thuyết minh về một loài cây mà e thích ko quá 2 trang và ko chép mạng

2 câu trả lời

     Tuổi thơ tôi đã từng được che mát bởi bóng râm của cây bàng, cây phượng, đã từng có những giấc ngủ êm đềm trong tiếng ru của tiếng tre, tiếng trúc hòa với gió reo, đã từng được thưởng thức hương vị ngon lành, mát dịu của những trái bưởi, trái dừa. Nhưng có một loài cây có lẽ sẽ in đậm trong tâm trí tôi suốt đời, đó là cây khế.

     Cây khế thuộc dạng cây bụi cao, thân gỗ nên thường có những tán lá cao và rộng. Thân cây lại chia thành nhiều nhánh khác nhau. Đặc biệt, cây khế có những nhánh cây nhỏ vươn ra như những cánh tay dài khẳng khiu, từ đó, những chùm hoa khế bắt đầu nở rộ để cho ra những trái cây chín vàng, có vị ngọt hoặc chua dìu dịu.

     Lá khế rất mỏng, có màu xanh mướt khi còn non và chuyển thành màu xanh sẫm hơn khi đã già. Đặc biệt, lúc lá cây bắt đầu rụng xuống thì chuyển màu vàng.

     Hoa khế rất nhỏ, có năm cánh màu tím nhạt. Màu tím của hoa khế đậm nhất là ở đầu cánh hoa, hoa càng về phía nhụy thì lại càng nhạt. Điều đặc biệt là hoa khế không mọc riêng lẻ mà mọc thành từng chùm, từng cụm.

     Cây khế có hai loại: khế chua và khế ngọt. Quả khế chua thường có múi nhỏ, còn khế ngọt thường có múi to và mọng hơn.

     Cây khế thường phát lộc vào mùa xuân, ra hoa vào đầu hạ và kết quả vào cuối thụ. Sau một thời gian ra hoa, đài hoa sẽ dần phát triển thành những trái khế non. Lúc này, trông quả khế gần giống quả bàng nhưng lại có năm cánh như ngôi sao có màu xanh non. Khi chín, quả chuyển sang màu vàng nhạt. Dù là khế chua, khế cơm hay khế ngọt thì đều mang một hương mùi vị đặc trưng, đó là một vị ngọt ngọt, chua chua nhưng rất mát và thanh. Vào mùa hè, nếu được ăn những quả khế chấm muối để giải khát thì thật tuyệt vời. Dùng quả khế lấy nước ép uống có tác dụng giải nhiệt, cũng như chống cảm nắng vào mùa hè nóng nực. Nước khế ép có thể làm thuốc hạ sốt. Ngoài ra, khế chua còn dùng để nấu canh cá - một món ăn rất hấp dẫn.

     Tuy giá trị dinh dưỡng của khế không cao (100g khế chỉ cho 35,7 calo) song khế lại có lợi ích trị nhiều bệnh. Vị chua của khế là do các a-xít hữu cơ, có từ 800-1250 mi-li-gam/100 gam khế. Khế chua có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn khế ngọt. Khế rất giàu vi-ta-min. Một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, làm đẹp da và giúp giải nhiệt cho cơ thể, nhất là trong mùa hè nóng nực. Ngoài ra, khế còn tác dụng chữa một số bệnh như: dị ứng, ho, viêm họng, sốt xuất huyết,...

     Cây khế chẳng những tặng con người trái ăn mà còn tỏa bóng mát nữa. Riêng đối với tôi, cây khế đã gắn liền với tuổi thơ êm đềm. Bóng mát của cây khế và những trái khế ngọt lành đã trở thành những thứ không thể thiếu trong ngày hè. Chính vì thế, tuy cây khế không phải là biểu tượng của dân tộc như cây tre, cây trúc, cũng không phải là "bà chúa mùa xuân" như cây mai, cây đào nhưng khế luôn là loài cây mà tôi yêu quý.

     Nhắc đến Việt Nam là người ta nhớ ngay đến một quốc gia với muôn ngàn hoa trái. Trong rất nhiều những loài cây có giá trị từ Bắc xuống Nam dọc đất nước, có một loài cây thẳng, giản dị, một loài cây quen thuộc với người dân miền biển Việt Nam - cây dừa.

          Đặc điểm cấu tạo của cây dừa không quá phức tạp, đó là một loài cây thân trụ đứng và cao, mọc thẳng và không phân cành, phân nhánh. Lá dừa trực tiếp mọc ra từ thân chính, gồm hai phần: cuống lá và chét lá. Mỗi tàu dừa có độ dài từ 5 - 6m. Trung bình một cây dừa có khoảng dao động từ 32 - 35 lá. Cây dừa cũng có hoa. Hoa có màu trắng mọc ra từ nách lá, nở thành từng cụm, cả hoa cái và hoa đực đều nằm trên một cụm hoa. Rễ dừa thuộc kiểu rễ chùm, khi dừa mới ra rễ, rễ thường có màu trắng, nhưng trong quá trình sinh trưởng, rễ sẽ có màu nâu, rễ dừa mọc sâu và khỏe. Quả dừa có vỏ cứng, nhẵn và xanh mượt mà, bên trong là một lớp xơ màu hơi nâu, tiếp đến là lớp gáo dừa cứng chắc. Trong cùng là lớp cùi dừa trắng ngần, thơm nhẹ, có màu trắng trong khi quả dừa còn non và chuyển sang trắng đục khi dừa già. Cùi dừa bao chứa nước dừa thanh thanh, ngọt nhẹ.

          Dừa là loài cây có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, chịu mặn tốt và phát triển thuận lợi trên đất pha cát, ưa những nơi sinh sống có nhiều ánh sáng với lượng mưa vừa phải. Bởi những đặc điểm sinh trưởng trên nên dừa được trồng nhiều ở những vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Ở nước ta, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện về khí hậu và đất đai thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của dừa. Ngoài ra, dừa còn được canh tác nhiều tại các tỉnh miền Trung và Bến Tre.  

          Kỹ thuật chăm sóc dừa không quá phức tạp. Nên chọn trồng dừa tại những vùng đất pha cát, khí hậu nhiệt đới ẩm. Trong quá trình trồng chú ý bón lót, bón thúc, phòng ngừa sâu bệnh thường xuyên để cây có thể sinh trưởng, phát triển tốt.

          Cây dừa như người Việt Nam ngay thẳng, cứng cáp và vươn cao, mộc mạc và giản dị nhưng lại mang giá trị vật chất, tinh thần lớn lao. Hiểu vậy để mỗi người thêm yêu quý, trân trọng loài cây ấy.