Top 10 Điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Hà Nam

Hà Nam là vùng chiêm trũng cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với khí hậu dễ chịu, thiên nhiên ưu ái. Hà Nam không chỉ nổi tiếng với nền văn hiến lâu đời, khung cảnh hữu tình, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nguyên sơ mà còn nổi tiếng bởi nhiều lễ hội truyền thống đậm bản sắc dân tộc. Khi các địa điểm du lịch, dã ngoại cuối tuần gần Hà Nội như Mai Châu, Tam Đảo, Ba Vì... đang dần trở nên quen thuộc thì du lịch Hà Nam chính là một lựa chọn mới mẻ hấp dẫn rất đáng để bạn lưu tâm. Hà Nam không những thu hút du khách bởi nhiều địa danh đẹp mà đây còn là một địa điểm du lịch tâm linh đầy hứa hẹn. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất của mảnh đất Hà Nam.


1

Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. Chùa Tam Chúc sở hữu một vị trí vô cùng đắc địa. Phía sau chùa là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Nhạc. Trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà ông trời đã ban cho nơi đây. Ngay sau khi bước chân vào cổng du lịch chùa Tam Chúc thì điện Tam Bảo sẽ là công trình đầu tiên mà bạn nhìn thấy. Điện Tam Bảo có diện tích rất lớn lên đến 5100 m2 và có thể chứa được cùng một lúc khoảng 5000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật được làm bằng đồng. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một cánh sen dát vàng. Bên trong khu vực này có đặt một bức tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn. Đây cũng là bức tượng Phật lớn nhất tại Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Tại vườn Kinh người ta đặt 99 chiếc cột được làm bằng đá. Mỗi chiếc cột tại đây có trọng lượng lên tới 200 tấn và cao 13,5m. Trên mỗi cột đinh lại được khắc những bài kinh để du khách đến đây tham quan có thể vừa ngắm nhìn, vừa tụng kinh cầu nguyện.

Cảnh quan ở khu du lịch Tam Chúc rất độc đáo và đa dạng. Lòng Hồ ở khu du lịch này có 6 quả núi giống hình cái chuông, bảy ngọn núi cao tương ứng với 7 ngôi sao sáng. Khu du lịch này là vùng ngập nước núi đá vôi có rất nhiều di tích như động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, động Lim, Đồng Đề Yêm, động Chùa… Khu du lịch này cũng rất gần với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác như : chùa Hương (cách 3km đường núi), Tràng An, Cúc Phương, Bái Đính…Đây cũng là điểm nối quan trọng giữa chùa Hương với khu bảo tồn Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc Bích Động…Chùa Tam Chúc hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng vì vậy không thể tránh được ồn ào và khói bụi. Chính vì thế theo kinh nghiệm du lịch chùa Tam Chúc thì bạn nên mang theo khẩu trang cũng như mũ nón đầy đủ nhé. Nếu mang theo con nhỏ thì bạn cần tuyệt đối để mắt đến chúng và giữ an toàn nhé. Chùa thường mở cửa cho đến tận 9h tối để đón du khách vào tham quan.

Địa chỉ: Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.

Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc

2

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung. Nhắc đến Hà Nam, nhiều người có thể biết đến ngôi làng sinh ra “Chí Phèo - Cụ Bá Kiến” và là quê hương của cố nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Khuyến… Nhưng ít ai biết rằng, một địa danh đã nổi tiếng là chùa Bà Đanh với câu cửa miệng được truyền trong dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh”, cũng tọa lạc ở Hà Nam. Chùa Bà Đanh có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.

Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về tên gọi chùa Bà Đanh, theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Hiện nay, chùa Bà Đanh với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên cùng với hệ thống các bến thuỷ dọc dài sông Đáy từ ngã 3 Hồng Phú, thành phố Phủ Lý sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thuỷ và đường bộ, khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Địa chỉ: Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.

