Dự án Trình bày đặc điểm tự nhiên (địa hình ,khí hậu ,đất,sông,sinh vật)của tỉnh Vỉnh Phúc helpppppppppppppppppppp me

2 câu trả lời

`1` Do đặc điểm vị trí địa lí nên hình thành ra các vùng sinh thái rõ rệt

`+` Đồng bằng

`+` Trung du

`+` Miền núi

`-` Mối quan hệ

`2.` Khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa.

`+` Do ảnh hưởng của yếu tố địa hình nên có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ giữa vùng núi và đồng bằng. 

`+` Nhiệt độ trung bình năm là `23,5 – 25^oC`

`+` nhiệt độ cao nhất là `38,5^oC`

`+` thấp nhất là `2^oC`

`3` Sông ngòi

`+` Do địa hình phân cắt mạnh bởi các hệ thống sông suối  mạng lưới xâm thực địa phương

`=>` Có hệ thông sông ngòi dày đặc

`4` Đất trồng

`+` Do đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn như vậy nên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành các nhóm đất khác nhau như nhóm đất phù sa,đất cát, đất xám,...

`5` Sinh vật

`+` Do đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, đất trồng phù hợp cho sự sống của các loài sinh vật nên Vĩnh Phúc đã xây dưng nhiều vườn quốc gia, bảo vệ nhiều nguồn sinh vật quý hiếm

`+` Dựa vào sinh cảnh phân bố, có thể chia hệ thực vật ở Tam Đảo thành các loại: rảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá.

 ĐỊA HÌNH

Phía bắc Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo kéo dài từ xã Đạo Trù (Tam Đảo) - điểm cực bắc của tỉnh đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) - điểm cực đông của tỉnh với chiều dài trên 30 km, phía tây nam được bao bọc bởi sông Hồng và sông Lô, tạo nên dạng địa hình thấp dần từ đông bắc xuống tây nam và chia tỉnh thành ba vùng có địa hình đặc trưng: đồng bằng, gò đồi, núi thấp và trung bình.

- Địa hình đồng bằng: gồm 76 xã, phường và thị trấn, với diện tích tự nhiên là 46.800 ha. Vùng đồng bằng bao gồm vùng phù sa cũ và phù sa mới. Vùng phù sa cũ chủ yếu do phù sa của các hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Đáy bồi đắp nên, diện tích vùng này khá rộng, gồm phía bắc các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường và phía nam các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, được hình thành cùng thời kỳ hình thành châu thổ sông Hồng (Kỷ Đệ Tứ - Thống Pleitoxen). Vùng phù sa mới dọc theo các con sông thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc phía nam Bình Xuyên, được hình thành vào thời kỳ Đệ Tứ - Thống Holoxen. Đất đai vùng đồng bằng được phù sa sông Hồng bồi đắp nên rất màu mỡ, là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế nông nghiệp thâm canh.

- Địa hình đồi: gồm 33 xã, phường và thị trấn, với diện tích tự nhiên là 24.900 ha. Đây là vùng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và hoa màu, kết hợp với chăn nuôi gia súc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi theo hướng tăng sản xuất hàng hóa thực phẩm.

- Địa hình núi thấp và trung bình: có diện tích tự nhiên là 56.300 ha, chiếm 46,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa hình vùng núi phức tạp bị chia cắt, có nhiều sông suối. Đây là một trong những ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh quanh Hà Nội, vì có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp tập trung và các khu du lịch sinh thái. Vùng núi Tam Đảo có diện tích rừng quốc gia là 15.753 ha

KHÍ HẬU

Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc.

- Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm là 23,5 – 250C, nhiệt độ cao nhất là 38,50C, thấp nhất là 20C. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của yếu tố địa hình nên có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ giữa vùng núi và đồng bằng. Vùng Tam Đảo, có độ cao 1.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm là 18,40C.

