2 câu trả lời
Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Ðịnh, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù ca Huế, dân ca Nam bộ...vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, tựa như:
"Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc...
Chị Hai xinh chị Hai đứng một mình vẫn xinh"
Ðó là dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca. Cái trong sáng, rộn ràng của chèo. Cái thổn thức, mặn mà của hát dặm. Cái khoan nhịp, sâu lắng của ca trù. Cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, Quan họ mang "khí chất" của chính Quan họ, là hồn của xứ sở Quan họ, là "đặc sản" tinh thần của Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Nằm kề cận với thủ đô, có diện tích nhỏ nhất nước, với sáu huyện, thị, nhưng khát vọng trí tuệ, khát vọng sống, khát vọng khẳng định mình của Kinh Bắc chẳng nhỏ tý nào. Sách cổ của người xưa từng ngưỡng mộ: "Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã". Ðất Kinh Bắc là nơi kết tụ của tài hoa các làng nghề: làng tranh Ðông Hồ, Làng giấy Ðống Cao, làng chạm khắc Phù Khê, làng đồng Ðại Bái, làng buôn Phù Lưu...Là đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng của các đình, đền, chùa nổi tiếng. Người Kinh Bắc thông minh, tinh tế. ở bất cứ thời đại lịch sử nào Kinh Bắc cũng hiến cho đời không ít những danh nhân, nhân tài, kẻ sĩ, các bậc hiền tài...Các cộng đồng làng Kinh Bắc từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch hoạ, vượt lên gian khó, "thương người như thể thương thân", "tứ hải giao tình, bốn biển một nhà" như lời dân ca Quan họ. Chính cái khát vọng sống của người Kinh Bắc, đất Kinh Bắc đã hoá thân thành những làn điệu Quan họ kỳ diệu "lời thì giao duyên, tình thì anh em ", vừa thực, vừa mơ, vừa giải bày, vừa khúc chiết ,vừa tình tự ,vừa sâu sắc ...Các làng Quan họ cũng được hình thành, quần tụ thành vùng Quan họ, hầu hết nằm ở Bắc Ninh, mà theo các nghệ nhân, từng có tới 49 làng quan họ. Và như sông Cầu không bao giờ cạn, mạch sống của khúc nhạc, lời ca Quan họ cũng không khi nào nhạt phai dù đã trải qua bao đời người và bao nhiêu biến động thời thế. Ðến bây giờ Hội làng Quan họ vẫn là nguồn cảm hứng mùa xuân bất tận của xứ Kinh Bắc. Các Hội làng gắn bó đặc biệt với hát Quan họ, không thể nào có Hội làng trên mảnh đất Bắc Ninh mà thiếu vắng sắc màu và âm thanh Quan họ. Những hội hè này trải dài từ mùng 4 Tết âm lịch đến 28-3 âm lịch. Ðặc sắc nhất vẫn là Hội Lim ở huyện Tiên Sơn. Vào những ngày hội, nam thanh nữ tú các nơi đổ về, trẩy hội tưng bừng, để được nghe các liền anh, liền chị xiêm y mớ bảy mớ ba, hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát mừng...
Dân ca Quan họ quả là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nó cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng gìn giữ và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, ở trong nước và cả cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Trong suy nghĩ đó, CLB Văn hoá xin trân trọng giới thiệu những nét đặc sắc nhất của dân ca Quan họ. Từ khái quát về quê hương Quan họ với những truyền thống xứ Kinh Bắc, về các làng Quan họ, các lề lối ca hát và phong tục giao du. Ðến lời ca Quan họ với sự phân tích về nội dung lời ca và nghệ thuật thơ ca. Âm nhạc trong dân ca Quan họ cũng được điểm với những thể dạng, hình thức cấu trúc điển hình, mối quan hệ giữa âm nhạc với hình thức lời ca...Và không thể thiếu được là một số làn điệu Quan họ, vừa có kinh điển, vừa có cả cải biên, được trình bày bởi tiếng hát dung dị, trữ tình của chính những liền anh, liền chị trên quê hương Quan họ Kinh Bắc.
Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua được gọi là "dòng sông quan họ". Kinh Bắc là một tỉnh cũ bao gồm cả hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (và một phần của Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nội ngày nay). Quan họ cũng được hình thành ở vùng văn hóa Kinh Bắc này. Do có sự chia tách về địa lý sau đó mà quan họ còn được gắn tên cục bộ địa phương như quan họ Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), Dân ca quan họ đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù. Có người cho rằng văn hóa Quan họ ngày nay là phần còn sót lại của nền văn minh niên đại trước. Bởi vì căn cứ vào chất liệu âm nhạc, và trình độ thưởng thức âm nhạc người ta thấy dường như âm nhạc Quan họ không có liên quan gì mấy đến bất kể thể loại âm nhạc nào trên thế giới. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nhưng Quan họ vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo và khiêm nhường. Những nốt nhạc luyến láy, biến tấu rất tài tình làm cho nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc phải bối rối khi cố gắng tìm ra đâu là cội nguồn của thể loại âm nhạc độc đáo này. Họ không lý giải được làm sao mà hàng mấy trăm năm trước đây loài người đã có trình độ thưởng thức âm nhạc cao đến thế, làm sao mà Quan họ lại có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ mà chỉ qua hình thức truyền khẩu? Nếu như những truyền thuyết về Quan họ là đúng, thì thể loại âm nhạc này do những người thần tiên từ xa xưa để lại, nên mới có sức sống mãnh liệt phi thường như vậy. Những phương pháp ghi chép hiện đại đã lưu giữ được những nghi lễ cổ của người Quan họ như cầu mùa, cầu mưa, cầu duyên, cầu Phật. Người Quan họ tin rằng tiếng hát của họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hoà hợp âm dương và đem lại minh hạnh cho cuộc sống. Đặc biệt, hình thức hát nghi lễ này hoàn toàn do Quan họ nữ hát và chỉ dùng một làn điệu gọi là giọng La Rằng. Ngày nay, La Rằng vẫn là giọng hát mở đầu của tất cả các canh hát. La Rằng là giọng hát đòi hỏi tổng hợp hầu hết các kỹ thuật hát cổ mà người hát phải có. Người hát phải có kinh nghiệm, gọi là độ chín trong giọng hát, trong kỹ thuật xử lý âm thanh và giai điệu. La Rằng được sử dụng trong Quan họ hiện đại như một câu hát chuẩn để lấy và giữ cao độ cũng như phong cách của một canh hát. Khi canh hát đi lệch khỏi chuẩn, người cầm canh thường yêu cầu người hát hát lại La Rằng. Ngày xuân ôn lại cội nguồn của phong tục hát Quan họ của người Kinh Bắc, cũng là để giúp ta hiểu thêm về Quan họ, văn hóa Quan họ, lối sống Quan họ, và nhắc nhở nhau thêm trân quý những gì mà tổ tiên ông cha để lại. Biết đâu, trong số những độc giả của chúng ta ngày hôm nay lại mắc duyên Quan họ, để rồi lại góp sức với bao nhiêu thế hệ người Quan họ Kinh Bắc cùng gìn giữ nền văn hóa cổ truyền này.