Quang cảnh trước Chùa Bà Đanh
Quang cảnh trước Chùa Bà Đanh
Cổng vào Chùa Bà Đanh
Cổng vào Chùa Bà Đanh

3

Đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang còn có tên gọi khác là Lảnh Giang linh từ, nằm trên thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Ngôi đền này thờ 3 vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa. Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ (hệ thống thờ Đạo Mẫu Việt Nam). Diện tích đền vào khoảng 3.000 m2, quanh đền không có núi đồi nhưng lại biêng biếc với màu xanh của rừng nhãn, bến nước, đầm sen, phảng phất hào khí của một miền địa linh nhân kiệt, phồn thịnh êm đềm. Cửa đền nhìn hướng ra là dòng sông Nhị Hà hay Sông Hồng. Phía Tây đền cách khoảng 300m là màu xanh của lúa, bảng lảng khói lam chiều, thấp thoáng đền thở Đức Vua (vua Lê). Giáp xã Mộc Nam về phía bắc Lảnh Giang, thôn Yên Từ, Mộc Bắc trầm mặc ngôi đền thờ Ngọc Hoa công chúa, em gái Tiên Dung. Phía nam giáp làng Nha Xá, đình thờ Trần Khánh Dư, vị tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công đánh giặc Nguyên Mông trên chiến tuyến Vân Đồn (Quảng Ninh). Tam quan đền được xây theo kiểu chồng diêm tám mái, các đầu đao cong vút theo hình đầu rồng đắp nổi, đan xen mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Đằng trước Tam quan là hồ bán nguyện với nước hồ phẳng lặng như bàn ngọc thạch bày lên những đóa hoa súng đỏ tươi.

Giữa hồ có hồn bảo tháp đứng trang nghiêm được nối với đền bằng chiếc cầu cong tạc theo lưỡi long hướng địa, ẩn hiện dưới bóng cây si già hàng ngàn năm tuổi. Đền Lảnh Giang được xây dựng theo thiết kế nội công ngoại quốc bao gồm 3 tòa, 14 gian hai bên có nhà khách, lầu thờ và 4 bên có tường gạch bao quanh. Trong đền thờ tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Đền còn vinh dự giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án. Đền Lảnh Giang còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, tọa lạc tại thôn Từ thị trấn Đồng Văn, theo quốc lộ 60A đi 8km đến ngã ba thị trấn Hòa Mạc, rẽ trái đi 5km đến bến đò Yên Lệnh, ngược bờ đê sông Hồng 3km là tới đền. Hiện nay, ngôi đền này vẫn chưa xác định được thời gian xây dựng. Qua năm tháng khắc nghiệt của thời gian, ngôi đền bị mai một nhưng lại được nhân dân địa phương xây dựng thờ cúng, ngôi đền có quy mô và bề thế như hiện nay.

Địa chỉ: Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam.

Đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang
Bên trong Đền Lảnh Giang
Bên trong Đền Lảnh Giang

4

Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

Đền Trúc nằm trong rừng trúc cổ từ thời Nhà Lý và được xây dựng trong khoảng năm 1069 khi Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành đại thắng trở về. Đền Trúc nằm bên bờ Sông Đáy chảy hiền hòa bao quanh Núi Cấm. Nhìn từ cổng vào khá là đơn sơ, nhưng khi bước chân trên con đường thẳng tắp dưới hàng trúc xanh mướt. Bạn sẽ cảm thấy nó thân thương, hiền hòa như tiên cảnh. Bạn sẽ đi vào cửa ngách của đền tuy nhiên hãy chú ý đi ra mặt Sông Đáy cửa chính mới là ở đó. Chính giữa là mặt trời, 2 con vơi đang vươn mình ở hai bên. Vào đền có cửa tả và cửa hữu đều nhìn ra sông, mặt trong là bạch mã và xích mã oai phong. Giữa sân là hai cây sanh cổ thụ che bóng mát. Sân Đền được lát bằng gạch bát đỏ. Mới bước vào sân đã nghe thấy tiếng gọi trầm ấm của Cụ Từ. Toàn cảnh Đền Trúc trầm mặc rêu phong dưới bóng cây. Chính gian thờ Lý Thường Kiệt, phía hậu cung thờ Mẫu hậu và Công chúa. Phía sau điện thời là đôi Cụ Rồng chầu ở giữa có bể nước bằng đá nguyên khối đã gần 1000 năm tuổi. Đền Trúc rất linh thiêng chính vì vậy các bạn tới tham quan đền nên thành tâm và chắc chắn sẽ được linh ứng.

