tìm hiểu và làm nội dung về di tích lịch sử phế tích tháp hóa quê
2 câu trả lời
Đến Đồ Sơn – Hải Phòng gặp các cụ cao niên và một số người quan tâm đến văn chương thơ phú, ta được biết trong dân gian còn truyền tụng một số bài thơ nôm trong “ Đồ Sơn Bát Vịnh” ( vịnh tám cảnh của Đồ Sơn, được ghi trong gia phả của dòng họ Hoàng, quê gốc ở Hải Dương ra khai phá, sinh cơ, lập nghiệp trên vùng đất này từ xa xưa ) ca ngợi cảnh xưa, tích cũ của quê hương mình. Nhiều bài nói đến các di tích cổ của Phật giáo từ hơn hai ngàn năm trước với nỗi cảm hoài khôn tả. Xin đơn cử đôi bài đã được người dân địa phương phiên âm, tạm dịch như sau :
Đến Đồ Sơn – Hải Phòng gặp các cụ cao niên và một số người quan tâm đến văn chương thơ phú, ta được biết trong dân gian còn truyền tụng một số bài thơ nôm trong “ Đồ Sơn Bát Vịnh” ( vịnh tám cảnh của Đồ Sơn, được ghi trong gia phả của dòng họ Hoàng, quê gốc ở Hải Dương ra khai phá, sinh cơ, lập nghiệp trên vùng đất này từ xa xưa ) ca ngợi cảnh xưa, tích cũ của quê hương mình. Nhiều bài nói đến các di tích cổ của Phật giáo từ hơn hai ngàn năm trước với nỗi cảm hoài khôn tả. Xin đơn cử đôi bài đã được người dân địa phương phiên âm, tạm dịch như sau :
Phiên âm: Tháp Sơn Hoài Cổ ( Bài thứ năm )
Cổ tháp di hư loạn thảo đôi ,
Dục Vương khứ hậu ủy yên đồi !
Thiên chung bảo khí minh lưu thủy ,
Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi .
Tiều tử ỷ kha miên thạch đắng ,
Mục nhi khu độc há sơn ôi .
Đăng cao dục hội sơn Tăng giảng ,
Hà xứ chung lâu khấu nhất hồi .
Dịch : Tháp xưa lau cỏ tốt bời bời ,
Vua Dục đi, vua sau cũng đổ rồi !
Chuông nặng ngàn cân kêu đáy nước ,
Tháp cao chín bậc hóa thành vôi .
Chú tiều dựng củi nằm đo đá ,
Trẻ mục lùa trâu vội xuống đồi .
Lên núi muốn cùng Sư giảng kệ ,
Chuông đâu mà đánh thử một hồi ?
Bốn câu đầu của bài thơ gợi cho ta nhớ về lịch sử xa xưa của đạo Phật. Sau khi Tháp Dục Vương bị đổ nát, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Tháp Tường Long trên nền cũ,cũng đã bị hủy hoại, đổ nát thành phế tích cả rồi !
