2 câu trả lời
Một trong những biểu tượng của làng quê Việt Nam chính là cây tre. Hình ảnh lũy tre xanh đã đi vào biết bao lời thơ, câu hát với những tình cảm thật tuyệt vời.
Từ bao đời nay, tre đã trở thành người bạn của nông dân Việt Nam. Tre sống ở đây cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Khi lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre mang vẻ đẹp thanh cao, giản dị, chí khí giống như con người Việt Nam,
Không chỉ vậy, tre còn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc lao động. Tre giống như cánh tay của người nông dân. Cây tre vất vả mãi với người cối xay tre nặng nề quay. Tre là người nhà, khăng khít với đời sống hằng ngày. Tre buộc chặt những tình cảm chân quê. Tre là niềm vui của tuổi thơ, của người già. Trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, tre cũng đã trở thành đồng chí, đồng đội. Nhân dân ta đã dùng tre làm vũ khí đánh giặc. Trong quá khứ, chúng ta không thể quên được hình ảnh Thánh Gióng đã nhổ bụi tre để đánh đuổi giặc Ân. Ở hiện tại, tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre đã giúp nhân dân ta giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh. Thậm chí tre còn “hy sinh để bảo vệ con người”. Sự gắn bó đó đã trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết khi phải trải qua hi sinh, mất mát.
Ngay cả trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của tre. Khi mà sắt, thép và xi măng cốt sắt sẽ dần dần trở nên quen thuộc, sẽ thay thế một phần cho tre nứa. Nhưng nứa tre vẫn làm bóng mát, in dấu trong những câu ca dao, những lời hát… Tre sẽ trở thành một dấu ấn tinh thần không thể thiếu.
Có thể thấy rằng, cây tre có một tầm quan trọng với con người Việt Nam. Mỗi người hãy trân trọng những giá trị mà cây tre đem lại.
Từ bao đời nay cây tre đã có mặt hầu hết các nẻo đường đất nước Việt và gắn bó chung thuỷ với cộng đồng dân Việt Nam. Đặc biệt trong tâm trí của người Việt, cây tre chiếm một vị trí quan trọng, sâu sắc hơn cả - được xem là biểu tượng của người Việt và đất Việt. Từ hồi còn bé, tôi còn nhớ bài thơ về cây tre Việt Nam. Nước Việt Nam xanh muôn vàng cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quí nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa, trúc.
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...Cây tre, nứa, trúc... và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ lúa. Tre có thân rễ ngâm, sống lâu hiện ra các chồi gọi là măng, thân ra hoá mộc có thể cao đến 10-18m, ít phân nhánh mỗi cây có khoảng 30 đốt... Cả đời tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre bật ra hoa.
Cùng với cây đa bến nước sân đình – một hình ảnh quen thuộc thân thương của làng Việt cổ truyền thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm với người Việt. Tre hiến bóng mát cho đời và sẵn sàng hi sinh tất cả từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống.
Cây tre gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đất nước lớn lên khi dân ta biết trồng tre đánh giặc không phải ngẫu nhiên sự tích cây tre thân vàng được người việt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - hình ảnh gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kì đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Mặt khác, hình tượng cậu bé Gióng vươn vai hoá thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan tới sự phát triển của cây tre. Trải qua nhiều thời ki lịch sử các luỹ tre đã trở thành pháo đài xanh vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai. Tre thật sự trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vong góp phần rất lớn đánh đuổi quân xâm lược để giành lại hoà bình cho dân tộc: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”.
Đã không ít tác phẩm viết về cây tre như Cây tre Việt Nam của Thép Mới và bài thơ Tre Việt Nam của thi sĩ Nguyễn Duy... Tre còn góp mặt trong làn điệu dân ca, điệu múa hầu hết trên đất nước và là chất liệu cần thiết để làm các nhạc khí dân tộc như sáo kèn. Tre đi vào cuộc sống của mỗi người và đi sâu vào tâm hồn Việt. Mỗi khi xa quê lữ khách khó mà quên luỹ tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm... hình ảnh của tre gợi nhớ về làng quê mộc mạc, con người Việt Nam thanh tao, giản dị mà chí khí.
Có thể thấy rằng bản chất, bản lĩnh của người Việt và văn hoá việt có nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre. Tre không mọc riêng rẽ mà tạo thành luỹ tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng ở người Việt.
Tre gắn bó với người Việt như thế đấy. Trong đời sống cần quí trọng cây tre hơn. Ở Hà Nội, tre không còn nhiều. Giờ Hà Nội mở rộng lại bát ngát các vùng quê, chiều về khóm rơm không còn quấn quýt bên tre nhưng tôi lại thấy cây tre luôn vươn thẳng gắn bó với người dân.