Bãi biển Thiên Cầm: Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung hay giống cây đàn cầm, có tới 3 bãi tắm, bãi chính dài 3 km đẹp, bãi khác dài khoảng 10 km, bãi cát trắng thoai thoải phẳng ít lồi lõm, nước biển xanh trong vắt màu ngọc bích, có thể nhìn xuống tận đáy, bờ biển thoai thoải, có thể tắm ở xa bờ hơn 100 m, nước biển có độ mặn rất cao.
Hòn Bớc: Những du khách hiếu kỳ, ưa mạo hiểm có thể đi thuyền ra đảo Bớc với bãi đá kỳ thú, tuyệt đẹp để bạn tung tăng dạo chơi giữa biển trời mênh mông này, cát và đá vươn ra biển nhẹ nhàng, thoai thoải, du khách có thể đắm chìm trong làn nước xanh mát.
Núi Thiên Cầm: Núi không cao, lại nằm kề biển tạo thành một nơi sơn thủy hữu tình. Cách chân núi một trảng cát là chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13, một di tích đã được nhà nước xếp hạng, nơi có bộ tranh “Thập điện Diên Vương” nổi tiếng.
Chùa Cầm Sơn: Chùa Cầm Sơn tọa lạc trên đỉnh núi. Chùa có lối kiến trúc đơn giản, bao gồm 1 nhà Tổ, khu nhà Tăng và gian thờ chúng sinh; hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có ý nghĩa lịch sử. Năm 2010, với sự công đức các nhà hảo tâm và đông đảo bà con Phật tử nhà chùa đã tổ chức đúc chuông đồng với trọng lượng gần 1 tấn. Con đường từ chân núi lên đến Chùa là chuỗi bậc thang 405 bậc được xây và lát đá chạy vòng theo sườn núi, thuận tiện cho việc đi lại hành hương của khách thập phương.Chùa Yên Lạc: Chùa Yên Lạc thuộc xóm Chùa, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Chùa hướng về phía tây nam, sát tỉnh lộ 14, phía đông bắc là biển cả. Chùa Yên Lạc sau một số lần trùng tu tôn tạo đến nay về cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng một số công trình kiến trúc cổ. Tam quan, Hạ điện, Trung và Thượng điện được bố trí thẳng hàng theo một trục chính, nền cao dần về phía sau. chính giữa là mặt nguyệt lồng ba chữ “Yên Lạc Tự”, gian phải treo một chuông đồng nặng trên 80 kg, gần đỉnh chuông đúc 4 chữ nổi ” Yên Lạc tự chung” có niên hiệu Cảnh Thịnh.
Khu du lịch Đồng Nôi: Được xây dựng trên diện tích hơn 40 ha đất cát, khu du lịch sinh thái Đồng Nôi – Thiên Cầm của Mitraco Hà Tĩnh nằm cách biển Thiên Cầm 1km, cách QL1A hơn 10km. Đến với Đồng Nôi, du khách có thể trượt cát, đi xe mô tô địa hình, tham quan khu vực đầm sen, câu cá, đi cầu tre, cầu khỉ, chụp ảnh với cánh đồng hoa hướng dương và trực tiếp trồng rau, thưởng thức trái cây tại vườn chợ nông sản, ẩm thực…
Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng, v.v… Đây là khu hệ thực vật phong phú đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, luồng thực vật Indonesia – Malaysia và luồng thực vật Hymalaya.
Hồ Kẻ Gỗ: Hồ Kẻ Gỗ là một hồ chưa nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, hiện là hồ nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình nhân tạo, nó mang tính chất phục vụ thuỷ lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh 70 km về phía nam. Hồ dài gần 30 km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước.
Chợ cá Cửa Nhượng: Dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam, du khách sẽ đến với chợ cá Cửa Nhượng có tuổi đời trên một trăm năm với nghề làm mắm. Ghé thăm nơi này, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của những người dân làng chài, hòa mình vào buổi chợ sớm khi chuyến tàu thuyền đầy cá.
Hải đăng Cửa Nhượng: Hải đăng Cửa Nhượng cao 15 m, nằm ở bờ Nam cửa Nhượng thuộc xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên. Từ biển Thiên Cầm đi qua cầu Cửa Nhượng, quẹo trái dọc bờ biển là có thể đến hải đăng Cửa Nhượng. Phía dưới hải đăng nhiều bãi tắm của dân địa phương rất đẹp và vắng. Quang cảnh từ hải đăng nhìn ra biển vô cùng rộng lớn, đặc biệt khi chiều xuống, mặt trời lặn dần, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên tuyệt đối ở vùng đất Hà Tĩnh này.