Lý thuyết một số loại phân bón thường dùng trong trồng trọt - Công nghệ 10

BÀI 7: MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN THƯỜNG DÙNG TRONG TRỒNG TRỌT

1. KHÁI NIỆM PHÂN BÓN

Khái niệm : là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.

2. VAI TRÒ CỦA PHÂN BÓN TRONG TRỒNG TRỌT

- Phân bón là yếu tố không thể thiếu trong trồng trọt.

- Phân bón cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

- Phân bón cải thiện tính chất của đất trồng: làm tăng độ phì nhiêu, tơi xốp; tăng khả năng giữ nước, thoát nước; tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất.

- Phân bón còn cải thiện hệ vi sinh vật có lợi, ngăn ngừa các vi sinh vật có hại trong đất, bảo vệ đất trồng.

3. ĐẶC ĐIỂM VÀ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG MỘT SỐ LOẠI PHÂN BÓN

Mỗi loại phân bón có đặc điểm khác nhau, vì vậy cần có biện pháp sử dụng hợp lí.

3.1. Phân hoá học

Đặc điểm

- Phân hoá học được sản xuất theo quy trình công nghiệp, có sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên hoặc tổng hợp.

- Tỉ lệ hàm lượng của các nguyên tố dinh dưỡng khác nhau tùy từng loại phân.

- Phân hoá học có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại phân bón khác.

- Phần lớn phân hoá học dễ hòa tan (trừ phân lân) nên cây dễ hấp thụ và cho hiệu quả nhanh.

- Bón nhiều và liên tục phân hoá học trong nhiều năm sẽ làm cho đất bị thoái hoá.

Biện pháp sử dụng

- Đối với phân bón dễ tan (phân đạm và phân kali):

+ Dùng để bón thúc là chính.

+ Có thể dùng để bón lót nhưng phải bón với lượng nhỏ.

+ Phân lân khó tan nên thường dùng để bón lót.

- Đối với phân tổng hợp: nên chọn loại phân bón phù hợp với từng loại đất, từng loại cây trồng và thời điểm bón.

- Khi bón, cần tính toán lượng phân bón hợp lý dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của cây và tỉ lệ hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng có trong phân bón. Nên bón kết hợp với phân hữu cơ.

3.2. Phân hữu cơ

Đặc điểm

- Phân hữu cơ có nguồn gốc từ chất thải của gia súc, gia cầm; xác động, thực vật, rác thải hữu cơ.

- Phân chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng, giàu mùn.

- Thành phần và tỉ lệ chất dinh dưỡng của phân không ổn định (tùy thuộc vào nguồn gốc).

- Bón phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất nhưng hiệu quả chậm vì phải qua quá trình khoáng hoá cây mới sử dụng được.

- Biện pháp sử dụng: Phân hữu cơ dùng để bón lót là chính nhưng trước khi sử dụng cần phải ủ cho hoại mục.

3.3. Phân vi sinh

Đặc điểm

Phân vi sinh có chứa các vi sinh vật có ích:

- Vi sinh vật cố định đạm

- Vi sinh vật chuyển hóa sinh chữa đa dạng các yếu tố dinh dưỡng như: P, O, Ca, Mg, S,...

Phân có thời hạn sử dụng ngắn do khả năng sống và thời gian tồn tại của vi sinh vật phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.

Phân vi sinh có tác dụng cải tạo đất, ngăn ngừa sâu bệnh hại trong đất.

Biện pháp sử dụng: chủ yếu là bón lót; rải xung quanh gốc cây hoặc trộn vào đất trước khi trồng

Lưu ý: Sau khi bón cần giữ độ ẩm thích hợp 2 cho vi sinh vật hoạt động và phát triển; không bón cùng lúc với phân hoá học và tro bếp.

4. BẢO QUẢN PHÂN BÓN

- Để phân nơi cao ráo, thoáng mát,

- Không đặt trực tiếp trên nền đất hoặc nền xi măng.

- Đối với phân dễ chảy nước hoặc bay hơi (phân đạm), cần bảo quản kín, hạn chế tối da để phân tiếp xúc với không khí.

- Không bảo quản phân bón trong các dụng cụ bằng kim loại.

- Không được để phân gần lửa, tránh ánh nắng trực tiếp.

- Đối với phân hữu cơ, cần che phủ kín.

- Đối với phân vi sinh, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C và không nên bảo quản quả 6 tháng kể từ ngày sản xuất.

- Đối với phân bón dạng viên hoặc viên nén, không nên chống nhiều bao phân lên nhau để tránh làm vỡ viên phân.