Top 10 Bảo tàng hấp dẫn nhất tại Hà Nội

Viện bảo tàng hay ngắn gọn là bảo tàng, là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của viện bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ. Viện bảo tàng được chia làm ba nhóm chính: Viện bảo tàng chuyên ngành: Phụ thuộc vào đặc điểm của hiện vật (kỹ thuật, khoa học tự nhiên, lịch sử, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, sân khấu, công nghệ...) Viện bảo tàng căn cứ theo một địa phương hoặc quốc gia: Trong đó thu thập, giữ gìn và bảo vệ các tài liệu lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật, các tác phẩm mẫu mực của công nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản, thực vật và các hiện vật khác trong lĩnh vực kinh tế, lịch sử, dân tộc học. Viện bảo tàng tưởng niệm: Được sử dụng cho các sự kiện lịch sử hoặc các nhà hoạt động quốc gia, nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ, nhạc công lớn. Ngoài ra viện bảo tàng còn được phân chia theo hiện vật trưng bày: loại có hiện vật cố định và loại có hiện vật tạm thời. Hãy cùng chúng tôi khám phá những bảo tàng hấp dẫn nhất Hà Nội nhé!


1

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử quốc gia là công trình văn hóa tọa lạc ở khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội, gần với nhiều di tích linh thiêng của Thủ đô như Tháp Rùa - Hồ Gươm; Cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn - Bút tháp… Bảo tàng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay thông qua hệ thống tài liệu, hiện vật vô cùng đồ sộ, quý giá, trong đó có nhiều hiện vật là Bảo vật quốc gia. Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 20 Bảo vật quốc gia; trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm; Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Điêu khắc đá Chăm pa; Nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á... Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ.Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang duy trì 2 hệ thống trưng bày cố định tại 2 cơ sở: số 1 Tràng Tiền - Hà Nội, trưng bày lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn (năm 1945); tại cơ sở số 216 Trần Quang Khải - Hà Nội, trưng bày về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, trong tương lai không xa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng là công trình hiện đại, tiên tiến, đáp ứng công năng của bảo tàng hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Dự án này đã khởi động từ nhiều năm nay và hiện đang tiếp tục triển khai. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), thành viên sáng lập Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA), thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động chuyên môn, thực hiện các chương trình hợp tác, mở rộng giao lưu với gần 30 bảo tàng trong khu vực và quốc tế. Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị đăng cai tổ chức và là chủ tịch Hội nghị ANMA lần thứ 4 (diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10-2013). Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó có: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 Huân chương Độc lập, 5 Huân chương Lao động… Đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, quý khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị, hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Địa chỉ: Số 214 Trần Quang Khải và số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Số 1 Tràng Tiền
Số 1 Tràng Tiền
Số 214 Trần Quang Khải
Số 214 Trần Quang Khải

2

Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội, trước đây nằm ở số 5B phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nơi trưng bày giới thiệu về thủ đô Hà Nội từ khi dựng nước đến nay. Được thành lập từ năm 1982, nên số lượng hiện vật của bảo tàng lên tới hàng chục ngàn, trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm tới hơn 7 ngàn. Bộ sưu tập của bảo tàng bao gồm đồ đá, đồ đồng, gốm sứ các thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản. Các khu vực trưng bày của bảo tàng được chia thành ba phần: Lịch sử thiên nhiên Hà Nội; Lịch sử Hà Nội từ khi dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám; Lịch sử Hà Nội từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.

Để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một dự án xây dựng mới bảo tàng Hà Nội đã được thực hiện với số tiền đầu tư rất lớn, Bảo tàng Hà Nội mới nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Thiết kế của Liên doanh tư vấn GMP - ILAG (Đức); được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000 m², cao 30,7 mét. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m², diện tích sàn hơn 30.000 m² (kể cả tầng hầm và tầng mái). Bảo tàng đã được khánh thành vào ngày 6 tháng 10 năm 2010. Ước tính có 50.000 hiện vật được trưng bày tại đây.

