Làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh) nằm cách trung tâm huyện Tiên Phước (Quảng Nam) khoảng 5km về hướng nam, có 184 hộ dân đang sinh sống. Những năm gần đây, nơi này là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan
Theo những vị cao niên ở làng cổ Lộc Yên, làng được hình thành từ nửa cuối thế kỷ 18 (thời Tây Sơn), do ông Nguyễn Công Tuyết, người Tam Kỳ đưa dân đinh về chốn này khai cơ lập nghiệp, tạo dựng nên làng Lộc An, sau đổi thành Lộc Yên ngày nay. Làng tọa lạc trong một thung lũng hình tròn khá đẹp, bao bọc xung quanh bởi các dãy núi Rừng Cấm, Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm… Dưới các chân núi có các sông suối Đá Giăng, Vực Dài, Đồng Rộc và các con mương “dẫn thủy nhập điền” bao bọc lấy ngôi làng. Với địa hình như vậy, khí hậu ở làng cổ mát mẻ, cây cối xanh tốt quanh năm. Những năm gần đây người dân trong làng trồng các loại cây ăn quả trong vườn nhà, phong cảnh vốn đã nên thơ lại càng thêm hữu tình. Từ UBND xã Tiên Cảnh, rẽ vào nhánh đường bê tông khoảng 1km là vào đến làng Lộc Yên. Con đường này cũng chia làng thành hai xóm, bên trái là Gò Tròn, bên phải là Hòn Ngang. Dọc hai bên đường chính dẫn vào làng là những hàng cây xanh được trồng che mát lối đi, bên dưới trồng hoa lan huệ khoe sắc thắm khi mùa hạ sang…
Làng cổ Lộc Yên hiện còn 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm, làm bằng gỗ mít, loại cây ăn quả chủ yếu ở vùng quê Tiên Phước, theo kiểu 3 gian 2 chái. Ngôi nhà cổ lớn nhất, đẹp nhất, có tuổi đời khoảng gần 200 năm là của anh em ông Nguyễn Đình Sưu. Trước năm 1975, Tổng thống Sài Gòn Ngô Đình Diệm từng 2 lần gạ mua nhưng chủ nhân của ngôi nhà này đều từ chối, không bán. Nét đặc biệt ở làng cổ Lộc Yên là cùng với việc làm nhà bằng gỗ mít kiên cố, người dân còn xây dựng vườn nhà trồng cây đặc sản vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan đẹp cho làng quê như cau, quế, tiêu, chè... Do địa hình có độ dốc lớn, để đất khỏi bị mưa lũ xói trôi, người dân chất bờ đá ngăn giữ. Những bờ đá cao đến vai người, thẳng tắp, làm cho cảnh quê ở làng cổ Lộc Yên thêm đẹp. Bờ đá vườn, bờ đá ngõ dẫn vào nhà là “công trình nghệ thuật” của mỗi hộ dân nơi đây. Nhà xây dựng mặt quay ra đồng lúa, lưng tựa vào núi làm hậu chẫm, lối đi men theo sườn đồi, ngõ đá dài uốn lượn nhiều tầng bậc, nhìn xa trông rất đẹp mắt, nhất là khi xuân sang, cỏ đá mọc che phủ đá tạo nên một tấm thảm xanh lấp lánh ánh ngày.