Thuyết minh món ăn dân tộc em

2 câu trả lời

Em tham khảo câu trả lời dưới đây nhé:

1. MB:

- Giới thiệu món ăn

2. TB:

- Nguồn gốc: từ thế kỉ XX

- Cách chế biến:

+ Sợi phở làm bằng nột gạo

+ Nước dùng: nước ninh xương

+ Gia vị: thịt, cà chua, hành,...

- Các loại phở: phở bò Nam Định, phở Hà Nội,...

-- Phở trong đời sống hiện nay

- Phở trong nghệ thuật

- Phở trong văn hóa

3. KB:

 Suy nghĩ của bản thân

* Bài làm: 

Việt Nam là đất nước được du khách nước ngoài biết đến với nhiều món ăn ngon nổi tiếng thế giới. Trong số các món ăn đó không thể không kể đến món phở truyền thống của dân tộc. 

Món phở ra đời vào đầu thế kỷ 20, nơi xuất hiện đầu tiên vẫn còn tranh cãi, người thì nói Nam Định nhưng cũng có người cho rằng Hà Nội là nơi biến món ăn trở nên nổi tiếng đại diện cho nền ẩm thực nước ta.

Món phở theo thời gian có nhiều biến chuyển, trước kia chỉ là phở bò chín nhưng dần dần xuất hiện phở tái, phở gà, phở cuốn, phở xào, phở rán…rất nhiều những loại phở khác nhau làm đa dạng thêm những món ăn của nền ẩm thực Việt.

Phố có đặc điểm rất riêng biệt khi chỉ ăn một mình không dùng kèm với các món ăn khác, người Hà Nội thường ăn phở chủ yếu vào buổi sáng, còn du khách đến với Hà Nội có thể ăn vào bất kì thời gian nào trong ngày đều được, các quán xá mở suốt ngày sẵn sàng phục vụ. Phở dùng nguyên liệu chính là bánh phở màu trắng thành phần chính từ gạo. Nước dùng hay còn gọi là nước lèo chính là tinh túy của món phở, nước dùng ninh bằng các loại xương và hương liệu khác như gừng, quế, hoa hồi, đinh hương, thảo quả…mỗi người lại có bí quyết riêng để nấu nước dùng giúp thực khách ngon miệng. Mỗi bát phở sẽ ăn kèm với một số rau gia vị ví dụ hành tây, rau húng, vài miếng chanh, rau thơm,tương ớt…ăn kèm với loại rau nào cũng tùy theo vùng miền.

Khi đến một quán phở Hà Nội, chủ quán sẽ mang đến cho bạn menu chọn loại phở ví dụ như phở bò, phở gà. Khi khách hàng gọi 5 phút sẽ có một bát phở nóng hổi, thơm lừng đặt trước mặt, thực khách thêm vào ớt, chanh và hạt tiêu. Trộn đều lên với nhau, cầm bát lên ngang mặt và thưởng thức sự tinh túy bên trong.

Nhắc đến phở nhiều nhà văn đã đưa vào thơ ca ví dụ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội), Thạch Lam (Hà Nội 36 phố phường),…theo thời gian phở truyền thống cũng chuyển sang phở công nghiệp theo dạng đóng gói như phở chay, phở ăn liền giúp người ăn tiện lợi nhanh chóng thưởng thức mà không cần phải ra quán xá. Chính điều này đã giúp món ăn này trở nên rất phổ biến len lỏi vào từng gia đình.

Nền ẩm thực nước ta đa đạng, phong phú, trong đó phở là biểu tượng ẩm thực Việt. Món ăn bổ dưỡng nay đã được phổ biến trên toàn thế giới, người Việt xa xứ có thể đến quán ăn có món phở thưởng thức bất kì lúc nào khi nhớ về quê nhà. Còn gì tuyệt vời khi mỗi buổi sáng được ăn một bát phở nóng hổi, thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Giới thiệu món bún riêu cua :

Tôi may mắn vì được sinh ra ở một vùng quê thanh bình, yên ả với những kỉ niệm của tuổi thơ cùng lũy tre làng, con trâu, bờ ruộng, cánh diều…Cứ sau những ngày mùa, lũ chúng tôi thường tụm năm, tụm bảy rủ nhau ra ruộng bắt những con cá, con cua, con tôm, con ốc…. về làm những món thơm ngon bổ dưỡng như ốc luộc, cháo cá hay món bún riêu cua. Những thức quà chân quê ấy đối với tôi thực sự không có một thứ sơn hào hải vị nào sánh bằng. Và có lẽ, bún riêu cua sẽ mãi là món ăn thơm thảo nhất đối với tôi và mọi người.