- Lượng mưa: lượng mưa trung bình năm đạt 1.400 - 1.600mm, trong đó, lượng mưa bình quân cả năm của vùng đồng bằng và trung du đo được tại trạm Vĩnh Yên là 1.323,8mm, vùng núi tại trạm Tam Đảo là 2.140 mm. Lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô (từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau) chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.

- Số giờ nắng: tổng số giờ nắng bình quân trong năm là 1.400 - 1.800 giờ. Tháng có nhiều giờ nắng nhất là tháng 6 và tháng 7; tháng có ít giờ nắng nhất là tháng 3.

- Chế độ gió: trong năm có hai loại gió chính là gió đông nam, thổi từ tháng 4 đến tháng 9; và gió đông bắc, thổi từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau.

- Độ ẩm không khí: độ ẩm bình quân cả năm là 83%. Nhìn chung, độ ẩm các tháng trong năm không chênh lệch nhiều giữa vùng núi với vùng trung du và đồng bằng.

- Lượng bốc hơi: lượng bốc hơi bình quân trong năm là 1.040 mm. Từ tháng 4 đến tháng 9, lượng bốc hơi bình quân trong một tháng là 107,58 mm; từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau là 71,72 mm.

THỦY VĂN

. Thủy văn mặt

Vĩnh Phúc có bốn con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ. Lượng nước hằng năm của các sông này rất lớn, có thể cung cấp nước tưới cho 38.200 ha đất canh tác nông nghiệp, được chia làm hai hệ thống sông chính: hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cà Lồ.

Hệ thống sông Hồng: gồm sông Hồng với hai nhánh lớn là sông Đà ở bờ bên phải và sông Lô ở bờ bên trái, cùng với hai nhánh của sông Lô là sông Chảy ở Tuyên Quang và sông Đáy ở Vĩnh Phúc.

- Sông Hồng: chảy qua địa phận Vĩnh Phúc từ ngã ba Bạch Hạc đến hết xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, dài 30 km. Lưu lượng dòng chảy trung bình trong cả năm là 3.860 m3/s, lớn gấp bốn lần lưu lượng sông Thao, gấp ba lần lưu lượng sông Lô và gấp đôi lưu lượng sông Đà. Lưu lượng dòng chảy thấp nhất vào mùa khô là 1.870 m3/s. Lưu lượng dòng chảy trung bình trong mùa mưa lũ là 8.000 m3/s, lưu lượng lớn nhất là 18.000 m3/s. Mực nước trung bình là 9,57 m, hằng năm lên xuống thất thường, nhất là về mùa mưa với những cơn lũ đột ngột, nước dâng lên nhanh chóng, có khi tới 3 m trong 24 giờ. Mực nước đỉnh lũ thường cao hơn mực nước mùa kiệt trên dưới 9 m (trong cơn lũ lịch sử năm 1971, dao động tới 11,68 m). Mùa khô, hệ thống sông Hồng là nguồn cấp nước chính cho các trạm bơm vùng đồng ruộng xung quanh, với hàm lượng phù sa cao, tối đa có thể lên tới 14 kg/m3, lượng phù sa lớn (mỗi năm có thể lên tới 130 triệu tấn), chất lượng phù sa tốt, nước sông chứa nhiều chất khoáng. Chính lượng phù sa dồi dào từ sông Hồng đã bồi đắp cho Vĩnh Phúc một dải đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ. Hiện nay, sông vẫn tiếp tục bồi phù sa cho đồng bãi ven bờ và cho cả ruộng trong đê qua những con ngòi thông ra sông.