Theo “ Đạo Phật & Dòng Sử Việt” ( Đức Nhuận-1996 ) : Tương truyền vào khoảng ba trăm năm trước tây lịch, sau Đại hội Kết tập Tam tạng lần thứ ba tại Pataliputra (Hoa Thị Thành ), Ấn Độ, vua Ashoka đã gửi chín giáo đoàn đi truyền bá chánh pháp tại các nước, trong đó có một giáo đoàn do hai ngài Sona và Uttara lãnh đạo đã qua Miến Điện và tới xứ Đông Dương, trong đó có vùng đất Giao Chỉ - Việt Nam ta ngày nay. Nơi giáo đoàn đến Giao Chỉ là vùng Nê Lê ( bùn đen ), tên cũ của vùng Đồ Sơn ngày nay. Để tri ân vua Ashoka đã cử giáo đoàn tới đây để truyền bá Phật pháp, phật tử và dân chúng địa phương đã phát tâm xây dựng Tháp A Dục rất trang nghiêm để thờ Phật, và là nơi nương tựa, di dưỡng đời sống tâm linh sau những ngày lênh đênh kiếm sống trên biển cả và bờ bãi, đảo xa. Hình ảnh Tháp A Dục đã gợi mở cho ta nhớ về buổi đầu khi Giáo lý và các Hành giả của Đạo Phật đến xứ ta, đã nhanh chóng thích ứng và hội nhập với tinh thần bao dung thuần phác của tín ngưỡng bản địa và bản sắc văn hóa của cư dân vùng lúa nước,đánh bắt hải sản, nên đã tồn tại được ở xứ này. Tôi đồng cảm với nhận định của Nhà nghiên cứu Ngô Đăng Lợi, Hội Sử học Hải Phòng trong bài “ Lịch trình Phật giáo Xứ Đông và Hải Phòng”, tham luận tại Hội thảo khoa học “ Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Hải và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam” ( Nxb Tôn giáo-2008 ) là : Qua nghiên cứu các tư liệu, truyền thuyết còn tồn lưu trong dân gian, từ thần tích miếu Thị Đa, Cốc Liễu gần thị xã Đồ Sơn, có tên xa xưa là Nê Lê, nơi có dấu tích cả về vật thể và phi vật thể, là nơi đầu tiên nước ta tiếp thụ Phật giáo, từ thời Hùng Vương dựng nước, rồi từ Nê Lê truyền đến Luy Lâu, hình thành một Trung tâm Phật giáo của nước ta, từ đó đạo Phật được truyền bá tới mọi vùng miền của đất nước. Cũng từ Luy Lâu, Đạo Phật được truyền sang Lạc Dương và Bành Thành ở phương Bắc.. Trước thử thách khắc nghiệt của thời gian và thiên nhiên, ngôi Tháp đã trở thành hoang phế. Mãi đến những năm cuối của thập kỷ thứ năm, thế kỷ thứ XI, dưới triều Vua Lý Thánh Tông, ngôi tháp mới được xây dựng lại. Sự kiện này đã được viết khá chi tiết trong VIỆT SỬ LƯỢC ( Nxb Thụân Hóa-2005 ) do Cố giáo sư Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải như sau :
“ Năm Mậu Tuất, hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ năm ( 1058 )…
Mùa thu, tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp ở Đồ Xảo ( tức cửa biển Lạch Tray, Đồ Sơn ngày nay )...
Năm Kỷ Hợi..( 1059 )..Mùa thu, tháng 8, ngày Đinh Sửu, vua ngự ở điện Thủy Tinh xem ban cho quần thần đội mũ phốc đi hia. Tục này bắt đầu từ đó. Ngày Bính Tuất, rồng vàng hiện ở Điện Trừơng Xuân. Vua ban cho Tháp ở Đồ Sơn tên hiệu là THÁP TƯỜNG LONG” …
Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử các triều đại, sự hủy hoại của thiên nhiên và cả sự vô cảm của bao lớp người hậu thế, Tháp Tường Long cũng đã trở thành phế tích !
Cũng ở Đồ Sơn, trong dân gian còn truyền mịêng một câu ca dao cổ :
Lý gia truyền lại mấy đời
Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu.
