Thuyết minh về áo dài Việt Nam! Mong mng k lấy trên mạng ạ cảm ơn nhiều! Viết dài ạ!

2 câu trả lời

$dungzz2367$
$Like_Eveything$
      Cùng với chiếc nón lá, chiếc áo dài thướt tha, đậm đà bản sắc dân tộc đã góp phần không nhỏ tạo nên sự duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam. LÀ biểu trượng của người phụ nữ Việt Nam.
      Chiếc áo dài truyền thống Việt Nam có từ bao giờ cho đến nay chưa ai biết rõ nguồn gốc chính xác và cũng chưa có công trình kĩ càng. Chỉ biết rằng chiếc áo dài xuất hiện trong cuộc sống của người Việt Nam từ rất lâu rồi.

      Từ những năm 30 của thế kỉ XX chiếc áo dài cổ truyền được hoạ sĩ Cát Tường cải tiến thành áo tân thời có tên là Le Mur dành cho nữ giới. Chiếc áo này được cắt theo kiểu phương Tây nên có vai bồng, tay nối vai, cổ bẻ có hình trái tim. Sau đó hoạ sĩ Lê Phổ đã cải tiến chiếc áo này, loại bỏ nét phương Tây táo bạo. Đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân tạo ra kiểu áo vạt dài ôm sát người, hai vạt dưới tự do bay lượn. Từ đó đến nay chiếc áo dài không ngừng được hoàn thiện để trở thành một thứ trang phục mang tính thẩm mĩ cao. 

       Áo dài thường có ba phần : cổ áo, thân áo, tay áo. Từ lâu cổ áo lúc nào cũng được may theo kiểu cổ Tàu (cổ đứng, cao hết cổ). Khi mặc cổ áo ôm khít, lượn tròn đằng sau theo phong cách kín đáo, không hở hang. Ở trước cổ áo thường đính thêm nút bấm ẩn ở bên trong. Nhưng bây giờ do nhiều sở thích khác nhau nên xuất hiện nhiều kiểu cổ áo như: cổ thuyền, cổ tròn, cổ trái tim,... Do đó người mặc có thể lựa chọn kiểu áo phù hợp với hình dáng, sở thích của mình. Tay áo có thể may tay cộc hoặc tay dài, vai liền hoặc vai nối. Thân áo gồm hai tà, tà áo dài hay ngắn, rộng hay hẹp khác nhau tuỳ theo dáng người và sở thích của người mặc, Thân áo có thể mở cạnh hoặc mở giữa. Có thể dùng cúc bấm hoặc khoá kéo. 

       Có nhiều lạo vải để may áo dài nhưng tất cả các loại vải đều có chung đặc điểm là : mềm, nhẹ, thoáng mát. Các loại vải thường dùng như: lụa, tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung, voan. Màu sắc của áo dài cũng rất đa dạng, có khi sặc sỡ như đỏ, hồng, cũng có khi lại nhẹ nhàng thanh khiết như trắng, xanh nhạt. Nhưng mỗi chúng ta phải biết lựa chọn loại vải phù hợp với sở thích, màu da, hình dáng bên ngoài và cả độ tuổi để có được một bộ áo dài vừa đẹp vừa ưng ý.

       Trong cuộc sống hiện đại, chiếc áo dài xuất hiện ở khắp mọi nơi và nó trở thành quốc phục của người phụ nữ Việt Nam. Những nữ sinh mặc áo dài trắng tinh khiết như một thứ đồng phục học đường trang nhã, duyên dáng. Những nữ tiếp viên hàng không xinh tươi, đằm thắm trong chiếc áo dài đã làm dịu đi những nỗi mệt nhọc cho du khách trong mỗi chuyến bay. Đặc biệt áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của thiếu nữ Việt Nam trong các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế. Áo dài còn thường được mặc trong các dịp lễ hội, trình diễn hoặc tại những môi trường đòi hỏi sự sang trọng, 
        Ngày nay chiếc áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ sáng tạo nghệ thuật. Chiếc áo dài cùng với chiếc nón lá đã trở thành những món quà lưu niệm đậm đà bản sắc dân tộc cho du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam.

