Viết bài văn kể về một kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò.

1 câu trả lời

   Tuổi học trò là tuổi thần tiên, tuổi của những mộng mơ, hồn nhiên và tươi đẹp nhất. Tuổi học trò đối với tôi còn là quãng thời gian quý giá nhất khi nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp nhất đối với tôi. Trong số đó, có một kỉ niệm mà tôi luôn bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại – kỉ niệm sâu sắc với người bạn thân của tôi.
    Phương Linh là bạn thân của tôi. Nhà Linh ở gần nhà tôi, hai đứa chơi với nhau từ những ngày còn bi bô tập nói, sau này lại luôn học cùng lớp với nhau. Khác với dáng người dong dỏng cao của tôi, Phương Linh là một cô bé nhỏ nhắn, chỉ cao khoảng một mét bốn mươi, nước da trắng hồng xinh xắn. Mái tóc đen ngang vai mềm mại kết hợp với khuôn mặt bầu bĩnh khiến Linh càng thêm phần đáng yêu. Đôi mắt Phương Linh tròn xoe, đen lay láy, đôi môi đỏ mọng chúm chím. Khi cười lên sẽ để lộ ra má núm đồng tiền và hai cái răng khểnh trắng tinh trông rất có duyên. Phương Linh xinh xắn, cởi mở và tốt bụng nên ai cũng yêu quý, trái ngược hẳn với tính cách của tôi, trầm và nhút nhát.
      Chính vì thế, các bạn trong lớp rất tò mò, tại sao hai đứa hoàn toàn trái ngược nhau lại có thể chơi thân với nhau như vậy? Phương Linh có rất nhiều bạn tốt vì sự thân thiện và hoạt bát của mình, còn tôi thì chủ yếu chỉ có một vài người bạn. Điều này đã dẫn đến một câu chuyện mà tôi mãi mãi không bao giờ quên.
    Giữa năm học lớp 5, bỗng nhiên Phương Linh bảo với tôi vào giờ ra chơi:
- Tuần này, tan học cậu cứ về trước nhé, tớ có việc phải ở lại trường.
- Tớ ở lại đợi cũng được, không sao đâu. – Tôi trả lời ngay.
Nhưng Phương Linh vẫn kiên quyết:
- Cậu cứ về trước đi, chiều đi học tớ lại sang gọi. Cậu còn phải nấu cơm cho bé Ngọc nữa.
   Ngọc là em gái của tôi, mẹ đi làm cả ngày tối mới về nên tôi lo cơm nước cho em gái khi ấy đang học lớp 1. Nghĩ vậy tôi cũng không ở lại đợi Phương Linh nữa. Tan học, tôi tạm biệt cậu ấy rồi đạp xe về nhà.
    Nhưng chiều hôm ấy, tôi đợi mãi mà không thấy Phương Linh đâu. Nhìn đồng hồ sắp đến 2 giờ kém 15 phút, tôi quyết định vòng ngược đường vào nhà gọi Linh. Nhìn thấy tôi vẫn dắt xe đứng ngoài cổng, mẹ Linh ngạc nhiên: 
- Có bạn tên Hà Anh sang nhà gọi Linh, chúng nó đi được nửa tiếng rồi con ạ.
   Tôi bất ngờ, dường như không tin vào tai mình. Hà Anh là cô bạn luôn tỏ ra ghét tôi nhất lớp. Tôi buồn bã, thất vọng, vội chào mẹ Linh rồi đạp xe đến trường. Vừa dựng xe xong thì trống đánh vào lớp, tôi cố gắng chạy thật nhanh nhưng vẫn vào lớp muộn hơn cô giáo. Cô thấy tôi thở gấp, cũng mỉm cười nói không sao, cho tôi vào lớp. Trước ánh mắt của các bạn khác, tôi chợt thấy xấu hổ và giận dữ vô cùng. Phương Linh hôm ấy còn tự chuyển sang chỗ Hà Anh, nhìn tôi đến muộn, tỏ ra rất ngạc nhiên.
   Cả buổi chiều hôm ấy, lòng tôi tràn đầy khó chịu, tôi không hiểu tại sao Linh lại đối xử với mình như thế. Nghĩ lại lời nói của Hà Anh trước đây rằng “Đứa nhát gan lờ đờ như cậu, sớm muộn gì Phương Linh cũng chán. Người đâu mà lúc nào cũng tỏ ra rụt rè, nhìn thật khó chịu” tôi dường như hiểu ra. Tan học, mặc kệ Phương Linh gọi với theo, tôi làm lơ đạp xe về nhà, thầm nghĩ sẽ không chơi chung với cậu ấy nữa. 
   Tâm trạng không vui, đến khi mẹ nhắc tới sinh nhật của tôi sắp tới, tôi cũng không buồn để ý. Tôi cứ tránh mặt Phương Linh nhiều lần, cô bạn hình như cũng không quan tâm, mấy ngày liền, tôi đi học và về nhà một mình. Hà Anh nhìn thấy tôi cũng không tỏ ra khó chịu như trước, thấy kì lạ nhưng nghĩ chắc là bây giờ thân với Linh nên không thích nói này nói nọ nữa. Cứ như vậy cho đến hôm sinh nhật tôi, trưa thứ 7, tiết sinh hoạt kết thúc, tôi cất sách vở, định đứng dậy đi về thì Hà Anh xuất hiện, giọng hiếm khi thân thiện:
- Cậu ở lại một chút đi, bọn mình có cái này.
Tôi chưa kịp trả lời thì hai mắt bị che lại, cửa lớp đóng, cả lớp tối om. Vừa được mở mắt ra thì tôi nghe thấy tiếng hát “Happy  birthday...” của nhiều người, Phương Linh bưng một chiếc bánh kem, nến sáng lung linh tiến vào từ cửa lớp, xung quanh cả mười lăm bạn nữ lớp tôi đều ở đây. Ai cũng vừa hát vừa mỉm cười chúc mừng sinh nhật tôi. Tôi kinh ngạc,vui sướng, mãi mà không nói được lời nào.
     Sau đó, Hà Anh giải thích tôi mới biết, Phương Linh cố ý tập hợp con gái, muốn cùng tổ chức sinh nhật cho tôi nhưng Hà Anh vốn hiểu lầm tính cách tôi nên Linh phải giải thích nhiều ngày. Các bạn ấy ai cũng ngưỡng mộ tình cảm của Linh với tôi, hiểu rõ tôi vốn nhút nhát chứ không phải giả tạo. Hôm ấy, ai cũng tặng quà cho tôi, động viên tôi cứ thoải mái vui chơi cùng nhau, có gì đâu mà rụt rè.
    Sinh nhật năm đó là sinh nhật vui nhất mà tôi trải qua, đồng thời cũng là kỉ niệm sâu sắc về Phương Linh, biết mình hiểu lầm, hai chúng tôi ôm nhau khóc nức nở. Từ đó, tình bạn của chúng tôi càng thêm gắn bó. Dù chúng tôi có rất nhiều kỉ niệm nhưng kỉ niệm ấy vẫn là kỉ niệm xúc động tôi không thể nào quên.

