Xác định âm hưởng đối thoại tranh luận ngẫm trong bản tuyên ngôn độc lập
2 câu trả lời
Bạn thử tham khảo bài này nhé:
Những công trình nghiên cứu về tính văn chương của bản Tuyên ngôn độc lập mà chúng ta đã tiến hành thời gian qua chủ yếu vẫn dừng lại ở việc phân tích khả năng lập luận, kĩ năng sử dụng ngôn từ và thủ pháp trích dẫn hai đoạn tuyên ngôn của Pháp và Mỹ ở phần mở đầu. Tôi quan niệm rằng, trong tính bản thể của nó, Tuyên ngôn độc lập mang tính nghệ thuật sâu sắc bởi nó được viết nên từ trong tinh thần đối thoại.
Đầu tiên, cần xem mỗi tác phẩm văn chương là một cuộc hồi đáp bất tận, do vậy, nó phải có người nói và người nghe nằm hàm ẩn ngay trong văn bản. Xét từ góc độ người nói hay tác giả hàm ẩn, ta có thể thấy bản Tuyên ngôn độc lập là một tập thể người nói ở nhiều cấp độ khác nhau. Người nói đầu tiên đó là Hồ Chí Minh - tác giả thực tế của bản tuyên ngôn độc lập, là người trực tiếp chấp bút viết nên và cũng tự mình đọc trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình. Trong quá trình diễn thuyết bản Tuyên ngôn, có một chi tiết không nằm trong văn bản, nhưng đã được đi vào trong sử sách như một minh chứng hùng hồn của sự gần gũi giữa lãnh tụ (người nói) và quần chúng nhân dân (người nghe), đó là thời điểm khi đang đọc bản Tuyên ngôn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại và hỏi ân cần: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tuy nhiên, ở đây, người nói không đơn giản thuần túy chỉ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đại từ nhân xưng của người nói là “chúng ta” hoặc “chúng tôi”, tức thuộc về ngôi thứ nhất, số nhiều. Phân tích “chúng ta” và “chúng tôi”, sẽ hiểu thêm hai chủ thể người nói khác nhau. Đầu tiên, đại từ “chúng ta” hoặc “ta” đó chính là nhân dân/dân tộc Việt Nam nói chung, bởi vì trong Tuyên ngôn có nhiều đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ phạm trù đại từ này chính là “đồng bào ta”, “dân ta”, “nước ta”... Đại từ này được sử dụng rất phổ biến trong đoạn đầu của bản Tuyên ngôn, nhằm chỉ những tội ác mà nhân dân ta phải gánh chịu do thực dân Pháp gây ra. Phạm trù đồng bào hay nhân dân này được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa và nhấn mạnh bao gồm: “dân cày”, “dân buôn”, “nhà tư sản” và “công nhân”. Như vậy, ngay từ đầu cuộc cách mạng giành và bảo vệ độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy cái nhìn chiến lược, thực tiễn khi xếp những “dân buôn” và “nhà tư sản” (tư sản và tiểu tư sản) cũng là những lực lượng cách mạng tiềm năng chịu nhiều bất công, bóc lột, bên cạnh hai lực lượng cách mạng truyền thống là “dân cày” (nông dân) và “công nhân”. Cần chú ý Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lực lượng tư sản và tiểu tư sản, khi dùng từ “nhà tư sản” (YT nhấn mạnh), đây là vấn đề mà không phải giai đoạn lịch sử nào chúng ta cũng nhận thức đầy đủ viễn kiến của Hồ Chủ tịch, mặc dù ngày nay thực tiễn xây dựng và đổi mới đất nước đã cho thấy sự đúng đắn của nó.
Thứ hai, “chúng tôi” ở đây chính là hai thực thể người nói cụ thể khác mà ta cần nhận ra đó là “Việt Minh” và “Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ở đoạn cuối của bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…”. Nhưng ở đoạn giữa của bản Tuyên ngôn, trong đoạn tố cáo sự đê hèn của thực dân Pháp khi hèn nhát từ chối liên minh chống Nhật, hay tội ác giết số đông tù chính trị ở Yên Bái, Cao Bằng, người đọc có thể hiểu chúng tôi còn là lực lượng Việt Minh. Thực ra Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Minh chỉ là một lực lượng mà thôi, tuy nhiên, Chính phủ Lâm thời thể hiện sự ra đời của một bộ máy chính trị cầm quyền hoàn chỉnh, đại diện chính thức và hợp pháp về mặt tổ chức để lãnh đạo đất nước non trẻ, thể hiện cho sự trưởng thành và tính hợp hiến, tự giác của cách mạng.