Theo các cụ có tuổi “ xưa nay hiếm” quê gốc tại đây cho biết thì ở phía Tây của núi Tháp có một khe sâu ăn xuống lòng biển, gần bến đò Họng, tức là Nò Hầu mà câu ca có nhắc tới. Tương truyền, khi chùa Tháp bị đổ nát, chuông lăn xuống bến Nò Hầu, dân chúng hò nhau đi trục vớt được ở bến đò Họng, rồi rước về treo ở chùa Nam gần đó, sau này gọi là chùa Vân Bản. Thời gian dài sau , do một trận bão lớn, chùa Vân Bản lại bị đổ sập, quả chuông lại bị rơi lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Trải qua gần bốn trăm năm của hai triều Lý-Trần, tuy cũng có lúc thịnh suy, thăng trầm đôi khúc; nhưng nhìn chung Đạo Phật được tôn trọng từ vua quan cho đến thứ dân , Phật-Nho-Lão dung hợp, Tam giáo đồng nguyên, phát triển thuần thành , làm nền tảng đạo lý để quy kết lòng dân, xây dựng cuộc sống âm no, hạnh phúc, cùng nhau chung sức trong sự nghiệp bảo vệ, mở rộng, xây dựng đất nước yên bình. Lịch sử đã ghi nhận triều đại nhà Lý là một triều đại văn minh thịnh trị nhất nước ta, với những sự kiện tiêu biểu của dất nước như : Sau khi lên ngôi, năm 1010 Vua Lý Thái Tổ cho dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La-đổi tên là thành Thăng Long; Năm 1042 vua Lý Thái Tông ban hành Bộ hình thư-Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, nhằm chính quy hóa một bước tổ chức bộ máy nhà nước ,quân đội; Năm 1054, vua Lý Thánh Tông cho đổi tên nước là Đại Việt- Quốc hiệu được sử dụng lâu dài trong thời phong kiến ở nước ta; Dưới triều vua Lý Nhân Tông, năm 1070 cho dựng Văn miếu, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên để tuyển lựa nhân tài,năm 1076 cho mở trường Quốc Tử giám. Đặc biệt nhất là cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1078) với bài thơ Thần bất hủ: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” do Lý Thường Kiệt xướng đọc, đã đi vào lịch sử như là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước ta; Nền văn học cả dân gian, bác học của dân tộc có điều kiện phát triển ,hình thành; Bên cạnh các tác gia là các Thiền sư, còn có thơ văn của các Vua quan, các nhà trí thức dân tộc như: Lý Công Uẩn, Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Mãn Giác, Viên Chiếu, Không Lộ, Quảng Nghiêm..Từ đó đã xuất hiện tầng lớp nho sỹ,làm nòng cốt và từng bước định hình một nền Văn hiến Đại Việt mà sau đó được sưu tầm lại, gọi chung là Thơ-Văn Lý-Trần lưu truyền cho các triều đại sau và cho đến ngày nay. Có thể nói dưới hai triều Lý-Trần là giai đoạn thịnh đạt ở Việt Nam. Đến thời nhà Lê, Nho giáo được coi là nền tảng tư tưởng của triều đình và su thế của xã hội. Phật giáo không những không còn được trọng dụng mà còn bị bài bác. Trong trào lưu chung đó, hệ thống chùa tháp bị hư hại xuống cấp nhanh chóng. Để duy trì mạng mạch của chánh pháp, các bậc chân tu phải mai danh ẩn tích, phân tán tu hành ở các chùa làng, các am thất nơi núi cao xóm vắng. Chùa Vân Bản và Tháp Tường Long của Đồ Sơn cũng bị chung số phận. Theo các cụ truyền lại, chùa Vân Bản thời đó cũng được dân chúng cung thỉnh hạ sơn, làm chùa mới nhỏ hơn ở ven núi, gần khu vực bãi tắm I ngày nay. Sau khi chùa mới được làm xong, người dân Đồ Sơn lại một lần nữa mò tìm, trục vớt quả chuông từ bến đò Họng, khênh về treo ở chùa cách đó không xa, với tâm nguyện quả chuông được yên vị, tồn tại cùng ngôi chùa làng, sớm tối ngân vang nơi góc bể chân trời, để bà con dân chài có nơi nương tựa tâm linh. Nhưng không được bao lâu, chuông Vân Bản lại chịu thêm một cuộc “ bể dâu” chìm sâu trong lòng biển Đồ Sơn. Lý do cuộc lưu lạc lần này, có nhiều suy đoán khác nhau. Có người cho rằng chuông Vân Bản đựơc dân làng cất dấu nơi lòng biển cả để tránh cuộc tàn sát,vơ vét di sản văn hóa Đại Việt của giặc Minh thế kỷ XV. Cũng có ý kiến cho rằng để đối phó với việc phá chùa, tháp của Hoàng Cao Khải theo lệnh của Gia long. Việc này đã được ghi rõ trong sử sách của triều Nguyễn ( Đại Nam Nhất thống chí ) : “ Năm Gia Long thứ 3 (1804) phá tháp (Tường Long) lấy gạch xây thành trấn Hải Dương” ?
