Theo em, việc tìm hiểu , nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh có ý nghĩa như thế nào? Giúp mình câu này với ạ

2 câu trả lời

Theo em, việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh có ý nghĩa như sau:

- Giúp mỗi người hiểu thêm được về đặc điểm, ý nghĩa của một nền văn hóa nước ta.

- Nâng cao ý thức trân trọng, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Sa Huỳnh.

- Tuyên truyền rộng rãi đến mọi người xung quanh về ý nghĩa mà văn hóa Sa Huỳnh đem lại.

Theo em ,việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh có ý nghĩa như thế nào:

Dấu ấn của một nền văn hoá chói lọi thời sơ sử

Một mẩu tin ngắn công bố việc phát hiện những quan tài bằng gốm đầu tiên tại đầm muối Sa Huỳnh do bà M. Vinet (nhân viên thuế quan tỉnh Quảng Ngãi thời đó) viết trên tập san Trường Viễn đông Bác Cổ vào năm 1909 đã trở thành dấu mốc mở đầu cho một nền  văn hóa khảo cổ nổi tiếng. Các nhà khảo cổ đã lấy địa danh nơi di tích đầu tiên được phát hiện để đặt tên cho nền văn hóa đó: văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng phải sau đó hàng chục năm, vào năm 1923, một cuộc khảo cổ mà giới chuyên gia gọi là “đào bới phi khoa học” mới được thực hiện tại di chỉ đầu tiên. Và một năm sau đó, chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu về nền văn hóa này được công bố.

Kể từ đó đến nay, có khoảng hơn 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, trong đó hàng chục địa điểm đã được khai quật. Ít nhất có ba cuộc hội thảo quốc gia về văn hóa Sa Huỳnh đã được tổ chức vào các năm 1981, 1995 và 1999. Cùng theo đó, hàng trăm báo cáo khoa học, luận án tiến sĩ, đề tài khoa học đã được thực hiện.

Cho đến nay, những nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài và trong nước đã về cơ bản nhận diện về văn hoá Sa Huỳnh, là một nền văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại sắt, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ I, II sau Công nguyên. Địa bàn phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ mà trung tâm hiện thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Dựa vào những phát hiện mới nhất, các nhà nghiên cứu cho rằng vùng biên của dấu vết văn hóa Sa Huỳnh còn có thể ra đến tận Hà Tĩnh ở phía bắc và  tới khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận ở phía nam và vùng Đông Nam Bộ. Văn hóa Sa Huỳnh còn có mối quan hệ giao lưu với các nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và các nền văn hoá khác ở Đông Nam Á.

TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học nhận xét rằng, qua một thế kỷ, việc nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã tiến lên những bước nhận diện mới:  Không gian phân bố mở rộng hơn, có sự giao thoa với nhiều nền văn hóa khác và phân bổ trên nhiều vùng sinh thái: đồi núi, đồng bằng, sông hồ... với hệ thống hiện vật phong phú. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, sưu tập về văn hóa Sa  Huỳnh cho đến nay vẫn còn nhiều khoảng trống, và mặc dù nhận thức rõ ràng, nhưng nghiên cứu thì chưa được thấu đáo, giả thiết vẫn nhiều hơn chứng cứ. Cuộc trưng bày nhân 100 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh đang mở cửa tại Bảo tàng Lịch sử lại một lần nữa nhắc nhở các nhà khoa học về những vấn đề đang đặt ra cần được nghiên cứu thấu đáo.

Những phát hiện mới

Sáng nay 8-7 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khai mạc phòng trưng bày “Sa Huỳnh – 100 năm phát hiện và nghiên cứu. Hơn 100 tư liệu, hiện vật chọn lọc, đặc biệt là những hiện vật mới phát hiện ở các di tích Bình Châu, Long Thạnh (Quảng Ngãi), Lai Nghi (Quảng Nam) và Bãi Cọi (Hà Tĩnh)chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và nổi tiếng này. Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Nhân học và Viện Khảo cổ học phối hợp tổ chức.TS. Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho biết, sắp tới vào trung tuần tháng 7-2009 sẽ có một cuộc hội thảo quốc tế về văn hóa Sa Huỳnh tổ chức tại Quảng Ngãi.

