Câu 1
Cho biết mục đích và đối tượng của bức thư. Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản.
Lời giải chi tiết:
- Mục đích của bức thư: khiêu khích hoặc dụ hàng, nhằm thực hiện chiến lược “mưu phạt tâm công”.
- Đối tượng: Vương Thông và quân sĩ nhà Minh ở Đại Việt.
- Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng tác động được cả tư tưởng và tình cảm của đối phương. Từ đó gây được chuyển biến trong tư tưởng, tình cảm, thái độ của đối phương.
Câu 2
Trong đoạn trích dưới đây, câu văn nào nêu luận điểm, câu văn nào nêu lí lẽ, bằng chứng?
Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn trên.
- Đánh dấu câu văn nêu luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.
Lời giải chi tiết:
- Câu văn nêu luận điểm: Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi.
- Câu văn nêu lí lẽ:
+ Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy.
+ Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc mà thôi.
- Câu văn nêu bằng chứng:
+ Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư?
+ Sao đáng để cùng bàn việc binh được?
Câu 3
Ở phần 2, tác giả nhiều lần vạch rõ sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với “mệnh trời”. Hãy dẫn ra một số từ ngữ, câu văn cho thấy điều đó. Theo bạn, vì sao việc nói đến “mệnh trời” lại cần thiết trong bức thư này?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 2.
- Chú ý đoạn văn tác giả vạch rõ sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với “mệnh trời”.
Lời giải chi tiết:
- Từ ngữ, câu văn cho thấy sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với “mệnh trời”:
Trước đây bề ngoài thì giả cách giảng hòa, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến tôi tin tưởng mà không nghi ngờ cho được. Cổ nhân nói: "Bụng dạ người khác ta lường đoán biết", nghĩa là thế đó. Xưa kia, Tần thôn tính sáu nước, chế ngự bốn phương, mà đức chính không sửa, nên thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy mấy năm nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy.
- Việc nói đến “mệnh trời” lại cần thiết trong bức thư này vì:
+ “mệnh trời” là điều không ai được đi ngược.
+ Vương Thông là người có thể thuyết phục, chắc chắn sẽ hiểu rõ tư tưởng thiên mệnh của Nho giáo.
+ Nhắc đến “mệnh trời” cho thấy sự tất yếu, thuận tự nhiên của việc quân Minh phải thua trận, đồng thời thuyết phục được Vương Thông ra hàng.
Câu 4
Khái quát những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch rõ trong phần 3. Điều gì đã tạo nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ đoạn văn phần 3.
- Chú ý những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh.
Lời giải chi tiết:
- Khái quát những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch rõ trong phần 3: không được sự ủng hộ của 3 yếu tố: thiên thời - địa lợi – nhân hòa.
- Giọng văn mạnh mẽ, dứt khoát; dẫn ra các lí lẽ, bằng chứng xác đáng đã tao nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này.
Câu 5
Trong phần 4, tác giả đã gợi ra cho Vương Thông những lựa chọn nào? Từ đó, bạn hiểu gì về cách ứng xử của Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn?
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ phần 4.
- Đánh dấu những lựa chọn tác giả đưa ra dành cho Vương Thông.
Lời giải chi tiết:
Trong phần 4, tác giả đã gợi ra cho Vương Thông những lựa chọn:
- Ra hàng, chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đem nộp và được quân dân Đại Việt cho về nước đường hoàng, giữ lễ.
- Nếu không nghe theo giải pháp mà tác giả đưa ra, thì nghĩa quân Lam Sơn sẽ quyết một trận được thua, mà trận chiến ấy phần thua chắc chắn dành cho quân Minh.
=> Cách ứng xử của Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn khá trượng phu, vẫn tạo cơ hội cho Vương Thông nếu họ biết điều.
Câu 6
Nêu những lưu ý trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận mà bạn rút ra được sau khi đọc Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Nhận xét về nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi.
Phương pháp giải:
Đọc văn bản, tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Những lưu ý em rút ra được trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận sau khi đọc Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi:
+ Chú ý tìm ra các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng để thấy được sự liên kết của văn bản.
+ Cần hiểu được mục đích và đối tượng hướng đến của văn bản.
- Nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi.
+ Lập luận chặt chẽ.
+ Có hệ thống lí lẽ, dẫn chứng minh bạch, rõ ràng, xác thực.
+ Tác giả không chỉ dùng lí lẽ mà còn vỗ về, hứa hẹn tạo điều kiện cho quân Minh rút lui làm chúng mềm lòng.