Đến đây Chuông Vân Bản tưởng đã kết thúc số phận và chìm sâu trong quên lãng của thời gian, thiên nhiên và người đời. Nhưng rồi vào một sáng mùa hạ năm 1958 ( ba năm sau ngày tên lính Pháp cuối cùng xuống tầu,cút khỏi miền Bắc ở Bến tầu há mồm, Đồ Sơn – Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng ), một vạt lưới của vạn chài Đồ Sơn bủa lưới đánh cá ở vùng biển thuộc Khu bãi tắm I ngày nay,vướng phải một vật cản lớn, không kéo lên được. Những thợ lặn giỏi được phái xuống khảo sát. Lời giải đáp thật ngạc nhiên: một quả chuông đồng lớn bị mắc quấn trong lưới ! Khi quả chuông được trục vớt lên đã cho chúng ta một kết quả quý báu không ngờ. Theo giám định của các chuyên viên bảo tàng, văn hóa của Trung ương và thành phố Hải Phòng cùng sự nhận diện của các bô lão kỳ cựu của Đồ Sơn, thì đích thực đó là quả chuông chùa Vân Bản cổ xưa. Đây là quả chuông lớn, có niên đại xưa nhất từ thời phong kiến được tìm thấy ở nước ta tại thời điểm đó. Đúng là sau bao nhiêu năm thăng trầm, dâu bể của các triều đại, nay “ Châu về hợp phố”. Trong khi chờ nơi treo thích hợp, chuông Vân Bản được bảo quản, trưng bày trang trọng tại Viện Bảo tàng để nhiều người cùng được chiêm ngưỡng. Đã có nhiều bài viết về kết quả nghiên cứu khoa hoc kỹ , mỹ thuật, nghệ thuật trang trí, văn bia Hán Nôm khắc trên chuông Vân Bản khá phong phú, sâu sắc, chúng ta sẽ đề cập kỹ hơn vào dịp khác.
Thật may mắn cho tôi, tháng 5/2009 vừa qua, sau khi dự Hội thảo khoa học “ Hòa Thượng Tuệ Tạng-Vị Thượng Thủ đầu tiên của Giáo Hội Tăng già Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam và Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nam Định phối hợp tổ chức, tại chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định ; Mấy huynh đệ trong đoàn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chúng tôi được Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Đồng Bổn, Trưởng Ban Phật Giáo Việt Nam của lưỡng Viện Phật Học tại thành phố Hồ Chí Minh mời tham gia hướng dẫn Đoàn Tăng ni sinh của Học viện đang trên đường “Tìm về chốn Tổ”, sau kỳ thi tốt nghiệp chương trình Cử nhân Phật học. Hôm ấy, chúng tôi về đến chùa Dư Hàng –Hải Phòng đã là chiều tối, vì thời gian chiêm bái các chùa ở Nam Định, Thái Bình đều quá dự định, trời lại mưa tầm tã,như thử lòng Thày trò, Chủ khách. Nhưng Thượng Tọa Thích Quảng Tùng-Phó chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng cùng quý vị tăng ni vẫn còn túc trực,đón đợi đoàn. Thượng tọa đã có buổi thuyết Pháp vô cùng sâu sắc,phong phú về lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo xứ Đông xưa, bao gồm cả Hải Phòng, Hải Dương ( quê hương tôi ) và phần lớn Quảng Ninh ngày nay – cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Thượng tọa giới thiệu khá chi tiết về Di tích Tháp A Dục xa xưa, về Di tích Tháp Tường Long xây dựng từ đầu Triều Nhà Lý trên đỉnh núi Tháp ở Đồ Sơn và kế hoạch, mô hình xây dựng, khôi phục lại Tháp Tường Long trên nền Tháp cổ xưa – Một công trình trọng điểm trong những hoạt động Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long của Nhà nước và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà Thượng tọa được giao đảm trách. Mọi người trong đoàn đều tiếc nuối chưa có dịp được chiêm bái di tích quý báu này, vì theo lịch trình đã định, ngay tối đó Đoàn đến thăm viếng và nghỉ tại Chùa Vẽ, để sáng hôm sau tiếp tục hành hương về Yên Tử, Chùa Đồng, Côn Sơn..; giao lưu với Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt nam ở Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ Tịch Hồ Chí Minh trước khi về lại thành phồ mang tên Người.
