Nếu bạn thích hình thức du lịch tự túc, phượt hay leo núi nhưng không có nhiều thời gian thì núi Chứa Chan chính là một địa điểm phù hợp với bạn. Núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 110 km. Đây là ngọn núi cao thứ hai Nam Bộ với chiều cao 83 m. Núi Chứa Chan còn có tên gọi khác là núi Gia Lào hoặc Gia Ray, đỉnh núi có hình bát úp, địa thế tương đối bằng phẳng, đôi chỗ có các bãi đá và vách núi tương đối cao. Trên núi không có nhiều cây các loại cây rừng mà chủ yếu là các loại cây bụi thấp, cỏ, tre hoặc trúc nên tầm nhìn rất thoáng và dễ đi, rất thích hợp cho những ai mới bắt đầu tập leo núi.
Để đến núi Chứa Chan, hãy đi theo Quốc lộ 1 hướng về Đồng Nai, đến ngã ba Dầu Giây thì chạy thẳng (bạn cũng có thể đi cao tốc Long Thành-Dầu Giây để tiết kiệm thời gian), đi tiếp khoảng 25 km tới ngã ba Ông Đồn thì rẽ tay trái vào đường Hùng Vương, tiếp tục đi thêm khoảng 1 km đến công viên 9/4 là bạn đã đến được chân núi Chứa Chan. Đến đây, bạn có thể lựa chọn ba đường lên núi:
Một là: leo núi theo đường dây điện, tức là đi men theo các cột điện để leo lên núi. Đây là con đường dành cho những người thích tự mình chinh phục đỉnh núi Chứa Chan. Lên núi bằng đường này bạn sẽ có cơ hội ngắm cảnh đẹp trải dọc theo sườn núi và quan sát cuộc sống của người dân trên núi. Đi với tốc độ trung bình thì bạn sẽ chỉ mất khoảng ba tiếng là đã có thể lên đến được đỉnh núi. Nếu xác định sẽ lên núi bằng con đường này, bạn nên mặc trang phục phù hợp, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ leo núi cũng như nước uống và đồ ăn để tránh bị thương hay kiệt sức trong chuyến đi.
Con đường thứ hai là lên núi bằng đường cầu thang. Từ chân núi lên đến đỉnh núi có một con đường là các bậc thang dành cho những người hành hương lên các chùa trên núi. Con đường này được xây dựng cắt ngang qua những ngôi chùa lớn và các thắng cảnh trên núi như chùa Bửu Quang, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn, nhà nghỉ mát của toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại... Con đường này rất thích hợp cho những ai thích hành hương, có sức khỏe tương đối và muốn tham quan các công trình kiến trúc trên núi.
Con đường thứ ba là đi cáp treo lên núi, giá cáp treo là 160.000đ với người lớn và 90.000đ với trẻ em. Lên núi bằng cáp treo sẽ cho bạn một góc nhìn toàn cảnh về núi chứa chan cũng như các khu vực quanh núi. Con đường này rất thích hợp với những gia đình có con nhỏ, các bạn không có sức khỏe tốt hay người cao tuổi muốn đi thăm chùa.Khi đã lên đến đỉnh núi, bạn có thể ghé thăm chùa Bửu Quang, đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở núi Chứa Chan với cây đa cổ thụ ba gốc linh thiêng và giếng Tiên mà người dân ở dây tin là không bao giờ cạn. Quanh chùa còn có nhiều con suối với dòng nước mát lành, rất thích hợp để nghỉ chân và tận hưởng phong cảnh từ trên đỉnh núi.
Nếu muốn ở lại trên núi qua đêm, bạn có thể xin ngủ lại trong khu vực dành cho khách hành hương tại các ngôi chùa hoặc tự dựng lều trại trên núi vì địa thế của núi chứa chan khá bằng phẳng, rất thích hợp cho việc dựng trại. Dưới chân núi cũng có khá nhiều nhà nghỉ với giá cả phải chăng. Nếu đã đến đây, đừng quên thưởng thức các món thịt dê đặc sản của vùng này, gía chỉ khoảng 100.000đ/ dĩa cho bốn người ăn, rất hợp lí.