Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng và sự ra đời của Đảng cộng sản ở nhiều nước dẫn đến đòi hỏi gì ?
1 câu trả lời
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đứng trước những thách thức hết sức nặng nề khi rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Dưới ách độ hộ của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta đã liên tiếp diễn ra theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản nhưng đều lần lượt bị thất bại. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là do thiếu đường lối và một tổ chức lãnh đạo đúng đắn. Trong khi đó, giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX do chưa được trang bị lý luận tiên phong là chủ nghĩa Mác - Lênin nên các cuộc đấu tranh vẫn còn tự phát, chưa trở thành phong trào độc lập. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, đất nước ta bị lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước đúng đắn. Trước tình hình đó, ngày 5 tháng 6 năm 1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua quá trình bôn ba đến hàng loạt các nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng, nghiên cứu nhiều lý thuyết cách mạng ở trên thế giới và khi bắt gặp ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản, từ đó Người đi đến khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất chính là chủ nghĩa Lênin”[1]. Chính vì vậy, sau khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và trở thành người cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao, hoàn thiện tư tưởng cách mạng của mình, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị những điều kiện cho việc thành lập Đảng cộng sản ở nước ta.
Trên cơ sở nắm rõ nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư và trong những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc, đang hòa chung vào trong phong trào yêu nước của các giai cấp tầng lớp khác chứ chưa trở thành một phong trào độc lập. Trong khi đó, chủ nghĩa yêu nước là giá trị tinh thần trường tồn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có vai trò cực kỳ to lớn và là nhân tố chủ đạo quyết định sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta thì các phong trào yêu nước của nhân dân đã diễn ra liên tiếp và sôi nổi. Phong trào yêu nước là yếu tố có trước phong trào công nhân và cả sự ra đời của giai cấp công nhân. Cho nên, trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá trước hết đến những người yêu nước, vào phong trào yêu nước và qua phong trào yêu nước tiếp tục truyền bá vào giai cấp công nhân để giác ngộ giai cấp công nhân.
Bằng những hoạt động tích cực của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, trang bị cho những người yêu nước, những người công nhân Việt Nam một cách nhìn mới về cái đích cần đi tới và về vai trò, trách nhiệm của họ trước vận mệnh của đất nước và dân tộc. Đồng thời, trên cơ sở thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng bước vạch ra những quan điểm chính trị về đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc và truyền bá vào trong nước, khai thông sự bế tắc về đường lối chính trị trong phong trào yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, vào những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến được với những người yêu nước Việt Nam, thâm nhập vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng cách mạng vô sản, cụ thể: trong phong trào yêu nước, những người yêu nước và các tổ chức yêu nước dần ngả hẳn theo khuynh hướng tư tưởng vô sản; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thì phát triển từ tự phát lên tự giác.
Điều đó cho thấy, lúc này, hệ tư tưởng vô sản đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng Việt Nam, điều kiện để thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân đã hoàn toàn chín muồi và sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở nước ta vào cuối năm 1929 đầu năm 1930 chính là sự phản ánh nhu cầu phát triển tất yếu của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một nước không thể cùng một lúc tồn tại nhiều tổ chức cộng sản mà mục tiêu đấu tranh cơ bản là thống nhất. Vì vậy, từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, từ hiện thực lịch sử những thập niên đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những năm 20 cho thấy, quá trình vận động của phong trào cách mạng Việt Nam để đi đến thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam đã hòa quyện các yếu tố: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay từ khi thành lập với quy luật tạo dựng Đảng đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là người lãnh đạo, là lãnh tụ chính trị của giai cấp và cả dân tộc. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và tiến lên CNXH.
Quy luật nêu ra trên đây không chỉ chi phối quá trình thành lập Đảng mà chi phối cả quá trình xây dựng và phát triển của Đảng, trung tâm của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong mọi thời kỳ cách mạng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng, tạo thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Trong xây dựng Đảng, bản chất giai cấp công nhân của Đảng luôn được đề cao và nhận thức sâu sắc, đồng thời Đảng kế thừa và phát triển những tinh hoa trí tuệ và văn hóa của dân tộc, thật sự là người lãnh đạo của toàn dân tộc, được toàn dân tộc thừa nhận và tin cậy.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới với nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi Đảng phải không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Trong xây dựng Đảng, yếu tố cơ bản đầu tiên là Đảng phải chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về lý luận. Bởi “không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động”[2] và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt. Trong Đảng ai cũng phải hiểu và làm theo chủ nghĩa ấy”[3]. Từ quy luật ra đời của Đảng cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là những yếu tố hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Mặc dù hiện nay, khi mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu bị sụp đổ, các thế lực phản động vẫn tìm mọi cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng thực tiễn sự vận động của lịch sử loài người và thực tiễn cách mạng Việt Nam vẫn khẳng định sức sống và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, Đảng phải không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta hiện nay. Trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những luận điểm còn giữ nguyên giá trị, những luận điểm cần nhận thức lại cho đúng và những luận điểm cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh lịch sử mới. Từ đó tuyên truyền sâu rộng đến các cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, phải chủ động đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những yếu tố thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam và nhiều nước cho thấy, vấn đề giai cấp công nhân và vấn đề dân tộc chân chính, đúng đắn không tách rời nhau. Đảng không thể lãnh đạo cách mạng thành công nếu không quy tụ thành một khối cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc. Đảng từng trải và trưởng thành cũng từ phong trào cách mạng của cả giai cấp và dân tộc. Qua hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, là lực lượng sản xuất cơ bản, chủ yếu, quyết định phương hướng, tốc độ phát triển nền kinh tế quốc dân; lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Giai cấp công nhân còn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực, quan trọng vào việc tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước và uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, giai cấp công nhân Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế. Khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam yếu; số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế. Công nhân thiếu việc làm gia tăng, tiền lương, thu nhập thấp. Tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Ðảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội…Vì vậy, Đảng phải hết sức chú trọng việc xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.
Để phát huy yếu tố của phong trào yêu nước trong xây dựng Đảng hiện nay đòi hỏi Đảng phải chú trọng lãnh đạo xây dựng và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,... đến ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước, các việc thiện nguyện, các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế,… Đảng phải thường xuyên coi trọng công tác phát triển Đảng trong các tầng lớp nhân dân. Có như vậy thì Đảng mới xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Tóm lại, thực tiễn quá trình vận động của phong trào cách mạng Việt Nam để đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như thực tiễn 89 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã cho thấy, ngay từ khi mới vừa ra đời, cho đến xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Đảng thật sự là người lãnh đạo của cả giai cấp, cả dân tộc. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh để Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, giành được những thắng lợi to lớn kể cả trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh tình hình hiện nay trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới càng đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, tuyên truyền và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể hiện nay; chú trọng phát triển giai cấp công nhân, nhưng đồng thời cũng phải hết sức coi trọng việc khơi dậy và phát huy được các phong trào yêu nước, sức mạnh của toàn dân tộc để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh./.