- Sông Lô: chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Yên (huyện Sông Lô) qua xã Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường) đến ngã ba Bạch Hạc thì đổ vào sông Hồng, có chiều dài là 34 km. Lưu lượng dòng chảy bình quân năm 1996 là 1.213 m3/s, về mùa mưa lên tới 3.230 m3/s, cao nhất năm 1996 là 6.560 m3/s; biên độ dao động mực nước trung bình là 6 m (năm 1971 chênh nhau tới 11,7 m). Hàm lượng phù sa của sông Lô ít hơn sông Hồng. Vào mùa mưa lũ, lượng phù sa là 2.310 kg/m3, mùa cạn, nước sông trong xanh, hầu như không mang phù sa. Sông Lô còn tiếp thêm nước cho hệ thống thủy lợi Liễn Sơn qua trạm bơm Bạch Hạc.

- Sông Đáy: dài 41,5 km, chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch) ở bờ phải và xã Yên Dương (huyện Tam Đảo) ở bờ trái, chảy giữa huyện Lập Thạch và hai huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường, rồi đổ vào sông Lô, giữa xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) và xã Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường). Sông Đáy có lưu lượng bình quân là 23 m3/s; lưu lượng cao nhất là 833 m3/s; mùa khô kiệt, lưu lượng chỉ còn 4 m3/s. Sông Đáy cũng có lưu lượng phù sa như sông Lô (2,44 kg/m3) nhưng vai trò quan trọng nhất của sông Đáy là cung cấp nước cho hệ thống thủy nông Liễn Sơn dài 175 km, tưới cho 14.000 ha ruộng của các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Mê Linh.

- Sông Cà Lồ: là một phân lưu của sông Hồng. Nó tách ra khỏi sông Hồng ở xã Trung Hà (huyện Yên Lạc), dài 86 km theo hướng tây nam - đông bắc, giữa hai huyện Bình Xuyên và Mê Linh, vòng quanh thị xã Phúc Yên rồi theo đường vòng cung rộng phía nam hai huyện Kim Anh và Đa Phúc cũ, đổ vào sông Cầu ở thôn Lương Phúc, xã Việt Long (nay thuộc huyện Sóc Sơn - Hà Nội). Nguồn nước sông Cà Lồ ngày nay chủ yếu là nước các sông, suối bắt nguồn từ núi Tam Đảo, núi Sóc Sơn, lưu lượng bình quân chỉ 30 m3/s. Lưu lượng cao nhất về mùa mưa là 286 m3/s. Tác dụng chính của sông là tiêu úng vào mùa mưa lũ. Riêng khúc sông đầu nguồn cũ từ Vạn Yên đến sông Cánh đã được đắp chặn lại ở gần thôn Đại Lợi (Phúc Yên), dài gần 20 km, biến thành một hồ chứa nước lớn để tưới ruộng và nuôi cá.

- Sông Phan: bắt nguồn từ núi Tam Đảo, thuộc địa phận các xã Hoàng Hoa (huyện Tam Dương), Tam Quan, Hợp Châu (huyện Tam Đảo), chảy qua các xã Duy Phiên, Hoàng Lâu (huyện Tam Dương), Kim Xá, Yên Lập, Lũng Hòa, Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) theo hướng đông bắc - tây nam; vòng sang hướng đông nam qua các xã Vũ Di, Vân Xuân (huyện Vĩnh Tường) rồi theo hướng tây nam - đông bắc qua các xã Tề Lỗ, Đồng Văn, Đồng Cương (huyện Yên Lạc) đổ vào đầm Vạc (thành phố Vĩnh Yên), qua xã Quất Lưu chảy về Hương Canh (huyện Bình Xuyên), qua xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), nhập với sông Bá Hạ rồi đổ vào sông Cà Lồ ở địa phận xã Nam Viêm (thành phố Phúc Yên).