Sau buổi được nghe về Tháp Tường Long, tôi không khỏi băn khoăn, ân hận về sự “vô tâm”,“vô duyên” của mình với Bảo tích này từ bốn năm chục năm qua. Lý do là trước khi nghỉ hưu (2001), trong hơn bốn chục năm làm việc trong ngành đường biển thì đã có tới ba chục năm (1960-1990), tôi sống, làm việc tại Hải Phòng, có dịp qua lại Đồ Sơn biết bao lần: Khi chờ thuyền từ đảo Hòn Dấu về đón sang làm việc với Trạm Hải đăng, Đài Khí tượng thủy văn Hòn Dấu; Đã nhiều lần dự hội nghị, đi tắm biển do cơ quan tổ chức, thế mà chưa một lần để tâm đến các di tích văn hóa,lịch sử ở nơi đây, thật là đáng trách. Tôi xin phép Thượng tọaTrưởng đoàn ở lại miền Bắc thêm ít ngày, với tâm nguyện tìm hiểu rõ thêm nguồn cội và các di tích văn hóa Phật giáo của xứ Đông quê hương mình. Một sự ngẫu nhiên nhưng thật diễm phúc cho tôi là khi tôi được Ban liên lạc cựu công chức Ngành Đường biển Việt Nam mời dự buổi họp mặt định kỳ hai năm một lần vào các năm lẻ, thì năm nay lại tổ chức tại Đồ Sơn, do ông Tổng giám đốc công ty cổ phần phát triển du lịch Đồ Sơn-Hòn Dấu ( một đồng môn, đồng nghiệp hàng hải lớp sau của chúng tôi ) đăng cai . Chương trình ghi rõ dành cả buổi chiều ngày 23/5/2009, Đoàn lên chiêm bái Di tích Tháp Tường Long trên đỉnh núi Tháp,thuộc phường Ngọc Xuyên, Thị xã Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Lại thêm một sự ngẫu nhiên như thêm một cơ duyên an lành hiếm có là khi chúng tôi vừa lễ Phật xong ở ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên nền Tháp cũ, thì Đoàn của Thượng Tọa Thích Quảng Tùng và ông Chủ Tịch Thị xã Đồ Sơn cũng vừa đến, chuẩn bị cho việc bàn giao mặt bằng, để Giáo Hội và Thành phố tiến hành Lể khởi công xây dựng khôi phục Tháp Tường Long vào dịp Lễ Phật Đản Kỷ Sửu-2009. Theo lời thỉnh cầu của chúng tôi, Thượng tọa đã hoan hỉ dẫn chúng tôi ra khu tường bao, có rào lưới B40 bảo vệ, giới thiệu về giá trị của các báu vật cùng quá trình phát hiện, khai quật,bảo vệ Di Tich Tháp Tường Long của Lãnh đạo các cấp cùng quân dân, giáo hội và đồng bào phật tử Đồ Sơn-Hải Phòng từ mấy chục năm đến nay. Theo các tài liệu, hiện vật còn lại chúng ta được biết: Đầu năm 1972, để chống lại cuộc tập kích tàn bạo nhất của không lực Mỹ vào thành phố Cảng Hải Phong, quân dân Đồ Sơn đã tìm lên đỉnh núi Tháp để đặt một trận địa phòng không đón bắn máy bay giặc ngay từ cửa ngõ vào đất liền. Các chiến sỹ ta đã phát hiện trên đỉnh núi