Sau một trăm năm phát hiện và nghiên cứu, những di tích mới vẫn tiếp tục được phát hiện, những hiện vật mới bất ngờ và phong phú vẫn được tìm thấy.

Việc phát hiện và khai quật cụm di tích Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt trong những năm 90 thế kỷ XX đã gây “chấn động” giới khảo cổ học và sử học. Đó là những bãi mộ chum lớn với hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chất liệu cũng như loại hình. Đồ tuỳ táng gồm có kiếm sắt, dao sắt, khuyên tai, hạt chuỗi thuỷ tinh, hạt chuỗi vàng, khuyên tai vàng...

Mới đây nhất là cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Bãi Cọi vào cuối năm 2008 đầu 2009 đã phát hiện những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa  Huỳnh như khuyên tai hai đầu thú, mộ bình, mộ nồi chôn đứng, mộ chum... và rất nhiều hiện vật gốm như chum, vò, bát bồng, nắp nón cụt, khuyên tai ba mấu bằng thuỷ tinh và đất nung... Đặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào được trưng bày trong chuyên đề “Sa Huỳnh-100 phát hiện và nghiên cứu” đã khiến nhiều khách tham quan ngạc nhiên. Chum có hình cầu, miệng chum up chiếc nón cụt. Ở viền miệng chum có trang trí văn chấm thô, văn khắc vạch, vai chum trang trí hoa văn đập chéo, thân chum trang trí văn thừng.

Chính những phát hiện này cho thấy, dù đã tròn một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, nhưng văn hóa Sa Huỳnh vẫn luôn tiềm ẩn những bất ngờ, không những thú vị mà còn là thách thức với các nhà khoa học.

Cần có một bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh?

Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa thuộc thời đại sắt sớm, cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm, có nguồn gốc bản địa, với địa bàn phân bố rộng, tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, có mối quan hệ giao lưu với các nền văn hóa đồng thời, nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Sa Huỳnh có thể được coi là một trong ba nền văn hoá nổi tiếng được thế giới biết đến, là một trong ba đỉnh cao chói sáng của văn minh thời sơ sử, cùng với Đông Sơn và Óc Eo. Cũng như Óc Eo và Đông Sơn, thành tựu nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh cho đến nay đã được thừa nhận, ghi nhận các giai đoạn phát triển đa tuyến, chứng minh yếu tố bản địa và đồng thời có sự hội nhập với bên ngoài. Cũng cùng với Đông Sơn và Óc Eo, Sa Huỳnh đã tạo nên cái lõi vật chất để hình thành nên những nhà nước sơ khai, nền móng của nước Việt Nam ngày nay. Liên tiếp những phát hiện mới đã cho thấy hệ thống hiện vật vô cùng phong phú. Đó là cơ sở để TS. Phạm Quốc Quân cho rằng, cần thiết phải có một bảo tàng chuyên đề dành cho văn hóa Sa Huỳnh.

“Đến nay, khối lượng di sản về văn hóa Sa Huỳnh có thể nói là đồ sộ và ký thú, không kém một nền văn minh cổ nào trên thế giới, nhưng dường như không mấy ai mường tượng nổi, bởi chúng bị xé nát thành những sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở một số bảo tàng Việt Nam. Vậy nên tôi rất mong muốn có thể xây dựng một bảo tàng để tập trung giới thiệu hệ thống và toàn diện những thành tựu về phát hiện và nghiên cứu  văn hóa Sa Huỳnh”.

Cũng theo gợi ý của các nhà khảo cổ, Bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh có thể xây dựng ở Quảng Ngãi, nơi  tập trung di tích và chứa đựng nhiều hiện vật phong phú.