sưu tầm các thông tin về kinh tế của trung quốc hiện tại ? (lịch sử) chính sách, quá trình thay đổi phát triển kinh tế ở trung quốc ? mối quan hệ giữa việt nam và trung quốc ?
1 câu trả lời
I. Tình hình phát triển
Theo nghiên cứu của công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc ngân hàng Thế giới công bố mới đây, doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc chiếm 33% GDP. Nếu bao gồm trong đó cả các hộ nông nghiệp thì tỷ lệ trên sẽ là 51%. nếu cộng thêm các loại hình kinh tế tập thể đang được tư nhân hoá ở mức độ khác nhau, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực ngoài quốc doanh sẽ là 62%.
Kể từ năm 1980 đến nay, tăng trưởng bình quân hàng năm của kinh tế tư nhân ở Trung Quốc là 70%. Thời kỳ kinh tế tư nhân phát triển mạnh nhất là những năm từ 1993 đến 1995, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của năm cao nhất đạt 82%. Nhưng sau đó đã phát triển chậm lại.
Tình hình doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc
Năm
1992
1998
1999
Số doanh nghiệp (1000 đơn vị)
139,6
1.201
1.486 (tháng 1-11)
Số nhân viên (1000 người)
2.320
17.000
19.014(tháng 1-11)
Tổng giá trị sản lượng (tỉ NDT)
20,5
585,325
370,5(tháng 1-6)
Nguồn: Số liệu do phòng tư liệu của tờ Liêu Vọng (Trung Quốc) sưu tập, chỉnh lý.
Theo thống kê trên, tính đến tháng 11-1999 Trung Quốc có 1.486.000 doanh nghiệp tư nhân với tổng số người tham gia hoạt động là 19.014.000, so với năm 1998 tăng 285.000 doanh nghiệp và 2.000.000 người. Nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng so với những năm đầu thập kỷ 90 thì đã giảm, đặc biệt là sự giảm sút rõ rệt giá trị sản lượng.
Về quy mô doanh nghiệp tư nhân, đã có một số doanh nghiệp vươn lên thành những tập đoàn kinh tế lớn. Doanh nghiệp tư nhân do bốn anh em họ Lưu sáng lập năm 1982, nay đã trở thành Tập đoàn Tân Hy Vọng, đứng hàng thứ ba trong 100 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Trung Quốc. Hiện tập đòn có 70 nhà máy và gần mười ngàn lao động với số vốn lên tới gần 100 tỷ NDT. Ngoài việc sản xuất thức ăn gia súc với sản lượng bốn triệu tấn/năm, Tập đoàn còn kinh doanh nhà đất, tài chính, đầu tư ngân hàng, xuất nhập khẩu, sản xuất hoá chất cơ bản, công nghệ mạng điện tử, công nghệ sinh học
Đánh giá về tác động của kinh tế tư nhân đối với phát triển kdt Trung Quốc, giáo sư Lưu Vĩ, Đại học Bắc Kinh cho rằng, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% năm trong 20 năm qua thì kinh tế ngoài, trong đó chủ yếu là kinh tế tư nhân đóng góp tới 7 - 8% . Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc đánh giá: sự phân bố hợp lý mọi nguồn lực do chuyển sang kinh tế thị trường vừa là động lực và là kết quả của sự phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có kinh tế tư nhân trong suốt 20 năm qua. Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Điền Kỷ Vân trong báo cáo đọc tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá IX đã khẳng định: "Đối với sự nghiệp phát triển sức sản xuất của nước ta, kinh tế tư doanh cá thể không chỉ thúc đẩy tăng trưởng, làm phồn vinh thị trường, làm thuận lợi cho sinh hoạt của dân chúng, phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong việc làm tăng tích lũy xã hội mà còn thu hút nhiều lao động dư thừa, viên chức về hưu (trong hai năm 1997, 1998 đã thu hút 6,5 triệu viên chức về hưu) góp phần quan trọng vào ổn định xã hội.
Do vai trò to lớn của kinh tế tư nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt khi đất nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên sự chững lại của khu vực kinh tế tư nhân mấy năm qua đã thúc đẩy Trung Quốc điều chỉnh chính sách, thực hiện biện pháp khắc phục.