- Sông Cầu Bòn: bắt nguồn từ Thác Bạc trên núi Tam Đảo, đổ xuống làng Hà, xã Hồ Sơn hợp với suối Xạ Hương, suối Bàn Long thuộc xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), chảy từ phía bắc xuống phía nam qua các xã Gia Khánh, Hương Sơn, Tam Hợp rồi đổ vào sông Cánh, xã Tam Hợp, đều thuộc huyện Bình Xuyên. Sông Phan và sông Cầu Bòn hình thành nên một đường vòng cung, hai đầu nối vào sườn Tam Đảo. Vào mùa khô, mực nước hai con sông này rất thấp. Nhưng về mùa mưa, nước từ Tam Đảo trút xuống, không tiêu kịp vào sông Cà Lồ, thường ứ lại ở Đầm Vạc và làm ngập úng cả một vùng ruộng giữa hai huyện Yên Lạc, Bình Xuyên.

- Sông Bá Hạ: bắt nguồn từ suối Nhảy Nhót giữa xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên) và xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên), chảy giữa xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) và xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên) đến hết địa phận xã Bá Hiến, đầu xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), nhập với sông Cánh, chảy về sông Cà Lồ.

- Suối Cheo Meo: bắt nguồn từ xã Minh Trí (Sóc Sơn - Hà Nội), dài 11,5 km, đổ vào sông Cà Lồ ở xã Nam Viêm (Phúc Yên). Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn có nhiều đầm, hồ lớn, trong đó có tới 94 hồ lớn nhỏ với khả năng cung cấp nước tưới cho 33.500 ha đất canh tác nông nghiệp. Các đầm, hồ thiên tạo là: đầm Vạc (Vĩnh Yên), đầm Rưng, vực Xanh, vực Quảng Cư, đầm Kiên Cương (Vĩnh Tường), đầm Tam Hồng, đầm Cốc Lâm (Yên Lạc), hồ Đá Ngang, hồ Khuôn, hồ Suối Sải (Sông Lô), đầm Riệu (Phúc Yên)... Các đầm, hồ nhân tạo gồm: hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Tam Đảo), hồ Làng Hà (Tam Đảo), hồ Vân Trục (Lập Thạch), hồ Bò Lạc (Sông Lô)...

 Thủy văn ngầm

Đặc điểm của các tầng chứa nước trong lãnh thổ Vĩnh Phúc:

- Tầng chứa nước Proterozoi: được cấu tạo bởi các loại đá biến chất cao, chủ yếu là đá phiến gơnai, quaczit, amphibolit. Nước ở tầng này trong, chất lượng tốt, lưu lượng nhỏ. Tuy nhiên, ở những đới phá hủy, đập vỡ thì lưu lượng nước có thể đạt tới trên 5 lít/s. Tầng phá hủy của nó có nước chất lượng tốt, có thể làm nước giải khát.

- Tầng chứa nước Mezozoi: được cấu tạo bởi các loại đá phun trào Triat giữa và muộn cùng các thành tạo chứa than của hệ tầng Văn Lãng. Chất lượng nước không đều, có nơi bị nhiễm sắt, lưu lượng nước nhỏ.

- Tầng chứa nước Kainozoi: đây là tầng chứa nước quan trọng. Tuy nhiên, do vỏ phong hóa mỏng nên lưu lượng nước không lớn, đa phần chỉ sâu 4 - 5 m đã gặp đá gốc. Tầng chứa nước đứt gãy trong các đới phá hủy, nước tập trung với tiềm năng lớn, chất lượng tốt.

- Tầng chứa nước đứt gãy: được hình thành trên các đứt gãy, nước tập trung với tiềm năng lớn, chất lượng tốt.

Nhìn chung, nguồn nước ngầm phân bố không đều, chủ yếu ở vùng đồng bằng phía nam của tỉnh. Chất lượng nước ngầm khá tốt; tuy nhiên, tại một số nơi có nhiều nhà máy như các khu công nghiệp thì nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm, một vài chỉ tiêu như sắt, mangan cao cần phải xử lý.