Địa chỉ: Đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội

3

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong các bảo tàng quốc gia và đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 15 vạn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập độc đáo và 4 Bảo vật Quốc gia, gồm máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121, Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843. Bảo tàng tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đối diện Công viên Lenin. Theo sắc lệnh số 65/SL-TN, ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Về bảo tồn di sản văn hóa”, ngay trong giai đoạn 1945 - 1954, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng thu thập, lưu giữ các tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Trên cơ sở đó, cuối năm 1954, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Quân đội.Ban xây dựng Bảo tàng Quân đội gồm 13 người có nhiệm vụ “Nghiên cứu sưu tầm các tài liệu hiện vật, di tích lịch sử thuộc về quân đội; tiến hành thu thập, sắp xếp các tài liệu, hiện vật cho có hệ thống; tổ chức bảo quản các tài liệu hiện vật lịch sử, đồng thời liên hệ với các địa phương để hướng dẫn bảo quản những di tích lịch sử của quân đội ở địa phương; nghiên cứu kế hoạch và thực hiện trình bày, tổ chức nên Bảo tàng Quân đội”. Ngay sau khi thành lập, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội bắt tay vào soạn thảo các văn bản về công tác bảo tồn, bảo tàng giúp Tổng cục Chính trị chỉ đạo toàn quân sưu tầm tài liệu, hiện vật vừa để xây dựng phòng truyền thống của đơn vị, vừa đóng góp hiện vật cho Bảo tàng. Với tinh thần làm việc khẩn trương, được sự chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, sau hơn 3 năm tiến hành xây dựng và trưng bày, ngày 21/12/1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1959), Bảo tàng Quân đội chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và khai trương bảo tàng, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội chuyển thành Phòng Bảo tàng quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn/ Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ “Đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo vệ, bảo quản hiện vật, kho tàng, tu bổ sửa chữa nhỏ hệ thống trưng bày”

Địa chỉ: Số 28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

4

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng tọa lạc tại số 66 đường Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nằm đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngôi nhà này (viện bảo tàng) được người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ 20 với chức năng là nơi dành cho con gái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương về Hà Nội trọ học. Năm 1962, nhà nước Việt Nam giao cho Bộ Văn hóa cải tạo ngôi nhà từ chỗ mang dáng dấp kiến trúc phương Tây được bổ sung những chi tiết trang trí kiến trúc của đình làng Việt Nam để làm nơi trưng bày vĩnh viễn các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam. Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được khánh thành với diện tích mặt bằng là 4200 m² và diện tích trưng bày là 1200m², năm 1997 - 1999, đã được mở rộng với tổng diện tích là 4737 m² và diện tích trưng bày là 3000m².

Một số họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam có tác phẩm trưng bày ở đây như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị... Nhiều tác phẩm được trưng bài tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện nay là bảo sao vì bản gốc đã bị bán đi hay bị thất lạc. Theo Nora Taylor, chuyên gia tranh Việt Nam tại Viện Nghệ thuật Chicago, khoảng một nửa số bức tranh là bản sao. Trong thời chiến tranh Việt Nam, nhiều bản chính đã được đưa đi sơ tán và bản chép được trưng bày, nhưng sau chiến tranh nhiều bản chính không được đưa về chỗ cũ. Hiện nay phòng Kiểm kê, Bảo quản đang quản lý số lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền, sơ sử đến ngày nay. Trong đó có tới 9 Bảo vật quốc gia được lưu giữ ở đây. So với nhiều bảo tàng có tên tuổi trên thế giới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn ở mức khiêm tốn và trẻ trung. Trên 2200 hiện vật chọn lọc (từ hơn 20.000 hiện vật) được trưng bày thường xuyên, còn lại toàn bộ hiện vật được lưu trữ và bảo quản tại kho lưu trữ bảo quản.học.

Địa chỉ: Số 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

5

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nằm ở số 36 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, gần trung tâm hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Bảo tàng này được dành riêng cho phụ nữ Việt Nam. Bảo tàng mở cửa phục vụ công chúng từ năm 1995 và chỉnh sửa lại hệ thống trưng bày thường xuyên từ 2006 - 2010 nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề với phương pháp tiếp cận mới là nhân học xã hội, phản ánh sự phát triển và thay đổi của xã hội đương đại bằng các dự án hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em bị thiệt thòi, yếu thế.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam với chức năng nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam. Từ khi khánh thành năm 1995, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày thành công rất nhiều triển lãm phục vụ hàng trăm nghìn khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Bảo tàng cũng đã phát triển một bộ sưu tập hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam. Cuối năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại hệ thống trưng bày thường xuyên sau 4 năm đóng cửa nâng cấp, chỉnh lý với 3 chủ đề: phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ. Tòa nhà chính của bảo tàng được chia thành bốn khu vực bao gồm trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, phòng khám phá, và cửa hàng lưu niệm. Trưng bày chuyên đề được tổ chức gần khu vực tòa nhà chính.

