con người còn ở trình độ thấp, mê tín dị đoan có mặt trong mọi nền văn hóa, chỉ khác biệt ở mức độ và cách thức con người điều khiển bản thân như thế nào. Bởi tập tục, niềm tin ra đời từ xa xưa có thể đúng mực, có thể là truyền thống tốt đẹp, nhưng lại bị một số người hay nhóm người biến thành mê tín dị đoan. Ở huyện ta lâu nay, mê tín dị đoan thể hiện rất đa dạng, như: lễ bái, cúng tế, cầu xin; xem tướng số, bói toán; chữa bệnh bằng mẹo hay những kiêng cữ phản khoa học… Bên cạnh hành vi mê tín dị đoan ra đời trước đây, lại có hành vi mới xuất hiện và được coi là biến thể phù hợp với thời đại. Thí dụ, những đồ cúng khá hiện đại như hàng mã là nhà lầu, xe ô-tô, du thuyền, điện thoại…
Cứ đến dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, mê tín dị đoan thường nở rộ hơn vì đây là thời điểm con người muốn bày tỏ ước mong một năm làm ăn phát đạt, an lành, hanh thông, học hành tấn tới, sức khỏe bảo đảm, gia đình hạnh phúc… và cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội - không gian dễ bị lạm dụng cho việc cầu cúng, tế lễ... Cúng lễ là nhu cầu tâm linh chính đáng nếu được thực hiện đúng nghi thức, nhưng một số người lại cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường. Có thể nói cầu cúng, lễ bái - một nhu cầu bình thường, đôi khi cũng được thực hành một cách mê muội. Khi niềm tin đặt lầm chỗ vào với yếu tố siêu nhiên, kỳ bí, một số người không tiếc tiền bạc tới đền, chùa xin "quẻ", tổ chức lễ cầu tài, cầu lộc, cầu phúc rình rang, cung tiến tiền triệu, thậm chí cả hàng chục triệu đồng đã không còn là chuyện hiếm . Một số tập tục tốt đẹp bị những cá nhân mê tín biến tướng thành cơ hội cầu lộc, cầu tiền bằng những hành vi phản cảm.
"Dâng sao giải hạn" cũng là việc được nhiều người thực hành trong những ngày đầu năm, nhất là người được "thầy" phán là "căn cao quả nặng". "Dâng sao giải hạn" bắt nguồn từ tập tục cầu bình an thường diễn ra vào đầu năm mới ở phạm vi gia đình, mong muốn con cái, cháu chắt sẽ được yên ổn, khỏe mạnh trong năm. Nhà chùa cũng chỉ cúng sao giải hạn như một việc làm giúp giải tỏa tâm lý lo sợ, mong muốn tai qua nạn khỏi thông qua các nghi lễ đơn giản, đúng nghi thức. Tuy nhiên, không ít cá nhân lại tổ chức "dâng sao giải hạn" phức tạp, gây lãng phí. Nhiều người còn lợi dụng việc này để biến thành cúng lễ với quy mô lớn nhằm cầu xin tai qua nạn khỏi. Người có tiền thì sẵn sàng thuê cả gian điện với giá hàng chục triệu đồng, mời riêng thầy cúng thậm chí cả nhóm thầy cúng đến "giải hạn".
Trên thực tế, nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào "thế lực siêu nhiên" là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan. Sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hành vi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn và lành mạnh, cho nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực. thậm chí, nhiều lúc, nhiều khi hành vi mê tín dị đoan còn được núp bóng "khoác áo" tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, làm mê muội người dân, mà thí dụ cụ thể là những tà đạo đã được xã hội vạch trần thời gian qua. Lợi dụng xu hướng này, mà một số đối tượng đã thực hiện hành vi mê tín dị đoan trái pháp luật, để rồi vì trình độ nhận thức thấp, thiếu khả năng xét đoán về mặt khoa học đã khiến một bộ phận người dân dễ tin vào "thế lực siêu nhiên", thần bí, vào điều phi lý, không có cơ sở thực tế, dễ bị kẻ xấu lừa đảo.
Việc bài trừ mê tín dị đoan khỏi đời sống xã hội khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng không thể không làm và rất cần sự phối hợp giữa ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với vai trò của cơ quan chức năng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Cùng với việc vạch trần thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng "buôn thần, bán thánh", thầy tướng, thầy bói, cô đồng,… cần phải xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê tín dị đoan gây tác động xấu đến xã hội. Ðồng thời, mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Quan trọng hơn là cần nhận thức rõ rằng mê tín dị đoan là hiện tượng tiêu cực, cần phải bài trừ khỏi sinh hoạt xã hội. Ðó chính là cơ sở lý giải tại sao luật pháp Việt Nam tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan. Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xử lý bằng tư duy khoa học, có tác động tích cực đến sự phát triển của cá nhân, để qua đó cả xã hội hướng đến điều thiện, điều lành. Bởi dù thế nào thì phúc lộc, sự bình an sẽ chỉ đến khi mỗi người luôn sống có đạo đức, cố gắng trau dồi, rèn luyện, lao động với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vun đắp cuộc sống gia đình, có trách nhiệm với con cái, với cộng đồng…