Tháp vẫn còn một nền xây gạch hình vuông, mỗi cạnh dài sáu mét, tường dày mét hai, đào sâu xuống hai mét vẫn chưa thấy lớp gạch cuối cùng. Những viên gạch xây Tháp có kích thước 0,40x0,20x0,50 cm. Ở cạnh các viên gạch đều có khoét lõm khung hình chữ nhật dài, trong đó in nổi hai dòng chữ Hán: Lý Gia Đệ Tam Đế, Long Thụy Thái Bình, Tứ niên tạo. Dòng chữ ấy cho ta biết, công trình được tạo lập vào triều Lý, đời vua Lý Thánh Tôn, có niên hiệu Long Thụy Thái bình (1057). Những viên gạch còn lại cách nay gần mười thế kỷ, mà viên nào cũng như viên nào, chín đều, rất mịn mặt, hàng chữ khắc rất sắc nét mầu đỏ thẫm. Nhìn dạng chữ thấy có nhiều bút pháp khác nhau, hẳn là gạch được đúc từ nhiều lò gạch và phường thợ khác nhau. Dỡ thử vài hàng gạch xây chân Tháp, chỉ thấy có chất mầu đỏ để liên kết. Việc xây dựng, hẳn phải có sự tính toán, lựa chọn vật liệu rất chính xác, sao cho cây “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn huyện Nghi Dương cao trăm thước” ( như sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã chép) đứng vững được…Chiều tối hôm đó, chúng tôi xuống núi ra về, lòng thư thái lâng lâng và càng thêm trân trọng công đức, tâm huyết của Giáo hội, của Thượng tọa và lãnh đạo các cấp cùng đồng bào phật tử Đồ Sơn-Hải Phòng.
Trở lại Di tích Tháp A Dục-Tường Long, sau hai lần được tham vấn với Thượng Tọa Quảng Tùng, tôi đã lần tìm theo tích xưa, sách cũ, để có được chút khái niệm bước đầu như đã viết ở phần trên.Song tôi cứ băn khoăn về hai chữ “ Phế tích” ghi trên tấm biển chỉ dẫn .
Tháp Tường Long mà ta tìm đọc trong sử sách cũ và được nghe truyền tụng trong dân gian lâu nay, nằm trên đỉnh núi Tháp, ngọn núi đầu tiên của dãy núi Đồ Sơn, còn gọi là Mẫu sơn, cao khoảng 168 mét. Dưới chân núi có một ngôi chùa Hang-Cốc Sơn Tự, tương truyền từ cuối đời Vua Hùng, ở đây có một Bần Tăng người Ấn Độ,lâp bàn thờ Phật,tu hành trong hang núi và sau đó đã viên tịch tại đây, nên dân địa phương thường gọi là chùa Hang, hay Cốc Tự. Các cụ còn kể, khi còn bình sinh, Chử Đồng Tử đã từng đi thuyền qua đây và đã được nghe Bần Tăng thuyết pháp. Người Đồ Sơn cũng có chung cách nhìn hình tượng hóa thế núi, hình sông của dân tộc. Núi Đồ Sơn người xưa còn gọi Cửu Long-Chín Rồng, riêng núi Độc tách ra, đó là con rồng không nghe lời mẹ tách khỏi đàn. Sự tích này nhắc nhở về đạo lý cua dân ta, những đứa con hư hỏng, tách khỏi cộng đồng sẽ bị cô độc.