Tại Vĩnh Phúc, trữ lượng nước ngầm tự nhiên gồm trữ lượng động tự nhiên và trữ lượng tĩnh tự nhiên. Trong đó, trữ lượngtĩnh tự nhiên (thể tích nước có trong tầng chứa nước) bao gồm: trữ lượng tĩnh phần đàn hồi và trữ lượng tĩnh phần động lực. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có thể tính trữ lượng tĩnh đàn hồi cho tầng Pleistocen. Theo kết quả tìm kiếm, thăm dò và đánh giá nước dưới đất ở khu vực đồng bằng tỉnh Vĩnh Phúc, trữ lượng tĩnh đàn hồi tính được khoảng 111,2 triệu m3.

Trữ lượng động tự nhiên là lượng nước chảy qua mặt cắt của tầng chứa nước trong một đơn vị thời gian. Ở Vĩnh Phúc, có thể phân ra hai vùng để tính trữ lượng động tự nhiên như sau:

Vùng đồi núi: chủ yếu phân bố các tầng chứa nước khe nứt. Do địa hình phân cắt mạnh bởi các hệ thống sông suối và mạng lưới xâm thực địa phương, nước dưới đất trao đổi mạnh, thoát hoàn toàn ra sông, suối.

Vùng đồng bằng: tại đây tồn tại một vài tầng chứa nước, song tầng chứa nước Pleistocen là tầng giàu nước và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Trên diện tích 770 km2 vùng đồi núi, các tầng chứa nước khe nứt Vĩnh Phúc có trữ lượng động tự nhiên là 137.356 m3/ngày.

Trên diện tích 600 km2 vùng đồng bằng, tầng chứa nước trầm tích có trữ lượng động tự nhiên là 210.470 m3/ngày.

Trữ lượng động tự nhiên nước dưới đất toàn tỉnh là 347.826 m3/ngày.

Cũng theo tài liệu cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh Vĩnh Phúc, trữ lượng tự nhiên (gồm trữ lượng động và trữ lượng tĩnh) ở các huyện đồng bằng tỉnh Vĩnh Phúc là 85,8 triệu m3. Trữ lượng động tự nhiên ở các huyện miền núi của tỉnh là 238.282 m3/ngày đêm. Trữ lượng động tự nhiên ở các huyện đồng bằng là 276.910 m3/ngày đêm.

Từ lâu, nước dưới đất đã được khai thác để phục vụ ăn uống và sinh hoạt trong tỉnh. Hiện nay, 80% số hộ dân đang sử dụng nguồn nước ngầm làm nước sinh hoạt, ăn uống. Nước được khai thác từ các giếng khoan, giếng đào.

Nước ngầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang được khai thác dưới 2 hệ thống chính:

- Hệ thống khai thác tập trung: là các công trình cấp nước tập trung cho vài trăm đến vài nghìn hộ sử dụng bằng khai thác nước dưới đất qua xử lý lắng lọc và được bơm đến từng hộ. Việc khai thác này do các nhà máy của Công ty Cấp thoát nước cấp cho dân cư thành phố, các thị xã, thị trấn và công trình khai thác nước tập trung của một xã. Hiện nay, Vĩnh Phúc có 2 nhà máy nước lớn là: nhà máy nước Vĩnh Yên (do Công ty Cấp thoát nước môi trường số I Vĩnh Phúc quản lý), công suất cấp nước 16.000 m3/ngày đêm với 17 giếng khoan công suất 12.000 m3/ngày đêm với 5 giếng khoan, trong đó, nước cấp cho sản xuất công nghiệp là 3.174 m3/ngày đêm.

 Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 35 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 14 công trình đang hoạt động. Các công trình tiêu biểu có thể kể đến như: công trình cấp nước sạch tại Thanh Lãng, Hương Canh (Bình Xuyên); Sơn Đông, Vân Trục, Quang Sơn (Lập Thạch); Quang Yên (Sông Lô); Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù (Tam Đảo); thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc); hệ thống cấp nước sạch xã Nam Viêm và dự án cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước tại phường Phúc Thắng (Phúc Yên).