II. Điều kiện, môi trường mới cho sự phát triển
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng chững lại của nền kinh tế tư nhân thời gian gần đây, một là do một số doanh nghiệp tư nhân không thích ứng kịp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hai là do nhân tố chính sách, ba là một số vùng, một số ngành vẫn còn tâm lý kỳ thị kinh tế tư nhân
Nhân tố chính sách luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc. Do vậy, trên cơ sở quan điểm coi kinh tế ngoài quốc doanh là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường XHCN của Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong HIến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ hai quốc hội khoá IX năm 1999 đã khẳng định: "Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh". Tại kỳ họp này, "Luật doanh nghiệp 100% vốn cá nhân" đã được thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1-1-2000. Gần đây hơn, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc họp trong tháng 10-2000 đã nhìn nhận tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005) và cam kết hỗ trợ, khuyến khích hướng dẫn sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Sau khi Nhà nước xác định vị trí cần có của kinh tế tư nhân, người ta thấy môi trường mới, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đang hình thành.
Một là, Nhà nước Trung Quốc đang từng bước thực hiện chính sách phá bỏ hàng rào hạn chế ngành nghề, giải quyết những khó khăn trong việc vay vốn, giảm những hạn chế trong việc đầu tư trực tiếp trên thị trường vốn đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong đó bao gồm kinh tế tư nhân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Hai là, nhiều quyết sách kinh tế lớn đang được Nhà nước tập trung đẩy mạnh đều mở ra địa bàn hoạt động phong phú cho các doanh nghiệp tư nhân. Trước hết phải nói đến việc Trung ương đẩy nhanh thực hiện. Quyết định ngành nghề hoá khoa học kỹ thuật, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật tư nhân, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân chuyển sang mô hình khoa học kỹ thuật. Việc này không chỉ thúc đẩy phát triển nhanh thành phần kinh tế tư nhân mà còn thúc đẩy kinh tế tư nhân điều chỉnh, nâng cấp cơ cấu. Trong bài "Kinh tế dân doanh Trung Quốc bước sang thế kỷ XXI", sau khi phân tích ưu thế của doanh nghiệp tư nhân trong thời đại kinh tế tri thức đã nhấn mạnh, "các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật tư nhân được chấn hưng sẽ nắm sứ mạng lịch sử đưa Trung Quốc tiến nhanh vào thời đại kinh tế tri thức". Thứ đến là quyết sách đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, điều chỉnh chiến lược cục diện kinh tế quốc doanh của hội nghị Trung ương 4 khoá XV. Sự điều chỉnh mang tính chiến lược này tất yếu sẽ mở ra một không gian rộng lớn cho sự phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có kinh tế tư nhân. Chiến lược phát triển miền Tây bắt đầu khởi động cũng được xem như một quyết sách kinh tế lớn, tạo không gian phát triển rộng lớn cho các loại hình sở hữu tư nhân, cá thể ở các tỉnh miền Tây, đồng thời cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân ở các miền khác hướng về đây cùng phát triển.
Ba là, điều kiện phát triển của chính thành phần kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đến nay đã chín muồi. Theo Trương Hậu Nghĩa, nghiên cứu viên Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc thì sang đầu thế kỷ XXI có 4 nhân tố chủ yếu thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Một là, chính quyền địa phương sẽ ngày càng coi trọng việc phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, hai là các doanh nghiệp cá thể - đội hậu bị của kinh tế tư nhân phát triển nhanh, quy mô ngày càng mở rộng, sẽ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, ba là, trong kinh tế thị trường, tiền đề cơ bản của doanh nghiệp tư nhân sẽ được tăng cường, đó là tiền vốn được tích lũy và lực lượng lao động học tập và dư thừa, bốn là sự chuyển đổi cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước và xí nghiệp hương trấn.
III. Những việc cần làm
Mặc dù môi trường vĩ mô đang ngày càng được cải thiện theo hướng có lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân, một số vấn đề cản trở cho sự phát triển kinh tế tư nhân đã dần dần được giải quyết. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, để có sự phát triển lành mạnh và liên tục của kinh tế tư nhân, Trung Quốc cần phải giải quyết một loạt vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục giải quyết những khó khăn trong việc huy động vốn của kinh tế tư nhân. Nói chung, chính quyền các cấp đã sử dụng nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp tư nhân vay vốn thuận lợi hơn, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để trên phương diện thể chế và cơ chế. Đã đến lúc phải phát triển cơ chế tài chính thuộc nhiều loại hình sở hữu khác nhau, và tính đến các chính sách cho phép doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện có thể phát hành chứng khoán, trái phiếu, và tham gia vào thị trường tài chính trong và ngoài nước.