Với con mắt của các nhà địa lý,phong thủy, lại có cách nhìn hình tượng khác: Dãy núi Đồ Sơn được xem như một con Rồng đang hướng ra biển để ngậm một viên ngọc quý là đảo Hòn Dấu, mà ở đó có cây hải đăng vào loại lớn nhất do người Pháp xây dựng ngay sau khi xâm chiếm nước ta. Từ tầm cao quan sát,ta thấy dãy núi Rồng không chỉ có chín mà có tới 18 điểm cao từ khoảng 20 dến 168 mét. Trên đỉnh ngọn núi cao nhất có một khoảng đất bằng phẳng ước chừng ngàn mét vuông. Đứng ở đây, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía thấy cảnh sắc thật tuyệt vời: trời xanh,mây trắng,biển biếc mênh mông , sơn thủy thật hữu tình như bức tranh thủy mạc. Đúng là “ Lên non mới biết non cao”, Chắc không phải ngẫu nhiên mà ở nơi chót vót non cao này, từ trên hai ngàn năm trước các bâc Tổ Tông tiền bối đã chọn làm nơi xây dựng tháp A Dục; Rồi trên một ngàn năm sau vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng trên nền Tháp cổ một công trình nghệ thuật nguy nga gồm chùa Vân Bản và ngọn Tháp lớn vào hàng tháp Báo Thiên ở kinh đô, lại cho đặt tên là Tháp Tường Long. Phải chăng là để nhắc nhủ hậu thế phải luôn nhớ về sự tích, sự nghiêp của “ THĂNG LONG” và Lời vua Lý Thái Tổ đã xác định trong Chiếu Dời Đô: “… Xem khắp nước Việt, đó là chỗ đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là Đô thành bậc nhất, đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời.” Rồi có liên hệ gì đến Hoàng Long của Cố đô Hoa Lư xưa và cả Hạ Long-Di sản thiên nhiên thế giới mà hậu thế ngày nay đang được thừa hưởng (nhưng chỉ chăm chăm ra sức cổ súy và khai thác triệt để như của riêng nhà mình, đến mức phải báo động về môi trường sinh thái) ?. Rồi tại sao đời Gia Long, Minh Mạng, khan hiếm vật liệu xây dựng đến mức nào mà phải cho quan quân ra tận Đồ Sơn phá Tháp lấy gạch về xây thành Trấn Hải Dương. Phải chăng họ định triệt đường Long mạch của Tổ Tông ?!..Nhưng họ đâu có biết các bậc Tổ Tông tiền bối xưa, khi xây dựng Chùa Tháp xong, đều đã “ Chấn trạch” và “ An Thần nhập định” cả rồi. Họ cũng đâu có biết, ngoài cái bề nổi của con Rồng Đồ Sơn với thế núi,bãi biển trải dài mà khách vãng lai thường thấy; Còn người dân địa phương thì biết khá tường tận và tự hào về những tiềm ẩn như Suối Rồng của quê hương mình. Ở chân núi Rồng có một dòng nước ngầm từ trong lòng núi, tuôn ra thành một dòng suối lớn, trong lành, mát lạnh, bốn mùa không bao giờ cạn kiệt. Lại thêm sự tích trên đỉnh Chòi Mòng, có một tảng đá tự nhiên vuông vức, mưa gió làm cho mặt đá nhẵn bóng, như một chiếc bàn cờ lớn. Các Đạo sỹ xưa truyền lại rằng đó là Bàn cờ Tiên, các vị đã từng gặp các Tiên Lão từ trên trời xuống đây đánh cờ. Vì vậy những bâc cao niên quê gốc Đồ Sơn còn nhớ câu ca dao dân gian còn truyền lại, để nhớ về một huyền thoại ghi nhận công tích các bậc tiền bối khai sơn, phá thạch, mở đất, lập làng và từ xa xưa đã vươn ra khai mở thêm nhiều vùng đất mới cho đất nước :
Ở đây vui thú non tiên ,
Sớm ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau .
Người dân Trà Cổ (Móng cái-Quảng Ninh), Không biết từ bao giờ cũng đã có ngạn ngữ : “Trà Cổ tổ ở Đồ Sơn”. Trong ngôi đình Trà Cổ vẫn còn một đôi câu đối cổ :
Phiên âm :
Đồ Sơn ngật nhĩ hình hương địa
Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ
Tạm dịch:
Đồ Sơn lừng lững đất lừng hương
Trà Cổ nguy nga đình kỷ niêm.
Dải núi Rồng, mạch suối Rồng, đồng ruộng, bãi tắm ..không chỉ tô điểm cho Đồ Sơn cảnh sắc hữu tình hùng vĩ, mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa tâm linh và mang lại cho người dân nguồn lợi lớn về nông,lâm, thủy hải sản, khoáng sản và nhiều tiềm năng, thế mạnh khác trong sự nghiệp chung của cả nước. Lời Người xưa nói: “ Có Phúc thì có phần” là vậy.