- Hệ thống khai thác nhỏ: là phương thức khai thác nước bằng các giếng đào, giếng khoan lấy bơm tay, bơm điện phục vụ cho từng hộ riêng lẻ hoặc nhóm hộ. Hầu như toàn bộ các gia đình ở khu vực nông thôn chưa được cung cấp nước từ hệ thống khai thác tập trung mà đã tự động khoan, đào các giếng để lấy nước cho sinh hoạt hằng ngày.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan, tổ chức cũng sử dụng phương thức khai thác này để phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, lượng nước khai thác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 9.405 m3/ngày đêm, trong đó tập trung nhiều tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường.

Chất lượng nước ngầm ở các khu vực trên địa bàn tỉnh có sự khác nhau, cụ thể:

- Tại các khu đô thị và khu công nghiệp (thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên): chỉ số pH, Cl, Cu, Zn, Mn, Fe tại khu vực đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đều ở trong giới hạn cho phép hoặc dưới giới hạn cho phép rất nhiều. Điều đó chứng tỏ, công tác quản lý môi trường tại khu vực đô thị của tỉnh đang ngày càng tốt lên.

- Tại khu vực nông thôn và làng nghề (huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc, huyện Tam Dương): nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm và có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Một số chỉ tiêu ô nhiễm năm 2004 vượt quá Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) như chỉ số Cu của huyện Yên Lạc; chỉ số Mn của huyện Yên Lạc, Tam Dương; chỉ số pH của huyện Tam Dương. Tuy nhiên, các chỉ số này đã có xu hướng giảm về mức cho phép trong năm 2006.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số năm 2004 ở mức cho phép nhưng đến năm 2006 lại thay đổi theo hướng tiêu cực, vượt gấp nhiều lần QCVN như chỉ số Zn, Cu của Tam Dương.

Điều đáng tiếc là chất Cianua (CN) rất độc hại đã được phát hiện ở cả 3 huyện vào năm 2004. May mắn là tới năm 2006, hàm lượng chất này trong nước ngầm đã giảm đáng kể.

Chất lượng nước ngầm tại Vĩnh Tường, Yên Lạc có tính axit, chỉ số pH thấp hơn QCVN 09:2008/BTNMT.

Mặc dù theo Báo cáo Quan trắc hiện trạng môi trường hàng năm của tỉnh Vĩnh Phúc, chất lượng nước ngầm của tỉnh hiện nay vẫn ở mức sử dụng tốt và chưa bị ô nhiễm nặng nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vẫn cần phải đo lường, kiểm tra chất lượng nước thường xuyên và có hướng sử dụng, quản lý nguồn nước ngầm một cách thích hợp.

Tại các đô thị lớn như thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên, các vùng phát triển công nghiệp như Bình Xuyên, Tam Dương, nước ngầm có thể bị tác động mạnh do ảnh hưởng của chất thải sinh hoạt và công nghiệp trong khu vực nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Tại khu vực nông thôn, do điều kiện cấp nước tập trung chưa phát triển nên chất lượng nước ngầm sẽ bị tác động mạnh do gia tăng nhu cầu sử dụng nước dẫn tới việc phát triển mạnh các giếng khoan quy mô nhỏ. Việc khoan giếng không được kiểm soát và quản lý, các giếng khoan không có nước nếu không được trám lấp đảm bảo kỹ thuật sẽ dẫn tới nguy cơ nhiễm bẩn nguồn nước ngầm từ các chất thải bề mặt rất cao. Đặc biệt là tại các khu làng nghề tập trung và các vùng phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Nước ngầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được phủ một tầng phong hóa bở rời, nguồn cấp vật liệu cho nước ngầm chủ yếu từ nước mặt. Do vậy, các nguồn thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) gây ô nhiễm cho nước mặt như đã nói trên chính là các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đặc biệt là tại các vùng nông thôn chủ yếu dùng nước ngầm ở tầng nông.

