BÀI 3: MỐI QUAN HỆ GIỮA CÂY TRỒNG VÀ CÁC YẾU TỐ CHÍNH TRONG TRỒNG TRỌT
1. NHIỆT ĐỘ
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lí của cây trồng
+ Nhiệt độ cao làm: Giảm hiệu suất quang hợp, tăng hiệu suất hô hấp, thúc đẩy sự già hoá, ức chế sự xuân hoá. + Nhiệt độ thấp làm giảm hiệu suất quang hợp và hô hấp, kích thích xuân hóa.
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng
+ Nhiệt độ cao: Hạt mất sức sống; rễ, thân lá sinh trưởng kém; ra hoa, đậu quả và kết hạt kém; rút ngắn thời gian sinh trưởng; nhiều loại cây trồng khó tạo củ (khoai tây, hành tây, cải củ,...), khó cuốn bắp (cải bắp, xà lách,...).
+ Nhiệt độ thấp: Hạt khó nảy mầm, cây còi cọc chậm phát triển; ra hoa, đậu quả và kết hạt kém. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp làm giảm khả năng chống chịu sâu, bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh bất lợi của cây trồng; giảm năng suất, chất lượng và khả năng bảo quản nông sản.
2. ÁNH SÁNG
Ánh sáng tác động đến cây trồng thông qua 3 yếu tố:
- Cường độ chiếu sáng.
- Chất lượng ánh sáng.
- Thời gian chiếu sáng.
Ánh sáng có vai trò quan trọng đối với cây trồng.Ánh sáng ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp; hình thái; khả năng sinh trưởng của thân, lá; khả năng phân cành; khả năng phân hoá mầm hoa; giới tính (hoa đực, hoa cái) của cây trồng...
3. NƯỚC
Nước rất cần thiết đối với cây trồng:
- Tham gia cấu tạo nguyên sinh chất của tế bào.
- Hoà tan và vận chuyển các chất trong cây.
- Tham gia vào các quá trình sinh lí, sinh hoá diễn ra ở trong cây.
- Điều hoà nhiệt độ bề mặt lá cây.
Các loài cây trồng khác nhau có nhu cầu nước khác nhau tùy thuộc khả năng hút nước của rễ và thoát hơi nước qua lá.
Thời kỳ khủng hoảng nước thường rơi vào giai đoạn hình thành và phát triển bộ phận sử dụng của cây trồng. Nếu thiếu nước ở giai đoạn này, cây sẽ khó hình thành bộ phận sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt.
Kiểm soát chế độ nước cho cây trồng thông qua độ ẩm đất và độ ẩm không khí.
4. ĐẤT
Đất có ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng:
- Đất là nơi dự trữ và cung cấp nước, dinh dưỡng cho cây trồng.
- Đất giúp trao đổi khí giữa rễ cây và môi trường; giữ cho cây đứng vững.
5. DINH DƯỠNG
Trong thành phần của cây trồng có chứa trên 60 nguyên tố hoá học. Trong đó, có 14 nguyên tố thiết yếu được coi là dinh dưỡng của cây trồng (Bảng 3.2).
Vai trò chủ yếu của các nguyên tố dinh dưỡng:
- Thúc đẩy nảy mầm.
- Sinh trưởng và phát triển thân, lá, kích thích ra rễ, kích thích ra hoa, đậu quả; tăng tính chống chịu sâu, bệnh hại và điều kiện thời tiết bất lợi.
- Tăng năng suất, chất lượng và khả năng bảo quản nông sản.
Khi cây trồng bị thừa hoặc thiếu dinh dưỡng, triệu chứng thường xuất hiện ở lá.
6. GIỐNG CÂY TRỒNG
Giống cây trồng được coi là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng.
Giống quyết định:
- Chủ yếu đến đặc điểm hình thái,
- Khả năng sinh trưởng, phát triển,
- Khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi của cây trồng.
Vì vậy, năng suất và chất lượng của cây trồng phụ thuộc chủ yếu vào giống.
Giống cây trồng thích nghi với từng vùng sinh thái nhất định. Vì vậy, tùy từng vùng sinh thái cụ thể, cần lựa chọn giống cây trồng thích hợp.
7. KỸ THUẬT CANH TÁC
Kỹ thuật canh tác có ảnh hưởng đáng kể đến cây trồng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý, chăm sóc tốt giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phòng tránh sâu, bệnh hại, cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.