Ngũ động Thi Sơn gồm có 5 động thông với nhau. Với kiến tạo địa chất của núi đá vôi hàng triệu năm tạo nên những hình thù tượng hình rất đặc sắc. Ở Động thứ nhất là ban thờ, hai bên có kỳ lân và đại bàng đang chầu. Qua một cánh cửa sắt con đường dẫn sang động thứ 2, 3 nhỏ hơn và cũng hơi khó đi. Động thứ 4 là nơi rộng nhất, ở đây có thể chứa được hàng nghìn người. Ở điểm cao nhất là ban thờ Phật Di Đà huyền bí. Với góc nhìn và trí tưởng tượng ta sẽ thấy vô số kiệt tác của tự nhiên như: hình bầu sữa mẹ, nồi cơm mở vung, hình con voi, con rùa… Màu sắc, độ xốp, da nhũ… cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật. Thời Kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.

Địa chỉ: Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.

Toàn cảnh Ngũ Động Thi Sơn nhìn từ trên cao
Toàn cảnh Ngũ Động Thi Sơn nhìn từ trên cao
Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn
Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

5

Bát Cảnh Sơn

Bát Cảnh Sơn là khu di tích nằm trên xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam và một phần trên dãy Hương Tích, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Với hình sông thế núi ấy cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính uy nghiêm, nơi đây từ xưa được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Quần thể Bát Cảnh Sơn bao gồm; Đền Tiên Ông (đền Ông), chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Cả, chùa Vân Mộng... Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với những dấu tích xưa còn lại, quần thể Bát Cảnh Sơn được nghiên cứu đầu tư xây dựng để sớm đưa nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái - văn hoá hấp dẫn của Hà Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ 16, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn.Xưa kia, ở Bát Cảnh Sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành, cũng từ đó cái tên Bát Cảnh Sơn đã được đặt cho nơi đây. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là do thời gian và chiến tranh tàn phá, thắng cảnh Bát Cảnh Sơn đã bị phá hoại đi rất nhiều. Trong số 8 ngôi chùa, miếu thờ chỉ còn lại 3 ngôi chùa còn nguyên vẹn, đó là đền tiên ông và chùa Tam Giáo, chùa Ông. Từ chùa Kiêu, vượt qua đường đèo và những sườn núi cheo leo là đến chùa Vân Mộng, tương truyền chùa Vân Mông là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và trụ trì. Tục truyền, vua nhà Lý bị đau mắt không phương thuốc nào chữa được. Nhà Vua nghe tin tại chùa Vân Mộng có Quỷ Cốc tiên sinh thông tuệ thiên địa bèn đến cầu, quỷ cốc tiên sinh cho rằng nhà vua đau mắt là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, cần có người hiến tế thì nhà vua mới khỏi bệnh. Sau có ông bà bán dầu Vũ Phục nhảy xuống sông, quả nhiên nhà vua lành mắt. Ngôi chùa cũng đã đi vào sách vở với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ.

Địa chỉ: Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam.

Bát Cảnh Sơn có phong cảnh hữu tình làm đắm say lòng người
Bát Cảnh Sơn có phong cảnh hữu tình làm đắm say lòng người
Chùa Tam Bảo - một trong Bát Cảnh Sơn
Chùa Tam Bảo - một trong Bát Cảnh Sơn

6

Từ đường Nguyễn Khuyến

Khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam. Vị trí cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 15km theo QL 21A về phía Đông Nam. Khu Từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT - DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Về thân thế, sự nghiệp của “Tam nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến, ông sinh năm 1835, mất năm 1909. Ban đầu có tên là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo (cha ông đỗ ba khóa tú tài, dạy học), bản thân Nguyễn Khuyến thông minh, chăm học và học giỏi. Năm 1864, ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Ðịnh, năm 1871, ông đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi Ðình đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi ông là “Tam nguyên Yên Ðổ” (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ).