Tập hợp chỉnh thể bốn thành phần người nói ấy không phải tạo ra chỉ để thể hiện cho số đông, sự trùng điệp của chủ thể người nói, mà thực ra nó là một thủ pháp tự sự quan trọng mang những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với chỉnh thể người nghe/đọc. Cấu trúc của người nghe/đọc hàm ẩn cũng là một tập hợp bao gồm bốn thành phần mà chúng ta sẽ lần lượt xét đến như sau. Thứ nhất, ứng với chủ thể người nói là cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì người nghe cụ thể, thực tế ban đầu sẽ là quốc dân đồng bào có mặt tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Bản Tuyên ngôn độc lập trước hết được viết/đọc là dành cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Như vậy, hàng loạt đại từ nhân xưng như “nòi giống ta”, “đồng bào ta”, “dân ta”… vừa là ngôi thứ nhất, nhưng cũng đồng thời là ngôi thứ hai trong trường đối thoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều trong đối thoại nhằm thể hiện tính đoàn kết, gần gũi không thể tách rời với nhân dân.
Toàn văn bản tuyên ngôn không dài, chỉ gói trọn trong khoảng chưa đầy một ngàn chữ nhưng vô cùng chặt chẽ và súc tích. Bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liền mạch với nhau theo một bố cục chặt chẽ mạch lạc… Phần đầu bản Tuyên ngôn nêu lên những chân lý về nhân quyền và dân quyền. Tác giả trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, bản “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp đã có dụng ý sâu sắc. Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ ra đời sau khi nước Mỹ; đã đấu tranh giành độc lập thành công.
Bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân phản kháng lại áp bức, bất công. Lời lẽ của hai bản tuyên ngôn trên tự thân đã nêu lên những chân lý, lại đại diện cho những cuộc cách mạng có tính tiên phong của những nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, nên mang tính công pháp quốc tế, khiến cho không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng. Ta có thể thấy sự hiểu biết và cân nhắc kĩ càng của vị Chủ tịch khi trích dẫn những chân lý đó. Hơn thế Người còn vận dụng sáng tạo: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát hơn và cũng đầy thuyết phục. Điều đáng nói hơn nữa là ngay ở đoạn đầu này, cũng chính là lời trích dẫn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” đã tỏa ra sức chiến đấu mạnh mẽ và tiềm tàng của Tuyên ngôn độc lập. Bởi vì chính phủ Pháp chính phủ phụng sự cho tinh thần của “Tuyên ngôn nhân quyền” đầy lẽ phải kia lại đang thi hành những hành động trái ngược hẳn; “Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do… hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Rõ ràng qua cách lập luận như thế, một sự thật được phơi bày một cách hiển nhiên: bản chất của thực dân Pháp ở Việt Nam là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa, kết thúc phần này là một câu khẳng định ngắn gọn và đầy sức thuyết phục.
Mở rộng hơn, phần hai liệt kê ngắn gọn và đầy đủ những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra trên đất nước ta trong suốt gần một trăm năm đô hộ. Trước tiên, chúng tước đoạt tự do chính trị “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút quyền tự do dân chủ nào…”, “chúng thẳng tay chém giết những người tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”, “chúng thi hành những luật pháp dã man ”, “chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc, để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”… Chỉ trong một đoạn ngắn hai mươi mốt câu, tác giả xé toang chiêu bài “khai hóa, bảo hộ” giả dối bịp bợm bấy lâu chúng dùng để che đậy những việc làm xấu xa độc ác. Từ những hành động tàn nhẫn của thực dân Pháp như khủng bố Việt Minh, giết những người tù chính trị… tác giả dẫn dắt chúng ta đến những hành động nhân đạo. Chúng ta chống phát xít, chúng ta đứng về phía mặt trận dân chủ chống phát xít, chúng ta có vai trò và vị trí xứng đáng trước thế giới chính do sức mạnh tự thân của dân tộc.
Tự do vừa giành được ấy thật vô giá, để có được nó, nhân dân ta đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu xương máu và tâm huyết. Ấy thế mà vẫn còn bao nhiêu thế lực thù trong giặc ngoài đến, lúc bấy giờ đang lăm le bóp chết sự sống mới hình thành của nước Việt Nam non trẻ, hiểu được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân nêu lên lời tuyên bố trịnh trọng và quyết liệt.
Đây là bản Tuyên ngôn độc tập lần đầu tiên tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới, đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho một dân tộc bất khuất kiên cường. Nó đánh dấu thắng lợi đầu tiên của một nước thuộc địa châu Á. Mặt khác, bản Tuyên ngôn coi là một áng văn chính luận mẫu mực, đanh thép và lôi cuốn ở lý lẽ và lập luận chặt chẽ, ở từ ngữ, hình ảnh dễ cảm, chính xác, mạnh mẽ, ở câu văn gọn mà sắc, giản dị mà hùng hồn, đã vừa cảnh cáo, vạch mặt kẻ thù, vừa khích lệ, động viên tinh thần nhân dân, và tranh thủ sự đồng tình quốc tế.