Bún riêu cua là món ăn đặc trưng của đồng quê Việt Nam, được làm từ những nguyên liệu dân dã, quen thuộc với các vùng nông thôn. Bạn có thể bắt gặp hương vị của bún riêu cua ở những xóm chợ thôn quê, ở các ngõ, vỉa hè con phố, hay trên những chiếc gánh nhấp nhô dưới nón lá của những người phụ nữ kiếm tiền mưu sinh.

Ừ thì bún riêu cua mang cái bình dân, mang thương hiệu của vùng nông thôn, của những người tảo tần với đồng ruộng nhưng nó lại là món quà ẩm thực tuyệt vời cho tất cả mọi người. Bún riêu cua là một trong hàng trăm món ăn dân dã được người Việt Nam từ nông thôn tới thị thành ưa chuộng bởi nó vừa hội tụ ba yếu tố: Ngon-bổ-rẻ, vừa có hương vị đậm đà và hình thức vô cùng hấp dẫn.

Cắn miệng đậu hũ rán vàng ruộm, óng mỡ hay miếng gạch cua bùi bùi, bạn sẽ không khỏi xuýt xoa trước vị chua ngọt và thơm cay từ miếng ăn. Bún có vị chua thanh, ăn mùa hè rất mát nên được nhiều người ưa thích, kể cả khách du lịch nước ngoài.

Cua sinh sống ở ruộng lúa được người dân bắt về, rửa sạch, bóc mai, cho thân và chân vào cối giã nhuyễn, lọc lấy nước để nấu thành canh hay riêu. Gạch cua được khêu từ mai, đem chưng với mỡ, hành khô, thêm chút gia vị để đậm đà.

Nước dùng là thứ thiết yếu quyết định sự thành công của món ăn. Người nấu dùng nước cua để làm nước dùng,đôi khi còn có cả nước xương heo. Khi nước sôi, thịt cua màu nâu sẫm bắt đầu nổi lên, đóng váng thành từng lớp mỏng là dùng được.

Ngoài ra bún ăn kèm cũng phải được lựa chọn tỉ mỉ. Đó là loại bún rối hoặc bún lá, sợi to, mềm để khi chan nước dùng ăn dai và không bị nát. Người ta rán thêm vài miếng đậu hũ để ăn kèm với món này. Nhiều người còn cho thêm giấm bỗng,cà chua cắt múi cau cho vào nồi riêu để tăng hương vị. Những miếng cà chua nổi đỏ rực cả mặt nồi trông rất hấp dẫn. Thịt cua ăn ngon và bổ dưỡng,đạm nhiều mà không ngấy. Bún riêu thường thêm chút mắm tôm để tăng thêm vị đậm đà, ăn kèm với rau ghém. Sợi bún óng mướt, chan riêu cua nóng lên trên,gạch cua màu vàng sậm, mỡ màng, sóng sánh trên bát bún. Thêm vào đó vài lát cà chua hồng thái nằm trên, thêm chút ớt tươi, lát chanh ăn với rau thơm các loại. Bún riêu cua phải ăn nóng mới ngon, vừa ăn vừa thổi, xuýt xoa bởi cái vị cay cay nơi đầu lưỡi của ớt, của vị ngọt béo của cua. Nếu phở ngon ở vị béo ngọt và ngậy thì bún riêu cua lại hấp dẫn ở sự tổng hòa đến tuyệt vời giữa vị ngọt đậm của thịt cua đồng, cái dơn dớt chua chua của nước dùng, cái thanh thanh của sợi bún và cái tươi mát của rau sống. Có ai ngờ món ăn thơm ngon đến như vậy lại được làm bằng nguyên liệu dân dã chốn đồng quê. Cũng bởi vậy, mà nhiều người nói rằng, cứ ăn bún riêu cua là lại nghĩ về quê nhà, thật chả sai chút nào!

Thời gian trôi qua, giờ đây không phải lúc nào tôi cũng được ăn bún riêu cua do bà và mẹ nấu. Mỗi lần muốn thưởng thức hương vị một thời, tôi phải ra các hàng quán. Cũng giống nhiều món ăn dân dã khác, bún riêu cua không chỉ là một sản phẩm vật chất đầy sáng tạo của những người mẹ, người chị Việt Nam đảm đang khéo léo mà nó còn là niềm vui tinh thần gắn kết những mối dây tình cảm ruột thịt của gia đình cùng tình nghĩa xóm giềng và quê hương thân thiết, không thể nhạt phai.