Nguyễn Khuyến làm quan ở nội các Huế, rồi làm Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, rồi Biện lý Bộ Hộ... Thời gian ông ra làm quan, Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ và tiến đánh ra miền Bắc. Sống giữa bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân, Nguyễn Khuyến không thể làm được gì để thay đổi thời cuộc nên xin cáo quan về ở ẩn. Các sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm, đáng kể hơn hết là “Quế Sơn thi tập” khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán. Sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba nội dung: Bộc bạch tâm sự của mình; viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương - một vùng đồng chiêm nghèo ở Bắc Bộ, chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội lúc bấy giờ... Từ đường Nguyễn Khuyến đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá, nhiều năm nay là địa điểm du lịch, một điểm tham quan của các nhà nghiên cứu để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ.

Địa chỉ: Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam.

Cổng vào từ đường
Cổng vào từ đường
Bên trong từ đường
Bên trong từ đường

7

Đình đá Tiên Phong

Đình đá Tiên Phong thờ Nguyệt Nga công chúa - nữ tướng của Hai Bà Trưng, đây là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ nguyên vẹn được cho đến ngày nay. Khách du lịch đến tham quan đình sẽ được chiêm ngưỡng những mảng chạm khắc nghệ thuật hết sức công phu, tạo cho đình một vẻ mềm mại, sống động, hấp dẫn. Đình thờ Nguyệt Nga công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Nga, quê ở làng An Mông (còn có tên là làng Mống). Do bà không chịu làm tì thiếp cho Tô Định tham tàn bạo ngược nên bố mẹ bà đã bị giết hại. Nợ nước cộng với thù nhà khiến bà chiêu mộ binh sĩ, lấy mảnh đất quê hương làm căn cứ địa chiến đấu. Hiện nay ở An Mông còn có cánh đồng gọi là Đồng Binh nằm trong bãi sậy, tương truyền là nơi căn cứ địa khi xưa của bà. Năm 40, bà cùng vài nghìn nghĩa quân tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của quan lại nhà Hán. Sau khi giành được chính quyền, Hai Bà Trưng phong cho bà là Nguyệt Nga công chúa, cử làm quan tại phủ Lý Nhân. Bà về quê, mở tiệc ăn mừng, lập sinh từ ở bên sông để sau này làm nơi hương khói thờ phụng. Mảnh đất lập sinh từ ấy đến nay vẫn còn ở khu bãi đồi ven sông Châu. Bà còn dạy dân trồng dâu chăm tằm, dệt vải nên người dân nơi đây tôn bà là bà tổ của nghề dâu tằm.

Đình đá Tiên Phong là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ được đến ngày nay. Đình phải sử dụng hàng trăm khối đá vừa to, vừa dày mới có thể tạo thành năm hàng cột, 6 vì và nhiều xà ngang, xà dọc, chân tảng, mê cốn. Điều đặc biệt là trên các bộ phận bằng đá dễ tạo cảm giác nặng nề đó là các mảng chạm khắc nghệ thuật công phu, tạo cho đình vẻ mềm mại, sự sống động, hấp dẫn. Toà tiền đường của ngôi đình nổi bật với hệ thống cột đá lớn nhưng được thiết kế theo kiểu búp đòng thật mềm mại. Câu đối trang trí ở riềm hai bên, tại phần trên đầu hoặc dưới chân đều chạm những họa tiết hoa cách điệu, như cảnh sen quy, hoa chanh chữ thọ, phượng múa long mã hoặc những cành đào, chùm lựu rất sinh động. Mỗi câu đối còn chạm nổi hình con dơi, dang rộng đôi cánh như cắn lấy vế câu đối có nội dung rất đẹp, cầu phúc cho quê hương. Bốn đại trụ ở hai vì chính giữa được chạm nổi hình rồng cuốn thủy, với những khúc uốn lượn mềm mại, những lườn cây theo nhiều kiểu tự nhiên, cùng với râu tóc, dòng nước bị cuốn trong miệng, hình ảnh con cá chép cong mình như đang bơi theo dòng nước trông tự nhiên. Nghệ nhân quả đã khéo léo dung hoà giữa tả chân và cách điệu, lại đục chạm, tỉa từng chi tiết rất công phu. Hai đường cột quân có đường kính 35cm, được tạo dáng bố cục trang trí những băng lá lật cách điệu rất nghệ thuật.