Ngần ấy sự việc, sự kiện, qua các triều đại, chắc chắn đã giúp cho chúng ta luôn nhớ đến giáo lý của Đạo Phật về Nhân duyên, Nhân quả, mà các triết gia hiện đại đã diễn giải có phần “đao to, búa lớn” bằng câu nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục,thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” , cũng là để răn đe người đời vậy thôi.
Đến thời chúng ta, đã có nhiều dịp phát hiện,thăm dò khai quật cùng các dự án khá quy mô từ những năm bảy mươi và cuối chín mươi của thế kỷ trước. Nhưng có thể do “ Lực bất tòng Tâm” và cũng do cả tầm nhìn và sự vô cảm; Rồi tân quan, tân chính sách, đánh trống bỏ dùi ,nên đã để một Bảo tích như Tháp Tường Long thành “ Phế tích”, Cho đến cuối thập kỷ đầu của thiên niên kỷ này, chỉ còn lại cho thế hệ chúng ta chút dấu vết của nền móng trên đỉnh núi Tháp cổ xưa thì Thật là điều đáng tiếc !
May mắn thay, tiến tới Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long, Quốc Hội nứơc ta đã có nghị quyết về mở rộng địa giới Thủ Đô Hà Nội. Cũng từ đó các hoạt động, các hạng mục công trình Chào mừng Lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội được chỉ đạo chặt chẽ và thúc đẩy tiến độ thi công mạnh mẽ hơn , trong đó có việc khởi công xây dựng Tháp Tường Long,theo mô hình, quy hoạch đã được phê duyệt mà Thượng tọa Quảng Tùng đã giới thiệu , tại vị trí nền Tháp cổ, trên đỉnh núi Tháp, thuộc phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Âu cũng là do Vận nước,tuần dân; Đã đến lúc hội đủ : “ Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa”, Đạo Pháp và Dân Tộc đồng hành phát triển bền vững, hội nhập cùng thời đại, sánh vai cùng cường quốc năm châu, bốn biển. Ngưỡng mong mọi người con dân Việt cùng chung góp công đức, để công trình Đại Phật sự này sớm được hoàn thành viên mãn, để thiết thực chào mừng Đại lễ Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội của cả nước ta, và cao sâu hơn là khôi phục lại Tháp A Dục-Tường Long, mốc son vàng Lịch sử, ghi nhận Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam từ Đời Vua Hùng dựng nước, với trên hai ngàn năm hội nhập,dung nạp, đồng hành cùng văn hóa tâm linh bản địa, hình thành nền Văn Hiến Đại Việt, khởi sắc từ triều đại Lý-Trần, trải mấy độ thăng trầm, tồn tại phát triển bền vững cho đến ngày nay.
Viết tới đây, tôi như thấy văng vẳng bên tai Lời căn dặn tâm huyết bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ chiến sỹ bộ đội ta trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội,cách nay 55 năm : “ Các Vua Hùng đã có công dựng Nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy Nước”. Tư tưởng Đại Đoàn Kết các dân tộc, các tín ngưỡng tôn giáo là tư tưởng xuyên suốt và chính sách nhất quán của Hồ Chủ Tịch và nhà nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn “ Hồ Chí Minh-một con người,một dân tộc,một thời đại,một sự nghiệp” đã trích lời một nhà văn,nhà báo phương tây : Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật,lòng bác ái của Chúa, tiết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê Nin và tình cảm của một người chủ gia tộc, Tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên.” Và để kết thúc bài viết này, tôi xin phép được ghi lại lời phát biểu tâm huyết,hào sảng của Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng trong buổi đón tiếp quý vị Tôn đức dự Đại Hội Thống nhất Phật Giáo Việt Nam lần thứ nhất, tại Phủ Chủ Tịch-tháng 11 năm 1981 :
“…Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước..Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay,Phật giáo Việt Nam đã góp phần xứng đáng.. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến Đạo Phật, đến những việc làm quý báu đẹp đẽ của đông đảo Tăng ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang mầu sắc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật Giáo Việt Nam đã góp phần lảm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc” .
#bin