THỔ NHƯỠNG(ĐẤT)

Do đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn như vậy nên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành các nhóm đất khác nhau, bao gồm:

- Nhóm đất phù sa: diện tích 29.830,15 ha, chiếm 21,75% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh, được phân bố ở tất cả các huyện, chủ yếu là Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Diện tích đất phù sa trên địa hình thấp trũng bị ngập nước quanh năm, sau một thời gian dài tích sét sẽ diễn ra quá trình khử mạnh mẽ trong điều kiện yếm khí, hình thành tầng đất glây điển hình.

- Nhóm đất cát: có thành phần cơ giới thô, hàm lượng hạt cát trên 70% ở hầu hết các tầng đất. Nhóm này được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ, lắng đọng các sản phẩm thô bị rửa trôi từ vùng đồi núi.

- Nhóm đất loang lổ: có một tầng chứa không dưới 25% đá ong non và dày trên 15 cm, ở độ sâu từ 0 - 50 cm hoặc đến độ sâu 125 cm khi nằm dưới một tầng bạc màu. Đất loang lổ có diện tích 11.887,3 ha, chiếm 8,67% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất xám: gồm đất phù sa cũ có sản phẩm feralitic, đất dốc tụ ven đồi. Đất xám có diện tích 42.435,27 ha, chiếm 30,9% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất tầng mỏng: thuộc tầng đất đồi, có độ dày tầng đất nhỏ hơn 30 cm, bên dưới là đá cứng liên tục hoặc tầng cứng rắn hoặc có tỷ lệ đất mịn trên 10% về trọng lượng trong tầng đất có độ sâu từ 0 - 75 cm. Đất này có diện tích 1.264,78 ha.

THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT

 Thực vật

Thảm thực vật ở Vĩnh Phúc thể hiện rõ trong nền cảnh chung của rừng nhiệt đới gió mùa. Đặc biệt Vĩnh Phúc còn có Vườn Quốc gia Tam Đảo; gần đây, qua khảo sát bước đầu, các nhà thực vật học đã thống kê được trong Vườn có 1.436 loài, thuộc 741 chi trong 219 họ của 6 ngành thực vật. Trong đó có 58 loài mang gen quý hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới1. Dựa vào sinh cảnh phân bố, có thể chia hệ thực vật ở Tam Đảo thành các loại: rảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Theo giá trị sử dụng, có thể chia hệ thực vật này thành các nhóm: cây cho tinh dầu, cây làm rau ăn, cây làm cảnh, cây cho gỗ, cây dược liệu, cây cho tinh bột, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm cây cho gỗ và cây dược liệu. Ở Tam Đảo còn có nhiều loài thực vật lần đầu tiên được thu thập và mô tả ở Việt Nam.

 Động vật

Hệ động vật ở Tam Đảo rất phong phú về thành phần loài, với khoảng 1.141 loài, thuộc 150 họ của 39 bộ. Trong đó, 64 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn, 16 loài đặc hữu, 18 loài có tên trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán.

Trong đó, lớp lưỡng cư có 19 loài, đặc biệt, loài cá cóc Tam Đảo thuộc những loài động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ. Lớp bò sát có 46 loài, trong đó tắc kè, kỳ đà, thằn lằn là những loài có số lượng lớn. Lớp chim nhiều hơn cả, có tới 158 loài, trong đó có nhiều loại quý như gà lôi trắng, gà tiền. Lớp thú có 58 loài; các loài lớn như gấu, hổ, báo...; các loài nhỏ như cầy, sóc, chuột, hươu, hoẵng...; một số có giá trị khoa học cao như cheo cheo, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch...

Trong các loài động vật ở rừng Tam Đảo, có 47 loài được xem là quý hiếm, trong đó có loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Vườn Quốc gia Tam Đảo là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu. Với độ che phủ rừng chiếm 90% diện tích, có thể coi Vườn Quốc gia Tam Đảo là kho dự trữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm của nước ta, và là điểm du lịch hấp dẫn.