Địa chỉ: Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam.

Đình Đá Tiên Phong
Đình Đá Tiên Phong
Đình đá Tiên Phong (Ảnh minh họa)
Đình đá Tiên Phong (Ảnh minh họa)

8

Chùa Địa Tạng Phi Lai

Ẩn mình trong núi An Nhiên, chùa Địa Tạng Phi Lai có không gian vô cùng tuyệt mỹ đẹp tựa như một thước phim điện ảnh. Nếu ai đã từng đặt chân đến nơi này, ắt hẳn sẽ không thể nào quên được khung cảnh nên thơ mà huyền diệu ấy. Ngôi chùa vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận. Chùa Địa Tạng Phi Lai (tên Nôm còn gọi chùa Đùng) tọa lạc ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm đang dần trở thành điểm nhấn về du lịch tâm linh ở Hà Nam. Về quy mô, chùa có Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử. Cả quần thể ngôi chùa nhìn từ xa ẩn mình và được che chở giữa rừng thông. Ngôi chùa vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận. Hiện nay, chùa thường xuyên thu hút đông đảo du khách tìm đến để thưởng ngoạn cảnh quan cũng như đi tìm lại những khoảnh khắc thanh bình trong góc khuất tâm hồn giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ thanh vắng...

Theo lời kể của những người lớn tuổi trong thôn, chùa Đùng được xây dựng vào Thế kỷ 11 với quy mô hơn 100 gian. Đã có khoảng thời gian vua Trần Nghệ Tông chọn chùa Đùng làm nơi ở ẩn và vua Tự Đức cũng chọn nơi này đến cầu tự. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Địa Tạng Phi Lai tựa lưng vào núi, núi mang thế ngai vàng, hai bên là tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ, xung quanh là muôn vàn bóng thông reo, cối mọc hoang um tùm khiến ngôi chùa dường như bị lãng quên, xuống cấp nghiêm trọng. Du khách lần đầu đến thăm chùa sẽ không khỏi bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa đều được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. Cách bài trí của ngôi chùa khác biệt so với những ngôi chùa khác. Ngay trước khu Tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Dạo trong khuôn viên chùa, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến cho lòng người trở nên thanh thoát.

Địa chỉ: Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam.

Toàn cảnh Chùa Địa Tạng Phi Lai
Toàn cảnh Chùa Địa Tạng Phi Lai
Chính điện chùa Địa Tạng Phi lai
Chính điện chùa Địa Tạng Phi lai

9

Đền Lăng

Xã Liêm Cần nay, vùng đất Bảo Thái xưa là nơi ghi dấu ấn lịch sử thời kỳ hoạt động quân sự buổi đầu của Lê Hoàn. Đây không chỉ là đất khởi nghiệp mà còn là quê nội của ông. Dấu ấn sâu đậm nhất cho nhận định này hiện rõ ở lịch sử và những nhân vật thờ tại đền Lăng thôn Cõi, nay là thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần (Thanh Liêm). Đền nằm dưới chân núi Lăng. Nhân dân địa phương truyền tụng, giữa núi Lăng có khu đất bằng phẳng là nền nhà của Lê Lộc - ông nội Lê Hoàn và cũng là nơi Lê Hoàn lớn khôn trở lại quê hương mở trường dạy học, tìm người cùng chí hướng. Nơi đây sau khi Lê Hoàn mất được người dân xây đền thờ phụng, gọi là đền Trung. Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian chiêu hiền, nạp sĩ cũng đã về vùng Bảo Thái xưa lập căn cứ, tuyển quân, huấn luyện binh sĩ. Sau khi lên ngôi vua, đỉnh núi Lăng là nơi lập sinh từ của ông và sau này nhân dân lập đền thờ vua trên đỉnh núi Lăng, gọi là đền Thượng. Đền Trung, đền Thượng đến nay không còn, chỉ còn đền Lăng hay còn gọi là đền Hạ nằm dưới chân núi. Đền thờ 4 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều, 2 vị nhân thần là Tướng quân Nguyễn Minh cùng vợ là bà Nhữ Đê phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn và một vị thiên thần là Thiên Cương Đại Vương.