   CHO MÌNH XIN CÂU TRLHN VS Ạ!

Câu hỏi trong lớp Xem thêm

Theo lời kể của người hàng xóm thì tiếng la hét khóc lóc và ầm ĩ đó đã có từ một năm trước và gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người xung quanh. Vậy người cha ruột có thể là kẻ đứng ngoài vô can khi đang chung sống cùng con mình nhưng lại để người tình ra tay với con đẻ? Và thực tế, việc đánh đập là một hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải là giáo dục trẻ. Giáo dục chính là tạo môi trường cho trẻ phát triển và truyền cho trẻ các thông điệp giáo dục. Nếu môi trường sống của con “vẩn đục” bởi các toan tính của người lớn thì mọi biện pháp giáo dục đi kèm cũng không còn ý nghĩa. Hẳn là, trẻ sẽ không thể lớn lên và trưởng thành với sự thờ ơ, xem nhẹ giáo dục, không có hành động trao yêu thương của người lớn. Một nền giáo dục gia đình tối ưu chính là một môi trường gia đình đầm ấm, những người lớn tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Môi trường sống đó sẽ chính là khuôn đúc để những đứa trẻ lớn lên, được uốn nắn thành những con người tử tế, tôn trọng và yêu thương thế giới xung quanh và yêu chính bản thân mình. Hơn hết, ở đó có những người thân yêu của con mà không cần bạo lực hay là rao giảng đạo đức. Còn ở đây, trong môi trường vẩn đục khi người bố đẻ không bảo vệ được con mình. Một môi trường mà người thân yêu của con sẵn sàng dùng "nắm đấm" để ứng xử với nhau thì không thể đem đến cho con sự bình yên và hạnh phúc, càng không thể giúp những đứa trẻ trong môi trường đó phát triển bình thường. Tôi được biết có không ít đứa trẻ bị trầm cảm nặng khi cha mẹ ly hôn, phải sống cùng cha dượng hoặc vợ mới của bố. Với bé gái 8 tuổi bị bạo hành kia, cú sốc chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn, phải sống cùng và tỏ ra yêu thương người không phải mẹ mình, đó cũng là một áp lực. Sống với người mà con căm ghét, phải tỏ ra ngoan ngoãn, thậm chí yêu thương con người đó chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Vậy với môi trường sống đáng sợ như vậy, bé gái ấy đã nhận được sự giáo dục thế nào? Ngoài ra, bạo hành liên tục về thể xác và tinh thần chính là cách mà người lớn truyền cho con thông điệp dữ dội: phải nghe lời. Thông điệp này vốn dĩ không dành cho việc giáo dục một đứa trẻ. Để con đẻ của mình sống trong môi trường thiếu lành mạnh như vậy và liên tục nhận được các thông điệp kinh hoàng, hứng chịu đòn roi, không hiểu ông bố này muốn giáo dục con kiểu gì? Rõ ràng, người cha đó chưa đảm nhận tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng con đẻ. Thực tế, không khó hiểu khi tình trạng không ít đứa trẻ bị bỏ rơi, cô đơn trong chính nhà mình vì sự vô tâm của người lớn. Có thể rồi, người cha đó cũng sẽ bị trả giá trước pháp luật. Nhưng nhìn lại, ta cảm thấy băn khoăn, làm sao để bảo vệ những đứa trẻ? Làm sao để môi trường lớn lên của những đứa trẻ thực sự an toàn, an lành? Làm sao để cuộc sống của những đứa trẻ không bị đe dọa? Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên? Câu 2: Xác định các câu nghi vấn có trong đoạn trích trên? Căn cứ vào đâu để nói đó là câu nghi vấn? Câu 3: Từ đoạn trích trên em có suy nghĩ gì về “ giáo dục bằng bạo lực ”? Câu 4: Theo tác giả, một nền giáo dục tối ưu cho sự phát triển của một đứa trẻ là như thế nào? Câu 5: Nếu em bị bạo hành hoặc em thấy tình trạng bạo hành trẻ em, em sẽ làm gì?

1 lượt xem
2 đáp án
15 phút trước