Địa chỉ: Số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

6

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp Quốc Gia được khánh thành vào năm 2004. Chỉ với diện tích 300m2 nhưng nơi đây lưu giữ gần 40.000 mẫu vật khác nhau. Bảo tàng được thành lập nhằm lưu trữ những giá trị thiên nhiên quý giá của Việt Nam trong 3,6 tỷ năm qua. Trước khi bước vào bên trong bảo tàng bạn sẽ bị ấn tượng bởi tạo hình khủng long to lớn giống hệt như thật ở ngay trước bảo tàng. Bên cạnh đó, những tấm áp phích giới thiệu những mẫu vật được trưng bày cũng rất kích thích sự tò mò của khách tham quan. Bước vào trong, bạn sẽ phải vỡ òa vì ngạc nhiên và phấn khích trước một thế giới động thực vật rộng lớn với đầy đủ các chủng loại khác nhau. 40 nghìn hiện vật bao gồm các loài động vật như bò sát, thú... loài côn trùng, thực vật nấm, mẫu địa chất... được sắp xếp theo từng loại.

bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bạn còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những loài động thực vật quý hiếm mà có thể bạn còn chưa được biết đến như cá mặt trăng… Bảo tàng còn tận dụng mọi nơi để có thể chia sẻ những thông tin kiến thức cho khách tham quan. Trên một bức tường gỗ bắt mắt bạn sẽ bắt gặp một sơ đồ cây tiến hóa mô phỏng thế giới thiên nhiên với 5 giới chính là động vật, thực vật, nấm, tiền nhân và nguyên sinh. Ngoài về động thực vật nơi đây còn trưng bày mẫu tiến hóa hóa thạch của con người từ linh trường. Bên cạnh mỗi một khu trưng bày sẽ có một màn hình chiếu giúp khách tham quan có thể hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của hệ động thực vật. Nhờ sự mới lạ hấp dẫn và vô cùng bổ ích, mỗi ngày bảo tàng thu hút được gần 500 lượt khách đến tham quan. Đặc biệt là những bạn trẻ nhỏ đang còn tò mò với thế giới xung quanh.

Địa chỉ: Số 18 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

7

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh là một bảo tàng vào loại lớn nhất của Việt Nam. Bảo tàng tập trung chủ yếu vào việc trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh. Nằm trong khu vực có nhiều di tích như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Chùa Một Cột... tạo thành một quần thể các di tích thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Bảo tàng tọa lạc tại số 19 phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nằm phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cạnh công viên Bách Thảo. Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1973 tại chính khu vực mà Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, công trình này đã nhận được sự giúp đỡ chân thành của Liên Xô cũ từ khâu thiết kế đến khâu thi công công trình. Tòa nhà cao 3 tầng theo khối hình vuông vát góc độc đáo, chính giữa cửa đi vào có dựng một khối phù điêu hình lá cờ có ngôi sao cùng biểu tượng búa liềm thể hiện tinh thần cách mạng độc lập dân tộc. Xung quanh khuôn viên bảo tàng là một không gian rộng thoáng mát với nhiều cây xanh, có hồ nước nhân tạo điều hòa không khí.

Bước vào sảnh bên trong bảo tàng có đặt một tượng toàn chân dung Hồ Chủ tịch bằng đồng thau, bức tượng toát lên thần thái tác phong của Người gây ấn tượng mạnh với người tham quan. Bảo tàng được trưng bày theo từng giai đoạn cuộc đời hoạt động của Bác. Tầng 1 trưng bày các hiện vật, tư liệu về tiểu sử Hồ Chí Minh, các mốc hoạt động cách mạng nổi bật và công cuộc xây dựng đất nước theo lời di chúc của Người, không gian trung bày theo các mảng chủ đề. Tầng 2 là nơi trưng bày các cuộc đấu tranh tiêu biểu cùng những chiến thắng lớn của quân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, các hiện vật trưng bày được mở rộng như một bước đi sâu hơn để hiểu rõ các chủ đề được trưng bày ở tầng 1. Từ sự khái quát tình hình thế giới và Việt Nam đến ý nghĩa cuộc cách mạng Tháng 10 Nga, ý nghĩa sự tham gia của Việt Nam đứng về phía Đồng Minh để chống lại Phát xít, vai trò của Hồ Chí Minh với phong trào cách mạng thế giới… Cuối cùng là những hiện vật nói về hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đến nay.

Địa chỉ: Số 19 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh

8

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng. Bảo tàng tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, cạnh đường Nguyễn Khánh Toàn và đối diện công viên Nghĩa Đô. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim, 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom (tính đến năm 2000). Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.Khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây có nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đặc biệt phong phú là đồ vải của các dân tộc như khố, váy, khăn... được trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống khác nhau; đồ đan, nhất là các loại gùi, giỏ, mâm, những nhạc cụ bằng tre, vỏ bầu khô, các hiện vật nghi lễ... Cùng với hiện vật, trong các phòng trưng bày còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người. Để phục vụ đầy đủ khách tham quan, tất cả các thông tin trong trưng bày, các bài viết cũng như các chú thích, đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bảo tàng còn soạn thảo nhiều tờ gập giới thiệu những nội dung chính, bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật... phát miễn phí cho du khách. Trong khu ngoài trời, có 10 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Êđê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu. Trong khu vườn đầy cây xanh này còn có ghe ngo của người Khơme và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao.

Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Huy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

9

Bảo tàng Công binh

Bảo tàng Công binh trực thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc loại hình lịch sử quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Công binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo tàng tọa lạc tại số 290 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, gần hồ Tây. Bảo tàng Công binh Việt Nam thuộc loại hình bảo tàng lịch sử quân sự chuyên ngành trực thuộc Bộ tư lệnh công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu muốn xem vũ khí của nước nhà từng đánh thắng các cường quốc bạn hãy đến đây để hiểu thêm về các vũ khí làm nên lịch sử nước nhà và hiểu thêm rằng đất nước ta vẫn còn ghánh chịu hậu quả chiến tranh ra sao do bom mìn để lại. Đồng thời cũng hiểu thêm về sức tàn phá của các loại bom mìn đối với cuộc sống con người.

Bảo tàng Công binh có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các hiện vật nhằm phản ánh quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó nhằm giáo dục cho thế hệ mai sau về những đóng to lớn của người lính Công binh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo tàng Công binh thuộc loại hình lịch sử quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, của Bộ đội Công binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây trưng bày và lưu giữ nhiều hiện vật của chiến tranh như vũ khí, bom mìn... Khách tham quan có thể cảm nhận được sự hào hùng và anh dũng của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ác liệt.

Địa chỉ: Số 290 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hiện vật trong bảo tàng Công binh
Hiện vật trong bảo tàng Công binh
Bảo tàng Công binh
Bảo tàng Công binh

10

Bảo tàng Địa chất

Bảo tàng Địa chất là một bảo tàng chuyên ngành ở Việt Nam, lưu giữ các mẫu vật liên quan đến địa chất - khoáng sản. Bảo tàng Địa chất nằm trong hệ thống các Bảo tàng khoa học tự nhiên ở Việt Nam và là thành viên chính thức của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM). Bảo tàng Địa chất hiện đặt trong khuôn viên của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, tại địa chỉ số 6 phố Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Sau khi Sở Địa chất Đông Dương thành lập năm 1898, hai nhà địa chất Pháp là Honoré Lantenois và Henri Mansuy được giao xây dựng Bảo tàng Địa chất. Bảo tàng được xây trong khuôn viên của Sở và hoàn thành năm 1914. Theo bài viết của Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương André Blondel năm 1928 thì lúc đó Bảo tàng đã trưng bày mẫu vật thu thập trên lãnh thổ Đông Dương và được xếp theo bốn phần: 1. Khoáng vật, 2. Thạch học, 3. Cổ sinh vật, 4. Tiền sử, và còn thiếu mẫu về địa chất khu vực và khoáng sản.Năm 1954 đất nước chia cắt, Sở Địa chất Đông Dương được coi là di dời vào Sài Gòn. Theo bài viết năm 1973 của Henri Fontaine thì các mẫu vật được chuyển theo. Các mẫu được giao cho Nha Tài nguyên Khoáng sản thuộc Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, và Bảo tàng Địa chất đặt ở số 31 Hàn Thuyên. Năm 1970 nhà trưng bày được xây mới ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cạnh Thảo Cầm Viên. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, quản lý Bảo tàng Địa chất này được giao cho Liên Đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, một đơn vị thành viên của Tổng cục Địa chất VNDCCH. Tại miền bắc, Bảo tàng Địa chất thành lập và trực thuộc Vụ Kỹ thuật của Cục Địa chất, Bộ Công nghiệp của nhà nước VNDCCH. Năm 1963 giám đốc Bảo tàng Địa chất Leningrad Liên Xô là P. N. Varfolomeev được mời làm cố vấn khôi phục và phát triển hoạt động của Bảo tàng. Năm 1978 có tên là Viện Bảo tàng Lưu trữ Địa chất, sau đó năm 1985 là Viện Thông tin Tư liệu Mỏ Địa chất. Năm 1991 chính thức có tên Bảo tàng Địa chất. Năm 1997 là Viện Thông tin, Lưu trữ, Bảo tàng Địa chất. Năm 1999 khai trương nhà trưng bày mới Bảo tàng Địa chất tại số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Năm 2001 Bảo tàng Địa chất được ICOM công nhận là thành viên của tổ chức này, và là một trong năm thành viên đầu tiên của ICOM Việt Nam. Từ 2003 Bảo tàng Địa chất là cơ quan chuyên về bảo tàng. Đến 2008 thì Bảo tàng Địa chất Miền Nam được nhập vào tên chung và là chi nhánh phía nam.

Địa chỉ: Số 6 Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng Địa chất
Bảo tàng Địa chất
Bảo tàng Địa chất
Bảo tàng Địa chất

Trên đây là top các bảo tàng hấp dẫn nhất Hà Nội mà bạn nên một lần ghé thăm. Không chỉ để hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa và kiến thức về thành phố cổ kính đang ngày một đổi thay này, mà còn để trải nghiệm những nét tinh hoa, độc đáo của đất nước ta.

Danh mục: Du lịch
Nguồn: toplist