Là di tích quan trọng trong hệ thống thờ các vị vua triều Đinh, Tiền Lê, đền Lăng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong phạm vi các tỉnh thuộc Hà Nam Ninh xưa. Cụm di tích này đã được tỉnh quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tâm linh, phát triển du lịch. Hiện nay, dự án bảo tồn, tôn tạo đền Lăng; phục dựng đền Trung, đền Thượng bảo tồn, tôn tạo và phục dựng mả Dấu nằm trong giai đoạn I dự án quy hoạch chi tiết điểm du lịch Di tích lịch sử đền Lăng đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai. Trong các di tích, hiện mả Dấu đã được tu sửa, phục dựng khá hoàn chỉnh. Đây là ngôi mộ của cụ Lê Lộc, ông nội Lê Hoàn, bị hổ trắng là con nuôi tưởng nhầm là người trộm đó vồ chết. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đình Lợi (nguyên cán bộ Sở VH,TT&DL), chữ “Dấu” ở đây theo quan niệm dân gian của người Việt cổ, được hổ chôn - hổ táng và người chết sau khi táng mà mộ được đất đùn lên to khác thường thì đó được coi là mộ phát. Mả Dấu với nghĩa chìm sâu trong chuyện kể làng Bảo Thái là in dấu buổi đầu sự phát tích của nhà Tiền Lê. Theo nghĩa này, hành vi của hổ trắng không còn là sự che giấu lỗi lầm nữa mà chính là làm nên điềm lành trong tự nhiên của vùng Bảo Thái, hay ý chỉ hồn thiêng sông núi nơi đây.

Địa chỉ: Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam.

Đền Lăng
Đền Lăng
Chính điện Đền Lăng
Chính điện Đền Lăng

10

Đền Trần Thương

Đền Trần Thương thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng trên gò Miễu với thế “Hình nhân bái Tướng” vào năm 1783 với kiến trúc mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Tương truyền nơi đây đã từng là kho lương của Nhà Trần và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên vào thế kỷ 13. Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo quy mô, bề thế nhất tỉnh Hà Nam, là một công trình mang giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của Hà Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Đền Trần Thương mang kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao uốn cong, nghi môn ngoại gồm 3 cửa: cửa chính (lớn) nằm giữa và hai cửa phụ (nhỏ) nằm hai bên. Tầng dưới cửa chính uốn hình vòm cuốn, trang trí họa tiết hoa sen, hoa cúc... Tầng trên cũng uốn hình vòm cuốn nhưng nhỏ hơn, bên trong đặt một quả chuông. Hai bên cổng phụ có đắp nổi đôi ngựa rất đẹp. Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, đền Trần Thương hiện vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị như hương án, sập thờ bằng đá, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn…đặc biệt là chiếc kiếm bạc có vỏ bằng chất liệu đồi mồi quý hiếm. Kiếm được cất giữ cẩn thận, chỉ mang ra thờ vào những dịp lễ hội.

Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong, cung đầu tiên là cung Đệ tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách. Cung Đệ tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”. Tiếp đến là cung Đệ nhị, ban giữa thờ bá quan văn võ Trần Triều và gia tộc của Đức Thánh Trần, hai bên tả và hữu thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ nhị gồm năm gian, được xây cao hơn cung Đệ tam, lợp ngói ống cung đình đời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán. Cung cuối cùng là cung Đệ nhất (hay còn gọi là Cung cấm). Ban giữa cung Đệ nhất thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm ba cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Địa chỉ: Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam.

Đền Trần Thương
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương

chúng tôi hy vọng rằng, với phong cảnh non nước hữu tình của những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của mình, Hà Nam sẽ khiến du khách có một cái nhìn mới, lựa chọn mới trong những chuyến hành trình du xuân để được hòa mình vào những vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ mà bình dị, đưa chúng ta trở về với những vùng quê cổ kính, thanh bình và yên ả, từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa, thành hơi thở trong cuộc sống của không chỉ người dân Hà Nam mà của cả dân tộc Việt Nam chúng ta.

Danh mục: Du lịch
Nguồn: toplist