Thứ hai, cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời "ba loạn" - thu phí loạn, phạt loạn, buôn bán loạn đang hoành hành hiện nay. Hiện tượng các cơ quan quản lý coi kinh tế tư nhân như miếng mồi béo bở, tuỳ tiện thu lệ phí và phạt còn khá phổ biến. Theo điều tra sơ bộ của các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp tư nhân phải chịu từ 30 đến 40 lệ phí, tổng số lệ phí phải nộp thường gấp 3 đến 5 lần số thuế phải đóng.
Thứ ba, cần có biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản hợp pháp của tư nhân. Mặc dù hiến pháp đã sửa đổi ghi rõ Nhà nước bảo vệ lợi ích hợp pháp của kinh tế tư nhân, song chính sách và luật pháp cụ thể vẫn chưa chặt chẽ trong việc bảo vệ hữu hiệu tài sản hợp pháp của tư nhân. Hơn nữa, việc chấp hành luật pháp không nghiêm, do vậy khi bị xâm phạm hoặc xảy ra tranh chấp, quyền lợi của tư nhân thường chưa được pháp luật bảo vệ hữu hiệu. Điều này vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến tính tích cực của kinh tế tư nhân.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính để cơ quan Chính phủ các cấp phục vụ có hiệu quả, không gây phiền hà, nhiễu sách các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay. Về vấn đề này, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình hình Trung Quốc Hồ Yên Cương đề xuất, Chính phủ cần làm tốt vai trò người lãnh đạo và vai trò người phục vụ, người thúc đẩy, trong đó vai trò quan trọng nhất và dễ bị xem nhẹ nhất là vai trò người phục vụ. Chính phủ cần phải cung cấp nhiều dịch vụ hơn để duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Thứ năm, phải khắc phục tình trạng quản lý thiếu quy phạm của các doanh nghiệp tư nhân. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp tư nhân trong cả nước lần thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân quản lý theo chế độ gia tộc: 50,5% bạn đời của các chủ doanh nghiệp làm công tác quản lý doanh nghiệp, 9,8% phụ trách việc mua bán, 20,3% con cái làm quản lý doanh nghiệp, 13,8% phụ trách mua bán. Do vậy có tới 10% số doanh nghiệp được điều tra không có bất kỳ một văn bản điều lệ hoặc quy chế nào.
Thứ sáu, làm thế nào nâng cao trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp tư nhân. Vì theo điều tra, trình độ văn hoá của nhà đầu tư chính hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân thấp: 0,3% mù chữ, 6,4% tốt nghiệp tiểu học, 31,4% tốt nghiệp cơ sở (trung học cơ sở), 41,7% tốt nghiệp cao trung (trung học phổ thông), 19,5% tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, 0,7% trên đại học. Do hạn chế về trình độ văn hoá, có tới 40 % chủ doanh nghiệp không thể đọc được các bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Thứ bảy, làm thế nào ngăn chặn được các hành vi chộp giật trong kinh doanh tư nhân như làm hàng giả, trốn lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an ninh v..v.. đang có khuynh hướng gia tăng.
Thứ tám, làm thế nào thay đổi được quan niệm xã hội không đúng về kinh tế tư nhân, coi những cái thuộc về "tư nhân"đều không tốt - một quan niệm đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm, còn nhiều trở ngại phải khắc phục, song kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh ở Trung Quốc trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI là một yếu tố khách quan. Đúng như Phó Chủ tịch uỷ ban thường vụ quốc hội Trung Quốc Điền Kỷ Vân đã nhấn mạnh trong báo cáo của mình rằng:... kinh tế tư doanh, cá thể là thành phần kinh tế quan trọng, thích hợp với trình độ sức sản xuất đất nước, thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường XHCN, có sức sống mãnh liệt và không gian phát triển rộng lớn".