2 câu trả lời
Khi Việt Nam giành được độc lập, Hà Nội lúc đó trở thành thủ đô của Đại Việt từ thế kỷ thứ 11, với tên gọi Thăng Long (có nghĩa là “rồng bay lên”), sau khi Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô năm 1010. Thăng Long là thủ đô cho đến năm 1397, khi thủ đô được di chuyển về Thanh Hóa (tức Tây Đô). Thăng Long khi đó có tên gọi là Đông Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương – TM) coi phủ đô hộ là Đông Đô” (Toàn thư Sđd – tr.192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: “Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô” (Cương mục – Tập 2, H 1998, tr 700).
Năm 1408, nước Đại Ngu của cha con họ Hồ bị quân đội của nhà Minh xâm chiếm và Đông Đô bị người Minh đổi tên thành Đông Quan.
Năm 1428, sau khi quân đội của Lê Lợi giải phóng đất nước thì Đông Quan được đổi tên thành Đông Kinh – tên gọi này người châu Âu phiên âm thành Tonkin. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: “Mùa hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi – TM) từ điện tranh ở Bồ Đề, vào đóng ở thành Đông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Đông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh” (Toàn thư – Sđd. Tập 2, tr 293).
Thời Tây Sơn, vì kinh đô đóng ở Phú Xuân thành còn có tên là Bắc Thành.
Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ “Long” biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là rồng, với lý do rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng” (Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).
Sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại rộng quá.
Năm 1831 vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội: tỉnh nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồng và sông Đáy. Khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tên Hán-Việt của Hà Nội Đông Kinh, được viết thành Tonkin và được người châu Âu dùng phổ biến. Năm 1873, người Pháp bắt đầu tiến đánh Hà Nội và 10 năm sau thì chiếm toàn bộ. Từ năm 1887, Hà Nội trở thành thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.
Năm 1940, thành phố bị phát xít Nhật xâm chiếm và đến năm 1945 Hà Nội được giải phóng và là nơi đặt các cơ quan của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1946 đến 1954, Hà Nội là chiến địa ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Sau khi được giải phóng vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong Chiến tranh Việt Nam, các công trình giao thông của Hà Nội như cầu và đường tàu bị bom đạn phá hủy, tuy nhiên ngay lập tức được sửa chữa. Trong thời gian này Hà Nội được xưng tụng là “Thủ đô của phẩm giá con người”. Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Việt Nam sau ngày Bắc Nam thống nhất 2 tháng 7 năm 1976.