        Trải qua bao thế kỉ chiếc áo dài vẫn tồn tại và giữ nguyên vẻ đẹp và giá trị của nó. Chiếc áo dài vẫn mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân đất Việt, là biểu tương nét đẹp văn hoá của người phụ nữ Việt Nam. 
Bạn tham khảo ạ! 
Chúc bạn học tốt! ^^ 

Mỗi một quốc gia có một trang phục truyền thống thể hiện bản sắc riêng của đất nước mình. Nếu như Nhật Bản có kimono, Hàn Quốc có hanbok, Trung Quốc có sườn xám thì Việt Nam lại nổi tiếng với tà áo dài. Áo dài đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Áo dài đã có từ lâu đời và trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử. Không ai biết áo dài có từ bao giờ. Sự định hình cơ bản của áo dài Việt Nam bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được lấy cảm hứng từ áo sườn xám của Trung Quốc.

Áo dài gồm có thân áo và quần ống rộng.

Thân áo được tính từ phần cổ xuống eo, từ eo thân áo được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ ở ngang hông. Trên thân thường được trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn hay thêu các bài thơ. Cổ áo truyền thống là loại cổ thuyền, cao từ 4- 5 cm, ngày nay cổ áo được biến tấu khá đa dạng thành cổ tròn, cổ chữ u, có thể đính thêm ngọc hoặc đá quý.

Tay áo ôm sát tay, dài đến cổ tay. Hàng cúc của áo được may từ cổ chéo sang vai rồi xuống ngang hông, thường là dạng cúc bấm. Quần áo dài là quần ống rộng, may chấm gót chân, có thể cùng màu hoặc khác màu so với áo, nếu khác màu thì thường là quần trắng làm bằng lụa sa tanh, phi bóng. Loại vải để may áo dài cũng khá phong phú: vải nhung, vải tơ tằm, vải lụa nhưng có đặc điểm chung là mềm, nhẹ, thoáng mát.

Áo dài Việt Nam vừa giữ được sự truyền thống xa xưa vừa có những cách tân hiện đại để phù hợp với nhu cầu. Trang phục này có thể mặc đi chơi, cũng có thể mặc đến nơi công sở. Hình ảnh cô học trò mặc áo dài trắng đi trên hè phố, tà áo tung bay trong gió đã lôi cuốn biết bao ánh nhìn, làm say đắm biết bao con tim. Các bà, các mẹ mặc áo dài đi lễ chùa.

Đối với mỗi lứa tuổi có một sở thích khác nhau về màu áo, họa tiết, hoa văn nhưng áo dài trắng vẫn là đẹp và tinh khôi nhất. Áo dài cũng là trang phục truyền thống vào những ngày lễ tết hay cưới hỏi. Mặc áo dài giúp cho người phụ nữ khoe được mọi vẻ đẹp duyên dáng, đằm thắm, ý nhị của mình. Chính vì thế, mỗi chiếc áo chỉ dành riêng cho một người, gắn với những đặc điểm cơ thể của người ấy.

Để có thể tạo nên chiếc áo dài đòi hỏi người thợ may phải công phu, khéo léo. Trước tiên phải lấy số đo thật chuẩn, sau đó kỳ công trong từng đường kim, mũi chỉ mới may được một chiếc áo dài đẹp. Nhiều nhà may đã gắn liền tên tuổi của mình với chiếc áo dài nhưng áo dài được may ở Huế vẫn là đẹp nhất. Với người mặc, cần phải giặt áo dài bằng tay, phơi nắng nhẹ và là ủi để áo dài không có những nếp nhăn.

Áo dài thực sự đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ duyên dáng trong tà áo dài đã tốn không ít giấy mực của những người nghệ sĩ:

"Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng"

(Áo trắng).

Màu áo dài làm nên một huyền thoại:

"Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh".

Áo dài đã gắn liền với tâm hồn người Việt từ nghìn đời nay: "dù ở đâu, Pari, Luân-đôn hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...". Dù thời gian có trôi đi, áo dài vẫn sẽ mãi mãi trường tồn với đất nước và con người Việt Nam.

Câu hỏi trong lớp Xem thêm